Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

CẢNH BÁO VỀ MỘT LOẠI CƯỜNG HÀO MỚI Ở NÔNG THÔN


Nhà văn Sương Nguyệt Minh


(Tamsugiadinh.vn) - Thật không thể nào tin nổi các loại thu phí, quỹ vô tội vạ ở nông thôn: “Quỹ thôn là 30 nghìn đồng/khẩu, quỹ thanh thiếu niên 30 nghìn đồng/khẩu, quỹ xây dựng hội trường 200 nghìn/khẩu…”. Đứa trẻ vừa lọt lòng cũng phải đóng đủ các loại quỹ. Không nộp thì... bị lùng sục, biên phạt, tịch thu... như trấn lột.
Mẹ con chị Toàn phải làm thêm mới có tiền sống, tiền làm ruộng chỉ đủ để đóng góp cho xã (Ảnh Soha)
Cách đây 31 năm, tôi có đọc phóng sự “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” của nhà văn Phùng Gia Lộc trên báo Văn Nghệ về chuyện bắt nợ - thu sản ở Thanh Hóa chẳng khác gì nạn thu tô bắt thuế thời thực dân đế quốc. Tiếng kẻng liên hồi giục giã, tiếng loa phóng thanh hết cỡ, rồi: “Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹc như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh...”.
Xe đạp, phích, xô, lợn gà, bàn tủ, chum vại... bắt hết. Đến cả lúa giấu trong áo quan “các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!” và lúc “bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt”, cán bộ xã cũng không tha. Lương tâm nhà văn lên tiếng, đòi hỏi, Phùng Gia Lộc đã “không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh”.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

CHUYỆN GIẢI TỎA CHO ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG

Thái Kế Toại



Khi ông Đang ra tù năm 1973 ông vẫn còn bị quản chế 5 năm. Theo tiền lệ thời gian đó Bộ Công an phải nuôi ông mỗi tháng 15 đồng, cũng tạm đủ ăn. Sau đời sống khó khăn số tiền đó không đủ nuôi ông, công an Thái Bình xin thêm, Bộ giải quyết cho 50 đồng nhưng hàng tháng phải cho người trực tiếp lên đơn vị tôi lĩnh về.

Bắt đầu đổi mới, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên xem xét xử lý vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.

Đầu tiên là phải đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Đó là một công việc nan giải vì hồ sơ của vụ án này nhiều hàng mét khối. Giấy tờ đã lưu trữ hàng ba c
hục năm, bản viết tay nhiều, bản đánh máy thì lèm nhèm. Tôi vừa làm công tác lãnh đạo đơn vị vừa tranh thủ đọc các tập hồ sơ cơ bản. Một cán bộ là anh Dương Thanh Hưởng giúp cho tôi. Khi đọc hồ sơ tôi hiểu được bản chất vụ án, phát hiện ra một số tình tiết mà một số bài báo, bản tổng kết sau này đã viết khác đi.

Việc thứ hai là phải rà soát lại toàn bộ nhân sự cùng quan hệ nhóm, quan hệ xã hội, tâm tư, sáng tác, thái độ chính trị của những văn nghệ sỹ đã tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm.

Việc thứ ba l
à đánh giá thái độ của các chính phủ, các cơ quan văn hóa, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề Nhân Văn- Giai Phẩm này.

Kết quả là tôi đã đề xuất cần thực hiện nhanh các biện pháp giải tỏa cho những văn nghệ sỹ đã tham gia nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Đó là biện pháp công tác tích cực nhất góp phần tháo bớt căng thẳng dư luận xã hội và văn nghệ sỹ, góp phần làm cho việc lợi dụng sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm theo chiều hướng tiêu cực giảm đi. Đầu tiên là khôi phục ngay hội tịch cho những người đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật. Thứ hai là cấp lương hưu cho hai ông Nguyễn Hữu Đang và Phùng Cung sau khi đi tù về không có lương, chỉnh lương hưu cho những người đã có lương nhưng quá thấp như Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Thứ ba là bình thường hóa việc in tác phẩm trên báo, xuất bản sách của các ông ở các nhà xuất bản. Thứ tư là dỡ bỏ những rào cản đối với nghề nghiệp, đời sống con cái các ông.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

VẤN ĐỀ XỬ LÍ THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ CỦA TRẦN NHƯƠNG


Nhà văn Nguyễn Hiếu


Đọc “Kim kổ kỳ kuặc kí “của Trần Nhương tôi chợt nhớ đến “chuyện Đông Kí sốt “của Xéc văng tét.Tất nhiên hai cuốn sách này ở hai lĩnh vực, cấp độ khác nhau nhưng nó lại có một điểm chung đó là bút pháp diễu nhại hài hước. Thời Xéc văng tét thị trường sách tràn ngập tác phẩm văn chương các loại kể về kị sĩ với các chiến công kì lạ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu người đọc, nhất là giới trẻ. Vì thế Xéc văng tét nẩy ra ý định viết cuốn tiểu thuyết để diễu cợt thứ tiều thuyết kị sĩ này. Nhưng với thiên tài trong sự cảm nhận và bút pháp của mình, Xéc đã viết nên một kiệt tác để đời. Thực trạng thời đại của giai đoạn lịch sử cuối trung cổ thoát thai ra thời trung đại với những bi, hài kịch về thời đại và thân phận con người đã hiện ra trong hình tượng chàng kị sĩ mặt dài- buồn nhân hậu, ảo tưởng đi tìm người đẹp là nàng Đun Xi nê lý tưởng và đánh nhau với cối xay gió. Còn cuốn tiểu thuyết lấy năm chữ K đặt cho đầu đề của Trần Nhương lại là sự diễu nhại về một thực tế xã hội đáng bị lên án được khu biệt và cá tính hóa thông qua lĩnh vực văn chương.

Cùng với cuốn tiểu thuyết “Phùng Vương” của Phùng Văn Khai tiểu thuyết có tên bằng năm chữ K đầu là hai tiểu thuyết đương đại kết cấu theo hình thức chương hồi cổ điển đã thành danh với “Hoàng Lê nhất thống trí”và xa hơn nữa với hàng loạt tuyệt tác của tiểu thuyết chương hồi Trung hoa cổ với “Hồng Lâu Mộng”, “Thủy Hử”,”Tam quốc”...

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

THU HOẠCH TỪ HÀ TĨNH


Bùi Việt Thắng




Trực chỉ Hà Tĩnh


Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tháng 6 - 2016, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả 6.000 trang tiểu thuyết lịch sử về các triều Lý, Trần đã đặt câu hỏi đầy tính chất gây men cảm xúc tích cực “hướng về đâu văn học?” làm cả khán phòng của Hội đồng văn xuôi xao động và kích thích tranh luận. Cũng chính nhà văn trưởng lão bước vào tuổi tám mươi này, ngay trong những ngày hội nghị, đã trực tiếp đặt vấn đề với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN - về việc cần thiết cử các nhà văn đi vào “tuyến lửa” khu Bốn, cụ thể là vào Hà Tĩnh, mảnh đất khởi sự thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên. Ngay lập tức vị Chủ tịch Hội NVVN đồng ý về ý tưởng, về phương hướng và động viên các nhà văn tham gia chuyến đi thực tế bổ ích cho sáng tác này. Cũng đúng thôi, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, Hội NVVN đã cử các đoàn công tác đến các địa phương phía Bắc xa xôi như Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang. Thì không có lí do gì không cử một đoàn có mặt kịp thời ở một vùng đất đang nóng lên từng ngày, từng giờ. M. Gorki đã nói, đại ý, nhà văn chính là “cơ quan” nhạy cảm nhất (là tai/là mắt) của xã hội. Về Hà Tĩnh thời điểm này có muộn không? Không bao giờ là muộn, và thậm chí muộn vẫn hơn không, như cổ nhân nói. Về Hà Tĩnh lúc này không phải là một cuộc ngao du, thăm quan như thường thấy, mà là về với đời sống của nhân dân cần lao và vĩ đại đang trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.
Đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh thực tế có trưởng lão Hoàng Quốc Hải (được anh em phong là “kiến trúc sư” của đoàn). Năm nay ông đã 79 xuân nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn, người trai trẻ coi chừng thua.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

ĐI TÌM CHU MẠNH TRINH


Mai An Nguyễn Anh Tuấn






Cứ mỗi lần có việc (hay chẳng có việc gì mà chỉ đơn giản là đi vãn cảnh) vào chùa hay một địa điểm văn hóa tâm linh nào đó, không hiểu sao tâm tư tôi lại rung lên trong mấy câu của thi sĩ Chu Mạnh Trinh:

Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
... Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...
(Hương Sơn phong cảnh)

Tôi, cũng như bao thế hệ người Việt ngâm nga tán thưởng bài thơ hát nói này, không chỉ vì sự tài hoa của ngôn từ đã vẽ nên cảnh Bụt một cách trang trọng mà đắm đuối thi vị, mà còn bởi cái cách thưởng thức thiên nhiên, bởi một thái độ văn hóa ở chốn tâm linh. Để có được cái tư thế hòa nhập đáng yêu đáng kính như thế với thiên nhiên và cảnh Bụt, Chu Mạnh Trinh đã có nhiều hơn, cao hơn cái phẩm cách thi sĩ của cụ - đó là Tâm Phật. Mà Tâm Phật này lại chính là sự gặp nhau trọn vẹn của ba vòng đồng tâm: Nhân tính - Việt tính - Phật tính, theo lý thuyết của một người bạn tôi là nhà văn nhà giáo Chu Văn Sơn. Những năm tháng này, những câu thơ lóng lánh tự đáy hồn kia lại thường đến với tôi như một sự xót xa, tiếc nuối, và uất hận, bởi thiên hạ đã phá nát cảnh thiêng như nó cần phải có để dẫm đạp lên nhau tranh giành lợi lộc, để mua thần bán thánh, để những mưu đồ đen ngòm ích kỷ làm ô uế cửa thiền. Người Việt chúng ta có thể nói ai cũng có sẵn trong mình cái Tâm Phật ấy, song dường nó đang bị tiêu tán, bị hủy hoại, bị truy bức - bởi đủ lý do chủ quan khách quan lắm khi thực ngớ ngẩn! Chu Mạnh Trinh và những con người như cụ, hơn bao giờ hết, cần thiết đến chừng nào cho cuộc đời nhiều xáo trộn, đổ vỡ, máu lửa này, và cũng đang khao khát lắng lại trong sự bình yên, trong lành, cùng cái Đẹp của thiên nhiên và Tình người...

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

KỲ ANH


Trần Nhương



Kỳ Anh như chiếc bánh cu đơ
Cong vênh vì nắng nóng
Gió hun cây cỏ hao gày
Đường số Một giòn ra từng khúc
.
Kỳ Anh biển áp bên sườn giông bão
Hoành Sơn chắn lối Đèo Ngang
Kỳ Anh như nắm cơm ngày đói
Như vú già cạn sữa nhăn nheo
Thị tứ Voi xác xơ quán xá
Những cô gái vẫy tay tài xế táp xe vào
Dân Kỳ Anh như hòn đá mồ côi
Hiền lành và gan góc
Nhẫn nhịn và thật tà
.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ


Nguyễn Khôi

Hội viên Hội nhà văn Hà Nội Nguyên Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng VPQH)

(Về cuốn TTLS “Quỷ Vương” của Vũ Ngọc Tiến Nxb HNV 6/2016)


Trước hết cần định nghĩa lại: Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử- chính trị thời sự bởi những vấn đề chính trị ngày xưa qua các “bài giảng” về lịch sử (lời tác giả VNT) và chính trị thời nay thông qua các hình tượng văn chương xuất lộ, đan quyện vào nhau. Bởi thế thiết nghĩ, đọc “Quỷ Vương” không thể chỉ qua một lần là có thể tìm ra hết những mạch ngầm tư tưởng trong đó. Người viết đã bị hút hồn đọc đi đọc lại 3 lần mới chỉ viết ra vài nhận xét nhỏ, nói văn vẻ khôi hài như Nguyễn Quang Lập là những “ý nghĩ vụn” mà thôi…
Lần 1 (7/7/2016): Đây là tiểu thuyết lịch sử viết theo lối hiện đại (không theo chương hồi, lớp lang sự kiện như thông lệ).Về đại thể, tác phẩm dựng lên được lịch sử thời Lê mạt đan cài với “Vương quốc Bil- Kel” thời nay ở tỉnh K heo hút vùng biên.
Phần đầu đậm chất tiểu thuyết (có văn)
Phần giữa tái hiện cổ sử có cảm tưởng như “Đại Việt thông sử” tân biên, nặng về sự kiện “khứ” sử, hơi nghèo về chất tiểu thuyết. Vẫn biết tác giả muốn thử nghiệm loại hình tiểu thuyết giáo trình nên phải trần thuật lại lịch sử nguyên vẹn như nó vốn có, song đã là văn chương vẫn cần sự uyển chuyển, hư cấu thêm vào. Ở đây thiếu tả cảnh, tả tình, độc thoại nội tâm nhân vật, kể cả thiếu đan cài lý số, định mệnh luân hồi của các nhân vật xưa và nay… tạo nên sự cuốn hút.
“Xuân Tây Thi xuất ngoại” là chương đọc thích thú, khá hấp dẫn, cổ- kim đan cài, nhân vật miêu tả sinh động, có nội tâm sâu sắc lại khéo lồng vào việc phê phán một xu hướng đua nhau xây đền- chùa thật to, hao tài tốn lực rất thời sự hiện nay.
Chương “Quỷ quan tranh bá” khá sinh động, tái hiện được sự thật bi thảm của lịch sử trong 30 năm sau khi Lê Thánh Tông băng hà.