Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

NHÂN LOẠI CÓ CHUNG NHIỀU GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHỔ QUÁT


Phan Hồng Giang





Đặt đầu đề như trên cho bài viết của mình, tôi có đôi chút lăn tăn : Có phải mình đã cố tình định “ tái phát minh ra cái xe đạp” trong khi cái xe đó đã tồn tại từ hàng trăm năm nay ? “Nhân loại có chung nhiều giá trị văn hóa phổ quát” là một thực tế hiển nhiên như 2x2 = 4, việc gì phải nhắc lại ?
Nhưng mà, như bạn đọc sẽ thấy sau đây, có nhiều lý do để phải khẳng định lại điều đó.
Do tác động của những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau mà mỗi dân tộc đều ít nhiều có bản sắc văn hóa riêng. Điều này thể hiện dễ thấy nhất ở phong tục tập quán, lối sống, nếp sống. Trang phục mỗi nước một khác, nơi quần quần áo áo, nơi chỉ cần mảnh vải quấn quanh thân. Không ít nước coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trước đây răng đen tuyền hạt na đã từng là duyên dáng, cổ cao đeo hàng chục vòng bạc là mẫu mực nhan sắc. Đàn ông theo Hồi giáo có thể lấy 4 vợ, trong khi nhiều nước nghiêm cấm đa thê. Nước trọng sinh con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nước sinh trai hay gái đều được quý như nhau. Một số nước có tục dâng hương , bày mâm lễ thờ cúng tổ tiên, nhiều nước lại chỉ giữ kín trong lòng sự kính trọng ông bà. Văn hóa phương Đông đề cao phụ nữ giữ trinh tiết trước khi lấy chồng, trong khi đàn ông châu Âu lại không coi đó là tiêu chuẩn đạo đức cần thiết khi tìm bạn đời…
Thừa nhận sự khác biệt, sự đa dạng văn hóa của các dân tộc là yêu cầu của mọi xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít lý luận gia, vì những lý do dường như ngoài văn hóa, đã “phóng đại” (?) những nét đặc thù văn hóa, những điều kiện lịch sử riêng của dân tộc mình để quay lưng với những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại.
Họ quên mất thực tế hiển nhiên là con người dù khác nhau về màu da, vóc dáng, gương mặt, ngôn ngữ, nếp sống… đều thuộc một loài chung là loài người, đều có chung nụ cười khi vui và nước mắt khi buồn.
Nụ cười và nước mắt không cần ai phải dịch, - và đó là cội nguồn của những điều chung.
*
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945 đã nhắc lại câu nói bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 : “Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cần nói thêm ngay rằng “mọi người” ở đây là “mọi người của mọi dân tộc”.
Nhu cầu được hưởng những quyền cơ bản của con người là chung cho con người của mọi dân tộc.
Không một ai muốn mình bị coi thường, bị đánh giá bất bình đẳng. Không một ai muốn mình bị trói buộc, mất tự do thân thể và tự do tinh thần. Không một ai muốn mình bị ngăn trở, cấm đoán trong cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình mình, cũng như cho cộng đồng. Muốn vậy con người cần có quyền sở hữu tài sản, quyền sáng tạo và quyền tự do kinh doanh không trái pháp luật.
Không một ai , ở bất cứ dân tộc nào, thích bị bịt miệng, không được nói ra ý nghĩ và mong muốn của mình. Hồ Chủ tịch đã từng có định nghĩa ngắn gọn, chân xác về dân chủ : “Dân chủ là để người dân được mở miệng ra mà nói !”.
Người của dân tộc nào thì cũng cần thừa nhận “bách nhân bách tính”, thừa nhận sự khác biệt tương đối trong suy nghĩ ở nhiều người, nhưng không hề vì thế mà khó chịu khi thấy ai đó nghĩ khác mình. Họ cần phải hiểu rằng nếu thấy người khác nghĩ khác mình thì khi đó chính mình cũng đã nghĩ không giống người khác ! Càng không nên kiên trì ý định áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Chỉ có thể đạt tới sự đồng thuận thông qua tranh luận, thuyết phục nhau một cách có lý có tình.
Người ở bất cứ đâu thì cũng đều có thiên hướng được tụ hợp lại với nhau theo sở thích và ý nguyện tương đồng, được tự do bày tỏ một cách ôn hòa tình cảm yêu ghét của mình mà không sợ bị coi là “làm mất trật tự công cộng”.
Người dân tộc nào thì cũng đều muốn được bình đẳng lựa chọn ra người lãnh đạo giỏi hơn mình,tốt hơn mình thông qua bầu cử công khai, có cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh…
Tôi đã lược qua trên đây những ý nguyện chung cho con người ở mọi dân tộc. Đó chính là những giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại mà chúng ta không thể nấp sau tấm bình phong “đặc thù” của văn hóa mỗi dân tộc mà phủ nhận chúng để rồi bị rơi vào tình trạng dường như là “bế quan tỏa cảng”, đi một mình một đường dẫn đến kết cục không ai mong chờ là tụt hậu và… tụt hậu.
Chúng ta hãy cùng tỉnh ngộ trước khi quá muộn !

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BINH THÂN


Chúc mừng năm mới Bính Thân
Bạn bầu, đồng nghiệp xa gần đều vui
Bình an cho mỗi cuộc đời
Cả năm mạnh khỏe, cười tươi mỗi ngày
Giữ gìn non nước chung tay
"Nội xâm" tìm diệt cả bầy bọ sâu
Nói-làm ý hợp tâm đầu
Xin đừng hoa mĩ mỡ mầu riêu cua...

CHÂN DÀI VÀ RƯỢU TẤT NIÊN


Trần Nhương



Hàng năm cứ vào cuối tháng Chạp, BCH Hội Nhà văn VN thường mời các cán bộ, viên chức đã từng công tác tại cơ quan TƯ Hội về dự bữa cơm tất niên.
Năm nay tổ chức vào ngày 26 Chạp. Trời mưa rét nhưng cũng cũng vừa đủ 7 mâm. Nhiều cao niên như anh Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng,,,không có mặt. Tô Đức Chiêu ốm, Hà Phạm Phú, Hoàng Minh Tường, Vũ Quần Phương… vướng bận. Buổi gặp gỡ vui vì một năm mới gặp với các anh chị là viên chức của Hội, còn nhà văn thường có dịp gặp nhau.
Chủ tịch Hữu Thỉnh chúc Tết, ông mang quà đến từng người, tinh thần có báo Văn nghệ Tết, vật chất có bao lì xì 500k. Thế là ngon Hội khó khăn mừng thế là nhiều.
Chả ai sắp đặt mà mấy gã họ Trần ngồi một mâm: Trần Nhương, Trần Đăng Khoa, Trần Ninh Hồ, đính kèm Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Thanh Hòa…
Rượu vào tây tây thơ bung ra như rượu vang bật nút. Chả hiểu sao lại nhằm đề tài chân dài. Nguyễn Trọng Tân nổ phát đầu như một phương châm hành động:

… Ngu gì dính đến chân dài
Công năng sử dụng chỉ vài… xăng ti
Đã kênh kiệu lại bội chi
Cứ theo chân ngắn giảm chi, dễ tìm”.

PHIẾM KHỈ PHÚ




Cao Bồi Già




Bài phú vui chào đón năm Khỉ, bác Cao Bồi Già gửi Tuấn Công Thư Phòng và độc giả . Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Tiễn biệt cụ Dê;
Nghinh chào anh Khỉ.
Mừng năm mới, kẻ kẻ tươi vui;
Đón Xuân sang, người người hoan hỷ.
Lai rai nhấm nháp:
Hương vị Tết, lắm thú mê say ;
Chuyện chàng Thân, muôn màu thú vị.
Hẳn tài cán lắm, mới ngồi chung chiếu lão “Ba Mươi”;
Chắc công lao nhiều, nên đứng sánh vai hàng“thập nhị” ?.(1)
Khỉ nào ai có lạ :
Cả hàng cả họ trèo cây đu nhánh, kẻ kẻ giỏi giang;
Toàn quyến toàn gia bắt chí bới lông, ngày ngày chăm chỉ.
Cũng mày cũng mặt, ngồi ngồi đứng đứng nào khác dáng người;
Nhưng tính nhưng tình, nhảy nhảy đu đu rõ là trò khỉ .
Dẫu đôi hàm vẩu, buồn tủi tênh tênh;
Có cái trôn son, sướng vui tí tỉ.
Tinh khôn nghịch ngợm như ma;
Ranh mãnh lẹ nhanh tựa quỷ.