Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

HOA KÌ NHIỀU CÁI DỞ HƠI !


Quách Liêu

Tôi qua Mỹ thăm con, tận mục sở thị, có vài nhận xét, xin thưa cùng bạn đọc.

1/ Người Mỹ thầm lặng:

Đi Mỹ, tôi không thấy loa phường, tại các ngã tư lớn ở các thành phố cũng không có loa hướng dẫn giao thông, và gần như không nghe tiếng còi xe. Quán xá không “zô zô” hoặc phát ra một âm thanh tương tự nào khác, chỉ thấy lào xào, họ nói nhỏ để người bên cạnh đủ nghe. Trong cái sự thiếu thốn và kìm nén ấy, họ vẫn niềm nở, tươi cười mới lạ.

2/ Phàm ăn, mất vệ sinh, hay đau bụng:

Đi đâu tôi cũng thấy họ luôn mồm nói về những món ăn như “Thanh cừu” (chắc là còn thanh dê nữa), “Sò ri”(chắc là còn sò huyết nữa). Không ít người vừa đi vừa cầm trên tay một cốc cà phê cắm cái ống hút, vừa đi vừa mút, tệ hơn là lắm người cứ vục mồm vào vòi nước công cộng bên đường tu luôn nước lã vào bụng, chẳng vệ sinh gì cả. Tệ nhất là họ hay dắt chó đi chơi, tay lăm lăm một cái túi ni lông, chỉ chờ cưng ị ra là bốc rồi buộc lại bỏ vào thùng rác, khiếp! Vì những thói như vậy nên họ hay đau bụng thì phải. Để giải quyết vấn nạn này, đâu đâu cũng có nhà vệ sinh công cộng, thậm chí trong rừng cũng đặt rất nhiều nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh của họ to đoành, nước, giấy dùng thả phanh, Tào Tháo đuổi mấy vẫn giải quyết được đầu ra. Tôi đã từng sang Trung Quốc,về phương diện nhà vệ sinh công cộng mà nói thì đến tết Cônggô Tầu vẫn cứ là hít khói cho Mỹ! Cũng vì vậy Mỹ nó cóc sợ Tầu.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

NHÂN CHỨNG GẠC MA VÀ HƠN 3 NĂM TRONG NHÀ TÙ TRUNG QUỐC

Bài, ảnh: Trung Hiếu

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

NGÔI ĐỀN Ở CHÂN TRỜI, PHẠM TIẾN DUẬT ĐANG ĐỢI MỘT CON TÊ GIAC...


Phạm Tiến Duật


TNc: Lòng buồn nặng trĩu khi tôi cho chùm bài này lên trang nhà. Không ngờ những dự báo của Phạm Tiến Duật cách đây 10 năm lại là sự thật sao? Nguyễn Khắc Phục bị bệnh trọng đang điều trị tại Viện 103. Chúng tôi đang chuẩn bị gấp để xuất bản tiểu thuyết Hỗn độn của Phục với gần 1000 trang. Cầu mong Nguyễn Khắc Phục vượt qua vận hạn này...

Lời dẫn của nhóm Người Đồng Cảnh- Cách đây đúng 10 năm ( tháng 7 năm 2005), tự nhiên tự lành, chả ai trêu chọc gì cả, nhà thơ Phạm Tiết Duật viết bài thơ "Hỏa thiêu cho một người đang sống" tặng Nguyễn Khắc Phục. Rồi nhà thơ hăng hái viết luôn một bài về tiểu thuyết "Ngôi đền' của bạn ( NKP) vừa in. Chưa hết, nhà thơ còn yêu cầu Nguyễn Khắc Phục cung cấp dữ liệu, thông tin, lý lịch sáng tác, tiểu sử nghệ thuật của mình, đồng thời tham gia biên tập bài tiểu luận "NGUYỄN KHẮC PHỤC - TỪ KỊCH ĐẾN TIỂU THUYẾT, TỪ ÂM HƯỞNG ANH HÙNG VÀ CẢM HỨNG LỊCH SỬ ĐẾN “CÔNG ÁN ĐẠO ĐỨC” VÀ CUỘC HỎA THIÊU NHỮNG ẢO TƯỞNG CÙNG SỰ NỬA VỜI"... Cả nhóm chẳng ai ngạc nhiên, chỉ hơi lạ khi nhà thơ chọn cái tên NGƯỜI ĐỒNG CẢNH cho cả nhóm làm tên tác giả bài tiểu luận này...
Và 10 năm sau, cả nhóm mới ngã ngửa người khi hiểu ra những gì nhà thơ muốn báo trước:
* Tháng 7 năm 2007, Phạm Tiến Duật nằm tại Quân y viện 108, điều trị ung thư phổi, tế bào ác tính đã di căn lên não, ngày 4 tháng 12 cùng năm thì từ trần
* Tháng 7 năm 2015, Nguyễn Khắc Phục nằm tại Quân y viện 103, cũng ung thư phổi, tế bào ác tính hình như chưa di căn, do vậy chưa có "vĩ thanh"
* Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2007, nhóm bạn Trần Nhương, Vũ Cao Phan, Nguyễn Khắc Phục lo bản thảo "Phạm Tiết Duật - Thơ và trường ca", thủ tục in ấn, mise sách, bìa do họa sỹ Hữu Thanh trình bầy, kinh phí in sách chủ yếu do Tiến sỹ Nguyễn Quang A hỗ trợ, phần còn lại do anh em, bạn đọc xa gần hâm mộ thơ Phạm Tiết Duật gửi về. Cuối cùng tuyển tập Phạm Tiết Duật - Thơ và trường ca đã kịp công bố trước khi nhà thơ từ giã cõi đời

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

CHÙM THƠ TRẦN NHƯƠNG


VỚ VẨN MÀ THÔI




Nào những danh gia vọng tộc
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Chức tước xênh sang mũ áo
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Quyền trượng oai phong ngất ngưởng
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Cổ phần, vi la, tiền như cây cỏ
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Vĩ đại vinh quang thống soái
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Tư tưởng bảo hoàng, ngàn trang triết luận
Tất cả đều vớ vẩn mà thôi
.
Ta đắm đuối với câu thơ, bức hoạ
Cũng vớ vẩn thôi nhưng ta được là ta…
Cỏ cứ mướt chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua...
.
31-5-2008
(Rút trong tập thơ Gió làng ta xanh ngát - NXB Hội Nhà văn 2013)

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG: VĂN HỌC VIỆT NAM LẸT ĐẸT...

Nhà thơ Việt Phương
Nguyên Thảo (thực hiện)

Nhà thơ Việt Phương: Văn học Việt Nam lẹt đẹt như bây giờ cũng không có gì lạ
53 năm làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một số năm trong khoảng thời gian đó ông đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn (tổng thời gian làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn là 10 năm), nhưng Việt Phương cũng rất nổi tiếng với tập thơ “Cửa mở” - một tập thơ từng một thời bị cho là “phá phách” chế độ.


Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

CHUYỆN HẬU (HIỆN) ĐẠI HỘI


HT sưu tầm


NVTPHCM- Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam bế mạc buổi trưa, buổi chiều tại phòng ăn khách sạn La Thành, còn một số đại biểu ở miền Nam dùng bữa cuối chờ qua đêm, sáng mai bay về. Bữa ăn sắp kết thúc thì Dương Dương Hảo, người của Ban tổ chức "cắm" ở khách sạn ào vào báo tin: Xin các bác các anh chị nán lại một lúc, tân chủ tịch Hội Hữu Thỉnh sẽ đến "bắt tay" từ biệt.

Bàn ăn nhanh chóng được dọn sạch sẽ, mấy cái ghế kéo sát vào nhau... Lê Khánh Mai bèn mở túi lấy son, rút gương soi tô thêm đôi môi xinh đẹp. Vừa lúc Hữu Thỉnh tươi cười bước nhanh đến bắt tay, Khánh Mai nói lời chúc sức khỏe chủ tịch vừa đắc cử. Trần Thanh Giao vọt miệng đọc:
Tô thêm một chút môi son
Chúc anh sức khỏe để còn... khóa sau...
Hữu Thỉnh cười vang bảo Dương Dương Hảo "kiếm chút gì "lai rai" nhỉ...". Mấy chai bia và đĩa lạc rang nhanh chóng được dọn ra và chuyện nở như... lạc rang. Mấy cô gái hết lời khen báo cáo chính trị Hữu Thỉnh đọc trong đại hội "trình diễn" vừa "có lửa" lại vừa "có tình", khác nhiều với báo cáo đã in trong văn kiện phát trong đại hội. Chẳng hạn như câu "chưa biến được những điều phi thường trong lịch sử thành những điều phi thường trong văn chương" và nhiều câu hay như vậy nữa. Hay như câu "đạo đức của Ban chấp hành là phục vụ hội viên và đạo đức của cán bộ nhân viên văn phòng Hội là phục vụ hội viên" được cả hội trường vỗ tay tán thưởng (sau này ở một nơi khác, có hội viên bảo: đời này thắp đuốc cũng không tìm đâu ra được một "Ô-sin" tận tụy và sang trọng như Hữu Thỉnh?)... Chỉ mong nói vậy và làm vậy...

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

THÁNG BẢY BUỒN


Trần Nhương

Bốn người bị giết ở Nghệ An
Sáu người Bình Phước
Hiếp dâm, cướp giật
Giải phóng mặt bằng máy xúc chèn dân

.
Nghệ sỹ ưu tú
Nghệ sỹ nhân dân
Giải thưởng này kia
Ồn ào bao chuyện
Đại hội chẳng bàn học thuật
Chăm chăm giành ghế chấp hành...

.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

HÃY NGĂN CHẶN TỘI ÁC

Nguyễn Duy Xuân

Dân trí Cái ác dường như có mặt khắp nơi, không chỉ hiện nguyên hình với những hành động giết người bằng dao búa, nó còn len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, âm thầm lặng lẽ thực hiện hành vi tội ác bằng thức ăn, thực phẩm nhiễm độc, bằng hàng giả hàng nhái…
Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vào rạng sáng nay mồng 7/7 làm rúng động dư luận. Có lẽ đây là vụ thảm sát tàn độc nhất từ trước tới nay mà mức độ dã man của nó được dư luận so sánh chẳng kém gì bọn IS bên trời Tây xa xôi.
Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ đưa vụ án ra ánh sáng, những con quỉ dữ gây ra tội ác tày trời này sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Nhưng hậu quả của vụ án có thể nói là rất nặng nề, không dễ gì ngày một ngày hai nguôi ngoai được.
Trước hết là nỗi đau tột cùng của gia đình các nạn nhân. Không chỉ là nỗi đau mất người thân mà còn là sự ám ảnh rùng rợn trước cái chết của họ. Nỗi ám ảnh có thể đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Đấy là vết thương lòng chẳng bao giờ liền sẹo, bất cứ lúc nào cũng làm rỉ máu con tim.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

KHAI MẠC ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ IX

Trần Nhương


SÁNG NGÀY 9-7 KHAI MẠC

542 đại biểu.

Chủ tịch đoàn gôm Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Trí Huân.Nguyễn Thị Thu Huệ ( khác với lần ĐH 8 có 18 thành viên chủ tịch đoàn gôm BCH và một số đại diện nhà văn khác. Lần này CTĐ chơi gọn cả thường vụ khóa 8. Oách) Thư kí đoàn Đàm Chu Văn, Niec Thanh Mai, Nguyễn Bình Phương.
Đến dự có ông phó ban Tuyên giáo TW. Các nhà văn lão thành Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng.Vũ Khiêu
Các đại biểu ngồi theo khu vực, mỗi ghế một tên người. Ngay cửa hội trường có nhân viên bảo vệ mặc sắc phục, ai không đeo phù hiệu đại biểu xin miễn vào hội trường.
Lúc này gần 9 giờ ông Phan Trọng Thưởng đang phổ biến các quy chế đại hội
Giò này Chủ tịch Hữu Thỉnh đang đọc báo cáo chính trị 
 
Chủ tich Hữu Thỉnh đọc báo cáo chính trị nêu bật thành tích hoạt động khóa 8. Các nhà văn nhiều người ra sảnh uống cà phê và gặp bầu bạn 

Trần Nhương và Mạc Can (hóa ra cụ Mạc Can kém mình 5 tuổi)

Sau khi nhà văn Nguyễn Trí Huân báo cáo về hoạt động của từng thành viên BCH, đại hội giải lao.
Sáng nay chưa có gì sôi nổi. Các đại biểu đều tâm nguyện trẻ hóa BCH nhưng chưa biết có thắng được lực cản.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

NHỮNG VƯỚNG MẮC THƯỜNG GẶP TRONG SÁNG TÁC (I )


Hoàng Quốc Hải

Nhà văn Hoàng Quốc Hải tại lễ nhân Giải thưởng Văn chương Trannhuongcom

Công cuộc đổi mới đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào nền văn học nước ta. Ít ra là gần mười năm đầu, văn chương nước ta khá khởi sắc. Hàng trăm tác phẩm ra đời, gây ấn tượng sâu rộng trong sinh hoạt xã hội. Bởi nó khuấy động bầu không khí dân chủ, cởi mở và cả sự giải tỏa nỗi bức xúc chưa từng có. Công chúng đang kỳ vọng ở tiếng nói nhà văn.
Đáng tiếc, tính cởi mở và sự thông thoáng của giai đoạn đầu Đổi mới không còn được duy trì. Không khí sáng tác bị chững lại rồi chùng xuống trong khoảng hơn mười năm sau đó.
Hy vọng Hội nghị lý luận,phê bình lần thứ hai này sẽ là cơ hội khai thông sự trì bế và thúc đẩy cho nền văn học nước nhà phát triển.
Xin đi thẳng vào vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Thật khó tìm thấy một nhà văn nào đó học lý luận sáng tác trước khi bắt tay vào viết tác phẩm. Nhưng bằng vào sáng tác phẩm của nhà văn, nhà lý luận phê bình có thể dễ dàng chỉ ra được phương pháp luận sáng tác của anh ta. Mặc dù ( đôi khi) anh ta không thừa nhận.
Vậy phiương pháp luận sáng tác ấy nó xuất phát từ đâu. Phải chăng trong cấu trúc tư duy của nhà văn đã hàm chứa cả phương pháp luận sáng tác.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

MỘT BỘ PHẬN VĂN HỌC DÂN TỘC CẦN ĐƯỢC TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

TS. Nguyễn Thị Việt Nga



NVTPHCM- Nhìn tổng thể, văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 là khu vực văn học phức tạp với đội ngũ sáng tác đông đảo, đa dạng. Đội ngũ ấy phát triển nhanh, đông đảo về số lượng (theo thống kê của một số công trình nghiên cứu, giai đoạn từ 1954- 1975, văn học đô thị miền Nam có khoảng hơn 200 tác giả)…


Trong văn học Việt Nam, có một bộ phận cho đến tận bây giờ dường như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm thoả đáng. Đó là văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Thông thường, khi chưa được quan tâm nghiên cứu thoả đáng thì sự đánh giá cũng khó có thể toàn diện. Đã một thời gian dài, nói đến văn học đô thị miền Nam giai đoạn này, nhiều người nghĩ ngay đến những “đặc trưng cơ bản” của nó là văn học nô dịch phản động, văn học đồi truỵ khiêu dâm và xếp nó vào loại văn học thực hiện âm mưu nô dịch của kẻ thù. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định bên cạnh những tác phẩm “văn học thực dân mới”, văn học đô thị miền Nam còn có các tác phẩm văn học yêu nước tiến bộ, và chỉ văn học yêu nước tiến bộ được đánh giá cao. Như vậy, văn học đô thị miền Nam gần như bị gạt khỏi văn học dân tộc và đã có những giai đoạn gần như bị lãng quên trong khi các bộ phận khác của văn học dân tộc được quan tâm nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và sâu sắc.