TNc: Ngày 15-10-2020, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài (9-1920 - 10- 2020), trang nhà xin giới thiệu bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải về cụ Tô Hoài
Những năm còn nhỏ lắm, tôi đã được đọc ‘’ Xóm giếng ngày xưa’’, ‘’ O chuột’’. Những cuốn sách do các anh, chị tôi đọc nhiều năm trước đã nhầu nát.Ấn tượng trong tôi là một làng quê man mác, đẹp như cái làng tôi đang sống. Cũng có hội hè,đình đám, đói nghèo. Vui buồn lẫn lộn. Những ấn tượng đó theo suốt cuộc đời tôi như một kỷ niệm đẹp. Đó là chức năngmỹ cảm do văn chương đem lại. Thuở đó, đọc xong chỉ nhớ tên sách và cốt truyện, chứ chưa biết quan tâm đến tác giả. Vài năm sau lại được đọc “ Dế mèn phiêu lưu ký”, tới lúc đó mới thật sự biết Tô Hoài cũng là tác giả của những tập sách trước tôi đã đọc. Trong đầu óc non nớt của một cậu bé chưa đến 10 tuổi, thật sự lúc đó tôi coi người viết này giống như một vị thần. Nếu không, sao biết được đến từng chi tiết ở trong đầu không chỉ của con người, mà còn ở cả thế giới của loài vật. Và tôi ao ước,nếu tác giả này là một người thật, thì mong sao trong đời mình, chỉmột lần được nhìn thấy ông, cũng đã hạnh phúc.
Sau này có thời gian được ở cùng cơ quan,cùng làm việc với nhà văn Tô Hoài, càng hiểu thêm về ông. Nhớ hồi sinh nhật nhà văn Tô Hoài 80 tuổi, Hội Nhà văn Hà Nội mời ông lên Khoang Xanh Ba Vì, tổ chức mừng sinh nhật ông. Buổi tối, các nhà văn lớp sau, quây quần quanh ông, nghe ông kể truyện. Ông bảo cậu nào có kỷ niệm gì về mình kể đi. Tôi bèn kể lại cảm giác sau khi đọc ông lần đầu, và ao ước trong đời được nhìn thấy ông dù chỉ một lần…
Tô Hoài cười rất hóm, và bảo: “ Chưa thấy mặt thì ao ước. Nay thấy mặt rồi thì chán lắm, phải không?’’
Nhà văn Tô Hoài viết nhiều, tên các đầu sách của ông kể tới con số trên trăm. Ông đi nhiều, trong nước có lẽ khó tìm được tỉnh nào mà ông chưa đặt chân tới. Ngoài nước cũng vậy, vì nhiều năm làm Uỷ viên đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, nên ông đã xuất ngoại tới trên trăm lần. Phần nhiều là các nước trong khối XHCN và các nước Á – Phi. Ông chịu khó ghi chép. Nên mỗi chuyến đi xa về, ít nhất ông cũng viết được tập bút ký trăm trang, ngoài ra còn dành tư liệu cho tiểu thuyết. Về nghề văn, ta có thể xem Tô Hoài là một tấm gương mẫu mực.
Nhà văn Tô Hoài là người có bản lĩnh hiếm thấy. Luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Ông thường khuyên chúng tôi, phải lăn sả vào cuộc sống, phải sống với nó mới hiểu nó và, đôi khi còn phải đối phó với nó. Nhưng trước hết, nếu xa dời cuộc sống, thờ ơ với thân phận con người, thì nhà văn sẽ viết cái gì. Bởi lẽ, thân phận người khác, cũng chính là thân phận ta đó.
Ngoài những tác phẩm của ông,tôi đọc từ hồi nhỏ, sau này tôi ấn tượng nhất là bộ ba tiểu thuyết: Chiều chiều – Cát bụi chân ai – Chuyện ba người khác.( Đành rằng Ba người khác chưa hẳn là tiểu thuyết,nhưng nó có giá trị lịch sử vô cùng lớn. Nhất là mặt tư liệu, mặt nhân chứng lịch sử ). Ba tác phẩm này cho ta đủ hiểu về bản lĩnh Tô Hoài, bản lĩnh của một nhà văn. Dù trong tình thế nào, vẫn giành lấy quyền thiêng liêng nhất của nhà văn là để nói lên sự thật.
“ Cát bụi chân ai ,“nói về quan hệ tình bạn giữa Tô Hoài với các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu; v.v… đặc biệt là với Nguyễn Tuân.
Tuy các ông chỉ nói chuyện của riêng mình. Nhưng qua đó cho ta thấy không khí văn chương, và cả trường văn trận bút cùng thân phận cô đơn của chính họ. Đồng thời cái hiện thực xã hội cũng hiện ra ngồn ngộn như một khuôn tranh tả thực. Cái khôn và cái khéo của Tô Hoài là ở đó.
Thật ra, nhiều nhà văn cũng rơi vào cảnh ngộ như Tô Hoài, nhưng không phải ai cũng tìm được lối thoát bằng cách bộc lộ nó ra bằng văn chương, bằng tác phẩm để trình làng một cách công khai và đàng hoàng, sang trọng như ông.
Nói về Cụ Tô Hoài thì nhiều điều đáng nói lắm, mà Tô Hoài thì mặt nào cũng tinh, cũng hoạt. Nhưng cái đáng nói về ông có lẽ là tình người. Tôi nhớ những năm làm biên tập ở Tạp chí sáng tác Hà Nội, mỗi khi có chuyện gì xảy ra về nội dung tác phẩm mà Tuyên giáo Thành ủy có ý kiến. Ông không qui trách nhiệm cho ai hết, mà hóa giải chỉ bằng cái tặc lưỡi: “Có gì đâu mà làm to chuyện”.Nghe ông nói vậy, mọi người yên tâm ngay.
Đôi khi Tuyên giáo, họ cũng chưa đọc. Dù đọc, chắc đã phát hiện ra cái gì. Làm sao người ngoại đạo có thể tinh, rành bằng chúng ta. Mà sự thật, nó cũng chẳng có gì. Ngay những tác phẩm bị đánh, bị cấm lưu hành, bây giờ ai chịu khó đọc lại, chỉ thấy lỗi lớn nhất của nó là nhạt, là văn học minh họa. Thế mới biết cái sự đa nghi, thiển cận, nó đã giết chết không biết bao nhiêu đời văn, đôi khi cả đời người viết văn.
Lấy vài ví dụ nhỏ để chúng ta thấy sự ấu trĩ, sự hợm hĩnh của quyền lực. Đại khái như tiểu thuyết “Vào đời “ của cố nhà văn Hà Minh Tuân bị cấm, tác giả bị kỷ luật, bị treo bút ( cấm không được viết ) bị đi cải tạo lao động. Tiểu thuyết “Chúa Trời ngủ gật” của cố nhà văn Nguyễn Dậu, bị thiêu hủy v. v… Bây giờ nếu đọc lại, hẳn mọi người đều kinh ngạc , và không thể hiểu nó bị cấm, bị đốt vì lý do gì. Và người ra lệnh cấm, lệnh đốt, nếu còn sống mà đọc lại, chắc cũng tự xấu hổ mà chết.
Đọc và chiêm nghiệm Cụ Tô Hoài, tôi rút ra mấy bài học tâm huyết từ tác phẩm và cách ứng xử, vừa tự trọng vừa cao thượng của cố nhà văn này. Và qua kinh nghiệm đó, nếu ai nghĩ, không có tự do sáng tác, không được tự do công bố tác phẩm chỉ là chuyện giả vờ. Thực ra không ai ban cho nhà văn cái quyền đó. Và cũng không ai tước nổi của anh cái quyền đó. Chính là anh tự đánh mất, hoặc tự anh dâng hiến cho ai đó, mà không kiên quyết tự bảo vệ, tự giành lấy.
Kinh nghiệm cố nhà văn Tô Hoài để lại, theo cách nghĩ của riêng tôi:
1/ Cống hiến hết mình, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp văn chương. Tận tụy với nghề, chịu đi, chịu nghe, chịu ghi chép, chịu viết. Gặp bất cứ khó khăn trở ngại nào, cũng không bao giờ chịu buông bút.
2/ Sống dưới chế độ nào cũng luôn khẳng định thiên chức của nhà văn, và thực thi nghĩa vụ nhà văn của mình.
3/ Tự mình khẳng định quyền tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm rất uyển chuyển, tránh đối đầu.
Vậy đó, trăm năm hậu thế nhớ về Nhà văn Tô Hoài, với lòng yêu mến, kính trọng, và sự biết ơn là thế thế…
Xóm vắng Pháo Đài Láng ngày 26 / 8 / 2020
* Tranh kí họa của Trần Nhương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét