Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

THÌ CHO HAI CHỮ VÔ THƯƠNG


Trần Nhương



Có kẻ đạo trời, đạo biển

Đạo cả lòng tin bao người
Đạo hết bao dung thánh thiện
Đạo lòng ngay thẳng non tươi
.
Bạn bè đạo câu thơ nhỏ
Lỗi lầm đau cả văn chương
Bao dung bỏ qua lầm lỡ
Cùng dàn bầu bí hãy thương
.
Văn nhân nhỏ nhoi một góc
Thì xin hai chữ VÔ THƯỜNG !
Chiều 24-10-2015

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

BÀI THƠ VỪA VIẾT Ở NHA TRANG

BIỂN

Không bị mất tự do dân chủ
Không giải phóng mặt bằng cưỡng chế đất đai
Sao biển giận xé mình trăm lớp sóng
Oằn toàn thân quật nát bờ dài

Không tình ái ghen tuông thói đời chim chuột
Không ai bôi nhọ thanh danh
Sao biển lại đành hanh tức tối
Để bạc đầu khi tuổi đang xanh

Không ai xâm hại bản quyền đại dương ngàn tuổi
Không ai nhân bản hàng nhái mênh mông
Sao biển nổi khùng ngày đêm la lối
Giật lên giông bão đùng đùng

Không ai cấm vi sa xuất cảnh
Không an ninh ngăn lối ra vào
Sao biển phải chiêu trò ranh mãnh
Thủy triều khi thấp khi cao

Biển là biển... như em vẫn thế
Nếu không biển hóa thành ao
Anh hạnh phúc và đớn đau vô kể
Không mặn mòi anh sẽ sống ra sao ?
                Nha Trang chiều 19-10-2015



Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ 4


Kinh Phu Tử (Đài Loan)

16. Chiếc giường xếp

*
Trong tiêu chuẩn đạo đức văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đền đáp công ơn, cảm tạ ân đức là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ đều truyền vào tâm linh con cái quan niệm đền ơn, để đời sau đền ơn cha mẹ, thầy giáo, cấp trên đã có công đề bạt, biết ơn Hoàng thượng không giết, công ơn lãnh tụ đã giải phóng. Quan niệm đền ơn là sự vận động một chiều, từ dưới lên trên, từ trẻ đến trưởng thành, từ dân đến quan, từ vua tôi đến quần thần. Người đền ơn không có quyền lợi, chỉ có dâng hiến. Điều vô cùng quái dị đó là, Hoàng đế nổi nóng, xuống chiếu đẩy những ai đó ra cửa Ngọ Môn chém đầu, ai đó trên pháp trường trước khi bị đao phủ chém đầu vẫn còn ngoảnh về phương Bắc, quì xuống, ba lần hô vạn tuế, tạ ơn Hoàng đế đã ban cho cái chết.
Quan niệm đền ơn ở tầng cao là hoàng ân dâng hiến. Tập tục cổ xưa này kế truyền cho đến những năm Năm mươi biến thành “trời cao đất rộng không bằng công ơn của Đảng, sông dài biển sâu không bằng ân tình của Mao Chủ tịch”. Trương Dục Phượng đến bên Mao, hàng ngày đối diện với công ơn lãnh tụ còn hơn cả “trời cao đẩt rộng”, “sông dài biển sâu”.
Văn phòng trung ương cho cô chức danh y tá trong tổ phục vụ sinh hoạt của Chủ tịch. Tổ phục vụ sinh hoạt có hơn hai mươi người, bao gồm bác sĩ, y tá, cần vụ, đầu bếp, lái xe. Không khí trong tổ rất nghiêm túc, kỉ luật rất nghiêm minh. Lúc mới đến, Văn phòng trung ương bảo với cô ba điều: thứ nhất, làm việc bên Chủ tịch, tất cả những gì trông thấy, nghe thấy, nghĩ đến, đều là những điều cơ mật tuyệt đối của Đảng và Nhà nước, không được tiết lộ dù chỉ một tị; thứ hai, hạn chế đến mức tối thiểu viết thư về nhà, cho bạn bè, nội dung thư chỉ thăm hỏi, phong bì chỉ đề hòm thư, không ghi địa chỉ; thứ ba, phải trung thành với lãnh tụ, phục tùng mệnh lệnh, mọi hành động đều phải nghe theo chỉ huy.