Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

NGHĨ VỀ NHÀ VĂN TÚY HỒNG


Nguyễn Thị Thu Trang


Nữ nhà văn Túy Hồng (1938-2020)>>>>
27 | Tháng Một | 2014 | Một thời Sài Gòn

 

Tin nhà văn Túy Hồng mất ngày 19 /07/ 2020, làm xáo trộn ký ức của nhiều nhà văn và người đọc, nhất là độc giả miền Nam giai đoạn trước 1975. Nhiều người chợt nhớ trong khi rất nhiều nhà văn khác như Nguyễn Mộng Giác, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị NgH… đều đã có tác phẩm được in lại, riêng Túy Hồng vẫn chưa; một số người còn tưởng Túy Hồng đã đi xa lâu lắm. Chợt nhớ đến câu thơ của Đỗ Phủ: “Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất thốn tâm tri” (Văn chương là sự nghiệp muôn đời/ Được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi). Trong tấc lòng nhỏ bé, hạn hẹp của tôi, văn chương Túy Hồng vẫn còn ám ảnh, nhiều nhất là những gì bà viết về Huế và về thân phận người phụ nữ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chính trong bài viết về Túy Hồng so sánh Túy Hồng và Nhã Ca: Cả hai đều là người Huế, đều là nhà văn nổi tiếng, đều lấy chồng là văn/ thi sĩ và nhận xét “Chất Huế có phần đậm nét trong văn của Nhã Ca, từ ngôn từ cho đến cảnh trí”. Tuy nhiên, không chỉ Túy Hồng, Nhã Ca, mà cả Nguyễn Thị Hoàng, Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo,… đều là những cô gái Huế “chính hiệu”. Họ đóng góp rất nhiều vào đời sống văn chương sôi động, nhiều màu sắc ở miền Nam trong suốt những năm trước 1975. Nhã Ca có nhiều tác phẩm gắn với Huế từ nhan đề đến nội dung, nhưng trong văn chương Túy Hồng, chất Huế qua lăng kính của nhà văn thường được khúc xạ, phát tán thành quang phổ nhiều màu rất lạ mà quen.


Thứ nhất, nói tới Huế thường gắn với lịch sử, kinh thành, cố đô triều Nguyễn. Nhiều người đã viết về Huế xưa. Nhà văn Trần Thùy Mai mới đây (2019), cho ra mắt bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (2 tập), được nhiều độc giả ca ngợi, yêu mến. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời nhân vật Từ Dụ thái hậu, chuyện hậu cung, trên cái nền lịch sử - không gian Huế và chiều dài ba triều vua Nguyễn. Nhưng trước đó, trong tập truyện ngắn Thở dài (xuất bản 1965, tái bản 1967), Túy Hồng có truyện ngắn Ngày xuân đêm xuân, viết rất hay về cảnh hậu cung, cuộc sống của các nàng công chúa, thái hậu, phi tần. Trong đó, dù chỉ dung lượng một truyện ngắn, nhưng cảnh thái hậu Từ Dụ dạy công chúa Như Mai đi, đứng, mang chuỗi ngọc trên cổ rất sống động. Nhân vật công chúa Như Mai cảm nhận cuộc sống trong cung cấm nhàm chán, đơn điệu và ăn bám: “Cả họ Nguyễn đông gần chật làng nước đều thất nghiệp, nhàn rỗi, sống bám vào một người làm việc là vua” (Thở dài; tr.90). Như Mai xinh đẹp, cá tính và luôn tìm cách vượt qua khuôn khổ hạn định dành cho một công chúa. Sau khi chồng là phò mã Nguyễn Lâm tử trận vì bảo vệ thành trì, công chúa yêu điên cuồng, lén lút qua lại với quan võ trạng nguyên Nguyễn Khang, có thai, bị nhà chồng đuổi, vua truất phế ra làm thứ dân. Truyện Ngày xuân đêm xuân là một truyện ngắn mượn bối cảnh, màu sắc lịch sử để nói về số phận của người phụ nữ, nhưng trong đó các chi tiết kể về Từ Dụ thái hậu sâu sắc, hiểu biết, chuyện vua Tự Đức xây Lăng Vạn Niên bị nhiều người oán hận, chuyện người dân miền Bắc đói rét, tướng Nguyễn Tri Phương tử nạn… được tái hiện khá chân thực, cụ thể. Công chúa Như Mai là nhân vật chính, dù xuất thân cao sang, thông minh và được thái hậu yêu thương, cũng không thể tìm kiếm tình yêu và cuộc sống như mình muốn. So với nhiều tiểu thuyết hay truyện ngắn lịch sử (hư cấu và phi hư cấu) gần đây, truyện Ngày xuân đêm xuân của Túy Hồng là tác phẩm có giá trị vì khả năng tái hiện nhân vật, sự kiện lịch sử vô cùng sinh động trong toàn bộ câu chuyện hư cấu.

Thứ hai, bản sắc văn hóa hay tính cách con người là điều quan trọng khi nói về một vùng đất. Túy Hồng tuy không viết hoàn toàn về Huế nhưng người đọc vẫn tìm thấy chất Huế, vị Huế tồn tại trong tác phẩm của bà. Không chỉ trong nhiều truyện ngắn, Túy Hồng có hai tiểu thuyết chính là Tôi nhìn tôi trên vách (1970) và Những sợi sắc không (1971), đều viết về Huế - người Huế, cảnh Huế với những phát hiện thú vị. Tác phẩm Tôi nhìn tôi trên vách xoay quanh những xung đột, mâu thuẫn do khác biệt về tính cách và về văn hóa, nếp sống, cách ứng xử của cô vợ người Huế tên Khanh và người chồng gốc Bắc tên Nghiễm. Những va chạm tưởng như chỉ giới hạn trong khuôn khổ của một gia đình nhỏ, nhưng bao la đằng sau nó, là thực trạng dân cư xáo trộn của Sài Gòn/ miền Nam những năm sau 1954 - Điều mà Bình Nguyên Lộc đề cập nhiều lần trong các truyện ngắn, tùy bút và các nhà văn khác như Y Uyên, Lê Tất Điều, Nhật Tiến… đều có viết. Kết luận củanhân vật Nghiễm về đứa con chậm nói, hài hước mà chân thực:

“Tại vì mình không có một căn nhà riêng nên con mình chậm biết nói. Cha thì nói tiếng Bắc, bà ngoại, ông ngoại, mấy dì… thì nói tiếng Huế, mẹ thì nói lơ lớ lung tung, khi Bắc khi Huế, hàng xóm thì nói tiếng Nam… Con bé bỡ ngỡ không biết lựa thứ ngôn ngữ nào. Mỗi lần nó chạy chơi, cha nó kêu: đừng chạy ngã, bà ngoại mấy dì kêu: khéo bổ, đừng chạy bổ, ông hàng xóm thì nói vói sang: té, con ơi, té, té… Con bé phải học đến ba thứ chữ… Rồi thì: bẩn, dơ, nhớp… Anh muốn có nhà riêng ngay để tập cho con nói duy nhất một thứ tiếng” (Tôi nhìn tôi trên vách; tr. 379)

Trong một bài viết có tên là “Xin lỗi Huế” (Thư) đăng trên Tạp san Văn số Xuân Kỷ Dậu/ 123 & 124 ra ngày 15/ 02/ 1969, nhà văn có nói đến lý do mình rời Huế, nỗi nhớ nhung về nơi sinh ra, lớn lên, nhưng cũng lưu ý rằng trong những năm chiến tranh ác liệt, cho dù Huế là kinh đô xưa, là thành phố lớn, thì Huế vẫn là “mảnh đất tán chứ không tụ”, và kể chi tiết rằng: “Năm 1963, hai chiếc taxi từ Sài Gòn ra Huế chạy rước khách kiếm sống, nhưng không kiếm được chút đỉnh gì, đành phải quay lui lại Sài Gòn”. Phát hiện ra các chi tiết rất nhỏ, rất đời thường, nhưng có khả năng khái quát hiện thực lớn là năng lực cá nhân của nhà văn.

Thứ ba, giọng Huế luôn được coi là biểu hiện cụ thể cho màu sắc, phong vị Huế. Với Túy Hồng, giọng nói gắn với đặc điểm văn hóa và tính cách, tâm trạng con người. Ví dụ đây là đoạn nhân vật Cam Thảo trong truyện ngắn Vòng tay anh:

Anh thời đi…, người Huế khoái thịt gà luộc xé bóp muối tiêu rau răm, còn người Bắc chắc răng nên thích cắn thịt gà chặt khúc chấm muối tiêu. Mình thấy người Bắc khôn hơn… Anh hí, thịt gà xé nhỏ dễ phi tang mất tích, bà nội trợ có ăn chùng trước một miếng cũng không ai biết, còn thịt chặt ra từng miếng theo cách Bắc thì chịu, không ăn chùng được, thịt chặt ra rồi còn phải sắp lại cho có thứ tự, theo hình cũ cho tử tế, sắp lên đĩa cho bà gia hoặc chồng đếm lại, kiểm soát, mất một miếng là lòi ra ngay…” (Thở dài; tr. 79, 80).

Đoạn văn không chỉ thể hiện gốc gác con người, đặc điểm tính cách mà con phơi bày tâm trạng rối ren, những so sánh, tủi hờn uất ức của nhân vật Cam Thảo, dù cố bám vào tình yêu với Biên, nhưng hóa ra tình yêu ấy không hề có chỗ trong trái tim của người đàn ông đã vợ và năm con.

Giọng văn nhiều cung bậc luyến láy và kiểu so sánh, ví von của Túy Hồng đã góp phần tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm. Nhiều năm sau, Nguyễn Ngọc Tư cũng có cách viết đan xen đối thoại với độc thoại, sáng tạo và hô biến thứ ngôn ngữ nói mang tính địa phương và dân dã đời thường thành ngôn ngữ văn chương cá tính mà linh hoạt, hấp dẫn như Túy Hồng từng viết.

Điều dễ nhận thấy là Túy Hồng khi viết về cảnh sông Hương, núi Ngự ít da diết thương nhớ, lả lướt, sầu muộn, mơ mộng như nhiều cây bút khác. Nhà văn cũng không hẳn có ý đồ “giải thiêng”, “hạ bệ thần tượng” như xu hướng văn xuôi đương đại viết về lịch sử hiện nay. Đặt trong bối cảnh văn chương, báo chí sôi động của miền Nam, nhất là Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Túy Hồng cũng như nhiều nhà văn khác bước vào con đường sáng tác vừa như nghiệp dĩ, vừa là phương tiện nghệ thuật để nhận thức và khám phá hiện thực.

Nhiều nhà phê bình khi nhắc đến Túy Hồng hay gắn với những nhận định: “táo bạo”, “sex”, “sắc nhọn”, “khai thác nhục thể”…, và thường so sánh bà với các nhà văn nữ cùng thời như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Trần Thị NgH… Trong bài báo có tên “Nói chuyện về các nhà văn Nữ” đăng trên Tạp san Văn số 206 ra ngày 25/ 07/ 1972 ghi lại cuộc trao đổi giữa các nhà phê bình và các nhà văn là Huỳnh Phan Anh, Mặc Đỗ, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn…; Túy Hồng và các nhà văn nữ được cánh nam giới luận bàn, đánh giá về những thành công và đóng góp của họ. Dù khen ngợi và ghi nhận thành tựu, sự nổi trội của các nhà văn nữ trên văn đàn, nhưng cái nhìn của các nhà phê bình, các nhà văn thuộc “giới thứ nhất” dường như vẫn cho rằng phụ nữ viết văn như một sự phản kháng, vùng vẫy từ trong ý thức đến hành động. Họ cho rằng các nhà văn nữ chủ yếu khai thác “thế giới đàn bà” bằng cái nhìn của người trong cuộc, mạnh vì những so sánh, ví von sinh động, yếu về tầm tư tưởng (?!).

Nghiên cứu công phu và trình bày có hệ thống hơn cả là tập sách có tên Các nhà văn nữ Việt Nam 1900 -1070của Uyên Thao (Nhân chủ xb, 1973), và “Túy Hồng và những sợi sắc không” trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ (NXB Lá Bối, 1972). Ngoài ra, Nguyễn Vy Khanh, Thế Uyên, Liễu Trương, … và một số nhà phê bình khác có viết về Túy Hồng. Trong những công trình đó, Túy Hồng được đánh giá là một nhà văn nữ tiêu biểu, xuất sắc và đề tài quen thuộc của bà là phụ nữ và thế giới nhục cảm, những ẩn ức thân xác.

Gần đây, trên trang Văn Việt (31/ 07/ 2020), nhà nghiên cứu Thụy Khuê có bài viết “Túy Hồng - Người đi ngược gió” đã điểm lại con đường văn chương của Túy Hồng, nhận xét bà là người cứng cỏi, là nhà văn coi trọng sự thật, luôn nhất quán trong phơi bày, lý giải về thân phận người phụ nữ, có những đổi mới về văn phong và tư tưởng. Thụy Khuê viết: “Nhiều nhà văn, nhà phê bình gán cho Túy Hồng nhãn hiệu viết bạo, viết sếch, khai thác nhục dục. Bởi vì họ không hề đọc bà […]. Không phải vì bà viết về những người phụ nữ bị hiếp dâm mà bà là nhà văn “nhục dục” như người ta tưởng. Người ta tưởng mà không đọc, vì truyện của Túy Hồng (cũng như của Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ) không có chỗ nào để gọi là “dâm dục”. Túy Hồng nhìn cao, bà xoáy vào điều kiện sống của con người, con người tự do, phá tung xiềng xích của thứ huynh quyền, phụ quyền, tối tăm và lạc hậu, tự cho mình là nhất đẳng, bằng tác phẩm văn học…”.

Việc soi chiếu tác phẩm Túy Hồng để xem bà ảnh hưởng tư tưởng hiện sinh của phương Tây, hay do bực bội với môi trường sống, bà viết về mình hay kể chuyện của ai, vì sao nhân vật hành động, nói năng như vậy…, vẫn là thói quen lạc hậu trong tiếp nhận, đánh giá văn học. Nhà nghiên cứu Thụy Khuê lưu ý đến cái nhìn định kiến về giới và thói quen đồng nhất hiện thực và nghệ thuật. Quả thực, có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về Túy Hồng, nhưng ít có ý kiến lý giải, đánh giá thuyết phục về những giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Túy Hồng.

Điều đầu tiên, không thể phủ nhận Túy Hồng là người viết nhiều, viết hay trong gần mười lăm năm của miền Nam giai đoạn trước 1975. Hoạt động báo chí và các sáng tác văn xuôi của bà đóng góp quan trọng vào thành tựu của văn học miền Nam cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiểu thuyết, truyện dài và truyện ngắn của Túy Hồng, dù ít nhiều có bóng dáng của nhà văn, cũng không phải là tự truyện hay nhật ký, mà hoàn toàn là tác phẩm văn xuôi hư cấu. Truyện của Túy Hồng không phức tạp về kết cấu, cốt truyện nhưng giọng văn và tính cách, tâm lý nhân vật là thế mạnh của nhà văn. Ngoài tiểu thuyết Những sợi sắc không được Giải Nhất Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1970, nhiều tác phẩm khác của Túy Hồng được độc giả và các nhà phê bình đánh giá cao. Tạ Tỵ chọn Túy Hồng là một trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (NXB Lá Bối, 1972), gồm Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Võ Hồng và một số nhà văn khác.

Ngôn ngữ văn chương chính là nơi biểu hiện rõ nhất nhận thức và tư duy sắc sảo của nhà văn về hiện thực. Túy Hồng là nhà văn có khả năng tạo được cá tính và quyền lực trong các diễn ngôn tự sự. Trong các sáng tác của Túy Hồng, diễn ngôn mang đến sự tri nhận, cảm xúc về hiện thực theo nhà văn trình bày. Thế giới hiện thực đó vừa trần trụi vừa chân thực, vừa hài hước mà cay đắng, có thể soi chiếu từ bình diện này, mà thấy ngay sự tương phản ở mặt kia. Trường ngôn ngữ của Túy Hồng không bị giới hạn bởi địa phương tính, mà mở ra các bữa tiệc phong phú, đa sắc màu, hình dáng, mùi vị của lời ăn tiếng nói trần tục hằng ngày pha trộn với những mỹ từ triết lý sâu cay, những chì chiết thâm thúy theo kiểu riêng của bà. Nhà văn không lôi kéo độc giả bằng dòng cảm xúc da diết hay tâm tình hoài niệm, mà bằng thứ ngôn từ đầy ám thị, sống động, linh hoạt. Ví dụ trong tiểu thuyết Tôi nhìn tôi trên vách có những câu như: “Nghiễm cười nhạt như tô canh quên nêm muối (tr.228); “Tôi đưa bàn tay che miệng cười khúc khích, bàn tay và cái miệng cười với nhau” (tr. 343).

Túy Hồng là nhà văn biệt tài trong việc khám phá thế giới bên trong của người phụ nữ và những trạng thái tâm lý ở dạng chênh vênh, lấp lửng về nhân cách. Ngòi bút phân tích tâm lý của nhà văn mổ xẻ đau đớn, cay độc các “thói hư tật xấu” rất tủn mủn đời thường của đàn bà như tính hay so đo, tị nạnh, bắt bẻ nhau; nỗi sợ già, sợ mập/ ốm, sợ xấu; tâm lý bất an/ âu lo; lo lắng đến ám ảnh vì sợ mất chồng, không được yêu thương… Trên trang văn Túy Hồng, những nét tâm lý đó biến ảo rất phong phú, đa dạng trong các chi tiết nghệ thuật. Nhân vật Hiền trong truyện Nhìn xuống vì mẹ chồng quá khó, nên tự tưởng tượng ra cảnh nếu mình với mẹ chồng cùng ngoi ngóp dưới sông, Thế (người chồng) chắc chắn sẽ ra tay cứu mẹ trước, mình sẽ chết trôi thê thảm, rồi tự tủi thân mà khóc. Nhân vật Hiền trong truyện ngắn Lòng thành là một ca sĩ. Lúc trẻ, nàng khổ sở vì phải đi hát kiếm tiền cho gia đình; sau lấy chồng là bác sĩ, vẫn phải tiếp tục bán giọng nuôi chồng đi tu nghiệp ở Pháp, nhưng kết cục mất hết cả tuổi trẻ, sức lực, đứa con và người chồng. Trong truyện, diễn biến tâm lý, cảm xúc của nhân vật trong nhiều cảnh ngộ, được phơi bày, bóc trần đến bẽ bàng, đau đớn. Cảnh Sương, cô bạn thân nửa khuya gõ cửa phòng, trơ tráo đòi vô ngủ chung với vợ chồng bạn và cảnh Hiền ngồi trên máy bay ra Huế, từ trên cao nhìn xuống thấy chồng đứng sánh đôi với Sương là những chi tiết đắt giá. Nhân vật Hiền tự hiểu mình đã bị bắt buột phải “sang tên chồng cho người khác” và lòng thành của mình, cả cuộc đời của mình hy sinh cho gia đình, hóa ra bạc bẽo, vô nghĩa.

Sau Túy Hồng, nhà văn Dạ Ngân với truyện Con chó và vụ ly hônGia đình bé mọn…, cũng là người có khả năng phát họa, phơi bày nhân vật chỉ qua một chi tiết đời thường mà đắt giá. Túy Hồng có nhiều nhân vật đàn bà “bé mọn” nặng gánh gia đình, luôn phải chịu đựng, đau đớn vật vã trong những giới hạn của tinh thần và thể xác. Các nhân vật của Túy Hồng từ Như Mai, Hiền, Cam Thảo,… trong các truyện ngắn, đến Khanh, Trầm, Cỏ May, Nghi,… trong tiểu thuyết, dù là công chúa hay thường dân, là nhà văn, cô giáo hay ca sĩ…, đều được khai thác chủ yếu ở mối quan hệ gia đình. Họ là những người mẹ, người vợ, người yêu khát khao tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, và luôn phải chịu mất mát, thất bại trong cuộc kiếm tìm ấy. Một cô gái sợ già, sợ ế, đến mức đánh liều trao thân, mong sớm có đám cưới, bỗng phát hiện ra đó chỉ là “tình cho không, biếu không”, vì anh ta đã có một gia đình ổn định. Một nữ ca sĩ mong manh, nhạy cảm, muốn có chỗ dựa, khát khao được yêu thương, che chở, bất đắc dĩ thành trụ cột cho người khác bám, rồi bị xô ngã thảm thương khi không cần đến. Một nữ nhà văn xinh đẹp, thông minh, tưởng như có thể hô mưa gọi gió, làm bao nhiêu đàn ông chết vì si tình, rồi đau đớn phát hiện ra chính tâm hồn mình đang chết, thể xác đang thối rữa vì cô đơn, vì tuyệt vọng không lối thoát trong cuộc đời sắc sắc không không vô nghĩa…

Thực ra, Túy Hồng không xây dựng nhân vật nữ chỉ để tố cáo chế độ phụ quyền hay phê phán sự bất công. Bà cũng không lấy đàn ông ra so sánh, để phản biện hay chỉ trích. Trong nhiều tác phẩm, nam giới cũng là nạn nhân của cuộc sống nhiều mâu thuẫn, bế tắc. Nhà văn để nhân vật hiện hữu bằng cả tinh thần lẫn thân xác, tồn tại trên cái nền hiện thực đang bị đe dọa, khủng bố bởi chiến tranh, bởi sự tranh chấp, xung đột giữa văn hóa phương Đông và văn minh phương Tây, bởi sự mâu thuẫn giữa những khát khao cao thượng với dục vọng tầm thường, trần trụi. Các lý thuyết phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh hay tư tưởng nữ quyền nếu có ảnh hưởng và chi phối các sáng tác của Túy Hồng, cũng chỉ gián tiếp qua môi trường sống. Cảm quan của nhà văn trước sau đều nhất quán hướng đến thân phận con người, nhất là người phụ nữ. Với nhà văn, phụ nữ cũng là con người nói chung, tồn tại mặc định bằng thân xác và tinh thần. Khác biệt và phi thường ở chỗ thân xác người phụ nữ có khả năng tạo nên sóng từ trường hấp dẫn và tạo nên mầm sống mới/ thân xác khác (là đứa con). Túy Hồng có lớp từ ngữ mô tả thân xác, hay ngụ ý về đặc điểm, hoạt động cơ thể giàu có, phong phú. Đó là lý do khiến nhiều người cho rằng tác phẩm Túy Hồng chuyên khai thác yếu tố nhục thể. Trong tiểu thuyết Những sợi sắc không, tác giả để cho nhân vật Trầm nói:

Tôi vô luân quá, anh Trương hí!... Đàn bà lấy một chồng mới không vô luân, đàn bà lấy hai chồng đã hơi hơi vô luân rồi. Tôi bao nhiêu chồng. Trên thân thể tôi là cả trăm thằng đàn ông. Những thằng đàn ông lượn quanh thân thể tôi rồi đáp xuống trúng ngay mục tiêu như kim chích vô thịt. Kim chích vô thịt thì đau. Thịt chích vô thịt nhớ nhau trọn đời. Tôi vào buồng tắm, tôi dội nước, tôi rửa là hết liền” (Những sợi sắc không; tr.211).

Sự trơ tráo hay “vô luân” trong phát ngôn của nhân vật, không minh chứng hay xác quyết rằng nhà văn Túy Hồng chuyên viết bằng từ ngữ tà dâm hay văn chương mang yếu tố tính dục. Nhân vật Trầm nhận ra không phải bản thân trở nên vô cảm, chai lì, mà tất cả cảm xúc, niềm tin của cô đã bị tước đoạt, bào mòn. Và khi thân xác bị chà đạp, coi thường thì nỗi thống khổ về tinh thần càng lớn lao, càng đớn đau.

Giờ đây, Túy Hồng đã đi vào cõi vô cùng! Mọi buồn vui, hạnh phúc, khổ đau của kiếp người, bà đã rũ bỏ. Trong Thư “Xin lỗi Huế” (1969), bà từng viết: “Văn chương là viết những điều mình nghĩ và không làm dáng”. Điều nhà văn nghĩ có thể còn rất nhiều, nhưng sự ngay thẳng, không màu mè “làm dáng” đã được thể hiện rất nhất quán trong các tác phẩm của bà. Văn chương Túy Hồng sắc sảo, có tính phản biện, phát hiện, gợi đối thoại, gây tranh luận; nên dù viết về đề tài gì - con người đời thường hay cuộc sống gia đình nhỏ bé, thì tuyệt đối cũng không tầm thường. Nghĩ về Túy Hồng là nghĩ đến giọng văn đậm đà chất Huế. Trong vườn văn chương miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, có nhiều bông hoa hương sắc rực rỡ, Túy Hồng là một bông hoa đẹp nhưng có gai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO, TRÍCH DẪN

1/ Huỳnh Phan Anh, Mặc Đỗ,…(1972); “Nói chuyện về các nhà văn nữ”; Tạp san Văn, số 206 ra ngày 25/ 07/ 1972.

2/ Túy Hồng (1969); “Xin lỗi Huế” (Thư);Tạp san Văn số Xuân Kỷ Dậu/ 123 & 124 ra ngày 15/ 02/ 1969 .

3/ Túy Hồng (1967); Thở dài, NXB Kim Anh tái bản.

4/ Túy Hồng (1966); Vết thương dậy thì, NXB Kim Anh.

5/ Túy Hồng (1970);Tôi nhìn tôi trên vách, NXB Đồng Nai.

6/ Túy Hồng (1971); Những sợi sắc không, NXB Khai Trí.

7/ Uyên Thao (1973); Các nhà văn nữ Việt Nam 1900–1970; NXB Nhân Chủ,

8/ Tạ Tỵ (1972); Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay; NXB Lá Bối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...