Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

AI TRẢ LỜI NGƯỜI DÂN VIỆT CÂU HỎI ĐẮNG CAY NÀY ?


Nhà văn Dạ Ngân


TT - Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?
Tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây - Trường Sa - Ảnh tư liệu.
Tượng Trần Hưng Đạo tại Trường Sa
Tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại đảo Song Tử Tây - Trường Sa - Ảnh tư liệu.
Đầu tiên phải nói qua một chút về môn văn trước đã. Vì sao? Vì văn - sử có liên quan mật thiết với nhau, một đằng là tiếng - tiếng Việt, một đằng là sử - sử Việt.
Nói hơi hình tượng, hai môn học ấy giống như đôi chân của một cơ thể, chúng khiến con người vững vàng cất bước với tâm hồn và trái tim yêu thương ở bên trong.
Môn văn đã bị chán từ lâu rồi, từ khi giáo khoa thư bị gò vào một định hướng hẹp và khi học sinh thực hành bằng văn mẫu nữa thì chao ơi, sự phản văn đã rành rành.
Trong khi môn văn bị đối tượng tiếp nhận nó lắc đầu thì môn sử cũng cùng chung số phận. Chúng ta đã đưa cho học sinh thứ sử gì vậy? Vì sao có tình trạng học sinh ngấy sử và không chọn nó làm môn thi bắt buộc?
Nguyên do rất nhiều, nhưng tựu trung sử trong giáo khoa thư cho cấp II và cấp III cũng với nguy cơ phản sử. Sử mà các em phải học đậm nhất từ sau nước Việt Nam đánh đổ phong kiến và giành độc lập, rồi cứ thế là liên hồi chiến công, hết chiến Tượng Trần Hưng Đạo tại Trường Sadịch này đến trận đánh khác.
Các em phải thuộc những thắng lợi luôn luôn là vẻ vang ấy và không chỉ có vậy, còn phải thuộc những liệt kê trong đó mà chúng tôi gọi là cách học sử đếm xác và đếm súng.
Tai hại rõ ràng, môn sử bị chính đối tượng tiếp nhận đẩy ra như một thứ bánh đã bị áp đặt vào khẩu phần ăn mỗi ngày cho những người đang lớn lên. Ai mà không ngấy, và khi đã ngấy rồi thì sẽ chán lẫn sợ.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

TRẦM LUÂN NÀO CÓ RIÊNG AI


Dương Đức Quảng


TNc. Ngày 14-11 tại Tòa soạn báo Đại Đoàn Kết tại Hà Nội, báo Đại Đoàn Kết và các bạn bè thân hữu của anh Phan Duy Nhân đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Phan Duy Nhân-Thơ & Đời do Nhà xuất bản Đà Nẵng in và phát hành tháng 10-2015, TNc, xin giới thiệu bài viết "Trầm luân nào có chừa ai" của Dương Đức Quảng cùng tấm ảnh được in cùng bài viết trong cuốn sách. Bài này, ở phần Vĩ thanh tác giả có sửa chữa đôi chỗ so với bản đã in.
Bây giờ nhiều người gặp ông, một ông già về hưu, thường mặc bộ đồ thầy chùa, ra đường thường khoác một chiếc túi vải, lẫn trong hàng vạn, hàng triệu người dân thành phố, không biết ông từng là một nhân vật nổi tiếng trong những năm chiến tranh. Nhưng nhiều người tham gia phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, nhất là ở thành phố Đà Nẵng, đều biết tên ông. Bởi vì ông từng là “Chủ tịch lực lượng thanh niên, học sinh tranh đấu” thời chống Mỹ ở tỉnh Quảng Nam, một trong những người lãnh đạo phong trào đấu tranh đô thị làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm trong năm 1966, từng bị bắt và bị tù ở Côn Đảo. Sau giải phóng 1975, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, trước khi nghỉ hưu là một cán bộ cao cấp, nhiều năm giữ chức Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.
Ông là Phan Chánh Dinh, tức nhà thơ Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, một nhân vật mà cuộc đời “vinh quang chung không ít, trầm luân riêng cũng nhiều”.