Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

MỘT BỘ PHẬN VĂN HỌC DÂN TỘC CẦN ĐƯỢC TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

TS. Nguyễn Thị Việt Nga



NVTPHCM- Nhìn tổng thể, văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 là khu vực văn học phức tạp với đội ngũ sáng tác đông đảo, đa dạng. Đội ngũ ấy phát triển nhanh, đông đảo về số lượng (theo thống kê của một số công trình nghiên cứu, giai đoạn từ 1954- 1975, văn học đô thị miền Nam có khoảng hơn 200 tác giả)…


Trong văn học Việt Nam, có một bộ phận cho đến tận bây giờ dường như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm thoả đáng. Đó là văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Thông thường, khi chưa được quan tâm nghiên cứu thoả đáng thì sự đánh giá cũng khó có thể toàn diện. Đã một thời gian dài, nói đến văn học đô thị miền Nam giai đoạn này, nhiều người nghĩ ngay đến những “đặc trưng cơ bản” của nó là văn học nô dịch phản động, văn học đồi truỵ khiêu dâm và xếp nó vào loại văn học thực hiện âm mưu nô dịch của kẻ thù. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định bên cạnh những tác phẩm “văn học thực dân mới”, văn học đô thị miền Nam còn có các tác phẩm văn học yêu nước tiến bộ, và chỉ văn học yêu nước tiến bộ được đánh giá cao. Như vậy, văn học đô thị miền Nam gần như bị gạt khỏi văn học dân tộc và đã có những giai đoạn gần như bị lãng quên trong khi các bộ phận khác của văn học dân tộc được quan tâm nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và sâu sắc.


Sau năm 1954, theo Hiệp định Geneva, đất nước ta tạm chia cắt làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Chính quyền miền Nam Việt Nam do Mỹ dựng lên dần dần hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ, xã hội miền Nam cũng chuyển từ ảnh hưởng của thực dân Pháp sang ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới. Một xã hội mang nặng ảnh hưởng của phương Tây, lệ thuộc vào phương Tây từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, trong đó văn học, nghệ thuật cũng theo quy luật, chịu sự tác động, ảnh hưởng của văn học phương Tây. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực còn có cả những ảnh hưởng tiêu cực, cực đoan. Chính điều này khiến cho văn học đô thị miền Nam bị đánh giá là văn học đồi truỵ, phản động, nô dịch. Tuy nhiên, nếu đặt sự ra đời của văn học đô thị miền Nam trong bối cảnh lịch sử cụ thể, xem xét một cách toàn diện, công bằng và khách quan ta sẽ thấy văn học đô thị miền Nam giai đoạn này không phải chỉ toàn “cặn bã” và “rác rưởi” như nhận định của nhiều người. Đó là khu vực văn học đa dạng, phong phú, và dù tốt, xấu đến đâu cũng thuộc nền văn học dân tộc, cần được quan tâm.
Bối cảnh lịch sử của miền Nam giai đoạn 1954- 1975 hết sức phức tạp, nhất là ở các đô thị. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn phải sống trong bom đạn chiến tranh dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tình hình chính trị xã hội luôn luôn bất ổn. Không khí căng thẳng và đau thương của chiến tranh bao trùm. Những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn ngấm ngầm phát triển.
Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1963), nhiều cuộc đảo chính khác liên tiếp xảy ra, chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Những tư tưởng văn hoá phương Tây, lối sống phương Tây cũng theo đó du nhập ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh phức tạp ấy, tâm trạng chung của con người là căng thẳng, lo âu, luôn cảm thấy bất an. Nhiều cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, dân sinh, dân quyền, đấu tranh bảo vệ văn hoá dân tộc, chống sự xâm lăng của văn hoá nước ngoài, đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam... liên tiếp nổ ra. Đời sống văn học theo đó cũng vô cùng phức tạp với nhiều khuynh hướng, trường phái...
Đô thị miền Nam giai đoạn này có sự du nhập của nhiều nền văn hoá, chủ yếu nhất là văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận phê bình văn học... nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được giới thiệu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học nói chung và sáng tác văn học nói riêng.
Ảnh hưởng sâu đậm và rõ rệt nhất vào đời sống văn hoá, tư tưởng của đô thị miền Nam lúc bấy giờ là tư tưởng triết học hiện sinh. Đây là trường phái triết học nhân bản phi duy lý xuất hiện đầu thế kỷ XIX, người sáng lập là Kierkeaard ở Đan Mạch, được tiếp tục phát triển bởi Nietzsche (Đức)... Sang đầu thế kỷ XX, triết học hiện sinh trở thành trào lưu tư tưởng phát triển rộng khắp châu Âu. Là trào lưu triết học khá phức tạp ở nội dung lý thuyết cũng như những biến thể của chúng, nhưng đều thống nhất ở chỗ dành mọi ưu tiên cho việc nghiên cứu con người. Các nhà triết học hiện sinh cho rằng việc nghiên cứu con người trong những trào lưu triết học trước đây chưa đi vào thực chất của vấn đề con người. Chủ nghĩa hiện sinh đưa ra cách tiếp cận mới: coi sự hiện sinh cá nhân là nội dung cơ bản trong triết học. Hiện sinh là sự cảm thụ chủ quan, sự thể nghiệm tâm lý có tính chất phi lý tính của cá nhân con người.
Trào lưu triết học hiện sinh có ảnh hưởng to lớn đến nhiều trường phái văn học nghệ thuật của phương Tây. Bản thân các nhà tư tưởng lớn của chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX đều là những nhà văn lớn (J.P.Sartre, A.Camus…). Bên cạnh những tác phẩm triết học thuần tuý, họ còn sáng tác văn học để truyền bá triết học hiện sinh. Các tác phẩm văn học của họ nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác văn học nghệ thuật phương Tây.
Tư tưởng hiện sinh du nhập vào vào miền Nam rất sớm (từ những năm 50) qua một số bài tiểu luận, phê bình, giới thiệu trên các báo, tạp chí, nhưng chưa ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội cũng như đời sống văn học bởi hoàn cảnh xã hội chưa thích hợp, văn học hiện đại miền Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Từ những năm 60 trở đi, chiến tranh khốc liệt hơn, xã hội khủng hoảng, con người, đặc biệt là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ mang tâm trạng hoang mang, bế tắc. Đây là điều kiện thích hợp để chủ nghĩa hiện sinh phát huy ảnh hưởng. Hàng loạt tác phẩm văn học hiện sinh của phương Tây được dịch, giới thiệu và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhiều tác giả chuyên tâm nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh giới thiệu trên báo chí. Khuynh hướng phê bình hiện sinh được giới thiệu và ứng dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu lý luận phê bình cũng tạo đà phát triển cho tư tưởng hiện sinh trong sáng tác văn học. ảnh hưởng bởi triết học hiện sinh nên một phần rất lớn các sáng tác văn học đô thị miền Nam thời kỳ này đề cập đến sự hư vô của thân phận con người trong cuộc sống đầy những lo âu, rối ren, đau khổ. Những nhân vật trong các tác phẩm đều là những con người chán chường, bi quan, không tìm được ý nghĩa đích thực cuộc sống của mình. Cái chết, sự ám ảnh về sự mỏng manh của kiếp người được khai thác nhiều. Các tác giả còn để cho nhân vật của mình ngẫm ngợi về thảm kịch tha nhân, về sự phi lý tột cùng của cuộc đời, về sự đổ vỡ của niềm tin. Trong thơ, dấu ấn của hiện sinh thể hiện ở nỗi buồn đau, tuyệt vọng bao trùm. Các nhân vật thường nổi loạn để chống trả lại số phận. Họ chối bỏ bản thân, chối bỏ xã hội, sống không ước mơ, lý tưởng. Họ phá phách điên cuồng, đi ngược lại những luân lý, những ràng buộc của xã hội, cho dù đó chỉ là sự chống trả, vẫy vùng trong tuyệt vọng.
Sự ảnh hưởng sâu sắc của văn học hiện sinh trong các sáng tác thể hiện rất rõ sự bơ vơ, mất phương hướng, thể hiện bi kịch của con người trong hoàn cảnh xã hội rối ren và khốc liệt đó.
Khuynh hướng tư tưởng thứ hai có tác động đến đời sống xã hội và ảnh hưởng sâu sắc vào sáng tác văn học đô thị miền Nam là học thuyết phân tâm học. Đây là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do bác sĩ S.Freud người áo (1856- 1939) sáng lập, có ảnh hưởng lớn, được vận dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có văn học. Phân tâm học chú trọng giải thích đời sống nội tâm của con người. S.Freud quan niệm người nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm bằng những ẩn ức tính dục. Thưởng thức nghệ thuật cũng để thoả mãn những ham muốn vô thức. Tính dục chính là cơ sở sâu xa quy định những hành vi của con người. Học thuyết phân tâm học đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tác văn học phương Tây, nhất là từ những năm 60 của thế kỷ XX, khi phong trào “giải phóng tính dục” bùng nổ. Các tác phẩm và lý luận phê bình văn học theo khuynh hướng phân tâm học được dịch, giới thiệu rộng rãi ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975 có tác động rất lớn đến sáng tác văn học thời kỳ này. Trong các sáng tác văn học đô thị miền Nam 1954- 1975, trào lưu viết về đề tài tính dục được khai thác triệt để. Các nhà văn, nhất là các cây bút nữ đua nhau chạy theo đề tài này như một thứ “thời thượng”. Nhân vật trong tác phẩm của họ luôn bị ám ảnh bởi dục tình, luôn lao vào những cuộc tình tội lỗi, bế tắc. Chưa khi nào trong văn học Việt Nam, đề tài tình dục lại “nở rộ” như giai đoạn này. Chính điều này đã khiến văn học đô thị miền Nam bị đánh giá là văn học đồi truỵ. Các tác giả đào sâu vào đề tài tình dục đến nỗi các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, bỏ rơi. Nhiều trang viết quá đà đến mức nhầy nhụa. Các tác giả đã lợi dụng sự hạn chế, mặt trái của phân tâm học dẫn đến sự phản cảm cho người đọc.
Nhìn tổng thể, văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 là khu vực văn học phức tạp với đội ngũ sáng tác đông đảo, đa dạng. Đội ngũ ấy phát triển nhanh, đông đảo về số lượng (theo thống kê của một số công trình nghiên cứu, giai đoạn từ 1954- 1975, văn học đô thị miền Nam có khoảng hơn 200 tác giả). Thành phần tác giả cũng đa dạng: có tác giả từ miền Bắc di cư vào, có tác giả của miền Nam; có tác giả đã từng hoạt động và nổi danh từ giai đoạn trước tiếp tục sáng tác, có tác giả mới bắt đầu sự nghiệp văn chương; có nhà báo, giáo sư đại học, có chuyên nghiệp, có không chuyên... Đội ngũ tác giả ấy lại được chia thành nhiều văn nhóm: Nhóm Người Việt (sau là Sáng Tạo), nhóm Quan Điểm, nhóm Văn Hoá Ngày Nay, nhóm Nhân Loại, nhóm Khởi Hành, nhóm Thời Tập, nhóm Tuổi Ngọc, nhóm Văn...Mỗi nhóm có một tờ báo, hoặc tạp chí để giới thiệu tác giả, tác phẩm: Đời Mới, Nhân Loại, Tiếng chuông, Sài Gòn Mới, Văn Nghệ Mới, Bách Khoa, Đất Đứng, Sáng Tạo, Tự Do, Ngôn Luận, Văn Nghệ, Hiện Đại, Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến...vv. Văn học đô thị miền Nam trong 21 năm ấy có tốc độ phát triển nhanh chóng và phân hoá thành nhiều khu vực: có truyền thống, có cách tân. ở mỗi bộ phận văn học lại chia thành nhiều khuynh hướng. Trong văn học truyền thống có khuynh hướng phong tục, khuynh hướng luận đề, khuynh hướng xã hội, khuynh hướng luân lý, khuynh hướng tôn giáo... Trong dòng văn học cách tân có khuynh hướng hiện sinh, khuynh hướng phân tâm học, khuynh hướng tiểu thuyết mới, khuynh hướng lãng mạn... Tuy nhiên, bộ phận văn học cách tân càng về sau càng phát triển mạnh mẽ hơn, và khuynh hướng ảnh hưởng văn học hiện sinh, văn học theo trường phái phân tâm học chiếm vị trí quan trọng trên văn đàn. Giữa các khuynh hướng sáng tác có sự đan cài, kết hợp. Việc báo chí và xuất bản phát triển mạnh cũng hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của sáng tác văn học thời kỳ này.
Việc tìm hiểu đời sống văn học đô thị miền Nam 1954- 1975 trên các phương diện từ lý luận, phê bình văn học, đến thực tế sáng tác đã được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trước và sau 1975, cả trong Nam ngoài Bắc và người Việt ở hải ngoại đề cập đến. Những công trình nghiên cứu hoặc các bài báo về vấn đề này, với những quy mô khác nhau, xuất phảt từ những “điểm nhìn”, quan điểm chính trị, thẩm mỹ khác nhau cùng với tính phức tạp vốn có của đối tượng nghiên cứu, bên cạnh việc đem đến người đọc những cách tiếp cận khác nhau (về văn học đô thị miền Nam từ 1954 đến 1975) thì cũng có những nhận xét, đánh giá về văn học giai đoạn này rất khác nhau- trong đó, không thể không có những quan điểm trái chiều. Tình hình trên, đặt ra vấn đề còn tiếp tục phải nghiên cứu văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 trên mọi phương diện.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận có một thực tế là sau giải phóng miền Nam 1975, do cách nhìn thành kiến, đố kỵ và sự ấu trĩ trong quan điểm tiếp cận, hoặc bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn học và các yếu tố tâm lý xã hội thiếu cởi mở, nên các nhà nghiên cứu, phê bình văn học (ở cả miền Nam và miền Bắc) có biểu hiện né tránh, ngại đi vào lĩnh vực có vẻ còn nhiều “chông gai” bởi đã và vẫn đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều này. Hơn nữa, qua thời gian đã nửa thế kỷ, nhiều tác phẩm văn học không những không được tái bản mà còn không được quan tâm lưu trữ. Do vậy, nguồn tư liệu, theo thời gian đang là trở ngại cho giới nghiên cứu. Văn học đô thị miền Nam dù thế nào đi nữa, nó là một bộ phận của văn học dân tộc, có quá trình phát triển hơn 20 năm, không thể bỏ qua. Đã đến lúc (tuy rằng đã muộn) phải tiến hành nghiên cứu đầy đủ văn học đô thị miền Nam, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì có giá trị thực sự, đóng góp vào thành tựu chung của cộng đồng, dân tộc cần ghi nhận, tiếp thu.

Nguồn: nvtphcm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...