Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

ĐẠI HỘI (hội nhà văn VN) KHU VỰC CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG (khóa 9)

 

ĐẠI HỘI (hội nhà văn VN) KHU VỰC CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG (khóa 9)

Trần Nhương






@ 124 nhà văn trúng cử đi Đại hội 9 và một số dự khuyết

Dù vào ngày thứ Bảy, dù thời tiết Hà Nội hôm nay 23-5-2015) nắng trên 37 độ, các nhà văn khối này vẫn nườm nượp kéo về hội trường Báo Nhân dân để họp đại hội. Nhiều đồng nghiệp vừa qua ốm đau, phẫu thuật cũng cố đến dự như Trần Chinh Vũ, Mai Linh, Lê Đình Cánh...Nhiều nhà văn đang mạng trọng bệnh cũng đến dự như để chia tay bạn bè. Vui gặp gỡ nhưng cũng buồn nao lòng !


Khối các cơ quan TƯ có số lượng hội viên khá đồ sộ, tới 246 nhà văn, vắng mặt 89 vị (con số này có thay đổi chút ít vì có nhà văn lắc thắc đến sau). Trên hàng ghế đầu có ông Đào Duy Quát bây giờ ở Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật TƯ, có GS Vũ Khiêu, người hội viên cao niên nhất chẵn 100 tuổi. Thật đại phúc cho Hội, ơn Giời nên có những hội viên đa thọ như vậy !

Giới thiệu đoàn chủ tịch gồm các nhà văn Phan Trọng Thưởng, Trần Đăng Khoa, Hải Đường, Tùng Điển, Cao Duy Sơn, Lý Hoài Thu. Thư kí gồm Trịnh Công Lộc, Nguyễn Thị Mai. Hội trường vỗ tay nhất trí.

Chủ tịch Hữu Thỉnh và đoàn cán bộ của Hội có mặt như ở các khu vực khác để lo công việc thủ tục đại hội, giúp kiểm phiếu vì các nhà văn đều có trong danh sách bầu cả không thể vào ban kiểm phiếu được.

Sau các văn kiện Dự thảo báo cáo, Dự thảo Điều lệ sửa đổi, kiểm điểm BCH đến phần đóng góp ý kiến.

Nhà văn gái Thùy Dương tiên phong góp ý về giải thưởng của Hội còn ì xèo, kết nạp hội viên cũng ối chuyện. Chị đề nghị phải hội thảo chuyên sâu, phải tổ chức nghiên cứu xem văn học của ta ở đâu trên bản đồ văn học thế giới. Tôi đồng tình với nhà văn Y Ban các nhà văn ở trong BCH không nên nhận giải thưởng gì khi đang tại vị...


Nhà văn Ngô Thảo trông rất mập mạp, phong độ lên đóng góp. Ông nói có lẽ đây là đại hội cuối cùng để từ biệt anh em, tôi xin góp vài điều: Không nên ủy viên BCH kiêm chủ tịch các Hội đồng. Nên bầu ai biết phục vụ hội viên. Chúng ta cũng cần thái độ ứng xử với nhau cho ấm áp. Cũng buồn khi thiếu vắng những gương mặt ai cũng muốn chạy đến trầm trồ xem mặt. Ngoài 70 tuổi thôi không đi dự ĐH nữa nhường lớp trẻ. Nỗi nhục của văn học ta để tràn lan văn học ngoại, phim Hàn, phim Tầu. Một Ánh Biên bơi lội được cả nước quan tâm đổ tiền vào còn văn học thì... Nhà văn Ngô Thảo dứt lời thì Trần Đăng Khoa trên ghế Chủ tịch đoàn đứng lên: Nhà văn Ngô Thảo mấy năm rồi phải trị sạ, bây giờ bác khỏe hơn cả tôi, có khi tôi lại đi trước bác. Ôi buồn làm sao cứ như "cuộc chia ly màu...".

Hòang Cát hùng dũng bước lên nhưng đó là người đang mang trọng bệnh. Lời gan ruột của anh rằng tổng kết, báo cáo rất hay, nhiều mỹ từ nhưng ý thức chuyên nghiệp thì lơ mơ, nhà văn phải lăn lộn trong đời thường. Gần đây tôi nghe trên đài trên TV họ gào lên "Ôi Tổ quốc linh thiêng", Tổ quốc có chết đâu mà linh thiêng, phải là thiêng liêng chứ ! Tôi cũng ung thư chưa biết chết lúc nào nhưng buộc phải nói. Lời phát biểu của Hoàng Cát như có lửa, thi thoảng lại thêm một tràng tiếng Pháp cho hội nhập !

Nhà văn Nguyễn Uyển thì góp ý Hội nên xem việc kết nạp hội viên họ làm được gì không hay vào hội xong thì không viết gì.

Nữ sỹ Y Ban bước lên bục dáng đi nhẹ nhàng mặc dù cơ thể không nhẹ nhàng gì. Chị dịu dàng góp lời: tổng kết thì hay nhưng chung chung không biết số lượng trong 5 năm qua có bao tác phẩm xuất bản, hay dở ra sao..Không hề có hội thảo về văn học đổi mới xem ra sao. Các chủ tịch Hội đồng nên là các chuyên gia không cứ phải là ủy viên BCH. Tôi đề nghị ai bỏ tiền ra thì không tổ chức hội thảo tại hội, ngôi đền thiêng không nên như thế (Khóa vừa rồi có vài cuộc hội thảo gây dư luận không hay cho Hội)

Nhà văn Dương Thuấn đề nghị nên có ban văn học Thiếu nhi và văn học Dân tộc thiểu số. Về dự thảo Điều lệ sửa đổi ông đề nghị chỉ cần Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuân thủ pháp luật Nhà nước là đủ không nên dài dòng. Ghi hội viên không tham gia tổ chức bất hợp pháp là thừa mà có cảm giác hẹp hòi...


Cả hội trường chăm chú khi nhà văn GS 100 tuổi Vũ Khiêu được dẫn lên bục phát biểu. Ông nhắc nhà văn hãy luôn luôn đồng hành cùng nhân dân, hiện giờ Biển Đông họ đang âm mưu lấn chiếm, phải kiện họ. Nhà văn hãy quan tâm đến văn hóa Việt đó là sức sống của dân tộc. Ông kể một ngày ông chỉ ngủ 4 tiếng, làm việc không ngơi nghỉ, đang hoàn thành đọc 134 tập sách về Hà Nội và nhiều công trình khác. Ông khen Trần Đăng Khoa vừa có bài viết hay. Ăn vận một bộ quần áo màu huyết dụ, tay chống gậy vị GS gây một ấn tượng mạnh cho cử tọa. Một trăm tuổi mà giọng còn vang, hy vọng ông còn cất lên nhiều cung bậc vang vọng đất trời ! Tôi sung sướng đến lặng người khi vị GS luôn gọi các nhà văn là đồng chí. Bao nhiêu người ngồi kia còn kém xa tuổi cụ mà được cụ cho là đồng chí thì ai không rưng rưng...

Trước khi vào bầu cử và lấy phiếu nhân sự lãnh đạo Hội kì tới, nhà thơ Hữu Thỉnh tự tin bước lên phát biểu. Ông cảm ơn sự góp ý thẳng thắn, trí tuệ qua 9 ý kiến vừa rồi. Ông nhấn mạnh việc sửa đổi Điều lệ Hội có thêm điểm "hội viên Hội Nhà văn không tham gia các tổ chức bất hợp pháp" là cần thiết, đã có Hội Nhà văn VN thì không có một hội nhà văn nào khác...

Cuối giờ buổi sáng các đại biểu bước vào bầu cử, chia làm 3 khu vực cho dễ biết nhau như khu vực báo chí, các viện...nghiên cứu vân vân nên mỗi khu vực có màu phiếu khác nơi vàng nơi xanh thật là màu sắc trăm hoa đua nở...
Buổi chiều nhiều ý kiến góp thêm nhưng đáng chú ý lời góp của nhà thơ Bùi Hoàng Tám. Ông nói đại ý cách đây 5 năm tôi cũng nói về tờ báo Văn nghệ, hôm nay lại nói, một tờ báo ra hàng tuần có hơn 20 trang mà 30 người, làm báo kiểu cũ, đói là đúng. Tờ báo vẫn cũ như xưa vài truyện ngắn, mấy chùm thơ, rồi ý kiến nhà văn...nhạt nhòa. Không có ai chống Đảng chống nhà nước, rất lắng nghe chúng ta miễn là ta xây dựng, có văn hóa. Tôi làm báo Dân Trí nhiều năm và cũng nói nhiều vấn đề nhưng không hề ai nhắc nhở bởi vì thái độ xây dựng chia sẻ. Tờ báo Văn nghệ phải trở thành tiếng nói của Nhà văn. Trí thức phải đồng hành cùng nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân...Ý kiến của Bùi Hoàng Tám được nhiều nhà văn đồng tình.

Ảnh: 1 Nhà văn GS Vũ Khiêu phát biểu xong về chỗ ngồi
2- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Đinh Nam Khương

3-Phan Thị Thanh Nhàn đăng đàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...