dịch từ bản tiếng Anh đăng trên Asialink 24/7/2020
Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và môi trường an ninh quốc tế đang xấu đi, tác động nhiều đến nội dung và hình thức tương tác khu vực trong năm nay. Tuy Việt Nam thành công về kiểm soát Covid-19, nhưng đại dịch đã làm Hà Nội bị hạn chế trong hoạt động “ngoại giao trực tuyến” (họp cấp cao qua video) làm trống vắng quan hệ con người trực tiếp và thân tình theo phong cách ngoại giao Châu Á.
Nhưng điều đó không ngăn cản Việt Nam giành được ủng hộ của ASEAN cho lập trường cứng rắn hơn về các tranh chấp đang tăng lên ở Biển Đông. Sau khi phải hoãn hai tháng, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Cấp cao ASEAN 36 họp trực tuyến vào ngày 26/6, với kết quả là ra được tuyên bố của Chủ tịch ASEAN mạnh nhất từ trước đến nay về các yêu sách đơn phương của Trung Quốc đối với chủ quyền tại hầu hết Biển Đông và hành động quân sự hóa đầy thách thức của Bắc Kinh trên các thực thể nhân tạo.
Tuyên bố của ASEAN phản ánh sự đoàn kết của khu vực tốt hơn trước và vai trò lãnh đạo cứng rắn hơn của Hà Nội trong năm nay khi làm Chủ tịch ASEAN. Người ta hy vọng có thể thuyết phục được Trung Quốc chịu nhân nhượng để đàm phán hơn là tiếp tục đòi các yêu sách về chủ quyền, xâm phạm vào chủ quyền của các nước khác tại khu vực.
Nhưng nguy cơ xung đột tại Biển Đông là có thật và đang tăng lên, làm cho khu vực này trở thành một trong các địa bàn tranh chấp chiến lược chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngay sau tuyên bố của ASEAN, Mỹ đã tăng cường gây sức ép với Bắc Kinh bằng các cuộc tập trận và lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn đối với các hành động đó của Trung Quốc. Nếu hoạt động ngoại giao tại Biển Đông thất bại thì chỉ còn cách duy nhất là tăng cường răn đe bằng quân sự, có nghĩa là Mỹ phải cộng tác chặt chẽ hơn với các đối tác tại khu vực.
Lập trường cứng rắn hơn của ASEAN tại Biển Đông
Một khác biệt lớn so với các tuyên bố vốn nhàm chán của ASEAN về Biển Đông là năm nay tuyên bố của Chủ tịch ASEAN tỏ ra cứng rắn hơn. “Tuyên bố khẳng định rằng Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở duy nhất để phán quyết về quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng tại các vùng biển”.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, Việt Nam cam kết đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và sự liên can tiếp tục về chiến lược. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC), và hoan nghênh các biện pháp có thể làm giảm căng thẳng và rủi ro dẫn đến tai nạn, hiểu lầm, và tính toán nhầm lẫn.
Quan điểm cứng rắn hơn của ASEAN phản ánh quyết tâm của Việt Nam để vận động đoàn kết khu vực trước tình hình ngày càng nguy hiểm. Tại Hội nghị Cấp cao năm nay, ông Phúc đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc (mà không nêu tên) đã có “hành động vô trách nhiệm vi phạm luật quốc tế”. Trung Quốc và Mỹ đã tập trận quy mô lớn tại Biển Đông vào đầu tháng bảy trong khi dư luận lo ngại hai cường quốc đang tiến dần đến xung đột.
Đối với các nước ASEAN có yêu cầu về chủ quyền ở Biển Đông, tâm trạng đã chuyển từ bất lực và thất vọng thành quyết tâm chống lại các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Nói cách khác, ASEAN đã công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc muốn áp dụng các nguyên tắc khác về pháp lý bao gồm yêu sách về “quyền lịch sử” gây tranh cãi, làm cơ sở áp đặt chủ quyền.
Nhưng chiến lược của Việt Nam vẫn kèm theo sự cân bằng tế nhị, đòi hỏi ASEAN phải tích cực tương tác với các nước lớn, mà không để nước nào làm bá chủ khu vực.
Theo lời ông Pham Quang Vinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, là cố vấn cho chính phủ về quan hệ với ASEAN: “Chúng tôi phải làm việc với mọi người…Nói chung, chúng tôi nhất trí rằng Mỹ quan trọng đối với khu vực về an ninh và thịnh vượng. Chúng tôi cần Mỹ hợp tác với các thể chế khác nhau của ASEAN vì ASEAN chỉ mạnh nếu hợp tác được với các nước lớn… Chúng tôi muốn trung lập, nhưng không muốn ai khống chế khu vực.”
Nguy cơ tính toán nhầm
Lập trường mới nhất của ASEAN về Biển Đông đã được Chính quyền Trump hoan nghênh, đặc biệt là “yêu cầu tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo luật quốc tế”. Sau đó, trong tuyên bố ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố nhấn mạnh rằng “yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát khu vực này”.
Tuyên bố của Pompeo có lời lẽ mạnh nhất của Mỹ về vấn đề này, tiếp theo việc Mỹ điều động các tàu sân bay tập trận lớn tại Biển Đông để đối phó với Trung Quốc đang triển khai lực lượng.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz, được bốn chiến hạm hộ tống, đã tiến hành tập trận vào ngày 4/7, tiếp theo cuộc tập trận tại biển Philippine ngày 28/6.
Vào đầu tháng bảy, Kelly Craft, đại sứ Mỹ tại LHQ, đã chuyển công hàm note verbale tới LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc là “trái ngược với luật quốc tế”. Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” tại Biển Đông vì yêu sách đó vượt quá quyền lợi hàng hải hợp pháp của Trung Quốc theo UNCLOS và gây bất ổn định cho an ninh khu vực.
Những diễn biến mới này tiếp theo hoạt động của hải quân Mỹ vào tháng tư vừa rồi nhằm ủng hộ việc thăm dò dầu khí của Malaysia tại vùng đặc quyền kinh tế của họ trước sự can thiệp và cưỡng chế của Trung Quốc. Các diễn biến này chứng tỏ rằng Mỹ có thể sẵn sàng làm như vậy để ủng hộ Việt Nam thăm dò dầu khí trong vùng EEZ của mình gần bãi Tư Chính, nhằm thách thức hành động ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực đó.
Khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành khắp thế giới, Trung Quốc đã tăng cường bắt nạt các nước ở Biển Đông. Các tàu hải cảnh 5402 và 5403 đã tiến đến rất gần vị trí Việt Nam đã đặt dàn khai thác tại lô 06 (Lan Tây) từ nhiều năm nay. Trung Quốc quyết ngăn cản không cho Việt Nam khoan thêm tại các giếng dầu mới gần bãi Tư chính.
Theo các nguồn tin quốc tế, hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành tập trận lớn tại vùng biển gần Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5 tháng 7/2020, làm đối đầu Mỹ-Trung tăng lên trong khi Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Trung Quốc đã sử dụng các chiến hạm loại mới để tập trận như khu trục hạm loại 052D và khinh hạm loại 054A được trang bị tên lửa có điều khiển. Họ còn bắn thử “tên lửa diệt tàu sân bay” loại mới (như DF-21D và DF-26) có thể nhắm vào tàu sân bay của Mỹ.
Một số nhà phân tích lập luận rằng các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đẩy các nước Đông Nam Á vào vòng tay người Mỹ. Đồng thời, việc điều động hải quân của Trung Quốc và Mỹ để tập trận đối đầu nhau tại Biển Đông đang làm tăng nguy cơ tính toán nhầm và leo thang tại đây, biến Biển Đông thành nơi nguy hiểm nhất.
Mỹ đã triển khai đúp một lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông để hợp đồng tác chiến hỗ trợ lẫn nhau. Tập trận gần đây có sự tham gia của tàu ngầm tấn công, tàu sân bay, và máy bay ném bom chiến lược tầm xa, phản ánh điều chỉnh tư duy chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ để răn đe Trung Quốc với thông điệp mới về sức mạnh hải quân Mỹ.
Theo Robert Kaplan (Trung tâm An ninh Mới của Mỹ), sức mạnh của liên minh phải dựa trên răn đe hiệu quả, và răn đe hiệu quả phải dựa vào cam kết chiến lược vững chắc. Nhưng từ khi Donald Trump lên cầm quyền, tinh thần đó không còn nữa. Vì các đồng minh và đối tác của Mỹ cảm thấy cô đơn và dễ bị tổn thương, nên Kaplan đề cập đến triển vọng “Phần Lan hóa” khi các nước bạn của Mỹ ở Châu Á có thể tránh đụng chạm đến mục tiêu của Trung Quốc và chỉ hứa suông với Mỹ. Vị trí địa lý làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương trước Trung Quốc, nếu Trump không đủ độ tin cậy. Philippines, Malaysia, và Indonesia cũng như vậy.
Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hệ lụy của đại dịch Covid-19, và gia tăng hoạt động quân sự, có thể cộng hưởng làm tăng nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong một tương lai không xa. Nhưng Mỹ vẫn có cách để làm giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự. Chiến lược hiệu quả nhất của Mỹ là phải phối hợp các sáng kiến ngoại giao với một tư thế răn đe mạnh mẽ hơn.
Cái giá của ganh đua Nếu Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc để họ không kiểm soát được Biển Đông thì răn đe phải đủ mạnh để làm cho Trung Quốc phải nghĩ lại, và phải giúp tăng cường sức mạnh các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ để họ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều đó có thể buộc Mỹ phải quay lại với TPP (Trans Pacific Partnership) và duy trì sức ép mạnh với Trung Quốc thông qua chạy đua vũ trang để thách thức khả năng ganh đua của Trung Quốc.
Nền kinh tế Mỹ lớn hơn Trung Quốc 50%, và GDP của Mỹ tính theo đầu người lớn hơn Trung Quốc sáu lần, tuy trong mấy năm qua Trung Quốc cố gắng rút ngắn khoảng cách. Điều đó làm cho một số nhà phân tích phương Tây lập luận rằng “nếu Mỹ còn không thể duy trì được vị thế siêu cường toàn cầu, thì làm sao Trung Quốc có thể trở thành siêu cường?”.
Tuy các chuyên gia Phương Tây chỉ trích sáng kiến khổng lồ “Vành đai Con đường” của Trung Quốc thường chỉ chú ý đến các nước lo sợ sa vào bẫy nợ của Trung Quốc, mà không thấy rằng chính Trung Quốc cũng đang mắc nợ chồng chất. Có một phân tích dự báo rằng chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc trên thực tế có thể giảm vào năm 2020.
Theo giáo sư Minxin Pei, cách tư duy của lãnh đạo Trung Quốc làm cho họ mắc phải một loạt “sai lầm chiến lược tai hại”. Không có lãnh đạo Trung Quốc nào dự đoán được Mỹ “sẵn sàng hy sinh thị trường Trung Quốc để theo đuổi các mục tiêu địa chiến lược rộng lớn hơn. Vì vậy, chiến lược “tách đôi” (decoupling) đã làm cho họ “hoàn toàn bị bất ngờ”.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, các nước Đông Nam Á đã chứng tỏ rằng họ đặt tầm quan trọng lớn hơn cho việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc nên đảm bảo rằng họ cũng quan tâm đến mối lo chung của khu vực, và quay lại với tinh thần đàm phán để tránh cái giá của đối đầu quân sự. Nếu làm ngược lại là một sai lầm chiến lược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét