Đình, trong cơ cấu tổ chức xã hội phong kiến giông giống như trụ sở ủy ban nhân dân xã bi giờ. Và mỗi đình thường thờ một vị thành hoàng. Nhưng đình Tốt Động lại thờ những hai. Vì sao lại thế?
Mời bà con ngược lịch sử về thế kỉ 15, khi cuộc kháng Minh của nhân dân ta đang vào hồi kết, thế và lực đã nghiêng hẳn về nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không ứng cứu cho nhau được.
Trước tình thế ấy, tháng Mười năm 1426, vua Minh buộc phải phong cho Thái tử hoài vương hầu Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn con ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang ứng cứu.
Khi đến Đông Quan, Vương Thông lập tức cách chức một loạt tướng cũ, thành lập bộ chỉ huy mới, cùng với Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Trần Hiệp, Lý Lượng... tổ chức một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta”- (Lam Sơn thực lục).
Vương Thông chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính với 10 vạn quân do đích thân mình chỉ huy hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang náu trên vùng Cao Bộ (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây). Hiệu lệnh hiệp đồng là “khi nào có súng hiệu là hai bên đánh thế gọng kìm vào quân ta”- (Việt sử toàn thư).
Về phía nghĩa quân Lam Sơn, lúc này Lê Lợi và đại quân vẫn đóng trong Thanh Hóa. Những đội quân tham gia bức thành Đông Quan và chia cắt các phủ lộ chỉ có vài ngàn người do các tướng Nguyễn Xí, Lý Triện, Lê Lễ, Lê Ngân... chỉ huy.
Đoán được âm mưu của giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã bố trí tại Tốt Động một trận địa phục kích chờ giặc tới.
Về trận Tốt Động, sử sách ghi có nhiều chỗ khác nhau về địa danh như Tụy Động, Tuy Động, Tốt Động... Tuy nhiên các địa danh ấy chỉ là một. Đó là một xã cách Hà Nội 25km về phía Tây Nam. Thời ấy nơi đây là một đầm lầy “ngập tràn lau lách”. Nghĩa quân Lam Sơn tham gia trận đánh chỉ chưa đầy 3000 người và 2 thớt voi chiến, xét về tương quan lực lượng thì thua xa quân của Vương Thông. Nhưng nhờ khôn khéo chọn địa hình có lợi và bố trí lực lượng hợp lí, đặc biệt đã biết dùng kế nghi binh (cho bắn súng hiệu giả lừa Vương Thông tiến quân sớm hơn kế hoạch), nên nghĩa quân Lam Sơn đã có một trận đánh ngoạn mục lưu vào sử sách.
Đạo binh phương Bắc vốn mạnh tiến công kiểu "dàn hàng ngang" nhưng đã phải “bóp thắt” dạng cổ chai khi qua đường hẹp, vì thế mà đội hình hành quân kéo dài hàng chục cây số từ Ninh Kiều (một địa điểm trên sông Đáy thuộc xã Mai Lĩnh ngày nay) đến Tốt Động.
Tại quyết chiến điểm, khi một tiếng súng lệnh nổ vang, voi chiến cùng nghĩa quân hò nhau xông ra. Quân giặc bị bất ngờ, “cả người và ngựa lồng lên hoảng sợ nhảy xuống đầm lầy, giày xéo lên nhau chết chìm không biết bao nhiêu mà kể”.
Tiền quân tan vỡ, hậu quân dồn lên ứng cứu và cứ thế hết lớp này đến lớp khác, cánh đồng Tốt Động trở thành mồ chôn xác giặc Minh. Trận chiến diễn ra từ giờ Ngọ đến giờ Thân. 5 vạn quân giặc bị chết tại chỗ, 1 vạn bị bắt sống. Thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng bị chém đầu. Vương Thông bị trọng thương phải bỏ chạy về Đông Quan đóng cửa thành viết thư cầu viện binh.
Trận Tốt Động có ý nghĩa mang tầm chiến lược, buộc nhà Minh phải điều Liễu Thăng và Mộc Thạnh mang 12 vạn quân sang cứu nguy, để rồi cả hai đạo quân này đều bị đánh bại trong chiến dịch Chi Lăng- Xương Giang nổi tiếng năm 1427, khiến Vương Thông không còn đường nào khác phải chấp nhận đầu hàng, kết thúc 10 năm kháng chiến gian khổ của nhân dân ta. Trong Đại cáo bình ngô, Nguyễn Trãi đã dành cho trận chiến này hai câu thơ bất hủ:
“Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lí
Tốt Động chi thi mãn dã, di xú thiên niên”
(Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm.) - Ngô Tất Tố dịch.
Tốt Động chi thi mãn dã, di xú thiên niên”
(Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm.) - Ngô Tất Tố dịch.
Theo truyền thuyết, xác giặc Minh nổi trên đồng nhiều không kể xiết, cá trê ăn xác giặc nên sinh sôi nhiều vô kể, dân làng liền đặt tên là đồng Trê. Nơi nhân dân Tốt Động mang gạo ủng hộ nghĩa quân thì đặt tên đồng Gạo.
Vì giặc chết phơi thây quá nhiều nên những oan hồn đêm đêm ùa vào làng gào khóc đòi về cố quốc. Bởi thế vài năm sau khi giành độc lập, vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động tập trung sức người sức của thu nhặt hài cốt giặc Minh chôn vào 300 ngôi đại mộ, hàng năm cúng tế đàng hoàng. Đến năm Bính Dần- 1866, vua Tự Đức ra chiếu cho làng Tốt Động làm “việc nghĩa chủng/(trủng?)”, quy tụ hài cốt về một đại mộ, đặt tên nơi ấy là đồng Mồ, xây bó đá ong và khắc bia đá “di ngôn”. Tấm bia ấy do Cử nhân bộ Lại Đặng Tĩnh Trai thừa soạn có nội dung:
“Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”
Dân làng Tốt Động còn tổ chức cúng cháo cầu cho những “ma khách” (tục lệ nhân văn này còn giữ được đến tận bây giờ). Vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm, dân làng mang cơm, cháo, xôi, gà, rượu... lên đồng Mồ thỉnh các vong hồn giặc Minh về ăn để khỏi lâm vào cảnh đói khát lang thang. Bài văn tế “ma khách” có nội dung:
“Hỡi ơi các vong hồn! Vua ta có lòng nhân nghĩa, ra sắc chỉ cho thu nhặt hài cốt, xây mồ. Vì không nơi nương tựa, các ngươi hãy nhớ ngày này trở về đây mà hưởng tết. Lòng thành lễ mọn, các ngươi cùng hưởng, không phải e lệ chi.”
Trẻ em chăn trâu trên đồng sẽ đóng vai những “ma khách” (nhà cháu đã từng nhiều lần đóng vai "ma khách", hihi!) ngồi quây quần xung quanh chiếu lễ vật. Khi ông thống cúng xong và hô "ô hô, cẩn cốc!" là chúng sẽ tranh nhau cướp lễ phẩm để ăn. Vì thế còn gọi là tục “Cướp cháo cầu”.
Tuy thế vẫn chưa yên. Làng Tốt Động vẫn bị ma khách quấy nhiễu. Để dẹp nạn này, chức dịch làng Bùi đã dâng sớ tâu vua xin rước hai vị tướng quân Lam Sơn là Lê Ngân và Đỗ Bí về thờ trong đình làng. Quả nhiên, ma khách sợ. Từ đấy dân làng Tốt Động yên ổn làm ăn.
Ảnh 1,2: Đình làng Tốt Động qua góc nhìn của nhà cháu vào một sớm thu.
Ảnh 3: Nhà cháu ngồi trên cánh đồng Tốt Động, phía sau là nơi đặt tấm bia di ngôn ạ!
P/S: Ngày bé nhà cháu không hiểu vì sao tất cả các loại bí dân quê cháu đều gọi là bầu. Bí đỏ thì gọi bầu lào, bí đao thì gọi bầu mốc... Lớn lên mới hiểu, vì kị húy thành hoàng Đỗ Bí nên phải gọi vậy. Thế nên bạn bè ai thấy nhà cháu gọi bí là bầu thì cần hiểu là có... nguyên nhân lịch sử,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét