Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

THỊ KÍNH NĂM 2000


Mai Vũ

Nhà văn Mai Vũ



“Những ngôi nhà như những gương mặt người tràn đầy kỷ niệm. Có những kỷ niệm cất lên lời nói nhưng có những kỷ niệm lặng câm, không bao giờ cất lên lời nhưng vẫn sống âm ỉ, được ấp iu, lưu dấu vào những lớp vôi hồ loang lổ quanh những bức tường kia, lặng im như chết mãi với thời gian và rồi một ngày kia bỗng rung lên như những quả chuông nhỏ, nấc nghẹn những tiếng than. Những ngôi nhà - những gương mặt người…”
Tôi mở đầu bài viết này bằng một đoạn văn của Ô-xê-na-xêch, nhà văn Tiệp Khắc trong tác phẩm “Rô-mê-ô và Giu-li-et trong bóng tối” mà tôi đã đọc từ thuở còn sinh viên. Đó chính là ngôi nhà 153 phố Triệu Việt Vương - Hà Nội, một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, một cơ sở của Công an Hà Nội và Tổng cục II Bộ Quốc phòng. Là ngôi nhà có hai anh hùng lực lượng vũ trang, đó là đồng chí Nguyễn Tài - Thứ trưởng Bộ Công an và Đại tá Đinh Thị Vân - Anh hùng quân đội. Vậy mà 45 năm về trước nó được chụp cho một cái tên rùng rợn: ổ gián điệp.
Chuyện thật như bịa này ở trời Tây nào vậy? Xin thưa, nó ở ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội. Tôi không dám bịa và xót xa thay, nó liên can đến thân phận thày giáo dạy tôi - thày Đặng Công Toại, một thành viên đại gia đình “Hang ổ gián điệp” 153 Triệu Việt Vương.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

CÁI ĐÚNG HÔM QUA NAY KHÔNG ĐÚNG NỮA !

Vương Trí Nhàn


Ông Tú, nhân vật chính trong truyện ngắn Một thời gió bụi (1991), của Nguyễn Khải là một cán bộ vốn sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu, liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con ở thành phố, làm chân phụ việc bán hàng cho vợ.
Tại sao? Theo cách miêu tả của tác giả, nhân vật tưởng đã rất từng trải ở đây đã thực sự bị sốc trước tình trạng xảy ra trên quê hương. Con người gian giảo lừa lọc. Niềm tin và sự bình thản trong tâm tư không còn. Mối quan hệ thuần hậu giữa người với người đã bị biến dạng.
Chữ lợi làm mờ cả mắt. Người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả đào trộm một ngôi mộ cổ của một bà thứ phi của chúa Trịnh Doanh, bẻ đầu bà ta, để kiếm vàng. Ấn tượng còn lại ở ông Tú là “một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử ”. Quay trở lại với gia đình nơi đô thị, ông nghe một đứa con hỏi : “Về quê có vui không?”, đành đáp: “Cuộc sống gay gắt lắm”. Lại khi nghe hỏi: “Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố”, ông chỉ còn cách trả lời: “Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả” (xem Tuyển tập Nguyễn Khải ba tập, tập III, NXB Văn học 1996, các trang 269 và 280).
Nguyễn Khải từng có nhiều thiên truyện viết về nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước, trong đó có truyện Tầm nhìn xa chế giễu ông Tuy Kiền, phó chủ nhiệm hợp tác chuyên xoay xở kiếm lợi. Văn xuôi Nguyễn Khải hồi ấy cho thấy một nông thôn hài hòa mà sôi động, con người đầy khao khát song rất tự chủ, và luôn tự chứng tỏ là có thể đứng vững trước bất cứ thay đổi nào của thời cuộc.
Nay với Một thời gió bụi, tác giả vẫn sắc sảo như xưa, nhưng lại hai lần đáng ca ngợi vì là một sắc sảo phát hiện ra những gì ngược với niềm tin của mình hồi trẻ. Trong phút xuất thần của ngòi bút, Nguyễn Khải thật đã dự cảm chính xác sự băng hoại của nông thôn cổ điển trước công cuộc hiện đại hóa tự phát có pha một chút dã man hôm nay.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

ĐƯA TIỄN CỤ RÙA


Trần Nhương


Tháng Chạp, ngày 10
Cụ đi trong giá buốt
Cũng không biết Cụ đi ngày nào
Vì khi phát hiện cụ đang phân hủy*
.
Thương thay
khi sống bao người reo hò mỗi khi thấy Cụ
Mà băng hà lầm lũi chẳng ai hay...
.
Thôi Cụ đi đi
Khép lại 600 năm trầm luân khổ ải**
Chứng nhân tao loạn, thái bình
.
Cụ về với Lam Sơn tụ nghĩa ngày nào
Cụ lên Cổ Loa rút móng làm lẫy nỏ thần đuổi giặc
Cụ lên Trường Sơn giữ lấy sơn hà
Cụ ra biển Đông đuổi bọn rập rình xâm lấn
.
Hà Nội hồ Hoàn Kiếm
Gươm Lê Lợi ngày xưa giờ ở nơi nào ?
.
Thôi Cụ về tiên tổ
Mang một phần hồn Hà Nội đi xa
Cụ gửi lại thanh gươm giữ nước
Cho cháu con còn khí phách ông cha...
.

ÔNG VŨ QUỐC HÙNG: DÂN CHỈ TIN ĐẢNG KHI ĐẢNG THỰC SỰ VÌ QUYỀN LỢI CỦA NHÂN DÂN


Ngọc Quang (Thực hiện


(GDVN) - Làm thế nào để Đảng xứng đáng với dân tộc? Làm thế nào Đảng sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong lòng của từng người nhân?

Trước sự kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chia sẻ những suy tư của ông về công tác xây dựng Đảng, lựa chọn cán bộ có đầy đủ năng lực phẩm chất lãnh đạo đất nước.
Nhiều năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tới nay đã có 55 năm tuổi Đảng, ông chờ đợi điều gì ở Đại hội Đảng 12?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi chờ đợi Đại hội Đảng lần này sẽ ra được một Nghị quyết làm sáng tỏ hơn nữa con đường trong tương lai của cách mạng Việt Nam.
Bấy lâu nay, chúng ta bàn nhiều về chủ đề “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Tôi vẫn luôn trăn trở với những vấn đề ấy. Làm thế nào để Đảng xứng đáng với dân tộc? Làm thế nào Đảng sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong lòng của từng người nhân?
Nói xa hơn thì chúng ta trân trọng tất cả các dân tộc khác, nhưng có quyền tự hào về dân tộc mình, chúng ta tự tin khi hợp tác với các quốc gia khác, không phải chỉ bởi sự đoàn kết, ý chí chiến đấu để giải phóng dân tộc trong quá khứ mà còn bởi sự cần cù, thông minh và giàu lòng nhân ái.
Đảng phải làm gì để xứng đáng với dân tộc này? Trong những năm tháng chiến tranh, Đảng đã tập hợp được các lực lượng trong xã hội thành một khối thống nhất, đấu tranh quyết liệt tới cùng vì sự sống của dân, vì quyền lợi của dân.