Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

KÍNH MỜI CÁC BẠN ĐẾN DỰ KỈ NIỆM 10 NĂM TRANNHUONG.COM và TRAO GIẢI VĂN CHƯƠNG TRANNHUONGCOM


Không có điều kiện gửi giấy mời đến các ban, chủ trang cho giấy mời này lên trang nhà. Kính mời bầu bạn, đồng nghiệp và bạn đọc đến dự chia vui cùng chủ trang.
Buổi lễ lúc 9 giờ ngày thứ Ba 27-12-2016 tại Hội trường Hội Nhà văn VN, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

SỰ IM LẶNG CỦA NHÀ VĂN


Phạm Ngọc Tiến


Sự im lặng của nhà văn nghĩa là cái đám cháy ấy sẽ không được nhà văn khả dĩ tìm ra được phương cách ngăn chặn để nó đừng xảy đến tương tự trong tương lai, điều mà công chúng cần ở văn học. Khi nhà văn im lặng trước an nguy đất nước thì cái trách nhiệm công dân nhà văn sẽ chẳng còn tác dụng nếu không muốn nói một cách cực đoan là nó đã bị chối bỏ bằng sự vô dụng. Sự vô cảm của nhà văn suy cho cùng cũng là hệ lụy chung của xã hội nhưng nó gây ra di chứng nhiều hơn. (PNT)
Kính gửi các nhà văn yêu quý.

Không hiểu sao cứ những lúc cuộc sống có biến cố xảy ra, bao giờ tôi cũng nghĩ đến các nhà văn trước tiên. Chẳng hạn một đám cháy lớn. Một đám cháy, lẽ ra cần phải huy động cứu hỏa và họ chính là người tất cả cần nhất trong tình huống đó. Nhưng không, cứu hỏa đến với đám cháy là việc tất nhiên. Họ sẽ sử dụng chuyên môn của họ dập tắt đám cháy. Một việc quá đỗi bình thường. Còn các nhà văn thì tôi nghĩ nếu họ gặp đám cháy ấy họ sẽ làm gì?
Vâng, nếu gặp một đám cháy thì các nhà văn sẽ làm gì? Câu hỏi ấy cứ xoay đi trở lại nhiều lần trong tôi. Sứ mạng của họ không phải để dập lửa. Luận theo lô zích thông thường, họ sẽ quan sát đám cháy, suy nghĩ rồi miêu tả nó. Những hậu quả. Bài học rút ra từ rất nhiều góc độ. Thậm chí là họ diễn giải tâm lý đám cháy trong nhiều chiều. Tất nhiên điều này có ích cho không chỉ nhà văn. Nhưng tôi biết sẽ có không ít nhà văn bình thản đứng nhìn đám cháy và lặng lẽ bước đi. Cái đám cháy ấy hoặc không đủ để tác động đến cảm xúc của họ hoặc nó chẳng liên quan gì. Tóm lại là họ bước qua đám cháy bằng sự im lặng. Một sự im lặng được gọi theo cách rất cũ kỹ ấy là vô cảm. Sự vô cảm cố hữu của đám đông trước những gì bất thường xảy ra của đời sống vốn đã không còn là sự lạ ở ngày hôm nay.