Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

MỘT CÂU HỎI LỚN KHÔNG LỜI ĐÁP



Đặng Văn Sinh

Điều dễ nhận thấy là bài thơ ra đời vào thời điểm những bất cập xã hội đã vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Đó là những dòng cảm xúc bất chợt dâng trào mà điểm nhấn của nó là hàng loạt câu hỏi như những dòng cảm thán được hình thành từ tâm thức của một công dân quá yêu đất nước mình.
Bố cục bài thơ gồm năm khổ, trong đó, mỗi khổ đều mở đầu bằng một câu hỏi tu từ được thiết lập trong mối quan hệ đồng đẳng. Câu hỏi tu từ, nghĩa là, hỏi chỉ để tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ, không cần phải trả lời, bởi câu trả lời đã nằm sẵn trong cấu trúc nội tại văn bản. Đây chính là nét đặc trưng của thi pháp thơ truyền thống, không chỉ với người Việt mà cả với cộng đồng nhân loại.
Các câu hỏi mở đầu cho mỗi khổ thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, “Đất nước mình lạ quá phải không anh”, “Đất nước mình buồn quá phải không anh”, “Đất nước mình thương quá phải không anh”, “Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?”, được xem như cùng một cấu trúc ngữ pháp, sử dụng nhuần nhuyễn lớp từ vựng thông tục, rất gần gũi với đời sống thường nhật, không chú ý đến các biện pháp tu sức nhưng lại có khả năng biến thái linh hoạt, tạo nên giá trị biểu cảm không giới hạn. Thông thường, với thể loại thơ thế sự cảm thán, những câu hỏi tu từ, luôn được bố trí theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng, khái quát (hoặc ngược lại) để diễn tả một hiện tượng xã hội, lịch sử hay văn hóa, cuối cùng, ý tưởng được “gói” lại trong câu kết làm bài thơ bỗng sáng lên, tạo ấn tượng mạnh với người tiếp nhận gọi là thủ pháp nghệ thuật ngôn từ. Ta có thể kiểm chứng đặc điểm này qua bài “Chợ” của Nguyễn Duy với lời đề từ khá hài hước “Kính tặng vợ nhân đầu năm Con Khỉ”. Bài có bốn khổ thì ba khổ đầu sử dụng câu hỏi tu từ ở cấp độ phi đồng đẳng tăng tiến theo trình tự từ cụ thể đến trừu tượng tạo ra không gian cảm xúc đa chiều với nhiều cung bậc tâm trạng: “Có món ngon nào giá rẻ không em?”, “Có đam mê nào giá rẻ không em?”, “Có yêu thương nào giá rẻ không em”, “Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?”.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

BÙI VIỆT THẮNG VIẾT VỀ TIỂU THUYẾT CỦA TRẦN NHƯƠNG


Bùi Việt Thắng


Bài in trên Người Hà Nội

XÃ HỘI BA ĐÀO KÝ MỚI

(Tản mạn về Kim cổ kỳ quặc ký, tiểu thuyết của Trần Nhương,
Nxb Hội Nhà văn, 2016)

Trong tình trạng bão hòa của văn hóa đọc hiện nay bởi nhiều lí do (vì thiếu thời gian nhàn rỗi, vì sự cũ kỹ và nhàm chán của sách văn chương, vì sự cạnh tranh quyết liệt của văn hóa nghe nhìn, vì sự bành trướng của công nghiệp giải trí,…), mà vẫn nhiều người vồ vập đọc Kim cổ kỳ quặc ký, thì theo tôi, là một thắng lợi để xua tan cái mặc cảm “văn chương lâm nguy”. Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng văn chương của ta lâu nay nghiêm trang, nghiêm nghị, nghiêm chỉnh, nghiêm túc quá. Có lẽ nó là cái quán tính của một nền văn chương sinh ra trong tranh đấu cách mạng, những vấn đề lợi ích dân tộc và giai cấp luôn bao trùm và chi phối, hướng dẫn sáng tác. Văn chương vắng bóng tiếng cười nên thiếu hẳn cái phóng khoáng, phiêu bồng. Tuy nhiên phải nói lại cho đúng thực tiễn sáng tác văn chương rằng, cũng đã có những cố gắng bù đắp cái khiếm khuyết như đã nói ở trên qua sáng tác của Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban,… Nay thêm lão tướng Trần Nhương. Nhưng có lẽ còn thiểu số quá.