Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

MỘT BẢN TUYÊN NGÔN CHỐNG NỘI XÂM


Mai An Nguyễn Anh Tuấn


Kết quả hình ảnh cho bẢN SỚ TẤU

Một bản tuyên ngôn chống giặc nội xâm đầu thế kỷ XVII


Trong lịch sử văn hoá-tư tưởng nước ta, có những bản tuyên ngôn nổi tiếng tới muôn đời: đó là bản tuyên ngôn lập quốc đầu tiên bằng “Thiên đô chiếu” do đức Lý Thái Tổ viết, bản tuyên ngôn chiến trận đời Trần bằng “Hịch tướng sĩ văn” tương truyền của Đại vương Trần Quốc Tuấn thảo, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt bằng áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo thiên hạ” do vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chấp bút, bản tuyên ngôn độc lập thời hiện đại của nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc… Nhưng, ở đầu thế kỷ XVII, có một bản khải văn cũng mang tầm vóc của một bản tuyên ngôn rất đáng đi vào lịch sử thì còn được ít người biết đến. Đó là bản khải văn có thể gọi tên: “Lấy dân làm gốc”(1).
Lần đầu tiên được đọc bài khải văn do nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu, tôi thấy sững sờ, và có cảm giác rõ rệt: dường như tác giả đã viết nó cho cả ngày hôm nay nữa! Đây là một luận văn chính trị sắc bén, chứa đựng những suy nghĩ thấu đáo về thời cuộc, tràn trề xúc cảm, chan chứa tình thương dân, hôi hổi tính thời sự, theo tôi rất đáng được chọn đưa vào SGK phổ thông trung học!
Vào thời xuất hiện bản khải văn, chính quyền Lê-Trịnh tuy đã tương đối ổn định, trong nước đã tạm yên bình, nhưng cuộc nội chiến với nhà Mạc lên miên suốt mấy chục năm đã khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều, nhiều năm mất mùa liên tiếp, trong khi đó nạn nhũng nhiễu dân lành của quan lại đã trở thành hiện trạng nhức nhối có nguy cơ làm nổ tung cơ cấu xã hội, đưa cả dân tộc tới chỗ diệt vong… Trước tình hình đó, vào tháng 9 năm 1612, Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì (NDT) cùng Giám sát ngự Phạm Trân và các đồng liêu đã dâng lên Bình An vương (tức chúa Trịnh Tùng) bài khải bộc lộ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, đồng thời nêu lên “những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai họa thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người”.