Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

KHỦNG HOẢNG XÃ HỘI BẮT ĐẦU TỪ GIA ĐÌNH QUA TIỂU THUYẾT “CÕI MÊ”


Đặng Văn Sinh



Có thể xem “Cõi mê” thuộc loại tiểu thuyết thế sự. Là tiểu thuyết bởi nó có cả một hệ thống nhân vật trải rộng trong những vùng không gian khác nhau, kéo dài già nửa thế kỷ đầy biến động của lịch sử dân tộc. Là thế sự, bởi nó luôn cập nhật được sự vận động của cấu trúc hạ tầng thể hiện khá rõ qua những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đương đại trên nền tảng một hệ điều hành vĩ mô không dựa trên quy luật phổ quát mà tự tạo ra luật chơi riêng như là phát minh độc đáo của những người thuộc “bên thắng cuộc”. Nhìn một cách tổng quát, toàn cảnh xã hội của “Cõi mê”, nhất là không gian, trước đây vốn là thành phố Sài Gòn, như là thủ phủ của miền Nam, người ta không khó khăn mấy để nhận diện bản chất của nó. Đó là một xã hội được hình thành bởi hệ ý thức vay mượn, thiếu nền tảng triết lý, điều hành một nền kinh tế những năm đầu sau 1975 là kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, duy ý chí dẫn đến suy thoái trầm trọng. Dân đói. Đất nước hỗn loạn khiến hàng hàng triệu người tìm mọi cách rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa. Cuối cùng, những nhà quản trị quốc gia cũng nhìn thấy sai lầm ở tầm chiến lược nhưng lại chỉ sửa chữa một cách nửa vời, giữ nguyên cấu trúc thượng tầng, đổi mới kinh tế bằng cách xóa bỏ bao cấp, mở cửa một phần thị trường tự do nhưng lại gắn thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” với lý do “ổn định chính trị”. Sự vênh vẹo giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy chết người mà vấn nạn tham nhũng là một thứ giặc nội xâm có sức tàn phá triệt để mọi thành quả cách mạng do những người cộng sản đã dày công vun đắp qua nhiều thế hệ. Sự ông chẳng bà chuộc này tạo ra một guồng máy quản lý nhà nước đầy khuyết tật. Nó có sức công phá mãnh liệt vào thành trì gia đình, làm tan rã mọi hệ giá trị truyền thống, hủy hoại cả một nền văn hóa mà chẳng cần đến những vũ khí tối tân như tên lửa đạn đạo hay bom nguyên tử. Gia tộc đại tá Nguyễn Kỳ Hòa sống trong môi trường xã hội đặc biệt như thế nên chuyện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không thể tránh khỏi. 

Ông ta cũng như hàng loạt chiến hữu vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bộ máy song trùng khuyết tật trên. Muốn giải quyết tận gốc phải thay đổi hệ điều hành trên cơ sở mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thượng tôn pháp luật. Đây là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề. Nó chi phối toàn bộ hoạt động xã hội cũng như tương lai dân tộc. Không xử lý cái gốc, mọi thứ “đổi mới” chỉ là hình thức cải lương bình mới rượu cũ mà thôi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự tha hóa của lớp người như Nguyễn Kỳ Hòa là thói kiêu ngạo cộng sản, bệnh công thần, huyễn hoặc mình bằng những công lao trong quá khứ. Họ cho rằng, sau chiến thắng, mình thuộc thành phần giai cấp tiên tiến, là công dân thượng đẳng, nên có quyền ngồi trên pháp luật hoặc chí ít ra lợi dụng các kẽ hở để “lách luật”. Chỉ một hành vi Nguyễn Kỳ Hòa đánh tháo cho thằng cháu nội thoát khỏi vòng lao lý khi mà Nguyễn Quốc Thăng đua xe trái phép tông chết người, đã tạo tiền đề cho hàng loạt những tội ác của hắn gây ra sau này. Thử hỏi, thành phố Sài Gòn, vào thời gian những năm tám mươi của thế kỷ XX có bao nhiêu gia đình sĩ quan quân đội cao cấp dạt từ miền Bắc vào định cư? Vì thế, hành vi của Nguyễn Kỳ Hòa không còn là cá biệt mà có tính phổ quát. Xã hội bắt nguồn từ những hạt nhân gia đình. Mỗi gia đình đều cưng chiều những cậu ấm như Nguyễn Quốc Thăng xã hội không động loạn mới là lạ. Nói rằng, “Cõi mê” là tiểu thuyết thế sự bởi lẽ, tất cả những sự kiện xảy ra đều mang tính thời sự, thậm chí cả hình sự nữa, được tác giả trình bày chi tiết, cụ thể, có lớp lang và vô cùng hấp dẫn, nhất là các vụ mánh mung, các chiêu trò phù thủy hại nhau đến thân bại danh liệt bằng mưu sâu kế hiểm. Đọc “Cõi mê”, người ta thấy âm thanh, nhịp thở cuộc sống bỏng rát ngay bên tai mình. Nó chưa phải là lịch sử mà là lịch sử đang làm ra nó. Nó là sản phẩm bị cưỡng chế của những cái đầu cổ hủ, lỳ lợm với mớ lý thuyết cũ mèm nhưng lại chễm chệ ở đỉnh cao quyền lực, một mình một chợ, tha hồ tự tung tự tác. Pháp luật chỉ là cái đinh gỉ. Kể cả những việc thương nhân bại lý, chỉ cần một cú điện thoại là dàn xếp ổn thỏa. Đọc “Cõi mê”, người ta thấy Triệu Xuân có vốn sống vô cùng phong phú, một kho tư liệu cập nhật dồi dào, một ngòi bút đầy nội lực. Ông đã vẽ được bức tranh toàn cảnh xã hội Việt Nam thời hậu chiến chỉ với hai gam màu đen trắng tạo nên sự tương phản giữa cái thiện và cái ác, giữa người tử tế và kẻ lưu manh trong các mối quan hệ đa phương, đa chiều. Từ những trang văn giầu tính phóng sự, truyện ký, tiểu thuyết “Cõi mê” còn ẩn tàng một định đề bất biến. Đó là, rất khó làm người tử tế trong một môi trường sống thiếu vắng sự chính xác và ổn định của hệ thống luật, kể cả luật gốc. Càng đọc vào sâu “Cõi mê”, người ta càng nhận ra, cơ cấu xã hội Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động kinh tế đang trượt về một cách không ý thức quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản sau những tháng năm dài, dùng dân tộc thử nghiệm mô hình chủ nghĩa không hề có thật, khả dĩ chứng minh cho hệ thống học thuyết về một thế giới thần tiên, “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Con đường vòng vo tam quốc đầy chông gai ấy đang từng bước đưa xã hội Việt Nam trở lại… ngày xưa, một hình ảnh đáng buồn cho mấy chục triệu con Lạc cháu Hồng. Như vậy xã hội Việt Nam trong “Cõi mê” là một xã hội xanh vỏ đỏ lòng. Ngoại diên mang danh xưng chủ nghĩa xã hội nhưng nội hàm lại chủ nghĩa tư bản nhà nước mà hạt nhân là các nhóm thân hữu có khả năng thao túng mọi hoạt động của đất nước, bỏ qua luật pháp, như một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã được hình thành ở các nước Âu Mỹ cách ngày nay hơn hai thế kỷ. Nhưng theo quy luật mà Karl Marx đã tổng kết, thời kỳ tiền chủ nghĩa tư bản là tích lũy tư bản, các nước Âu Mỹ điển hình là các Trust và consortium. Họ làm ra nhiều hàng hóa giá rẻ bởi có quan hệ sản xuất mới và kỹ thuật tiên tiến trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, cá lớn ăn thịt cá bé nhưng của cải xã hội luôn tăng trưởng. Ngược lại, nền kinh tế trong “Cõi mê” là nền kinh tế chắp vá không tuân thủ triệt để theo quy luật thị trường nên què quặt, ốm yếu. Đó là nền kinh tế mà sức khỏe tồi tệ đến mức chỉ buôn đi bán lại bất động sản để ăn tiền chênh lệch giá. Nói cách khác, bán đất, bán tài nguyên và sản xuất gia công cho thiên hạ là hoạt động chính của nền kinh tế gắn thêm cái đuôi định hướng XHCN. Một nền kinh tế vận hành bằng nghị quyết do những người không có chút khái niệm gì về kinh tế hoặc do các nhóm thân hữu cùng chung lợi ích soạn thảo và điều hành đương nhiên đẻ ra tệ tham nhũng đồng thời làm gia tăng hố ngăn cách giàu nghèo. Rồi lại đến lượt giải quyết những bất cập này bằng nghị quyết, nêu cao tinh thần học tập rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực phê và tự phê, cuối cùng tệ tham nhũng ngày càng trầm trọng, đạo đức con người ngày càng nhếch nhác ngay trong hàng ngũ cán bộ cao cấp. Đại tá Nguyễn Kỳ Hòa không phải là trường hợp cá biệt. Chuỗi sự kiện trong tiểu thuyết “Cõi mê” khá phong phú, được thể hiện rất thành công qua những bản “trích ngang” về thành viên hai gia tộc Nguyễn Kỳ Hòa và thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hoàng. Mỗi thành viên như Cụ Nguyễn Minh Quang, bà Lịch, Hải Yến, Phương Nam hay Thành Đạt đều được kể lại một cách chi tiết mọi hành trạng bằng phương pháp hồi cố. Ở đây, yếu tố “truyện” hầu như được sử dụng ở mức tối đa khi dựng nên những trường đoạn mang tính thời sự, cập nhật tình trạng xã hội ngay tại thời điểm xảy ra. Những vụ scandal nhà đất sặc mùi lừa đảo, những mưu ma chước quỷ nhằm dằn mặt nhau trước các kỳ đại hội bởi tư thù, hay những cuộc làm tình nóng bỏng đầy phong cách sexy, những bộ mặt đạo đức giả đều được nhà văn đưa vào, tạo nên những trang văn thật sự sinh động. Sự tha hóa nhân cách của Nguyễn Kỳ Hòa khi ông ta đứng phía sau những lá đơn tố cáo hai cha con thứ trưởng Hoàng tạo nên mấy vụ án gây chấn động dư luận có nguyên nhân từ việc người dân phải gánh trên vai hệ thống lãnh đạo song trùng dẫn đến tình trạng, điều hành nhà nước bằng nghị quyết mà coi nhẹ pháp luật. Nghị quyết là thứ dễ co giãn, còn hệ thống luật thiếu chính xác, chỉ có giá trị định tính và thiếu căn bản giá trị định lượng, nghĩa là bất khả thi. Vì không phải là nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, nội hàm biến dạng, chức năng lại chồng chéo, ôm đồm quá nhiều, mà luật pháp ít có giá trị thực tiễn trong khi đó, những nhà quản trị quốc gia lại thiếu một nền học vấn cơ bản (mặc dù rất nhiều bằng cấp cao), phông văn hóa có khi thấp hơn cả dân thường, không phân biệt được đúng sai, nên hạn chế tầm nhìn bao quát. Những sai lầm ở cấp chiến lược luôn lặp đi lặp lại làm cho đất nước tụt hậu đến mức nền công nghiệp không làm nổi cái đinh ốc tiêu chuẩn nhưng chưa bao giờ họ dám đứng ra nhận lỗi trước quốc dân đồng bào chứ chưa nói đến văn hóa từ chức. Đọc “Cõi mê”, cách làm ăn của của Nguyễn Ngọc Hoàng với Tổng Công ty Biển được xem như một bước đột phá khỏi những ràng buộc pháp lý trong hoạt động kinh tế. Nó rất mới đối với xã hội Việt Nam nhưng lại là cũ mèm đối với các nền kinh tế phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đó là hiện tượng “lại giống” khác hẳn về bản chất đối với bộ môn “Kinh tế chính trị học” được giảng dạy trong hệ thống trường Đảng làm cho những cái đầu trì trệ, bảo thủ bị sốc. Những ông lớn ngồi trong tháp ngà chỉ huy nền kinh tế kế hoạch hóa phán một cách rất có lập trường rằng, như thế là xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thành quả mấy chục năm cách mạng. Những chủ trương, mệnh lệnh từ trung ương bao giờ cũng được cấp cơ sở triệt để chấp hành kể cả đó là một chủ trương sai lầm. Vì thế, Tổng Công ty của thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hoàng, cho dù làm ăn lương thiện, tạo ra nhiều sản phẩm xã hội vẫn rơi vào tầm ngắm của pháp luật bởi cái tội “cầm đèn chạy trước ô tô”. Và đây cũng chính là thời cơ ngàn năm có một cho các “đồng chí nhưng không đồng lòng” tát nước theo mưa để giải quyết chuyện ân oán giang hồ. Một nhà nước pháp trị, lấy dân làm gốc, do dân và vì dân không bao giờ để cho những người như cha con Nguyễn Ngọc Hoàng vướng vòng lao lý nếu họ hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Vì thế, việc triệt hạ nhau theo kiểu tư thù cá nhân như hành vi của đại tá Nguyễn Kỳ Hòa cũng không thể xảy ra. Có thể nói, sự kiện Nguyễn Ngọc Hoàng đang đàm phán với đối tác ở Mỹ bị triệu về nước nhận quyết định nghỉ hưu, cũng như Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Ngọc Dương bị tống giam đều là sản phẩm đánh hội đồng của cả một tổ chức thông qua nhân vật Trọng và Nguyễn Kỳ Hòa. Luật pháp mù mờ, muốn diễn giải theo kiểu nào cũng được thì những người tỉnh cơn mê sảng, đi trước thời gian mong thoát khỏi sự ám ảnh của thiên đường xã hội chủ nghĩa thế nào cũng gặp đại nạn. Thông minh và tài giỏi như anh em Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Ngọc Dương còn bị sập bẫy huống hồ một người trung thực và cả tin như Nguyễn Ngọc Hoàng. Việc Nguyễn Kỳ Hòa trả thù gia đình Nguyễn Ngọc Hoàng xem như là dấu chấm hết cho những gì vẫn được rao giảng là đạo đức cách mạng, tình đồng chí trong cùng một chiến hào. Nhưng xét đến cùng, đó cũng là chuyện tất yếu khi mà người ta xây dựng thứ đạo đức “cao quý” ấy trên nền tảng văn hóa duy ý chí. Một vấn đề tưởng cũng cần phải nêu ra là “Cõi mê” được xem là cuốn tiểu thuyết có yếu tố sex khá đậm đặc. Đã có những “nhà phê bình chỉ điểm”* chỉ trích hiện tượng này với thái độ khá gay gắt. Nhưng thật ra, sex trong “Cõi mê” không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuốn sách, lại càng chẳng làm sứt mẻ chút nào đến “chủ trương đường lối”, mà ngược lại, nó còn có giá trị phơi bày một mảng hiện thực trong đời tư của các quan chức cách mạng trước đây vẫn được giấu kín. Những nhân vật được coi là người hùng của cách mạng như Nguyễn Kỳ Hòa hóa ra cũng có cuộc sống buông thả, phóng túng, chẳng coi đạo đức cũng như kỷ luật đảng ra gì. Viên sĩ quan quân đội có máu phong tình đến đâu cũng gây ra những vụ tai tiếng về quan hệ nam nữ bất chính. Nguyễn Kỳ hòa lắm nhân tình, nhân ngãi, nhiều con rơi, nhưng khi bị tổ chức đảng kiểm điểm, ông ta không chối cãi mà công khai thừa nhận. Đó là phẩm chất đáng quý của người quân tử, không phải ai cũng làm được. Ngược lại, cựu thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hoàng không có đủ bản lĩnh thừa nhận vụ bê bối tình dục với Ngọc Tiên, một gái điếm cao cấp, làm tình với đủ loại đàn ông, trong đó có cả những gã doanh nhân người Nhật và Đài Loan. Mại dâm trong “Cõi mê” thường tạo ra mối quan hệ ngấm ngầm giữa các viên chức chính quyền, các doanh nhân với đám chân dài hình thành những vụ affaire từ kinh tế đến chính trị kiểu mafia. Đó là những liên danh ma quỷ trong những đường dây chạy án, vô hiệu hóa luật pháp, tha hóa nhân cách con người, phá nát nền tảng đạo đức, đưa đất nước vào những vấn nạn. “Cõi mê” là tập đại thành của những bất cập xã hội bởi sự thiếu đồng bộ của chính sách vĩ mô. Đó chính là điều kiện để cuốn sách xuất hiện những nhân vật trái chiều nhau như Nguyễn Kỳ Hòa, Nguyễn Quốc Thăng, Nguyễn Ngọc Hoàng, Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Phương Nam, Trọng, Ngọc Tiên…, với đầy đủ tính cách. Cuốn sách sẽ có sức thuyết phục hơn nếu tác giả dừng lại ở chỗ hai cha con Nguyễn Kỳ Hòa cùng lúc đột quỵ vì nghe tin Nguyễn Quốc Thăng bị đồng bọn đầu độc và hai anh em Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Ngọc Dương vẫn ở trong lao chờ giải quyết. Cái kết thúc có hậu tuy phù hợp với tâm lý thưởng thức của một bộ phận công chúng nhưng vô tình đã làm hiệu quả tác phẩm giảm đi. Chí Linh, 18 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...