Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

VIẾNG BẠN NHẬT TUẤN


Trần Nhương




Tuấn bảo lên Bình Dương chơi với tớ
Cao su ngút ngát thỏa thuê rừng
Muốn gì có nấy tha hồ sướng
Người lạ ở đây không rửng rưng

.
Bạn mời mà bận chưa vô được
Vẫn ngoái Tân Uyên hẹn có ngày
Nào ngờ Tuấn vội đi như trốn
Cái kiếp trần gian lắm đọa đầy

.
Ngoại 70 mươi rồi đơn lẻ bóng
Mấy thuyền mấy bến vẫn đơn côi
Bỏ lại thị thành danh với lợi
Làm người ở ẩn chẳng nâu sồi

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

NHÀ VĂN NHẬT TUẤN TỪ TRẦN !


TN



Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất ở Sài Gòn lúc 6 giờ chiều, ngày 6 Tháng Mười, 2015. Hưởng thọ 74 tuổi. Nhà văn Nhật Tuấn tên thật: Bùi Nhật Tuấn, sinh năm 1942, tại Hà Nội
Nhà văn Nhật Tuấn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in gần 20 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay có tên “Trang 17”, in năm 1978 đoạt Giải nhất Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978. Nhưng tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Nhật Tuấn là cuốn Đi Về Nơi Hoang Dã in năm 1988.

Trang trannhuong.com và gia đình Trần Nhương xin chia buồn tới gia đình Nhà văn Nhật Tuấn. Cầu mong anh linh bạn Nhật Tuấn mà đông đảo bạn bè yêu quý, về cõi thiên thu thanh thản !

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

TẢN MẠN VỀ NHỮNG YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM




Trần Minh Thương


Nghĩ đến tình dục, hay quan hệ tình dục (tiếng Anh: sexual intercourse), còn gọi là giao hợp hay giao cấu, ta thường nghĩ ngay đến việc đưa bộ phận sinh thực khí người nam vào bộ phận sinh dục người nữ.

Gần với khái niệm tình dục, còn có khái niệm “dâm”. Theo tự dạng chữ Hán thì chữ Dâm 淫 viết với bộ thủy, theo nghĩa chiết tự thì chữ nào có bộ thủy là mang ý nghĩa đầm đìa, ướt át, tràn trề, thâm thúy, mê ly, quá sức, quá chừng. Theo Hán - Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì chữ Dâm có ba nghĩa là: quá chừng, không chính đáng và mê hoặc.
Trong văn hoá, tự thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt, con người duy trì nòi giống để phát triển. Trần Ngọc Thêm cho rằng: Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để cho phát triển cuộc sống cần cho con người sinh sôi. Trí tuệ của người bình dân nhìn thấy thực tiễn đó ở một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh và kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam từng tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng: thờ cơ quan sinh dục và thờ bản thân hành vi giao phối. [tr.234, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp tp HCM, 2006]
Ở cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn chưa có thiện cảm khi nhắc đến hai chữ "tình dục" bởi theo họ đó là điều cấm kỵ, là chuyện riêng của hai người trong phòng ngủ, lôi ra trước bàn dân thiên hạ, bàn tán thì chẳng còn ra cái thể thống gì. Lại có người quan niệm những ham muốn, những ý nghĩ về tình dục là "tội lỗi".
Phải chăng chúng ta chưa thoát ra khỏi lối nghĩ khắt khe theo quan niệm đạo đức thời phong kiến, chưa thật sự "giải phóng" chức năng tình dục, dù đây là một hoạt động quan trọng trong quan hệ vợ chồng, là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người.