Nhờ có chữ Nho, dân tộc ta đã ra khỏi thời kỳ tiền sử, tiến sang thời đại văn minh có chữ viết để ghi sử sách, tiếp thu nền văn hóa Trung Hoa, tổ chức hệ thống chính quyền, xã hội... theo mô hình mới trong mấy nghìn năm.
Tuy vậy chữ Nho có nhược điểm không ghi âm được tiếng Việt, không thể dùng để nói, chỉ dùng để viết, không phản ảnh được ngôn ngữ bình dân, vả lại chỉ tầng lớp quan lại và trí thức mới biết chữ Nho. Vì vậy phạm vi sử dụng chữ Nho rất hạn hẹp.
Để sửa nhược điểm không ghi được tiếng Việt của chữ Nho, sau khi nước nhà giành độc lập, vào khoảng thế kỷ XII tổ tiên ta đã làm một thử nghiệm táo bạo về ngôn ngữ: sáng tạo chữ Nôm có yếu tố biểu âm và biểu ý, ghi được âm tiếng Việt.
Chữ Nôm mượn tự hình chữ Hán để ghi tiếng Việt, vì thế phải biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, do đó phụ thuộc Hán ngữ và khó phổ cập. Hơn nữa các triều đại phong kiến ở ta (trừ triều đại nhà Hồ và nhà Tây Sơn) do mù quáng sùng bái chữ Hán mà coi thường và cản trở phát triển chữ Nôm, không công nhận là chữ viết chính thức, chỉ coi là chữ viết của dân thường, vì thế chữ Nôm chưa được hoàn thiện, âm đọc chưa chính xác.
Tuy vậy, do chữ Nôm thể hiện ý thức độc lập dân tộc, lại có thể thể hiện được lời ăn tiếng nói và nỗi lòng của tầng lớp bình dân, cho nên từ thế kỷ XV nhiều nhà thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v... đã hăng hái dùng chữ Nôm sáng tác, tạo dựng được một nền văn học chữ Nôm có bản sắc dân tộc, trội hơn hẳn văn học chữ Nho, mở ra một thời đại phát triển rực rỡ nền văn minh Việt.
Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ của Nguyễn Trãi (TK XV), Bạch Vân quốc ngữ thi tập gồm hơn 100 bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm (TK XVI), Truyện Kiều gồm 3246 câu thơ của Nguyễn Du (TK XIX) … là những tác phẩm chữ Nôm mãi mãi ghi dấu son trong lịch sử văn học Việt Nam, thể hiện được vẻ đẹp của tiếng Việt, chứa đựng những giá trị tư tưởng, văn học vượt xa loại văn thơ chữ Nho bắt chước văn học Hán.
Nhờ các tác phẩm chữ Nôm ấy, chúng ta ngày nay biết được thời xưa tiếng Việt đã phong phú và hay tới mức như thế nào. Chẳng hạn khi đọc câu Kiều “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, từ ngữ và âm điệu của câu này khiến người đọc giật mình tự hỏi thơ ngày nay liệu có hay được như thế không.
Không những giới nhà văn nhà thơ, mà cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng tham gia vào quá trình phổ cập chữ Nôm. Trong gần 300 năm từ khi chữ Quốc ngữ ra đời (1651) cho tới khi được phổ cập (1919), các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm biên soạn tài liệu giáo lý. Với mức sử dụng khá rộng rãi như vậy, chữ Nôm từng được gọi là Quốc ngữ, Quốc âm, tức chữ viết của nước ta, dân ta. Nói thế là đúng. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng (xb. 2015) có 9.450 chữ Nôm, ghi được 14.519 âm tiết, tức chữ Nôm ghi được gần hết âm tiết tiếng Việt, xứng đáng là quốc ngữ, quốc âm.
Về ngôn ngữ học, chữ Nôm trội hơn chữ Hán ở chỗ có tính năng biểu âm rõ ràng, nhìn chữ là đọc được âm, qua đó thể hiện tiếng Việt có một tính năng tiềm tàng cực kỳ quý giá là thích hợp chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph). Chữ Nôm cũng hơn chữ Quốc ngữ (ra đời sau) ở chỗ có tính năng biểu ý, dùng tự hình để thể hiện ý nghĩa của chữ, nhờ thế không gặp rắc rối khi cần phân biệt chữ đồng âm.
Nhưng công lao lớn nhất của chữ Nôm có lẽ là nó đã tạo ra một nền tảng ngôn ngữ để 500 năm sau các giáo sĩ Ki Tô giáo người Âu sử dụng và làm ra chữ Quốc ngữ tuyệt vời.
Đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Girolamo Maiorica, Gaspar do Amaral, Antonio de Fontes… đến Việt Nam truyền giáo. Các học giả có bằng tiến sĩ ấy đều hăng hái học tiếng bản xứ, sau 1-2 năm họ đều có thể giảng đạo bằng tiếng Việt và dùng chữ Nôm soạn tài liệu giáo lý. Ở Pháp hiện còn giữ được 15 tác phẩm chữ Nôm do Maiorica biên soạn trong thời gian 1632-1656, gồm 1,2 triệu chữ, riêng Truyện các Thánh của ông có 4000 trang.
Các học giả giỏi chữ Nôm ấy không thể không nhận thấy thứ chữ viết đã tồn tại 500 năm này có tính biểu âm, suy ra tiếng Việt thích hợp dùng chữ biểu âm. Từ phát hiện quan trọng ấy họ đã nảy ý nghĩ nên biến chữ Nôm thành một loại chữ biểu âm Latin hóa thuận tiện cho việc truyền giáo.
Sau ngót ba chục năm lao động sáng tạo, mấy vị giáo sĩ kể trên đã hoàn tất việc dùng chữ cái Latin ghi âm toàn bộ chữ Nôm và làm ra được loại chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Từ điển Việt-Bồ-La do Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma đánh dấu sự ra đời loại chữ này, về sau gọi là chữ Quốc ngữ.
Rõ ràng, chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được Latin hóa, hiện đại hóa. Không có chữ Nôm, ở thế kỷ XVII không ai có thể làm ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn vài chục năm như vậy.
Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến TQ tiến hành Latin hóa chữ Hán nhằm làm ra một loại chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn họ sẽ thất bại, bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm — nhưng phải tới cuối thế kỷ XX người TQ mới nhận ra điều đó.
Đây lại là một ví dụ chứng tỏ Hán ngữ khác xa Việt ngữ, và tiếng Việt của dân tộc ta xứng đáng được gọi là kỳ diệu.
FB Hải Hoành Nguyễn
---- Aug.11, 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét