Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

ẤN TƯỢNG NGUYỄN QUANG THIỀU

 


Hữu Thỉnh




Bài viết của tôi có thể có một cái tên khác: Tôi thay đổi thói quen để tiếp nhận Nguyễn Quang Thiều. Không có cái gì tương đối như là tiếp nhận văn chương. Bởi vì tiếp nhận văn chương nó gắn với chủ thể, với sở thích, với tâm trạng, với hoàn cảnh, với những trải nghiệm riêng… Thay đổi thói quen trong tiếp nhận văn chương là tôn trọng những cái khác biệt, tìm đến những vẻ đẹp bổ sung hướng tới đa dạng hóa đời sống thơ ca của chúng ta. Một nỗ lực văn hóa vượt ra ngoài mọi sự khen chê. Tôi có lẽ là một trong số người thuộc Thiều nhất, cả về đời sống cả về thơ ca. Và tôi đinh ninh từ thời cùng làm việc ở báo Văn nghệ, thế nào rồi cũng phải viết về Nguyễn Quang Thiều.


Nguyễn Quang Thiều - con người sinh ra cho những cuộc tranh luận.

Cuộc tranh luận đầu tiên bắt đầu từ cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983. Ban Sơ khảo: Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Duy Khán và Hữu Thỉnh. Ban Chung khảo là Dũng Hà (Tổng biên tập), Chính Hữu, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh. Tôi bảo vệ bài Đêm trên sân ga của Nguyễn Quang Thiều. Lúc đó tôi chưa hề gặp tác giả. Ở Sơ khảo bài thơ không được đánh giá cao, nhưng có 2 câu rất hay:

Biên giới giờ này đạn giặc xoáy vào đêm

Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt

Đó là một trong những câu thơ hay nhất của cuộc thi thơ này. Tôi nói với anh Chính Hữu cần trao giải cao cho bài này, một tiếng nói mới, Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt. Câu thơ theo tôi có sức khái quát cái tao loạn của chiến tranh. Thời buổi thế nào mà hóa đá vẫn không yên? Tác giả biết làm mới một hình tượng đã quá quen thuộc. Nguyễn Quang Thiều đã có những câu thơ mở rộng liên tưởng, báo hiệu sự chớp lóe của tài năng. Ban Chung khảo dừng lại thảo luận khá lâu ở bài thơ này. Nhưng các anh ấy nhắc tôi, ông Thỉnh say sưa quá, phải chú ý đến toàn bài. Vâng, toàn bài. Kết quả: Nguyễn Quang Thiều nhận giải Ba.

Cuộc tranh luận thứ hai căng thẳng hơn nhiều, đó là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993: Sự mất ngủ của lửa. Có 2 tập thơ vào chung khảo. Thảo luận một buổi sáng, cán cân dường như bất lợi cho Thiều. Tôi đứng lên phát biểu. Tôi vừa nói được mấy câu, có nhà văn bảo: Anh ngồi xuống! Tôi bảo: Anh là cái gì mà bắt tôi ngồi xuống? Tổng Thư ký không phải, Phó Tổng thư ký không phải, anh có quyền gì mà bắt tôi ngồi xuống? Anh Vũ Tú Nam có bắt tôi ngồi xuống không? Anh Nam bảo Thỉnh cứ nói. Tôi tiếp tục nói. Rồi một anh khác lại bảo: Anh thì biết gì về thơ. Tôi cười, dừng lại một tí rồi lại nói hăng hơn. Sau đó, tôi viết một tờ giấy cho anh Vũ Tú Nam, đề nghị anh chuyển sang buổi chiều hãy bỏ phiếu. Khoảng thời gian buổi trưa ấy là để mọi người suy nghĩ thêm. Lúc 14 giờ xe đến đón đi họp, tôi trao đổi thêm với anh Chính Hữu. Và buổi chiều cũng lại rất căng thẳng. Cuối cùng bỏ phiếu, Nguyễn Quang Thiều trúng sát nút: 5/9. Tôi thầm cảm ơn anh Chính Hữu và anh Vũ Tú Nam và các anh ủng hộ Nguyễn Quang Thiều.

Đến năm 1995 thì cuộc thi thơ với tên là: Người phụ nữ với tình yêu, hạnh phúc gia đình do báo Phụ Nữ Việt Nam tổ chức thì lại vui và giàu kịch tính. Ban chung khảo: Vũ Cao, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Thừa Việt và Phan Thị Thanh Nhàn. Trong danh sách vào chung khảo có hai bài được Ban Sơ khảo đề nghị xếp giải khuyến khích là: Tháng Mười và Câu hỏi một dòng sông. Trong đó Câu hỏi một dòng sông, qua cuộc họp thứ nhất, tôi đề nghị lên giải 3. Họp lần 2 tôi đề nghị đưa lên giải nhì, họp lần 3 tôi đề nghị đưa lên giải nhất. Tranh cãi quyết liệt cuối cùng được giải nhất. Trời ơi! Tôi mừng vô cùng. Sao lại có một cuộc đảo mẫu số thành tử số như vậy? Ngoạn mục. Tác giả bài này là Nguyễn Thị Hoàng Lê ở Bệnh viện Hà Tây. Một phát hiện.

Chị tái giá sau 10 năm khóc trộm

Trong cơn mơ người lính vẫn trở về

Chị tái giá sau 10 năm chốt cửa

Một nửa giường tiếng mọt gọi u mê

Tôi trở lại chiều nay trên bến cũ

Hỏi sông sâu một câu hỏi sóng òa

Tôi bảo Vương Thừa Việt vào bệnh viện Hà Tây tìm báo cho cô Nguyễn Thị Hoàng Lê trúng giải. Tìm 2 ngày không thấy. Cuối cùng thì cái giải đến bây giờ vẫn chưa có người nhận. Một buổi đi công tác, tôi nói với Thiều trên xe “Ở Hà Tây có cô Nguyễn Thị Hoàng Lê làm thơ hay lắm, cậu ạ. Nó được giải nhất đấy.” Thiều nhìn tôi, mặt sáng trưng, chỉ “thế ạ.” và tủm tỉm cười. Rồi cuối cùng sau bao nhiêu dò hỏi, xác nhận thì Nguyễn Thị Hoàng Lê chính là ông Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Quang Thiều “nắn gân” sự thẩm định của Ban giám khảo. Anh muốn thử xem người ta có bỏ sót tài năng, có nhận ra cái hay của thơ không? Đấy. Anh có đổi tên chúng tôi vẫn biết anh là ai, biết anh là thế nào. Hỏi sông sâu một câu hỏi sóng òa. Hay! Những câu thơ hay ấy nó có tính vô tận của ngôn từ. Tôi cứ tưởng rằng với 3 cuộc tranh luận như vậy, Thiều sẽ đi tiếp con đường kiểu như thế. Nhưng hóa ra anh là con người dám bứt phá. Sau Sự mất ngủ của lửa, ta gặp một Nguyễn Quang Thiều khác. Một người dám từ bỏ vương miện, từ bỏ một sự định hình để làm mới hoàn toàn thì phải nói rằng có gan và có chí lắm. Có người nêu câu hỏi: Nguyễn Quang Thiều truyền thống hay cách cách tân? Có anh bảo cách tân, có anh bảo truyền thống, hay giai đoạn trước là truyền thống sau là cách tân. Theo tôi: Nguyễn Quang Thiều truyền thống. Tại sao lại bảo là truyền thống? Nó mới mẻ như thế này, nó ngỡ ngàng như thế này, cách tân như thế này ai lại dám bảo là truyền thống? Thưa, truyền thống của văn hóa, truyền thống của thơ ca theo cái nghĩa đích thực là truyền thống của sự cách tân. Thơ ca luôn luôn cách tân là một truyền thống tốt đẹp nhất để nó tồn tại và phát triển. Một nền thơ đáng giá là một nền thơ luôn luôn đổi mới, đổi mới không ngừng. Và những giá trị mới cứ xuất hiện, cứ xanh tươi, cứ gây tranh cãi, cứ gây sốc… là truyền thống tốt đẹp. Hiểu theo nghĩa ấy thì Nguyễn Quang Thiều là truyền thống, bởi anh luôn đi tìm những cái mới. Nếu thơ ca mà ù lì, mà khư khư dậm chân ở những cái cũ thì không truyền thống đâu. Nguyễn Quang Thiều truyền thống trong xu hướng luôn luôn tìm tòi và đổi mới.

Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ cho riêng mình, khước từ mọi ước lệ, khước từ mọi véo von nhễ nhại. Khước từ mọi du dương quen cũ. Nguyễn Quang Thiều huy động tối đa những ngẫu nhiên.

Thơ anh huy động được các yếu tố trữ tình và tự sự, cả thông tin, cả tản bút, cả bình luận. Anh muốn tạo ra những hợp âm.

Nguyễn Quang Thiều không bị sa vào bẫy chữ. Anh dành tâm sức lớn nhất để tập trung cho giọng điệu. Chim không nói một chữ nào. Có ai đọc được chữ của chim đâu. Nhưng mà giống nào hót ra giọng giống ấy. Nó không có nghĩa mà cuốn hút, mà tạo ra từ trường, tạo ra sắc thái là nhờ có giọng điệu riêng. Với cái giọng riêng ấy nó tạo ra xúc động của người nghe. Nguyễn Quang Thiều đã tạo được một giọng riêng, một lối viết riêng. Người đọc nhận ra anh trong một rừng thơ đông đảo hiện nay. Đặc điểm của cái giọng riêng ấy là Nguyễn Quang Thiều luôn giao hoán các khái niệm và chẻ nhỏ cảm xúc. Tôi đọc Nguyễn Quang Thiều đọc đi đọc lại thấy anh ấy vừa biết chẻ nhỏ vừa biết đào sâu vào cảm xúc. Đẩy cảm xúc lên.

Nguyễn Quang Thiều rất quan tâm đến liên tưởng. Trên chuyến tầu thơ dặm trường ta không biết tác giả sẽ đưa ta đến ga nào. Anh đưa ta đến ga nào thì ta biết ga đó thôi. Cuộc hành trình đầy những bất ngờ.

Nguyễn Quang Thiều tạo cơ hội tối đa cho sự tham gia của những mảng sống khác nhau. Anh ban bố sự bình đẳng của các chi tiết. Các chi tiết chồng lên các chi tiết tạo ra sự phức hợp ngay trong một câu thơ. Đây là một trong những cách làm mới thơ. Chẳng hạn:

Bóng tối gọi từ bên này đến bên kia cánh đồng

ngày của trống, nhị, kèn đã cài then cửa

Ngày của cờ ngũ sắc, cờ đuôi nheo, của phướn đã khép lại.

Hạt đã gieo và phục kín trên con đường độc đáo của đói khát và hy vọng

Sự nghi ngờ của đất đã trĩu nhẹ mở mắt và mũi đã thở đều đều.

(Chương VIII - Nhịp điệu châu thổ mới)

Châu thổ có thể xem là một tuyển tập sớm của Nguyễn Quang Thiều. Trong đó, anh chỉ giữ lại một số bài tiêu biểu trong Sự mất ngủ của lửa, còn hầu hết là những bài thơ mới. Biên độ rộng. Không gian thoáng. Giọng lạ. Liên tưởng phóng túng. Tung phá mặc sức. Thơ trở nên có hình khối. Nhưng quanh quất, quây tụ, ấn tượng nhất vẫn là cảnh quê, hồn vía quê. Đặc sắc nhất trong thơ anh là cái hồn quê ấy. Đã có bao nhiêu người viết về quê, nhưng Nguyễn Quang Thiều viết về quê theo kiểu khác, không giống ai. Sau này, câu thơ có nhiều biến hóa, nhưng hồn quê thì vẫn không thay đổi. Anh tạo ra những cung bậc mới. Tôi đặc biệt ấn tượng về cảm hứng này của anh. Nó làm tôi cảm động. Và lay thức. Do đó, nhiều câu thơ của anh có vẻ Tây, nhưng hồn vía vẫn là Việt. Việt ở thi liệu, ở cảm hứng, ở cái thiết tha, bịn rịn, da diết, nhói lòng.

Tôi mang cơn mưa nham nhở màu xanh

Suốt tuổi thơ không hay cỏ bị săn đuổi

Những con dế bật càng xa, xa mãi

Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè

Một bài hát tình yêu của làng Chùa có thể xem là một ví dụ tiêu biểu về bước chuyển của Nguyễn Quang Thiều. Ở đó có một cái gì đó rất quê, mà lại rất tỉnh. Nhưng khi đọc xong, tôi quên mất quê hay tỉnh, mà chỉ thấy cái thiết tha, da diết, day trở không yên của tác giả. Thay vào chỗ ta hỏi nhà thơ nói gì, ta khắc khoải dò tìm tâm hồn anh thế nào? Tôi bỏ chữ bỏ câu để đi tìm, để thưởng thức hương vị tâm hồn Nguyễn Quang Thiều. Với cách dò tìm đó, chúng ta hãy đi vào thế giới của Châu thổ, từ từ, chậm rãi, trong sự bừng thức của cảm nhận. Tiêu biểu cho bút pháp này là Nhịp điệu châu thổ mới, Hồi tưởng, Chuyển dịch màu đen và Nhân chứng của một cái chết...

Với anh, quê hương đồng nghĩa với cảm hứng; quê hương, đồng nghĩa với tồn tại; Quê hương là cả một thế giới. Thiêng liêng mà mộc mạc. Biến hóa mà cụ thể. Mơ mộng mà xót thương. Từ bỏ quê hương là mất tất cả. Thay vì trích một đôi dòng theo thông lệ, tôi muốn chép ra đây nguyên văn bài “Một bài hát tình yêu của làng Chùa”, vì để lại câu nào e sẽ làm gián đoạn dòng chảy của cảm xúc:

Chàng ơi,

Đêm đã trải tấm khăn của tình yêu xuống rồi

Sao xanh

Sao xanh

Bay về đồng cỏ

Nụ cười trinh trắng của em

Nước mắt trinh trắng của em

Em đi đôi hài thơm tết bằng cỏ

Em buộc mái tóc dài của mình bằng cỏ

Em đi tìm chàng

Hỡi chàng trai em yêu

Chàng đã không nghe lời em

Chàng không uống sương đêm đọng trên gai cỏ sắc

Chàng không ăn hạt cỏ rụng mùa thu

Bởi thế em mất chàng

em mất chàng

Sao xanh

Sao xanh

Ngủ êm trên cỏ

Hỡi chàng ơi

Đêm trải tấm khăn tình yêu xuống rồi

Hơi thở em cỏ đã ướp đầy hương

Bầu vú em gió núi thổi mát rượi

Thế mà em mất chàng.

Một bi kịch tình ái.

Nguyên nhân của bi kịch là: Chàng đã không nghe lời em/ Chàng không uống sương đêm trên gai cỏ sắc/ Chàng không ăn hạt cỏ rụng của thu. Trước hết đây là bài thơ tình yêu. Nhưng không chỉ có thế, tầng sâu ở phía dưới là sự cảnh thức về sự chối bỏ hồn quê, chối bỏ dân tộc, chối bỏ cái gốc, một vấn đề bức nóng nhân cách, trong thời công nghiệp hóa và hội nhập. Ai bảo bài thơ ấy không táo bạo và không mới? Nhưng mật ngọt dâng đầy là chính cái hồn quê ấy. Trong Châu thổ, có hai bài thơ dài, có thể xem như hai trường ca: Hồi tưởng và Nhân chứng của một cái chết. Trong Hồi tưởng, tác giả chia ra làm 12 chương, tính theo 12 tháng. Hồi tưởng tháng giêng, hồi tưởng tháng hai, tháng ba... Nhìn qua, đoán trước là một cuốn thi lịch, và dòng chảy và cấu trúc của nó là thiên cảnh và kỷ niệm. Nhưng không. Tuyệt đối không. Tôi không gặp phải một lối mòn. Đây là là cuốn lịch của tâm hồn, của sự sống, của thiên nhiên hòa thảo với con người. Một cuốn lịch riêng, một thông điệp của Nguyễn Quang Thiều. Này đây, những câu thơ thật gợi.

Hy vọng đổ mồ hôi

Vào tháng Giêng câm tiếng

Nhưng mùa xuân vẫn còn giấu mặt

Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò

(Hồi tưởng tháng Giêng)

Và tháng Hai, đúng là tháng Hai, tôi nhớ tiếng

Khóc trong câu chuyện

Những đồng tiền bà tôi giấu dưới chiếu ố vàng

(Hồi tưởng tháng Hai)

Những bệnh nhân mỏi mệt ngồi nghỉ

Trên ghế đá lặng im ngồi chờ gặp tên mình

Chống lại sự hoảng loạn, gương mặt em bất động

Chúng ta đi mãi quanh bốn bức tường

như tìm lối thoát ra

(Hồi tưởng tháng 6)

Trong lúc chúng ta loay hoay và nguyền rủa thời tiết

Người đàn ông mù thong thả bước đi giữa hai hàng cây

Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết

Và lạc ngay trước ngõ nhà mình

(Hồi tưởng tháng chín)

Cứ thế, một hợp âm cuốn lịch bốn mùa của thiên nhiên và những phận người. Mười hai toa tàu chất đầy những lo âu, thổn thức, hoài niệm của tác giả. Phóng khoáng thì thật phóng khoáng, nhưng tất cả không ra khỏi quảng đại của một vùng quê. Nhà thơ Hoàng Cầm nhiều lần nhắc lại với tôi một câu nói của nhà thơ nước ngoài: Cái quan trọng nhất của một nhà thơ là có một vùng quê. Nguyễn Quang Thiều có cái đó. Anh hấp dẫn ta vì cái đó. khi nào anh ra khỏi cái vùng quê đó, ta chỉ còn thấy anh đang cố gắng nhưng sức chinh phục thì bị giảm đi. Chẳng hạn như bài Ta có quyền ăn bữa tối.

Tôi biết có một số người thích Thiều, mê Thiều nữa, và học, nhưng e khó thành. Vì tôi thấy không nhiều những nhà thơ nói về quê hương mình da diết, vật vã, ngọt ngào và mê đắm như Y Phương với cái làng Hiếu Lễ của anh ở Cao Bằng và Nguyễn Quang Thiều nói về làng Chùa thuộc tỉnh Hà Đông cũ của anh. Cả trong thơ, và văn xuôi, hai cây bút này đều thấm đẫm, đều cảm động và sống chết với cái tình quê cố hữu ấy. Và hai anh đều đã thành công. Anh Nguyễn Đình Thi học trường Tây, nghiên cứu triết học Tây từ rất trẻ, vậy mà khi nói đến văn hóa dân tộc, lần nào anh cũng nhắc lại: “Chúng ta có cái gốc lịch sử mấy nghìn năm, còn đi cùng với thế giới mới có hơn một trăm năm, ngắn lắm, phải giữ cái gốc ấy cho thật vững vào.” Vâng, đây không còn là chuyện thơ nữa, mà là chuyện văn hóa, chuyện tồn vong của cả một dân tộc.

Trở lại Châu thổ. Tác giả muốn tạo nên sự bồi đắp. Và anh đã huy động tổng lực mọi sinh thể từ quầy hàng vô tận của thế giới và tái sinh nó trong không gian rộng rãi của cảm xúc. Trong một giao hoan đa cực, một thế giới mới đã sinh ra. Nó không phải là cái gì khác ngoài một tên gọi: Cảm hứng Nguyễn Quang Thiều. Và như ta đã biết, cảm hứng của nhà thơ là đầy quyền phép. Do vậy mà, thực tại vừa là nó vừa là một cái gì khác. Và đây, có phải là một tuyên ngôn cho một quan niệm mới:

Vẫn những ngôi nhà ấy, những con đường ấy, những hàng cây ấy

Giờ mang một hình ảnh mới. Tất cả dấu vết chết chóc được xóa đi

Người đàn ông tha phương không ngủ nghĩ về một thế giới mới

Máu thức tỉnh như những dòng sông và chảy, dưới tuyết, dưới da người, còn chảy

(Tuyết lúc nửa đêm)

Một cách dò tìm, cất công dò tìm, tôi thử phác ra bút pháp của Nguyễn Quang Thiều. Bắt đầu anh treo lên tường một bức tranh. Rồi anh tháo bộ khung đó ra, bức tường trở thành một bộ khung mới. Rồi đến lượt nó, bức tường cũng bị tháo ra, và không gian của bức tranh cứ được mở rộng thêm mãi ra hầu như vô tận để cho cái vô tận của thế giới ùa vào. Và bức tranh bây giờ vừa là nguyên gốc vừa được vẽ thêm với bao nhiêu màu sắc lạ. Đã hẳn đây là bút pháp phi truyền thống, cảm hứng theo lối dãn nở. Mọi yếu tố vần điệu, âm nhạc câu chữ đều bị tháo tung ra thay vào đó là cái yếu tố ẩn dụ, biểu hiện, ấn tượng, tân hình thức. Cấu trúc giữa các chương khá linh động. Cấu trúc lô-gích hình thức được thay vào dòng chảy của cảm xúc, của nội tâm. Chẳng hạn, một đoạn sau đây của Khúc sáu, trong bài thơ dài Nhân chứng của những cái chết.

Suốt những đêm tháng Mười những hạt bụi vang lên. Có bóng người đi qua những mái nhà. Có cả bóng một con ngựa chạy lạc đàn. Và những con mèo hóa thân lúc gần sáng trên những mái nhà mênh mông, hùng vĩ và cô độc. Tiếng bi thương của chúng xuyên thủng giấc ngủ tôi.

Tôi tỉnh giấc và thương tiếc những bồ câu đã chết trên mái nhà vào những chiều rét mướt. Gió thổi tung đám lông vũ ra khỏi hài cốt chúng. Những chiếc lông bay vật vờ vào sâu nhà chúng ta. Ôi có phải đó là linh hồn những bồ câu chết trong quên lãng.

Sao chúng ta lại không mơ được đi một mình trên những mái nhà giống như người mắc bệnh mộng du. Ta sẽ nhìn rõ hơn những con đường trên đất. Và ta được gần hơn với vô tận trời xanh.

Tại sao chúng ta lại không mơ và không cầu xin điều ấy

Đấy là tội lỗi của chúng ta.

Trong đoạn thơ trên, nói những mái nhà, bóng người, ngựa, chim bồ câu và đám lông của chúng, rồi mặt đất, bầu trời, con đường... Tất cả đều có thật, còn sự vận động của nó, hơi thở của nó lại là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chất thơ không ở trong thi liệu, mà ở trong cảm xúc về thi liệu. Tác giả mượn tất cả cái thực tại xô bồ ấy, để đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại không mơ và cầu xin điều ấy. Điều ấy là một lần vượt thoát khỏi mình, vượt khoát khỏi thực tại, để nhìn rõ hơn những con đường trên đất. Và ta được gần hơn với vô tận trời xanh. Lúc đầu, thói quen cũ của tôi ngập ngừng trước những câu thơ đó. Nhưng đã nói thay đổi thì phải thay đổi. Và sự kiên nhẫn đã giúp tôi gõ cửa những những câu thơ đó. Một cuộc phiêu du của hình tượng, không khỏi có lúc ta tự hỏi không biết tác giả sẽ dẫn ta đến đâu. Nhưng cuối cùng thì chúng ta thở phảo nhẹ nhõm và nhận ra cái thông điệp mà tác giả muốn gửi tới chúng ta. Cách viết đó là giọng chính của những sáng tác hậu Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều.

Trong Châu thổ, còn một loạt những bài thơ ngắn. Nó có chung bút pháp của những bài thơ dài, hay những trường ca của giai đoạn hậu Sự mất ngủ của lửa. Như tôi đã nói ngay ở dòng đầu bài viết này, cần phải thay đổi thói quen của sự tiếp nhận để đọc những bài thơ này. Tôi đã không ít lần nghe các bậc thầy bàn về sự giản dị trong văn chương. Nguyễn Quang Thiều giản dị trong văn xuôi, một mảng rất quan trọng trong văn nghiệp của anh. Nhưng từ sau Sự mất ngủ của lửa, thơ anh không hề giản dị. Không phải không giản dị được mà anh chủ trương không giản dị. Anh không viết nhân dịp gì hết, chỉ nhân dịp những chấn động của tâm hồn. Và lối thơ giao hoán các khái niệm, phóng dụ mọi ẩn ức, nhiệt đới hóa các khu rừng ngôn ngữ đã được anh huy động tối đa. Và, tôi đã nhận ra trong số đó, những bài thơ ngắn ấy, có những bài có nhan sắc chẳng hạn như Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ, Chúc thư, Oh17 phút, Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ XXI gửi những nhà thơ đời Đường, Phác thảo Kevin Bowen... và có những câu thơ có sức gợi theo kiểu phi truyền thống.

Nhưng lúc này một bóng người cúi xuống bên chúng ta phả ấm hơi lửa trong tiếng thì thầm:

- còn một hạt giống là còn một cánh đồng

- còn một giọt nước là còn một dòng sông

- Còn một người có đức tin là cả thế giới được cứu rỗi

(Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ)

hoặc:

Chìm sâu trong chiếc ghế bành bất động, ông trở thành cột mốc. Trên đường biên giới giữa lửa rực rỡ trong lò sưởi và trong bóng tối bên ngoài.

(Phác thảo về Kevin Bowen)

... Trên hướng này, hay trên một hướng nào đó, để đạt tới sự toàn bích là cả một biển nhọc lòng. Nguyễn Quang Thiều mới “chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò”. Thăm dò hiệu quả, tất nhiên rồi. Hiệu quả là để thơ chinh phục người ta tự nhiên, để người ta nhớ, người ta thuộc, chứ không phải dừng lại ở đọc.

Với một nền thơ đang chuyển động, chúng ta trân trọng mọi sự tìm tòi trong tinh thần làm mới thơ. Có cái tới, có thể còn có những cái chưa tới. Không sao. Vấn đề là dám thay đổi. Rồi, với thời gian, những giá trị đích thực sẽ ở lại. Trên con đường thể nghiệm, tìm tòi cái mới, không phải lúc nào Nguyễn Quang Thiều cũng đạt tới sự thuyết phục tối đa. Anh nên quan tâm hơn đến cấu trúc. Thơ có thể có yếu tố phi lý, nhưng cấu trúc phải hợp lý một cách có nghệ thuật. Người ta bảo cấu trúc là trí tuệ là vì vậy. Trong Châu thổ, cấu trúc trong từng bài khá chặt, vững. Nhưng, có lẽ tác giả cần quan tâm hơn đến cấu trúc của cả một tập thơ, của tổng thể, để mỗi bài đều được khoe sắc bởi một diện mạo riêng. Và để từ bài thơ này sang bài thơ kia là từ thế giới này sang thế giới khác. Có những chỗ tác giả huy động nhiều chi tiết quá, không gian trở nên rậm, ảnh hưởng đến độ vang của thơ. Giống như người đánh trống chỉ cần một tay cầm dùi, còn tay kia phải buông ra, nếu anh bịt cả năm đầu ngón tay lên mặt trống, thì tiếng trống sẽ trở nên khản đặc. Sứ mệnh của chữ là tạo ra trường liên tưởng, không gian của cảm xúc. Không gian ấy càng rộng thì tính đa nghĩa, đa tầng của thơ mới được mở ra. Thơ nào mà chả cần đến các chi tiết. Nhưng từ chi tiết đến chỗ trở thành một hình tượng nghệ thuật là con đường dằng dặc khổ công. Không đạt đến hình tượng hóa thì khó đạt đến sự khái quát hóa. Khái quát, khái quát hơn nữa luôn luôn là yêu cầu sống còn của thơ. Thơ Thiều sau Sự mất ngủ của lửa trù phú hơn nhưng sự hàm xúc chưa được anh chăm sóc công phu. Hơn nữa, nếu thơ là một lâu đài, thì cầu thang phải có những cái chiếu nghỉ. Nếu thơ là một con đường, cần có nhiều bóng cây. Chiếu nghỉ hay bóng cây, đó là những câu thơ vụt hiện bay bổng, đẹp đến sững sờ, lấp lánh tài hoa, đủ sức thoát ra khỏi bài thơ để trở thành những giá trị độc lập. Tác giả Châu thổ đã có những câu thơ như thế và tôi tin sẽ còn nhiều hơn thế, nếu anh bớt kể đi để đầu tư xứng đáng cho sự hàm xúc. Đọc một số bài thơ ngắn của Nguyễn Quang Thiều trên các báo gần đây, tôi nhận ra sự phấn đấu của anh theo hướng này. Một phương diện khác của chiếu nghỉ là nghệ thuật tạo ra khoảng trống. Đưa yếu tố văn xuôi vào thơ là một cách tăng chất liệu đời sống, tuy không mới. Nhưng văn xuôi chuộng tư duy cụ thể và hợp lý, còn thơ thì đột biến và phi thường. Thơ cần tạo ra khoảng trống của các vùng liên tưởng để người đọc cùng làm thơ với tác giả.

Nguyễn Quang Thiều đang phát triển và đang tự hoàn thiện. Thời gian ủng hộ anh.

Hà Nội, viết xong ngày 14/12/2017
Sửa lại ngày 3/2/2018

+ Kí họa Nguyễn Quang Thiều của Trần Nhương năm 1996


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...