Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

THƠ VIẾT NGÀY QUỐC GIỖ

Trần Nhương




Ngày Quốc giỗ thắp nén nhang bái vọng
Cầu xin cho quốc thái dân an
Cho nước Việt hiên ngang nhìn biển sóng
Dân không hèn vạn thuở vẫn Bình Than

Lòng li tán nếu không lo liệu trước
Nước xa kia sao cứu lửa gần
Dân là gốc hãy vì dân gắng sức
Lộc dân cho nên biết nghĩa nhân


Vua cày ruộng cùng áo nâu nón rách
Sao ngày nay cách bức quan – dân

Đừng ảo tưởng uy quyền là bất biến
Yêu kẻ sơ quên mất người thân


CÂU ĐỐI ĐỀN HÙNG VÀ TÂM THỨC VIỆT NAM


Nguyễn Khắc Xương



Câu đối Đền Hùng là cảm nghĩ của nhân dân gửi Đền Hùng mộ Tổ, tấm lòng nhân dân khi được về mảnh đất cội nguồn, được thành kính thắp những nén hương thơm dâng lên tổ tiên xưa: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”.


Xét về văn tự, câu đối Đền Hùng có 3 loại, đó là các câu đối soạn bằng Hán tự, câu đối Nôm và câu đối chữ Quốc ngữ ra đời muộn hơn, vào hồi đầu thế kỷ.
Đề ở Đền Hùng phần nhiều là câu đôi Hán tự, còn đối Nôm và đối chữ Quốc ngữ là viết trên giấy lưu lại hay in trên báo chí hoặc cũng có khi là truyền khẩu mà nhớ.
Đến cổng đền Hùng, ngước nhìn lên thấy trang nghiêm như tỏa sáng hào quang 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”. Đây là câu rút ra từ Kinh Thi: Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ, có nghĩa là: “Núi cao ta ngẩng trông, đường rộng lớn ta đi tới”. “Núi cao ta ngẩng trông” là hướng về cội nguồn như núi cao sừng sững bền vững muôn đời. Còn “đường lớn ta đi tới” là chỉ về tương lai rộng lớn của cả dân tộc. Khổng Tử khi biên tập các câu hát và thơ dân gian để làm thành bộ Kinh Thi có khen câu thơ trên: “Người làm thơ yêu thích cái đạo nhân hậu đến như thế”. Khen “nhân” là vì đã nghĩ đến cái gốc, khen “hậu” vì đã nghĩ đến những thế hệ mai sau.
Hai bên cổng đền là đôi câu đối:
Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch.
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối;
Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi cháu con đông).

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

ĂN DÀY (GIÀY) ĂN CẢ...BÍT TẤT


Bùi Hoàng Tám


(Dân trí) - Công bằng thì những người được làm cán bộ, tức là làm “ông nọ, bà kia” đã là vinh dự, là đã được “ăn” cái “danh”. Mà ở đời, muốn “danh” thì cũng nên phải biết hi sinh ít nhiều cái “lợi”. Còn nếu ai đó muốn cả “danh” lẫn “lợi” thì như dân gian nói châm biếm qua cách chơi chữ: “Ăn dày (giày) ăn cả… bít tất”...

 (Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chức tước – trách nhiệm – quyền lợi luôn có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít và quyết định chất lượng đồng thời điều chỉnh lẫn nhau.
Khi có chức tước, tức là có quyền hành, danh vọng thì luôn luôn phải đi kèm với trách nhiệm. Và khi có trách nhiệm thì tất yếu, phải có lợi ích. Chữ “quyền” luôn đi với chữ “lợi” - quyền lợi.
Song, lịch sử dân tộc đã ghi lại từng có nhiều thời điểm, mỗi người dân đều biết hi sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí cả tài sản, tính mạng của mình cho quyền lợi cao cả của dân tộc. Đó là những năm tháng chiến tranh, hàng vạn, hàng triệu những con người ưu tú đã hi sinh tính mạng của mình để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc mà không màng danh – lợi.

Nhưng đó là thời chiến, là khi Tổ quốc cần sự hi sinh cao nhất của mỗi cá nhân. Còn ở thời bình, tức là trong một điều kiện xã hội bình thường, chữ quyền luôn đi với chữ lợi. Tuy nhiên, đứng giữa quyền và lợi là trách nhiệm.
Quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao và khi trách nhiệm càng cao thì quyền lợi cả vật chất và tinh thần cũng phải cao theo. Không có chuyện quyền thì cao, lợi cũng cao nhưng trách nhiệm thì… bé tý, thậm chi bằng không.
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet, ĐB Dương Trung Quốc đã phân tích khá hay xung quanh mối quan hệ này. Ông Quốc nói: “Quyền rất cần, nhưng trách nhiệm rất cao. Hiện nay chúng ta vẫn tâm thức "hoà cả làng”, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả nếu có. Nhưng muốn làm thì phải có quyền, mà quyền đi đôi với trách nhiệm, quyền càng cao trách nhiệm càng nặng”.
Không chỉ bàn đến quyền và trách nhiệm, ông Quốc còn bày tỏ: "Lâu nay chúng ta hay nói tới trách nhiệm tập thể. Khắc phục được “trách nhiệm tập thể” mới vận hành trơn tru được bộ máy. Mà trách nhiệm cũng phải gắn liền với quyền lợi, nếu không sẽ “hoà cả làng”.
Quá đúng! Không ai muốn ai phải làm không công cả. Với cán bộ, công chức cũng thế.
Người dân không cần cán bộ thời nay phải hi sinh, cống hiến. Làm việc và được trả công xứng đáng qua các khoản lương bổng, lợi lộc và cho đến nay, chưa thấy có cán bộ có chức, có quyền nào nghèo cả (dù lương hiện nay còn mang tính tượng trưng).
Thế nhưng người dân đóng thuế là để được phục vụ chứ không phải để nhận sự cai trị. Chẳng ai bỏ tiền (tiền thế từ muôn khoản thu) để đổi lấy sự cai trị mình.
Vì thế, người nhận lương từ dân muốn được dân tôn trọng, ít nhất phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những ai không hoặc chưa làm hết trách nhiệm, tức là “ăn gian” tiền của dân.
Nếu lợi dụng chức quyền để tham nhũng, thực chất là ăn cắp tiền nước, tiền dân.
Mặt khác, công bằng thì những người được làm cán bộ, tức là làm “ông nọ, bà kia” đã là vinh dự, là đã được “ăn” cái “danh”. Mà ở đời, muốn “danh” thì cũng nên phải biết hi sinh ít nhiều cái “lợi”.
Còn nếu ai đó muốn cả “danh” lẫn “lợi” thì như dân gian nói châm biếm qua cách chơi chữ: “Ăn dày (giày) ăn cả… bít tất”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

XIN CẢM ƠN NHỮNG NHÀ BÁO TRUNG THỰC

Hà Văn Thịnh


Sau khi phát động chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, Tập Cận Bình tuyên bố với báo giới rằng ông ta là người “theo chủ nghĩa đạo đức thanh bạch”(!?) Khỏi phải nói là cái chất “tự bạch” hàm ý trong đó đã làm nức lòng hàng triệu người Trung Quốc bởi, có lẽ lòng căm thù của người dân Trung Quốc đối với quốc nạn tham nhũng chẳng kém gì căm ghét lũ ngoại xâm…
Chiến dịch chống tham nhũng của Tập đã TẢ (đánh) cho những kẻ không cùng phe phái thân tàn ma dại: 30.000 đảng viên cao cấp và trung cấp của Tàu Cộng bị thanh trừng!
Có vài người đồng nghiệp của tôi từng bày tỏ ước gì ta có ai đó mạnh tay như Tập! Họ ngây thơ và cả tin đến nỗi sống bao nhiêu năm mà chẳng nhận ra bản chất của Trung Hoa: Một trong những “đặc thù” của họ là nói một đằng, làm một nẻo; hay, như dân gian vẫn truyền miệng, “nói dzậy mà không phải dzậy”.
Không ít người tỉnh táo vẫn luôn đặt câu hỏi rằng đằng sau của “đả hổ diệt ruồi” là gì, rằng Tập có thực sự thanh bạch, sáng trong như tiết thanh minh của đất trời(?)…
Tuy nhiên, chẳng có chứng cớ về cái sự u u minh minh của các khối tài sản tham nhũng nào đó nên dư luận chỉ còn biết thở dài…
Thế rồi, “Tin đâu như sét đánh ngang/ Tập Cận đang nói bỗng dưng… vỡ Bình”…
The Panama Papers (PP, Hồ sơ Panama) là quả bom nguyên tử về thông tin, truyền thông: Lịch sử nhân loài chưa bao giờ chứng kiến vụ rò rỉ tai họa với khối lượng tin mật nhiều như thế.