Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

SỚ TÁO QUÂN 23 THÁNG CHẠP




Lê Anh Vũ (ghi âm)



Cứ đáo lệ hăm ba, tháng chạp
Táo lên trời, tạm gác việc riêng
Giao ban, cắt cử, trao quyền
Khẩn trương báo cáo trình lên Ngọc Hoàng
Có dè đâu giữa đàng tai vạ
Sụp cống ngầm, Táo ngã quay đơ
Va ngay vào bánh ô tô
Người ta khiêng Táo đưa vô Chỉnh hình!

Táo kể luôn nội tình đường sá
Khiến muôn dân vất vả, lao đao
Hơn ngàn tỉ bạc rót vào
Giữa lòng thành phố cớ sao ngập hoài?
- Bẩm, giao thông chuyện dài nhiều tập
Đến sân bay cũng ngập từa lưa
Đường sá làm ẩu, làm bừa
Lam nham, sụt lún mới vừa bàn giao.
Nên tai nạn tăng cao là phải
Thêm nạn xe quá tải “vượt rào”
Siêu trường, siêu trọng, siêu cao
Lao đầu xuống vực, húc vào nhà dân.
Về xây dựng Táo thần khẩu tấu
Thói chủ quan tính ẩu, làm càn
Giàn giáo gây đổ tan hoang
Biệt thự cổ sập, chết oan nhiều người.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

THÁNG CHẠP


Trần Nhương



Tháng Chạp Ất Mùi
Kinh khủng chưa bao giờ rét thế
Cụ Rùa chết ngày 10
Ngày Rằm tuyết đỏ Ba Vì, Yên Tử
Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái
Trâu bò chết hàng trăm
Hoa màu mất trắng 
Quảng Bình sưởi than ba mẹ con bị chết
Gạo cứu đói chuyển về quê kịp Tết
Tháng Chạp như nhát chém cuối năm
Vào nhân dân nghèo khổ

.
Tháng Chạp
Mẹ vẫn xuống đồng cấy cho kịp vụ
Chân lội bùn trong gió rít căm căm
Mẹ làm ra hạt thóc vẫn nhọc nhằn như cũ
Bán mặt cho đất bán lưng cho trời
Mẹ có ăn tàn phá hại gì đâu
Mà cõng bao nợ nần cùng Đất Nước
.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

NUÔI BỐ MẸ GIÀ


Nguyễn Quang Lập


Nói thật mình chẳng lo gì chỉ lo già yếu lẩm cẩm, sống mà phải lụy đến người khác là cái sống buồn chán nhất. Đã từng trải qua hai năm nằm liệt giường, ăn có người đút ỉa có người chùi nên nghĩ đến khi đó mình lại cứ rùng mình. Người già thường hay lẩm cẩm, trái tính trái nết rất khó chiều.

Thành ra nuôi bố mẹ già khổ gấp ba con trẻ. Ăn uống chẳng đáng bao nhiêu nhưng chiều ông bà già thật cực gấp ba mươi lần chiều con trẻ, đừng nói gấp ba. Chẳng có bố mẹ nào muốn làm khổ con cái nhưng trời đày đến cảnh ấy chẳng biết làm sao.


****

Ba mình mất sớm, mất khi ông hảy còn tỉnh táo. Đi như ông thật sướng, trời thương lắm mới cho đi như thế. Mạ mình mất năm 83 tuổi, đi cũng nhẹ nhàng,cả đời không đau ốm gì, trừ lần cuối cùng ốm để mà chết. Nhưng đến tuổi 80 bà bắt đầu lẩn, ăn rồi bảo chưa ăn, ra khỏi nhà là đi lạc lung tung. Lắm lúc phải huy động cả trung đội cháu tỏa ra khắp làng mới tìm được. Rồi ngồi trách, vừa khóc vừa trách, nói ăn cũng không cho ăn, đi chơi cũng không cho đi chơi… hi hi đến khổ.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

THỊ KÍNH NĂM 2000


Mai Vũ

Nhà văn Mai Vũ



“Những ngôi nhà như những gương mặt người tràn đầy kỷ niệm. Có những kỷ niệm cất lên lời nói nhưng có những kỷ niệm lặng câm, không bao giờ cất lên lời nhưng vẫn sống âm ỉ, được ấp iu, lưu dấu vào những lớp vôi hồ loang lổ quanh những bức tường kia, lặng im như chết mãi với thời gian và rồi một ngày kia bỗng rung lên như những quả chuông nhỏ, nấc nghẹn những tiếng than. Những ngôi nhà - những gương mặt người…”
Tôi mở đầu bài viết này bằng một đoạn văn của Ô-xê-na-xêch, nhà văn Tiệp Khắc trong tác phẩm “Rô-mê-ô và Giu-li-et trong bóng tối” mà tôi đã đọc từ thuở còn sinh viên. Đó chính là ngôi nhà 153 phố Triệu Việt Vương - Hà Nội, một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, một cơ sở của Công an Hà Nội và Tổng cục II Bộ Quốc phòng. Là ngôi nhà có hai anh hùng lực lượng vũ trang, đó là đồng chí Nguyễn Tài - Thứ trưởng Bộ Công an và Đại tá Đinh Thị Vân - Anh hùng quân đội. Vậy mà 45 năm về trước nó được chụp cho một cái tên rùng rợn: ổ gián điệp.
Chuyện thật như bịa này ở trời Tây nào vậy? Xin thưa, nó ở ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội. Tôi không dám bịa và xót xa thay, nó liên can đến thân phận thày giáo dạy tôi - thày Đặng Công Toại, một thành viên đại gia đình “Hang ổ gián điệp” 153 Triệu Việt Vương.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

CÁI ĐÚNG HÔM QUA NAY KHÔNG ĐÚNG NỮA !

Vương Trí Nhàn


Ông Tú, nhân vật chính trong truyện ngắn Một thời gió bụi (1991), của Nguyễn Khải là một cán bộ vốn sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu, liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con ở thành phố, làm chân phụ việc bán hàng cho vợ.
Tại sao? Theo cách miêu tả của tác giả, nhân vật tưởng đã rất từng trải ở đây đã thực sự bị sốc trước tình trạng xảy ra trên quê hương. Con người gian giảo lừa lọc. Niềm tin và sự bình thản trong tâm tư không còn. Mối quan hệ thuần hậu giữa người với người đã bị biến dạng.
Chữ lợi làm mờ cả mắt. Người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả đào trộm một ngôi mộ cổ của một bà thứ phi của chúa Trịnh Doanh, bẻ đầu bà ta, để kiếm vàng. Ấn tượng còn lại ở ông Tú là “một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử ”. Quay trở lại với gia đình nơi đô thị, ông nghe một đứa con hỏi : “Về quê có vui không?”, đành đáp: “Cuộc sống gay gắt lắm”. Lại khi nghe hỏi: “Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố”, ông chỉ còn cách trả lời: “Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả” (xem Tuyển tập Nguyễn Khải ba tập, tập III, NXB Văn học 1996, các trang 269 và 280).
Nguyễn Khải từng có nhiều thiên truyện viết về nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước, trong đó có truyện Tầm nhìn xa chế giễu ông Tuy Kiền, phó chủ nhiệm hợp tác chuyên xoay xở kiếm lợi. Văn xuôi Nguyễn Khải hồi ấy cho thấy một nông thôn hài hòa mà sôi động, con người đầy khao khát song rất tự chủ, và luôn tự chứng tỏ là có thể đứng vững trước bất cứ thay đổi nào của thời cuộc.
Nay với Một thời gió bụi, tác giả vẫn sắc sảo như xưa, nhưng lại hai lần đáng ca ngợi vì là một sắc sảo phát hiện ra những gì ngược với niềm tin của mình hồi trẻ. Trong phút xuất thần của ngòi bút, Nguyễn Khải thật đã dự cảm chính xác sự băng hoại của nông thôn cổ điển trước công cuộc hiện đại hóa tự phát có pha một chút dã man hôm nay.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

ĐƯA TIỄN CỤ RÙA


Trần Nhương


Tháng Chạp, ngày 10
Cụ đi trong giá buốt
Cũng không biết Cụ đi ngày nào
Vì khi phát hiện cụ đang phân hủy*
.
Thương thay
khi sống bao người reo hò mỗi khi thấy Cụ
Mà băng hà lầm lũi chẳng ai hay...
.
Thôi Cụ đi đi
Khép lại 600 năm trầm luân khổ ải**
Chứng nhân tao loạn, thái bình
.
Cụ về với Lam Sơn tụ nghĩa ngày nào
Cụ lên Cổ Loa rút móng làm lẫy nỏ thần đuổi giặc
Cụ lên Trường Sơn giữ lấy sơn hà
Cụ ra biển Đông đuổi bọn rập rình xâm lấn
.
Hà Nội hồ Hoàn Kiếm
Gươm Lê Lợi ngày xưa giờ ở nơi nào ?
.
Thôi Cụ về tiên tổ
Mang một phần hồn Hà Nội đi xa
Cụ gửi lại thanh gươm giữ nước
Cho cháu con còn khí phách ông cha...
.

ÔNG VŨ QUỐC HÙNG: DÂN CHỈ TIN ĐẢNG KHI ĐẢNG THỰC SỰ VÌ QUYỀN LỢI CỦA NHÂN DÂN


Ngọc Quang (Thực hiện


(GDVN) - Làm thế nào để Đảng xứng đáng với dân tộc? Làm thế nào Đảng sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong lòng của từng người nhân?

Trước sự kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chia sẻ những suy tư của ông về công tác xây dựng Đảng, lựa chọn cán bộ có đầy đủ năng lực phẩm chất lãnh đạo đất nước.
Nhiều năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tới nay đã có 55 năm tuổi Đảng, ông chờ đợi điều gì ở Đại hội Đảng 12?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi chờ đợi Đại hội Đảng lần này sẽ ra được một Nghị quyết làm sáng tỏ hơn nữa con đường trong tương lai của cách mạng Việt Nam.
Bấy lâu nay, chúng ta bàn nhiều về chủ đề “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Tôi vẫn luôn trăn trở với những vấn đề ấy. Làm thế nào để Đảng xứng đáng với dân tộc? Làm thế nào Đảng sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong lòng của từng người nhân?
Nói xa hơn thì chúng ta trân trọng tất cả các dân tộc khác, nhưng có quyền tự hào về dân tộc mình, chúng ta tự tin khi hợp tác với các quốc gia khác, không phải chỉ bởi sự đoàn kết, ý chí chiến đấu để giải phóng dân tộc trong quá khứ mà còn bởi sự cần cù, thông minh và giàu lòng nhân ái.
Đảng phải làm gì để xứng đáng với dân tộc này? Trong những năm tháng chiến tranh, Đảng đã tập hợp được các lực lượng trong xã hội thành một khối thống nhất, đấu tranh quyết liệt tới cùng vì sự sống của dân, vì quyền lợi của dân.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

LẠY ÔNG TÔI Ở BỤI NÀY


Vương Đình Trung



Vợ hắn reo lên khi nghe xong đoạn tin vừa phát trên tivi. Thị nói với hắn:
- Anh có nghe rõ và hiểu hết ý nghĩa của tin vừa phát không?
- Thì người ta khuyến khích nhà nào đẻ toàn con gái sẽ được thưởng chứ gì. Đó cũng là biện pháp để cân bằng giới tính chứ có gì mà bà phải nhảy dựng lên.
Vợ hắn lườm hắn một cái rõ dài, nói:
- Nhà mình đẻ toàn con gái chắc chắn sẽ được thưởng, quyền lợi sát sườn không mừng sao được.
Hắn bảo:
- Chắc những nhà được thưởng phải có nhiều con gái, chứ nhà mình có mỗi hai đứa thì thưởng gì.
Vợ hắn ra chiều suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi thừa biết trong những dịp đi đây, đi đó, kiểu gì anh chả có con rơi con vãi. Giờ anh đi tìm về đây, nhà minh sẽ thừa tiêu chuẩn ưu tiên, ưu đãi đủ thứ. Vì tôi biết anh chỉ đẻ được con gái mà thôi.
Hắn nạt vợ:
- Này đừng có giả vờ ham thưởng mà điều tra hành tung của tôi trong những chuyến đi công tác đấy nhé. Làm gì có con rơi con vãi mà mơ.
- Tôi thèm vào điều tra với nghi kị, tôi nói thật lòng, con anh cũng là con tôi, đón về mà nuôi chả lợi trăm đường à. Con anh thì được có cha, mẹ nó thì đỡ phải giấu diếm, che đậy, biết đâu nó đang sống khổ cực cùng mẹ nó, lại được đón về chả may mắn sung sướng lắm sao.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

NGUYỄN MINH CHÂU 1968-1973 (II)


Vương Trí Nhàn



Đơn độc


*Tôi thấy sống ở đây, người nào rồi cũng có chỗ không hợp mình, rồi cũng chán. Thằng Sách tẩn mẩn và ti tiện quá — lúc nào cũng lắng nghe theo đuổi tọc mạch một chuyện gì đấy. Ông Khải trắng trợn. Không phải là lưu manh hư hỏng gì, nhưng mà cứ có phần trắng trợn, tôi ghê ghê. Ông Mai muốn lôi tôi vào rất nhiều chuyện mà tôi xa lạ; ông ấy cứ giới thiệu cho mình gặp người nọ người kia. Còn thằng Thiều thích đủ mọi thứ, thấy người ta làm sao thì làm vậy. Nói chuyện với nó cũng nhạt, chẳng bốc được chuyện gì. Còn như ông, sao mà ông phiền muộn sớm thế, cái tuổi của ông đáng nhẽ phải đang là tuổi đàn đúm, thì nó mới là trẻ (Một lần khác: ông nên nhớ rằng không có gì thích bằng tuổi trẻ. Tuổi già bao giờ cũng có cái lố bịch của nó. Ông có mà không biết dùng.)


… Tôi chẳng biết xếp mình vào đâu cả ; không biết như thế nào, nhưng tôi, tôi nhận thấy cách sống của tôi đang là cách sống của một nghệ sĩ đấy. Trước những vấn đề thời sự những vấn đề của đời sống hàng ngày sự phản ứng của mình như thế là vừa phải.
Tôi cho về căn bản đời sống là phải ít yêu cầu thôi. Mình tự lượng sức mình, mình không giúp ai được chút gì, thì mình cũng đừng đòi hỏi ở ai một tí gì cả.
… Suy cho cùng, đối với thằng viết, chỉ có viết là thích nhất.

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

NGUYỄN KHẮC PHỤC, NUMBER ONE !


Tô Hoàng






Đâu đó, vào cuối năm 77 hay 78 của thế kỷ trước, từ Sài gòn ra, Nghiêm Đa Văn tụ họp mấy thằng bạn văn chương tới, vứt cái cassett hòn gạch ra bàn, nói với chúng tôi:” Chúng mày đặt máy kín, hở thế nào tùy. Nhưng làm sao ghi được 1 phút cuộc trò chuyện tay ba giữa thằng Đỗ Chu, con Dương Thu Hương, thằng Nguyễn Khắc Phục, tao sẽ thết đãi chúng mày một bữa thịt chó chợ Hòe Nhai! “. Một bữa thịt chó với lòng dồi thơm phưng phức, với thịt luộc thịt hấp chấm mắm tôm vắt chanh, với nhựa mận nức mùi giềng mẻ..- vào thời buổi đói ăn thuở đó đâu dễ dàng trong tầm tay với của mấy thằng bọn tôi? Nhưng lùa được 3 “cao thủ võ lâm” kia ngồi chung một chiếu, mà còn phải cậy răng để họ đấu hót với nhau càng là thách đố gian nan hơn! Cùng với Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh..lúc này 3 ông bà viết văn xuôi kể trên đang nổi như cồn. Thêm nữa, cả 3 đều rất to mồm, gọi là khí khái cũng được mà coi là hiếu thắng cũng xong. Nghĩa là không ai chịu ai!
Lừa mãi, vài ngày sau, đành trả lại Nghiêm Đa Văn cả máy lẫn băng!

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

CHÚNG TA ĐÃ THỰC SỰ TIN NHÂN DÂN ?

Tiến sĩ Lê Kiên Thành
Thứ sáu ngày 1 tháng 1 năm 2016 7:34 PM



... Những cụm từ “Đảng soi đường”, “Đảng chỉ lối”, “Đảng dẫn dắt” mà chúng ta vẫn hay dùng, vô hình trung đã khiến cho tất cả chúng ta đều có cảm giác Đảng đang vượt lên cả dân tộc và làm cho vai trò rất lớn của nhân dân phần nào bị lu mờ đi. Tôi rất lo sợ, qua năm tháng, chính những câu chữ đó cũng đã tạo ra sự ngộ nhận cho chính những người trong Đảng. Nhưng người Cộng sản không được phép quên rằng, Đảng sinh ra là từ dân tộc này, tồn tại được cũng nhờ dân tộc này, vinh quang được cũng là nhờ dân tộc này, thành công này cũng là do cả dân tộc cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu. Vượt lên trên dân tộc là điều không bao giờ được phép!... - Tiến sĩ Lê Kiên Thành

Là con trai của một người Cộng sản đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, Tiến sĩ Toán – Lý Lê Kiên Thành có một khao khát tột cùng, là Đảng sẽ thực sự vững mạnh, sẽ thực sự là Đảng của dân tộc, của nhân dân, quên mình vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân…