TRƯƠNG TỬU - KHỞI ĐIỂM CỦA NHỮNG KHỞI ĐIỂM
Đỗ Lai ThuýTrương Tửu (1913 – 1999) vốn là một nhà tiểu thuyết xã hội, rồi cây bút phê bình nổi tiếng trên báo Loa, cuối cùng từ 1940 trở thành nhà phê bình học giả. Bấy giờ trung tâm trí thức chuyển từ Tự Lực Văn Đoàn về Tạp chí Thanh Nghị và nhà xuất bản Hàn Thuyên. Quanh nhà xuất bản này, quần tụ các trí thức cánh tả, các nhà mác xít (cả Bốn lẫn Ba), các nhà văn hiện thực. Nếu Lương Đức Thiệp nghiên cứu Xã hội Việt Nam, Nguyễn Tế Mỹ nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ góc độ xã hội học, thì Trương Tửu đem cái tinh thần khoa học này vào phê bình văn chương.
Có thể nói, ông là người đầu tiên vận dụng các lý thuyết phương Tây này vào nghiên cứu các tác giả Việt Nam, những “viên đá triết học”, một cách bài bản và sáng tạo. Trước đây tôi đã xiển dương ông như một nhà phê bình khoa học khách quan (xem Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, 2011, tr. 225 – 333), nay tôi muốn nói tới cạnh khía khác tiên phong của ông trong tiếp nhận các lý thuyết văn chương của thế giới vào phê bình văn chương Việt.

Nhà văn – nhà phê bình văn học Trương Tửu (1913 – 1999).....
Thám mã Hồ Xuân Hương
Phê bình phân tâm học vào Việt Nam rất sớm. Năm 1936 đã có hai công trình áp dụng phương pháp này: tiểu luận Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương[1] của Trương Tửu và chuyên luận Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài[2] của Nguyễn Văn Hanh. Cả hai đều ứng dụng học thuyết của Freud vào nghiên cứu một hiện tượng giàu dữ liệu phân tâm là Hồ Xuân Hương. Có thể phân tâm học bấy giờ đã trở thành một học thuyết thời thượng trên thế giới.