Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

THÁNG NĂM


Trần Nhương




Tháng Năm buồn không thể buồn hơn
Anh héo rũ trong bộn bề ý nghĩ
Muốn vô cảm cho lòng mình hoan hỉ
Mà không sao làm được điều này
.
Biển rất xa đâu phải gần đây
Sao sóng đổ vào anh giông tố
Vị mặn đắng cả trong hơi thở
Đêm chập chờn xác cá suốt cơn mơ
.
Một em gái bị hiếp dâm và giết
Trước sân nhà vết máu đỏ nhân gian
Khi cái ác lên ngôi khủng khiếp
Nạn côn đồ cùng tham nhũng tràn lan
.
Lời nói thật không còn tin là thật
Giả dối thành lối sống hàng ngày
Lòng tin ấy bỗng dưng vơi mất
Tà đạo làm mê muội cơn say

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

NGHỊCH LÍ TẬP CẬN BÌNH


Nguyễn Quang Dy

The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide?


Sau hơn ba năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã thâu tóm và tập trung quyền lực tuyệt đối như một nhà độc tài (hay bạo chúa) không kém gì Mao (hay Caesar). Tập vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư, vừa là chủ tịch quân ủy trung ương và tổng tư lệnh. Nhiều người ngỡ ngàng và thất vọng, vì Tập “ngày càng giống Mao chứ không giống Đặng Tiểu Bình”.
Thực ra Tập không giống Mao mà cũng chẳng giống Đặng. Trong khi Mao độc đoán, vô tổ chức và ham chơi, thì Tập rất kỷ luật và chuyên nghiệp. Trong khi Đặng thực dụng, chủ trương lãnh đạo tập thể và phân quyền, thì Tập lại giáo điều, chủ trương lãnh đạo cá nhân và chuyên quyền. Có người tưởng Tập sẽ giống Gorbachev (muốn thay đổi nguyên trạng) nhưng Tập làm ngược lại Gorbachev (muốn duy trì nguyên trạng). Có người ví Tập như bạo chúa Caesar hay hoàng đế Chu Lệ thời nhà Minh (với bộ máy thanh trừng “Đông Xưởng” đáng sợ). Tổng thống Nixon đã thừa nhận trước khi qua đời (1994), “Chúng ta có thể đã tạo ra con quái vật Frankenstein”. Phải chăng Tập Cận Bình là hiện thân của Frankenstein?
Vậy Tập Cận Bình thực sự là ai? Đó là câu hỏi của Andrew Nathan trong bài điểm sách (“Who Is Xi?”, Andrew Nathan, New York Review of Books, May 12, 2016 Issue). Dường như Tập Cận Bình đã trở thành một nhân vật bí hiểm đa nhân cách (như “Dr Jerkyll & Mr Hide”). Tác phẩm kinh điển này của Robert Louis Stevenson (1886) đã trở thành một hình tượng văn học hữu ích. Một bác sỹ khả kính (Dr Jerkyll) có thể biến thành một kẻ quỷ quái và độc ác (Mr Hide) nếu uống phải một liều thuốc cực đoan (như Maoism).

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

CUỘC ĐỜI KỲ LẠ CỦA NHÀ VĂN NGA MIKHAIL BULGAKOV


Tô Hoàng


Nhà văn Mikhail Bulgakov


Ngày 15 tháng 5 năm 2016 vừa qua, kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh của nhà văn Nga nổi tiếng Mikhail Bulgakov. Cùng với B. Pasternak và muộn hơn là A. Solzhnitsyn, ông đã cất tiếng nói lên án chế độ chuyên quyền, những điều trái logic cùng nhiều tệ nạn khác của đất nước mình dưới thời Xô Viết.
Người đọc Việt nam đã may mắn làm quen với hầu hết gia tài văn xuôi của M.Bulgakov như “ Thợ cả và Margarit”, “ Trái tim Chó”, “ Những quả trứng định mệnh”, “ Tuyển tập văn xuôi của M. Bulgakov”qua phần chuyển ngữ kỹ càng, công phu của dịch giả Đoàn Tử Huyến…

NHỮNG TẬP BẢN THẢO
KHÔNG BỊ ĐỐT

Bungakov tự gọi mình là “ Con sói bị săn đuổi” trong văn học ( theo sự tính toán của ông có tới 301 bài phê bình, đả kích sáng tác của ông; trong số đó chỉ có 3 bài đọc tạm được ). Không giống nhiều nhà văn khác, chính ông cũng là người lên án mình không xót thương. Từ những trang ghi chép của nhà văn, chúng ta đọc được những dòng như thế này: “ Bỏ sọt rác ráo trọi..”, “ Mình đang làm những điều vô bổ”, ” Một nỗi buồn âm ỉ trong tôi”, “ Xé, đốt hết cho khuất mắt thiên hạ. Nhưng không bao giờ được xé, đốt với chính mình!”. Luôn luôn nghiêm khắc phán xét bản thân và những gì viết ra từ đỉnh cao của lương tâm, của đòi hỏi sức sống lâu bền cho tác phẩm, không phải tình cờ M.Bulgakov tự coi mình là “ Nhà văn kỳ bí”. Chuyện kể rằng vào năm 1926, trong một lần khám xét, người ta đã tìm thấy trong căn phòng của M.Bulgakov những trang nhật ký và truyện vừa “ Trái tim chó” viết chung trong một cuốn tập. Những tranh nhật kỳ thì biến mất vĩnh viễn. Còn “ Trái tim chó “ hai năm sau được hoàn trả cho chủ nhân. Có ức thuyết cho rằng văn hào Macxim Gorki đã trợ giúp vào việc này.