Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

NGUYỄN DU VÀ NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM TRÊN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT


Hoàng Quốc Hải


(Tham luận tại Hội thảo Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại)

Từ xưa ta chỉ tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị nhà thơ lớn và xoay quanh tác phẩm Truyện Kiều.
Gần trăm năm nay người ta tranh luận triền miên về Truyện Kiều. Đôi khi có những cuộc tranh luận vì động cơ chính trị, người ta cũng mạt sát Truyện Kiều. Nhưng giá trị văn chương và nhân văn của Truyện Kiều ngày càng khẳng định vị trí số một của Truyện Kiều trong lòng công chúng Việt Nam.
Vài chục năm gần đây lại tiến thêm một bước nữa, tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị một nhà văn hóa.
Tuy nhiên, nếu chỉ đóng khung Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều, chắc là ta hiểu Nguyễn Du chưa trọn vẹn. Sự thật, cuộc đời và quá trình chuyển hóa tư duy của Nguyễn Du, được phản ánh khá phong phú và trung thực trong các tác phẩm chữ Hán của ông. Bài viết này nhằm bước đầu tìm hiểu những thăng trầm của Nguyễn Du từ Vị ngã đến Bản ngã và từ Phi ngã tới Giác ngộ và Giải thoát.
TỪ VỊ NGÃ…
Gia cảnh lâm nạn, Nguyễn Du mất chỗ dựa. Đã vậy, đất nước lại rơi vào cảnh loạn ly. Vốn con nhà dòng dõi thế gia lại có học thức, Nguyễn Du cũng lo lập thân, lập nghiệp như các nhà nho khác.
Khi Nguyễn Du vào tuổi cận 30, cũng là lúc Thăng Long rối loạn, nội bộ Lê- Trịnh lục đục, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh dưới danh nghĩa phù Lê. Lê Chiêu Thống ngồi chưa ấm chỗ đã đón 29 vạn quân Thanh sang nhằm ổn định đất nước. Thực chất là đất nước có nguy cơ bị chiếm đóng. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phối hợp với các lực lượng yêu nước do các sĩ phu Bắc Hà tập hợp.Và chỉ trong vòng 10 ngày đã đánh cho 29 vạn quân Thanh tan tác. Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Đất nước tạm yên, nhưng chưa ổn.
Năm 1789 khi Quang Trung đại phá quân Thanh, anh vợ Nguyễn Du là Đoàn Nguyên Tuấn hợp tác với Tây Sơn, nên được vời giữ chức Thị lang Bộ lại. Lúc này Nguyễn Du về quê vợ ở Quỳnh Côi Thái Bình, năm ấy ông mới 24 tuổi.