Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

TRẦN THIẾU BẢO - NGƯỜI THỨ BA TRONG PHIÊN TÒA NHÂN VĂN GIAI PHẨM

 

Thái Kế Toại

Trần Thiếu Bảo sinh năm 1920 tại thị xã Thái Bình, nguyên quán ở làng Cổ Khúc (tức làng Khuốc, gốc chèo cổ), huyện Tiên Hưng, Thái Bình. Gia đình ông giàu có, làm nghề buôn bán. Lý lịch thì ghi gia đình địa chủ. Bản thân ông là tư sản. Văn hóa năm thứ tư trung học. Trước cách mạng đi học tham gia Hướng đạo, Hội Ánh sáng, Trí tri, Hội truyền bá quốc ngữ. Thôi học ông về tổ chức hiệu sách ở Thái Bình, liên hệ với các nhà xuất bản Hàn Thuyên, Đời Nay, Tân Dân… các báo Đông Pháp, Tiểu thuyết Thứ Bảy, với các văn nghệ sĩ như Bàng Bá Lân, Trương Tửu, Khái Hưng… Gia đình ông cũng có quan hệ với quan lại, công sứ Allemand và chánh mật thám Thái Bình.

Cách mạng thành công ông lên Hà Nội mở Nhà xuất bản Minh Đức.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Trần Thiếu Bảo lại về Thái Bình lúc đó là vùng tự do, vẫn quan hệ với văn nghệ sĩ để xuất bản sách. Ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Liên khu Ba.

Năm 1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, Trần Thiếu Bảo tản cư vào Thanh Hóa, Sau mạng, nhà xuất bản vào Thanh Hóa lấy tên là Xây Dựng có Nguyễn Hữu Đang giúp sức xuất bản sách phục vụ kháng chiến. Được ông Đặng Thai Mai - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Thanh Hóa giúp đỡ.


Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

CÓ NÊN LỚN TIẾNG DẠY DỖ THIÊN HẠ KHI CHÍNH TÁC GIẢ ĐẠO VĂN VÀ VIẾT THƠ ĐƯỜNG BẤT THÀNH CÚ

 




Đặng Văn Sinh



Tôi chưa hân hạnh được kết bạn với Khúc Hà Linh trên trên FB, nhưng có một face booker vừa gửi đến bài viết của ông về cách nhận diện thơ Đường và cách làm một bài thơ Đường. Status không dài nhưng giọng điệu cực kỳ cao ngạo, phản ánh tâm thức của một học giả “thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý”, sặc mùi dạy đời, coi nhân quần chỉ là đám học trò thiểu năng trí tuệ, bảo sao nghe vậy.


Đọc xong, tôi bật cười. Bởi lẽ, tất cả những thứ Khúc Hà Linh viết về thơ Đường đều chỉ là sự xào xáo từ những cuốn sách đã xuất bản hoặc nguồn từ liệu có sẵn trên mạng internet. Hơn nữa, lý thuyết về thơ Đường từ khi nó xuất hiện đến nay, trải qua 1400 năm vẫn thế, nhai đi nhai lại chỉ khiến người ta bực mình theo kiểu cụ cố Hồng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.