Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

VẤN ĐỀ XỬ LÍ THỜI GIAN TRONG TIỂU THUYẾT KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ CỦA TRẦN NHƯƠNG


Nhà văn Nguyễn Hiếu


Đọc “Kim kổ kỳ kuặc kí “của Trần Nhương tôi chợt nhớ đến “chuyện Đông Kí sốt “của Xéc văng tét.Tất nhiên hai cuốn sách này ở hai lĩnh vực, cấp độ khác nhau nhưng nó lại có một điểm chung đó là bút pháp diễu nhại hài hước. Thời Xéc văng tét thị trường sách tràn ngập tác phẩm văn chương các loại kể về kị sĩ với các chiến công kì lạ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu người đọc, nhất là giới trẻ. Vì thế Xéc văng tét nẩy ra ý định viết cuốn tiểu thuyết để diễu cợt thứ tiều thuyết kị sĩ này. Nhưng với thiên tài trong sự cảm nhận và bút pháp của mình, Xéc đã viết nên một kiệt tác để đời. Thực trạng thời đại của giai đoạn lịch sử cuối trung cổ thoát thai ra thời trung đại với những bi, hài kịch về thời đại và thân phận con người đã hiện ra trong hình tượng chàng kị sĩ mặt dài- buồn nhân hậu, ảo tưởng đi tìm người đẹp là nàng Đun Xi nê lý tưởng và đánh nhau với cối xay gió. Còn cuốn tiểu thuyết lấy năm chữ K đặt cho đầu đề của Trần Nhương lại là sự diễu nhại về một thực tế xã hội đáng bị lên án được khu biệt và cá tính hóa thông qua lĩnh vực văn chương.

Cùng với cuốn tiểu thuyết “Phùng Vương” của Phùng Văn Khai tiểu thuyết có tên bằng năm chữ K đầu là hai tiểu thuyết đương đại kết cấu theo hình thức chương hồi cổ điển đã thành danh với “Hoàng Lê nhất thống trí”và xa hơn nữa với hàng loạt tuyệt tác của tiểu thuyết chương hồi Trung hoa cổ với “Hồng Lâu Mộng”, “Thủy Hử”,”Tam quốc”...

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

THU HOẠCH TỪ HÀ TĨNH


Bùi Việt Thắng




Trực chỉ Hà Tĩnh


Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tháng 6 - 2016, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả 6.000 trang tiểu thuyết lịch sử về các triều Lý, Trần đã đặt câu hỏi đầy tính chất gây men cảm xúc tích cực “hướng về đâu văn học?” làm cả khán phòng của Hội đồng văn xuôi xao động và kích thích tranh luận. Cũng chính nhà văn trưởng lão bước vào tuổi tám mươi này, ngay trong những ngày hội nghị, đã trực tiếp đặt vấn đề với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội NVVN - về việc cần thiết cử các nhà văn đi vào “tuyến lửa” khu Bốn, cụ thể là vào Hà Tĩnh, mảnh đất khởi sự thảm họa môi trường bởi Formosa gây nên. Ngay lập tức vị Chủ tịch Hội NVVN đồng ý về ý tưởng, về phương hướng và động viên các nhà văn tham gia chuyến đi thực tế bổ ích cho sáng tác này. Cũng đúng thôi, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, Hội NVVN đã cử các đoàn công tác đến các địa phương phía Bắc xa xôi như Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang. Thì không có lí do gì không cử một đoàn có mặt kịp thời ở một vùng đất đang nóng lên từng ngày, từng giờ. M. Gorki đã nói, đại ý, nhà văn chính là “cơ quan” nhạy cảm nhất (là tai/là mắt) của xã hội. Về Hà Tĩnh thời điểm này có muộn không? Không bao giờ là muộn, và thậm chí muộn vẫn hơn không, như cổ nhân nói. Về Hà Tĩnh lúc này không phải là một cuộc ngao du, thăm quan như thường thấy, mà là về với đời sống của nhân dân cần lao và vĩ đại đang trải qua “lửa đỏ và nước lạnh”.
Đoàn nhà văn Việt Nam về Hà Tĩnh thực tế có trưởng lão Hoàng Quốc Hải (được anh em phong là “kiến trúc sư” của đoàn). Năm nay ông đã 79 xuân nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn, người trai trẻ coi chừng thua.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

ĐI TÌM CHU MẠNH TRINH


Mai An Nguyễn Anh Tuấn






Cứ mỗi lần có việc (hay chẳng có việc gì mà chỉ đơn giản là đi vãn cảnh) vào chùa hay một địa điểm văn hóa tâm linh nào đó, không hiểu sao tâm tư tôi lại rung lên trong mấy câu của thi sĩ Chu Mạnh Trinh:

Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
... Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng...
(Hương Sơn phong cảnh)

Tôi, cũng như bao thế hệ người Việt ngâm nga tán thưởng bài thơ hát nói này, không chỉ vì sự tài hoa của ngôn từ đã vẽ nên cảnh Bụt một cách trang trọng mà đắm đuối thi vị, mà còn bởi cái cách thưởng thức thiên nhiên, bởi một thái độ văn hóa ở chốn tâm linh. Để có được cái tư thế hòa nhập đáng yêu đáng kính như thế với thiên nhiên và cảnh Bụt, Chu Mạnh Trinh đã có nhiều hơn, cao hơn cái phẩm cách thi sĩ của cụ - đó là Tâm Phật. Mà Tâm Phật này lại chính là sự gặp nhau trọn vẹn của ba vòng đồng tâm: Nhân tính - Việt tính - Phật tính, theo lý thuyết của một người bạn tôi là nhà văn nhà giáo Chu Văn Sơn. Những năm tháng này, những câu thơ lóng lánh tự đáy hồn kia lại thường đến với tôi như một sự xót xa, tiếc nuối, và uất hận, bởi thiên hạ đã phá nát cảnh thiêng như nó cần phải có để dẫm đạp lên nhau tranh giành lợi lộc, để mua thần bán thánh, để những mưu đồ đen ngòm ích kỷ làm ô uế cửa thiền. Người Việt chúng ta có thể nói ai cũng có sẵn trong mình cái Tâm Phật ấy, song dường nó đang bị tiêu tán, bị hủy hoại, bị truy bức - bởi đủ lý do chủ quan khách quan lắm khi thực ngớ ngẩn! Chu Mạnh Trinh và những con người như cụ, hơn bao giờ hết, cần thiết đến chừng nào cho cuộc đời nhiều xáo trộn, đổ vỡ, máu lửa này, và cũng đang khao khát lắng lại trong sự bình yên, trong lành, cùng cái Đẹp của thiên nhiên và Tình người...