Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

THỤY AN CŨNG MỘT SỐ PHẬN BI THẢM


Thái Kế Toại

Nhà văn, nhà báo Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989), sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở làng Hòa Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông, là con ông Lưu Tiến Ích và bà Phùng Thị Tôn. Đây là người phụ nữ duy nhất bị kết án tù do bị tố cáo là gián điệp, phản động trong vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm.

Chồng Lưu Thị Yến là nhà văn, nhà giáo Bùi Nhung bút hiệu là Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ. Ông Bùi Nhung hai lần làm giám đốc đài phát thanh Hà Nội từ 1948-49, và 1951-52, rồi giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954 (trong thời gian 180 ngày trước khi vĩ tuyến 17 đóng lại. Ông bà sinh bảy con, một người mất sớm, còn lại là: An Dương (1934), Thụy Băng (1937), Thư Linh (1938), Dương Chi (1939), Ngọc Trinh (1943) và Châu Công (1945). Nhưng sau bà ly thân với chồng từ 1949. Không ly dị vì cả hai đều theo đạo công giáo. Bùi Nhung liên hệ tình cảm với bà Lưu Thị Trạch, tên thường gọi là Việt. Bà Trạch là em ruột của bà Thụy An, nên Thụy An im lặng rút lui, nhường chồng cho em.

Vào năm 1951, Thụy An đưa bốn trong sáu người con, vào sinh sống ở Sài Gòn. Đó là An Dương, Thu Linh, Ngọc Trinh và Châu Công. Hai người còn lại là Thụy Băng và Dương Chi sống với ông Bùi Nhung và bà vợ sau của ông Nhung.



Người tình của Lưu Thị Yến là ông Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau ông Đỗ Đình Đạo chết vì một nguyên do còn nhiều nghi vấn ngay tại nhà của bà, trong lúc bà đi vắng. Cũng do cái chết của Đỗ Đình Đạo trong buổi giao thời đầu năm 1954, Thụy An bị chính quyền Pháp nghi vấn và không còn đường trở về Sài Gòn. Bà ở lại Hà Nội.

Thưở nhỏ theo Hồi ký của Bùi Thụy Băng- con trai Thụy An, bà được gia đình thuê thầy gia sư là ông Võ Nguyên Giáp. Trong bài tiểu sử Thụy An, Trinh Tiên viết: "Hè năm 1932, cô Yến được cha mẹ cho học tư thêm. Thày giáo là một hàn sĩ người Quảng Bình, dáng dấp mảnh khảnh đầy vẻ cương nghị.(...) Ông thầy giáo trẻ ấy đã bị trò Yến cùng các bạn trêu chọc gọi là "Anh đồ Nghệ". Hơn thế, Yến còn làm thơ nhạo báng dí dỏm:

Khéo ghét anh đồ xứ Nghệ

Hơn mình mấy tí tuổi đầu?" (trích bài "Sao lại mùa thu" của Thụy An)

(...). Nhưng chàng trai xứ Quảng này không chỉ là một hàn sĩ hay một nhà mô phạm đơn thuần, mà còn là một người yêu nước thiết tha, một nhà cách mạng chân chính. Cho nên trong những bài giảng đã gieo ảnh hưởng không ít đến lớp học trò(...) Hơn thế nữa, chính người thầy giáo trẻ ấy lại là một chiến sĩ hoạt động trong bóng tối. Chúng ta hãy lắng nghe lời thơ giới thiệu của Thụy An về người anh hùng đó:

Hung hãn vọng vào tiếng bể

Hờn căm rít ngọn gió Lào

Anh mang trùng dương giận dữ

Anh mang hoang dại khô khan.

Và như :

Mắt anh hừng trí bốn phương

Tay run nắm hồn dân tộc

Tóc xòa vương hận núi sông

Môi bậm tai nghe rên xiết

Áo cơm dọa dưới cùm gông!

Thật sự, Thụy An đã hấp thụ tư tưởng cách mạng qua Thầy đồ Nghệ:

... Rồi anh bắt đầu dẫn dắt

Dạy em khui lửa bất bình

Oán hận réo sôi lòng đất

Công lý tù đầy uất uất

Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh... (Trích: Sao lại mùa thu, một bài thơ của bà).

Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An bắt đầu nghề báo, cùng chồng lập tuần báo Đàn Bà Mới ở Sài Gòn. Ông Bùi Nhung làm giám đốc chính trị, còn Thụy An làm giám đốc kiêm chủ bút. Tại Sài Gòn, bà còn tham gia báo Phụ Nữ Tân Văn. 1938, bà ra Hà Nội chủ trương tờ Đàn Bà.

Trong lĩnh vực báo chí, Thụy An cũng nổi bật với cương lĩnh về nhân quyền, phấn đấu cho quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ.

Năm 1954, bà giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã và trong chiến tranh Việt - Pháp, Thụy An là phóng viên tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài liệu cho báo chí.

Văn nghiệp bà Thụy An gồm cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết.

Bà đã có thơ đăng trên Tạp chí Nam Phong năm 13 tuổi (1929). Bà làm nhiều thơ nhưng không in thành tập. Về tiểu thuyết, ngoài truyện dài “Một linh hồn”, bà xuất bản hai tập truyện ngắn là “Vợ chồng” (25 câu chuyện về hạnh phúc gia đình) và “Bốn mớ tóc”.

Thụy An là tiểu thuyết gia phụ nữ duy nhất được Vũ Ngọc Phan lựa chọn trong bộ Nhà văn hiện đại, với tác phẩm “Một linh hồn” (xuất bản 1943). Trong bài phê bình dài dành cho tác phẩm “Một linh hồn”, Vũ Ngọc Phan nhận định: "Là một nhà thơ, nhưng bà là người đi tiên phong trong địa hạt tiểu thuyết với cuốn Một linh hồn" và ông kết luận "Tuy vậy “Một linh hồn” cũng đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt nam từ trước đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn".

Truyện ngắn của Thụy An in rải rác trên các báo tại Hà Nội. Phần lớn, chưa tìm lại được như: Chiếc cầu chân chó, Les vingt cinq meilleures histoires du monde bằng tiếng Pháp, do Hội Văn Bút Quốc tế xuất bản năm 1954 hoặc 1955. Một cuốn sách bà viết về gia đình, gửi một tờ báo ở San José in năm 1985. Tác phẩm Vợ chồng...

Một vài truyện được ghi lại như: Giết chó (in lại trên Khởi Hành, Hoa Kỳ, số 77, tháng 3/2003; in lần đầu trên Tạp chí Phổ thông của hội cựu sinh viên trường Luật Hà Nội, số 19-20 tháng 6-7/1953). Tác phẩm viết về hiện tượng cách mạng ra lệnh cho dân chúng đồng loạt giết hết chó để có thể đột nhập vào làng ban đêm mà không bị tiếng chó sủa phát giác.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm được một số tác phẩm của Thụy An trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đã công bố trên Talawas, gồm những bài: "Nhân xem phim "Anh gắng nuôi con, đặt lại vấn đề Tân hiện thực", tiểu luận phê bình điện ảnh (Văn Nghệ, số 142, 11/10/1956) Chuyện bố, mẹ, bé và con búp bê, truyện ngắn (Trăm Hoa, 25/11/56), Chiếc lược, thơ (Trăm Hoa, 2/12/56). Trong thời kỳ Nhân Văn , theo bài buộc tội của Vũ Đức Phúc bà có in những truyện như: Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm, Bích-xu-ra... trên báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam.

Qua những sáng tác của Thụy An thời kỳ này thấy rằng bà vẫn giữ được bút lực mạnh mẽ và thái độ cương trực. Thơ Thụy An nói lên chí khí của bà, nói lên sự quyết liệt khi cần phải quyết liệt, nói lên cái hận mất nước, sự không chịu bó tay của người phụ nữ. Sáng tác của bà từ truyện cổ tích đến truyện ngắn, tiểu luận, và nhất là thơ, đã quét sạch những dòng xuyên tạc viết về bà, giải thích tại sao Thụy An không chịu lùi bước trước cuộc đấu tranh cho tự do sáng tạo và nền dân chủ nhân dân.

Qua chuyện bài thơ “Chiếc lược” của Thuỵ An và bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch, Thụy An cũng tuyên chiến với căn bệnh cửa quyền của báo chí, văn nghệ Hà Nội lúc đó.

Đầu năm 1956, Hội Văn nghệ có tổ chức một lớp học chính trị ngắn hạn cho một số anh chị em văn nghệ sĩ, tại số 1 đường Bà Triệu. Có một đồng chí cán bộ của Ủy ban C.C.R.D Trung ương tới nói chuyện về cải cách ruộng đất, có kể một câu chuyện “Một chị bần cố nông đến lúc chia quả thực, chỉ ước ao có một cái lược chải đầu, vì từ bé đến giờ chưa có một cái lược...” Câu chuyện nghe rất cảm động và quả là một đề tài văn học sống động. Đồng chí ấy có nói thêm rằng: “Hồ Chủ tịch có nghe biết câu chuyện này và có lời nhắn các cô chú văn nghệ sĩ nên khai thác đề tài ấy.”

Trong số học viên của lớp học, có Thuỵ An. Sau khi nghe câu chuyện về cái lược, nhất là được nghe lời nhắn nhủ của Bác, bà hăm hở sáng tác và đã hoàn thành bài thơ “Chiếc lược”.

Báo Trăm Hoa số 3 có đăng trọn bài thơ ấy! Và trong lời toà soạn có nói bài thơ này có “chuyển sang Vụ Văn hoá đề nghị in vào loại phổ thông. Nhưng Vụ Văn hoá đại chúng lại cho là bài thơ không hay...”

“Mới đây Trăm Hoa có nhận được thư của ông Đào Duy Kỳ- Giám đốc Vụ Văn hoá đại chúng cho biết là Vụ Văn hoá đại chúng chưa hề nhận được bài thơ “Chiếc lược”. Chúng tôi xem lại tài liệu thì rõ đó là “Phòng Văn nghệ Quần chúng thuộc Vụ Nghệ thuật” chứ không phải Vụ Văn hoá đại chúng. Vậy nay xin đính chính lại cho đúng. Chúng tôi chắc rằng nếu bài thơ “Chiếc lược” này mà chị Thuỵ An gửi cho Vụ Văn hoá đại chúng thì đã không bị trả lại với những câu phê “Bài thơ loại này chúng tôi có nhiều rồi”, mà chắc rằng sẽ được đề cao, cho in rất nhiều như quyển Tình Bắc Nam của ông Đào Duy Kỳ vậy.”

“Lúc ấy, bài thơ “Chiếc lược” không được phổ biến, Thuỵ An lấy điều làm ức lắm. Bà có làm ngay một bài thơ khiếu nại gửi lên Hồ Chủ tịch, vì lẽ cái đề tài này, Hồ Chủ tịch có nhắn nhủ anh chị em văn nghệ nên sáng tác. Vậy mà sáng tác rồi lại không được dùng. Bà liền viết bài thơ bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch. Nhưng Thuỵ An vì biết Bác hiện còn phải bận nhiều công việc to lớn quan trọng hơn, gửi lên chỉ làm phiền Bác nên đã không gửi”

Hai truyện ngắn của bà trên báo Văn của Hội Nhà văn rất độc đáo, chỉ ở người có vốn sống như bà mới viết được. Đó là những mặt hiện thực từ phía bên kia của cuộc chiến tranh Việt Pháp.

“Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm” lên án thói hãnh tiến mù quáng của một viên chức cao cấp người Việt muốn làm vừa lòng cấp trên đẩy con trai vào quân đội quốc gia thân Pháp và làm cho đứa con chết trận thảm khốc.

Truyện “Bichxura” kể chuyện một người đàn bà da đen trong bệnh viện ở Hà Nội thời tạm chiếm được người tình là lính da đen tặng một bộ xà-tích bạc, lồng quả đào, lồng mấy chiếc khoá đồng cướp được trong trận càn nhưng không cứu được chị thoát khỏi thần chết.

“Chị ném bộ xà tích xuống đất. Đã bao nhiêu người đàn ông đồng chủng của chị đêm nay còn gợi tình quê hương trong cánh tay chị, nhưng đêm mai và mãi mãi không bao giờ nữa còn trở lại bên gối chị… Họ chết giữa một trận đánh nhau thuê trên một đất nước có lẽ họ cũng không biết đến cả tên gọi. Thịt xương họ vùi dưới đất lạ và cũng vùi theo với họ, dưới đất lạ, từng mảnh hy vọng của chị… Bich-xu-ra… Tên chị là giếng nước sa mạc, là hột cát sa mạc, Bich-xu-ra phải về với sa mạc. Những người đàn ông kia, người nào cũng hứa với chị như thế, rằng họ sẽ đem chị về sa mạc. Chị hy vọng vào họ lắm, vì họ cũng nhớ thương sa mạc như chị. “Anh ôi! Nếu anh còn đi đánh nhau cho chúng nó anh sẽ lại chết như những người kia. Anh cũng biết chứ, tha hương đất lạ, chết mất của nhau một người đồng chủng, đồng hương, đau đớn xót xa tới độ nào. Huống nữa anh lại là người tôi yêu… Không, không, anh đừng đánh nhau nữa. Tôi không muốn đến lượt anh lại chết. Anh chết, ai đưa tôi về sa mạc?”

Bich-xu-ra đã nói như thế…, đã khẩn cầu người yêu như thế… Từng lời như giọt nước thấm tí tách trong lòng anh, tụ dần thành dòng nước mắt chảy chan hòa trên đôi má đen cháy… Chiếc giày đinh nhè nhẹ dẫm lên bộ xà tích… Mặt trời như một bọng máu đỏ lơ lửng sắp đổ tóc xuống đầu ai…

Cặp nhân tình ôm nhau khóc… Tay Bich-xu-ra dằng, bứt bộ quần áo nhà binh của tình nhân. Những tiếng nức nở của chị, tôi nghe thành điệp khúc láy đi láy lại: “Đừng đánh nhau cho chúng nó nữa! Đưa tôi về sa mạc! Đưa tôi về sa mạc!”

Khi người tình chết người lính da đen phát điên, chân chà nát bộ xà tích.

Thụy An còn nhiều tác phẩm viết sau năm 1954 ở Bắc Việt Nam và cả trong thời gian ở tù vì vụ Nhân văn Giai phẩm, chưa được ấn hành.

Bà là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Thụy An còn tham gia nhóm Sáng Tạo, câu lạc bộ của các nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh Hà Nội. Bằng khả năng và mối quen biết với Paris bà có những bộ phim mới nhất để chiếu ở Hà Nội như Hăm lét, Kẻ cắp xe đạp, Rạp Thiên đường, Anh gắng nuôi con…

Với bài tiểu luận phê bình phim “Anh gắng nuôi con” của Nhật Bản, chứng tỏ không những Thụy An thông thạo tình hình điện ảnh thế giới sau đại chiến, đặc biệt hai nền điện ảnh Tân hiện thực của Ý và Nhật Bản, mà còn có những phân tích sắc bén, sâu xa về sự phục vụ của điện ảnh trong đời sống con người.

Cùng với Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam.

Trong đấu tố bà bị gọi là Con mụ phù thủy xảo quyệt. "Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân"

Sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa ngày 21 tháng 1 năm 1960 xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Bà bị kết án cũng như Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù, 5 năm quản thúc sau khi ra tù.

Năm 1973, Thụy An cùng với Nguyễn Hữu Đang được thả trong diện "Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris". Bà trở về quê Hòa Xá sinh sống. Sau con bà xin cho bà vào thành phố Hồ Chí Minh sống với mẹ già. Bà quy y ở Chùa Quảng Hương Già Lam năm 1987, Pháp danh: Nguyên Quy.

Các con bà đã nhiều lần xin cho bà xuất cảnh sống cùng ở Canada nhưng không được giải quyết. Bà mất năm 1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ- TPHCM, thọ 73 tuổi.

Tuy đã nổi tiếng về về việc hoạt động gián điệp trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm nhưng Thụy An vẫn còn để lại nhiều tranh cãi, hồ nghi về việc làm của bà.

Một vài người trong cuộc phát biểu với bà Thụy Khuê một nhà nghiên cứu ở hải ngoại như sau:

Ông Nguyễn Hữu Đang : “Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân văn Giai phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện.”

Nhà thơ Lê Đạt: “Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân văn Giai phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân văn Giai phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân văn Giai phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân văn Giai phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân văn Giai phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn. Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả.”

Vai trò của bà đối với Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tôi đã trình bày ở phần trên mọi người đã thấy. Không thể nói Thụy An đứng ngoài Nhân Văn Giai Phẩm. Nhiều người đã thừa nhận bà có ảnh hưởng lớn đến họ. Còn động cơ tư tưởng của bà là muốn tham gia xây dựng nền văn nghệ dân chủ, hiện đại hay hoạt động vì mục đích xây dựng lực lượng lật đổ chính quyền nhân dân?

Gần đây có người còn viết:

“Thụy Khuê cũng khẳng định: “…Khi ra Bắc, Thụy An đã có chủ đích chính trị: đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở Hòa Xá, quê hương bà, nơi có những người tin cẩn nhất. Hòa Xá cũng là một trong những làng có truyền thống chống cộng. Và để đánh lạc hướng, bà nhận cả công tác do thám Pháp cho chính quyền cộng sản. Với hành động này, Thụy An trở thành nhà văn đầu tiên tổ chức chống chính quyền cộng sản, trong lòng chế độ” [Thụy Khuê, sđd, tr.178].

Thực ra, Thụy An đã cùng con cái vào Nam từ 1952, nhưng vẫn thường xuyên trở ra Hà Nội để tổ chức cơ sở chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tháng 3 năm 1957 bà bị bắt trên đường lẩn trốn từ Hòa Xá, Hà Đông đến Phủ Lý (quê chồng). Và hành động đó của bà đã được chính con trai bà thừa nhận. Trả lời câu hỏi “Thụy An thường xuyên ra Hà Nội với mục đích gì?”, Bùi Thụy Băng, con trai thứ của Thụy An, nói: “Bà cụ tôi ra Bắc, với hai mục đích: - Về quê mình để thu thập tất cả những gì quý báu nhất trong nhà ông ngoại tôi. Thứ nhì, bà cụ tôi muốn đặt cái bản doanh chống lại chính quyền ở Hòa Xá - chúng tôi nhấn mạnh” [Bùi Thụy Băng, điện đàm ngày 16-12-2004 - Thụy Khuê, sđd, tr.179].”

(Về vụ án Nguyễn Hữu Đang Thụy An ( Đôi lời trao đổi với bà Thụy Khuê ), Nguyễn Xuân Đức PGS-TS ngành Văn học Dân gian, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Vinh đăng trên Tạp chí điện tử Hồn Việt 24-9-2013.)

Với những tài liệu nghiệp vụ mà tôi đã đọc tôi có thể khẳng định rằng con cháu Thụy An khuếch trương lên thôi. Một người như Thụy An không thể ảo tưởng và ấu trĩ như thế, nhất là bà chẳng theo một đảng phái nào, một đường lối chính trị nào. Nội dung các tác phẩm văn học của bà đã nói lên điều đó.

Người ta cũng hay hỏi rằng bà đã tự chọc mù mắt để trả thù chế độ. Có nhiều người đã kể với những cách khác nhau. Lúc thì ở ngay tại Hỏa Lò, lúc thì ở trại giam Hà Giang. Ngay Nguyễn Hữu Đang là người có dịp ngồi cùng xe với bà khi lên trại giam cũng không khẳng định điều đó. Tôi cũng không biết cụ thể sự việc này.

Cho tới nay, bản chất vụ án vẫn chưa được kết luận lại, nhưng hầu hết các nhân vật chủ chốt đã được phục hồi danh dự, hội tịch, được xuất bản trở lại kể cả các tác phẩm đã sáng tác trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, nhiều người được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và một số chế độ chính sách khác. Tuy vậy riêng đối với Thụy An, bà hoàn toàn chưa được giải tỏa một chút nào.

Như vậy bà là một trong những số phận bi thảm nhất của phong trào Nhân Văn Giai phẩm.

Tháng 9 - 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...