Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

CÓ MỘT THỜI SÔI ĐỘNG NỮA KHÔNG?


Trần Huy Quang

Kết quả hình ảnh cho Trần Huy Quang

(Lời tác giả)

Có lẽ trong giới báo chí cũng như mọi người còn nhớ có một thời báo chí sôi động bởi những phóng sự văn học nói về những bức bách, nghịch lí, bất công của cuộc sống với tinh thần nhập cuộc và trách nhiệm công dân của các nhà báo. Đó không phải là những vụ việc có tính hình sự hay khêu gợi sự tò mò giết, hiếp hay hotgirl lộ hàng như thị hiếu hôm nay. Mà là những vấn đề sống còn của sự phát triển, độ vênh của lí thuyết và cuộc sống thực tại, những chính sách lỗi thời trở thành sự cản trở sự đi lên của xã hội mà chưa tháo gỡ…Phải nhớ răng thời đó, thực tiễn cuộc sống đã đặt ra những vân đè của sự phát triển xã hội mà các chính sách không theo kịp, không cập nhật được đã là mối quan tâm hàng đầu của dư luận. Yêu cầu đó buộc trí thức và giới truyền thông phải dũng cảm dấn thân với trách nhiệm công dân cao cả. Hơn nữa với tinh thần “cởi trói”, báo chí cũng như văn học nghệ thuật nói chung, đã tiệm cận được đến tính Chân Thiện Mĩ như trong Nghị Quyết 05 của Bộ chính tr (khóa 6)ị…
Làm nên một thời kì sôi động ấy, phải là nhiều tiếng nói với âm tầng cao thấp nóng lạnh khác nhau, đa thanh, đa âm, không riêng của một giai điệu nào dù nó có là giai điệu. Ở đây với sự quan sát hạn hẹp chủ quan, người viết chỉ đề cập đến sự nhập cuộc hăng hái và trách nhiệm của tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, dường như chính nó, với đặc thù vừa là văn chương vừa là báo chí, đã làm sống lại một thể loại văn học mà Văn hào Vũ Trọng Phụng khởi xướng cách đây hơn nửa thế kỉ, thể loại Phóng sự điều tra đầy chất văn học. Nhất là khi nhà văn Nguyên Ngọc về làm tổng biên tập thì nó là sự cộng hưởng của nhiều đòi hỏi đổi mới và phát triển.