Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

QUYỀN ĐƯỢC SÁNG TẠO VÀ CÔNG BỐ TÁC PHẨM


Trần Nhương




Tôi cũng là nhà thơ đam mê vẽ tranh. Tôi đã triển lãm cá nhân 4 lần tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, không kể còn triển lãm nhiều lần cùng bạn bè.
Tôi đồng cảm với nhà thơ Phạm Xuân Trường bởi lẽ ông là nhà thơ đam mê tranh gò đồng. Ông đã dành cả chục năm trời để sáng tạo ra hàng trăm chân dung văn nghệ sỹ, trí thức. Nhà thơ nghèo bỏ tiền ra mua đồng, kỳ khu gò để ra chân dung thì không đam mê sao làm được. Nhà ông trên tầng 4 một khu chung cư mà cứ chí chát nhiều năm như vậy cũng là kỳ nhân.
Vẽ tranh trên toan, trên giấy cũng khó nhưng gò đồng thì khó gấp bội. Cái khó là gò ở mặt trái lá đồng để tạo hình hài trên mặt phải. Phải cao tay lắm mới gò có lớp lang chỗ cao chỗ thấp, chi tiết cặp mắt, mái tóc để ra một chân dung. Nếu đắp nổi phù điêu còn dễ vì thực hiện mặt phải tha hồ đẽo gọt, tỉa tót trên dương bản. Gò đồng thì ú tim vì làm phía âm bản.
Nhớ hồi chiến tranh, tôi đang là lính một cơ quan tuyên huấn. Khi ấy đơn vị muốn có một tờ tin nội bộ, máy in roneo cũng không có. Đơn vị cử tôi đi học in đá (Lito), học viết chữ ngược trên mặt đá bằng thứ mực riêng rồi nhỏ chanh vào cho ăn mòn đá, nổi lên chữ để in lên giấy. Viết chữ ngược đã khó, gò đồng ngược thì khó biết bao.
Vậy mà nhà thơ Phạm Xuân Trường kì cạch để hiện lên thần thái hàng trăm chân dung thì thật kỳ công.