Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

KỲ ANH


Trần Nhương



Kỳ Anh như chiếc bánh cu đơ
Cong vênh vì nắng nóng
Gió hun cây cỏ hao gày
Đường số Một giòn ra từng khúc
.
Kỳ Anh biển áp bên sườn giông bão
Hoành Sơn chắn lối Đèo Ngang
Kỳ Anh như nắm cơm ngày đói
Như vú già cạn sữa nhăn nheo
Thị tứ Voi xác xơ quán xá
Những cô gái vẫy tay tài xế táp xe vào
Dân Kỳ Anh như hòn đá mồ côi
Hiền lành và gan góc
Nhẫn nhịn và thật tà
.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ


Nguyễn Khôi

Hội viên Hội nhà văn Hà Nội Nguyên Chuyên viên cao cấp, Phó Vụ trưởng VPQH)

(Về cuốn TTLS “Quỷ Vương” của Vũ Ngọc Tiến Nxb HNV 6/2016)


Trước hết cần định nghĩa lại: Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử- chính trị thời sự bởi những vấn đề chính trị ngày xưa qua các “bài giảng” về lịch sử (lời tác giả VNT) và chính trị thời nay thông qua các hình tượng văn chương xuất lộ, đan quyện vào nhau. Bởi thế thiết nghĩ, đọc “Quỷ Vương” không thể chỉ qua một lần là có thể tìm ra hết những mạch ngầm tư tưởng trong đó. Người viết đã bị hút hồn đọc đi đọc lại 3 lần mới chỉ viết ra vài nhận xét nhỏ, nói văn vẻ khôi hài như Nguyễn Quang Lập là những “ý nghĩ vụn” mà thôi…
Lần 1 (7/7/2016): Đây là tiểu thuyết lịch sử viết theo lối hiện đại (không theo chương hồi, lớp lang sự kiện như thông lệ).Về đại thể, tác phẩm dựng lên được lịch sử thời Lê mạt đan cài với “Vương quốc Bil- Kel” thời nay ở tỉnh K heo hút vùng biên.
Phần đầu đậm chất tiểu thuyết (có văn)
Phần giữa tái hiện cổ sử có cảm tưởng như “Đại Việt thông sử” tân biên, nặng về sự kiện “khứ” sử, hơi nghèo về chất tiểu thuyết. Vẫn biết tác giả muốn thử nghiệm loại hình tiểu thuyết giáo trình nên phải trần thuật lại lịch sử nguyên vẹn như nó vốn có, song đã là văn chương vẫn cần sự uyển chuyển, hư cấu thêm vào. Ở đây thiếu tả cảnh, tả tình, độc thoại nội tâm nhân vật, kể cả thiếu đan cài lý số, định mệnh luân hồi của các nhân vật xưa và nay… tạo nên sự cuốn hút.
“Xuân Tây Thi xuất ngoại” là chương đọc thích thú, khá hấp dẫn, cổ- kim đan cài, nhân vật miêu tả sinh động, có nội tâm sâu sắc lại khéo lồng vào việc phê phán một xu hướng đua nhau xây đền- chùa thật to, hao tài tốn lực rất thời sự hiện nay.
Chương “Quỷ quan tranh bá” khá sinh động, tái hiện được sự thật bi thảm của lịch sử trong 30 năm sau khi Lê Thánh Tông băng hà.