Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

CHUYỆN VỀ ĐẶC KHU KINH TẾ


Vũ Ngọc Hoàng
Thứ tư ngày 22 tháng 8 năm 2018 10:27 AM


.Nhà nước của dân phải luôn biết lắng nghe ý kiến của dân, kể cả trước và sau khi thông qua quyết định. Phản biện khoa học và thảo luận bình đẳng là con đường tiếp cận chân lý mà không có gì có thể thay thế trong khoa học xã hội. Trường hợp vừa rồi là cách tốt cần được phát huy đối với nhiều việc khác. Từ xưa đến nay, kể cả lịch sử tất cả các triều đại, khi nào lãnh đạo đất nước thật sự cầu thị lắng nghe dân thì lòng dân tin tưởng và hướng về triều đình, lúc ấy dân tộc có sức mạnh gấp bội để giữ nước và kiến thiết quốc gia. Còn khi nào triều đình quan liêu, xa dân, không biết lắng nghe mà còn đối phó với nhân dân, thì lòng dân ly tán, sức mạnh quốc gia suy yếu, đến lúc nghiêm trọng thì kẻ thù từ bên ngoài lợi dụng cơ hội ấy để tấn công, đất nước không đứng vững trước hiểm nguy và triều đình suy vong, sụp đổ (Vũ Ngọc Hoàng)
.KD: Ts Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo TƯ vừa gửi cho Blog bài viết này. Một bài viết chủ đề nhạy cảm- Đặc khu kinh tế- với những phân tích thấu đáo về những được mất, thành bại, nên và không nên làm xung quanh chủ đề đặc khu kinh tế.
.Các tiêu đề nhỏ, chủ Blog xin đặt để bạn đọc dễ theo dõi 
————
Đặc khu- thành công và thất bại
Chuyện đặc khu kinh tế đã bàn từ lâu, hàng chục và hàng trăm năm trước, tại nhiều nước trên thế giới và kể cả ở nước ta. Thế giới đã có hàng nghìn đặc khu kinh tế ở hơn một trăm nước. Một số đặc khu thành công, số lớn hơn thì không thành công hoặc thất bại. Họ tổ chức bao gồm 2 loại hình: Loại thứ nhất, có đơn vị hành chính riêng (của một khu). Loại thứ hai, không có đơn vị hành chánh riêng mà chỉ là cho áp dụng cơ chế đặc biệt trên một vùng lãnh thổ nhất định (khác với cả nước ở bên ngoài đặc khu) tại địa điểm cụ thể nào đó. Loại thứ nhất số lượng rất ít nhưng thường mạnh mẽ hơn về cơ chế chính sách và quyền tự chủ, nhiều nơi gần giống như “khu tự trị” về kinh tế; loại thứ hai nhiều hơn, phổ biến hơn.
Ở nước ta hàng trăm năm trước đã từng có các đặc khu kinh tế. Phố Hiến ngày trước cũng là một kiểu đặc khu. Tại Hội An, cách đây khoảng 4 thế kỷ, chúa Nguyễn đã từng tổ chức một đặc khu kinh tế, và đã rất thành công tại đó vào lúc ấy. Với đặc khu kinh tế Hội An, gắn với một thương cảng quốc tế Cửa Đại sầm uất-một trung tâm giao lưu buôn bán của khu vực, nơi đây đã trở thành trung tâm kinh tế của Xứ Đàng Trong. Trung tâm kinh tế này đã đóng góp rất quan trọng về nguồn tài chính và hậu cần cho công cuộc khai khẩn hòa bình khi cư dân Đại Việt tiến dần về phương Nam để mở mang bờ cỏi và nhân đôi nước Việt.