Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

MỘT BẢN TUYÊN NGÔN CHỐNG NỘI XÂM


Mai An Nguyễn Anh Tuấn


Kết quả hình ảnh cho bẢN SỚ TẤU

Một bản tuyên ngôn chống giặc nội xâm đầu thế kỷ XVII


Trong lịch sử văn hoá-tư tưởng nước ta, có những bản tuyên ngôn nổi tiếng tới muôn đời: đó là bản tuyên ngôn lập quốc đầu tiên bằng “Thiên đô chiếu” do đức Lý Thái Tổ viết, bản tuyên ngôn chiến trận đời Trần bằng “Hịch tướng sĩ văn” tương truyền của Đại vương Trần Quốc Tuấn thảo, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt bằng áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo thiên hạ” do vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chấp bút, bản tuyên ngôn độc lập thời hiện đại của nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc… Nhưng, ở đầu thế kỷ XVII, có một bản khải văn cũng mang tầm vóc của một bản tuyên ngôn rất đáng đi vào lịch sử thì còn được ít người biết đến. Đó là bản khải văn có thể gọi tên: “Lấy dân làm gốc”(1).
Lần đầu tiên được đọc bài khải văn do nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu, tôi thấy sững sờ, và có cảm giác rõ rệt: dường như tác giả đã viết nó cho cả ngày hôm nay nữa! Đây là một luận văn chính trị sắc bén, chứa đựng những suy nghĩ thấu đáo về thời cuộc, tràn trề xúc cảm, chan chứa tình thương dân, hôi hổi tính thời sự, theo tôi rất đáng được chọn đưa vào SGK phổ thông trung học!
Vào thời xuất hiện bản khải văn, chính quyền Lê-Trịnh tuy đã tương đối ổn định, trong nước đã tạm yên bình, nhưng cuộc nội chiến với nhà Mạc lên miên suốt mấy chục năm đã khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều, nhiều năm mất mùa liên tiếp, trong khi đó nạn nhũng nhiễu dân lành của quan lại đã trở thành hiện trạng nhức nhối có nguy cơ làm nổ tung cơ cấu xã hội, đưa cả dân tộc tới chỗ diệt vong… Trước tình hình đó, vào tháng 9 năm 1612, Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì (NDT) cùng Giám sát ngự Phạm Trân và các đồng liêu đã dâng lên Bình An vương (tức chúa Trịnh Tùng) bài khải bộc lộ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, đồng thời nêu lên “những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai họa thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người”.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

TRƯƠNG TỬU TRONG NHỮNG NĂM 1955 - 1958


Nhà thơ Lê Hoài Nguyên



KD: Đọc được trên FB anh Thái Kế Toại (nhà thơ Lê Hoài Nguyên) bài viết này về Gs Trương Tửu- Nhà giáo, Nhà Văn, Nhà nghiên cứu văn học. VN – một số phận cũng chìm nổi vì dính líu tới vụ Nhân văn Giai phẩm. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ:
———
gs-truong-tuu

Cuối 1954, hòa bình được lập lại sau chín năm chiến tranh. Trương Tửu cùng các đồng nghiệp trở về Hà Nội tiếp quản Đại học Hà Nội. Trước thời điểm này, năm 1953 ông đã được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Trường dự bị đại học tại Thanh Hóa. Năm 1956 Ông được phong hàm Giáo sư cấp II giảng dạy về Lý luận văn học và Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại ở Đại học Văn Khoa và sau là Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bối cảnh lịch sử Việt Nam 1954-1955 hết sức phức tạp. Hai chế độ cùng tồn tại trên hai miền lãnh thổ nhưng còn đan xen vào nhau. Về hình thức thì hòa hoãn, hợp tác việc thi hành Hiệp định Giơ ne vơ, chuyển giao quản lý lãnh thổ, tập kết người từ Nam ra Bắc, di cư người từ Bắc vào Nam theo điều khoản tự nguyện cư trú của hiệp định dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

ĐÙA VỚI NGÀI TRUMP




Tổng thông Mỹ rất biết đùa
Cho nên Trần Lão búa xua mấy lời
Bao giờ ngài đến nước tôi
Rượu nút lá chuối bằng mười Witky
Thịt chó tơ mới dậy thì
Ăn vào sẽ thấy cái gì cũng hăng
Mấy lời cùng với ông Trăm
Tôi chờ ngài đến rượu tăm cất rồi...




Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

VỀ “THĂNG LONG TỨ TRẤN”


Đỗ Tiến Bảng


Kết quả hình ảnh cho Tứ trấn thăng long



( Trao đổi với tác giả bài THĂNG LONG TỨ TRẤN- biên khảo Phùng Thành Chủng, đăng trên trên trannhuong.com, ngày 7,11.2016)


Bài báo của tác giả Phùng Thành Chủng (PTC) đặt vấn đề: “Cụm từ “Thăng Long tứ trấn” hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu: I. Đó là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn mặt kinh thành Thăng Long ( theo tín ngưỡng dân gian)…”; “II. Đó là bốn kinh trấn ( hay còn gọi nội trấn) bao quanh kinh thành Thăng Long, còn nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành từ vòng ngoài mỗi khi kinh thành trực tiếp bị đe dọa…” . Gần như toàn bộ bài viết là lấy từ WIKIPDIA, mục “Thăng Long tứ trấn”, kể cả phần ghi chú thích tài liệu “Tham khảo”.
Vấn đề tác giả đặt ra “hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu”, chưa thấy dẫn nguồn tài liệu để bàn luận, mà chỉ dựa vào trình bày trong mục ở “Từ điển mở’ này.
Khi đặt vấn đề tìm hiểu “nội hàm” cụm từ “Thăng Long tứ trấn”, cần đặt với cụm từ “Thăng Long tứ quán”. Còn “Tứ trấn” phải đặt trong quan hệ khác. Lại nữa, cần thiết phải xét từ “trấn”- Nôm hay Hán - Việt, mặt chữ ra sao; mới có cơ sở để luận giải.
Trước tiên, từ “tứ trấn”, ai cũng hiểu là “4 trấn”. Vậy chữ “trấn” được viết ra sao? Nguyên chữ “trấn” dù là chữ Hán hay Nôm đều viết 鎭 (bộ ‘kim”), từ Hán Việt này có tới 7 nghĩa; trong đó, 2 nghĩa liên quan tới vấn đề đang bàn, là : “yên”, “một khu đất đủ năm vạn người trở lên gọi là ‘trấn’”( Hán – Việt tự điển, Thiều Chửu; “Hán – Việt từ điển, Đào Duy Anh)

THĂNG LONG TỨ TRẤN


Biên khảo Phùng Thanh Chủng


Kết quả hình ảnh cho Đền Quán Thánh

Về cụm từ “Thăng Long tứ trấn” hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu:
I. Đó là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn mặt kinh thành Thăng Long (theo tín ngưỡng dân gian) gồm:
1. Đền Trấn Vũ ở phía Bắc.
2. Đền Kim Liên ở phía Nam.
3. Đền Bạch Mã ở phía Đông .
4. Đền Voi Phục ở phía Tây.
II. Đó là bốn kinh trấn hay còn gọi là nội trấn (ngoài ra là các phiên trấn) bao quanh kinh thành Thăng Long, có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành trực tiếp bị đe doạ. Ngoài ra, vì ở gần kinh thành nên bốn kinh trấn còn là những lực lượng có nhiệm vụ “cứu giá” và dẹp yên nội loạn khi kinh thành có biến. Đó là các trấn:
1) Kinh Bắc.
2) Sơn Nam.
3) Hải Dương.
4) Sơn Tây.
Vậy cách hiểu nào là đúng, cách hiểu nào là sai? Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bốn ngôi đền và bốn kinh trấn được nói trên.
I. Tứ trấn ( 4 ngôi đền) :

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

CHÙM THƠ CỦA TRẦN NHƯƠNG IN TRÊN TC "NHÀ VĂN VÀ TÁC PHẨM" SỐ 19


Trần Nhương


KỲ ANH

Kỳ Anh như chiếc bánh cu đơ
Cong vênh vì nắng nóng
Gió hun cây cỏ hao gày
Đường số Một giòn ra từng khúc
.
Kỳ Anh biển áp bên sườn giông bão
Hoành Sơn chắn lối Đèo Ngang
Kỳ Anh như nắm cơm ngày đói
Như vú già cạn sữa nhăn nheo
Thị tứ Voi xác xơ quán xá
Những cô gái vẫy tay tài xế táp xe vào
Dân Kỳ Anh như hòn đá mồ côi
Hiền lành và gan góc
Nhẫn nhịn và thật tà
.
Kỳ Anh
Mang trên mình nhọt bọc
Ba mươi cây số vuông
Bảy mươi năm nhượng địa (**)
Vũng Áng ơi thăm thẳm nỗi buồn
Như cô gái ép lấy chồng ngoại quốc
Kỳ Anh bất lực
Thiểu năng toàn tập bây giờ.
.