Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

TƯ DUY BIỆN CHỨNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TRONG MO "ĐẺ ĐẤT ĐẺ NƯỚC"


Hoàng Tuấn Phổ



"Đẻ đất đẻ nước" là tác phẩm văn học dân gian đặc sắc của dân tộc Mường, in đậm dấu ấn nền kinh tế nông nghiệp, trong đó, trồng trọt và chăn nuôi vào thời kỳ phát triển. Tuy là văn học, "Đẻ đất đẻ nước" lại lưu truyền như một cuốn sử ghi chép nguồn gốc, sự ra đời của vũ trụ, thế giới muôn loài vạn vật, và con người với quý trình tiến hóa kỳ diệu của nó. Tác phẩm mang tính sử thi này không ngừng được bổ sung, chính lý qua thời gian. Nó không thể không chịu ảnh hưởng qua lại, chồng chéo của nhiều luồng tư tưởng và văn hóa các dân tộc.
Trong những đêm cúng thi hài người chết còn lưu lại trong nhà, thầy mo đem "Đẻ đất đẻ nước" truyền thụ cho hồn ma những kiến giải về vũ trụ, nhân sinh...song thực chất, lời văn "Đẻ đất đẻ nước" lại chứng tỏ rằng để phục vụ người sống. Nhờ văn học nghệ thuật, tôn giáo hấp dẫn, lôi cuốn quần chúng; ngược lại, với tôn giáo, văn học nghệ thuật được bảo lưu, truyền bá.
Thần thoại các dân tộc phản ánh yếu tố duy vật thô sơ, biện chứng sơ khai của người xưa không phải là hiếm. Ở "Đẻ đất, đẻ nước" sự tạo lập nên trời đất, vũ trụ được giải thích bằng Ông-Thu-Tha, Bà-Thu-Thiên, như là chịu ảnh hưởng của thuyết "âm dương":

"Có một năm mưa dầm mưa dãi
Nước vượt khỏi bảy đồi U
Nước dâng qua chín đồi bái
Năm mươi ngày nước thẩy,
Bảy mươi ngày nước tha
Nước rút dọc có lối ra
Nước rút ngang có lối tránh
Mọc lên một cây xanh xanh
Cây xanh xanh có chín mươi cành
Cành chọc lên trời, lá xanh biết cựa
Thân trên mặt đất, thân cây biết rung"
Cái cây xanh xanh sinh ra sau trận đại hồng thủy, nước dâng ngập đồi, ngập núi và Ông-Thu-Tha, Bà-Thu-Thiên sinh ra từ cái cây xanh xanh đó, Như vậy, nguồn gốc thế giới được giải thích bằng một quan niệm duy vật, là do những yếu tố vật chất, nước kết hợp với đất tạo thành.
Trong quan niệm người xưa, cây hóa ra người, người hóa ra chim thú...là do buổi sơ khai, muôn loài chung sống lẫn lộn, chưa có sự phân biệt người với vật. Trong "Đẻ đất đẻ nước", Cây Di sinh ra Mụ-Da-Dần, Mụ-Da-Dần đẻ hai trăm trứng, nở ra Cun-Bướm-Bạc, Cun-Bướm-Bờ, lấy hai nàng tiên con vua trời. Hai cặp vợ chồng này đẻ ra mười trứng. Trứng thứ mười nở ra Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót. Trứng của Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót được các loài chim ấp nở ra các dân tộc sống trên đất Việt Nam (Như vậy, vua Trời là "cố ngoại" của người Mường và các dân tộc anh em). Hồn người sau khi chết sẽ làm một cuộc viễn du từ Mường-Trần-Gian, qua Mường-Trời-Tầng-Thấp, lên Mường-Trời-Tầng-Cao. Hồn đi đến rất nhiều nơi và được các thần: thần Săn, thần Lửa, thần Nuôi tằm Dệt vải, thần Sinh Người, thần coi việc Sống, thần coi việc Chết, thần Sinh Vạn vật, cuối cùng là vua Trời. Cảnh tượng Mường Trời, nếu gạt bỏ bức màn huyền bí sẽ thấy hiện thực trần gian hiện lên: sông ngòi, nhà cửa, hang động, có nơi mở hội vui chơi, có chợ búa trăm nghìn thức bán mua,v.v...Điểm đặc biệt là, dẫu khi còn sống, hồn gây nhiều tội ác đối với loài vật, bị chúng kiện lên tận trời, lúc chết, hồn có thể đổ tội xuống sông Ly, chỗ đầu cầu Liêm La, và qua sang bên kia cầu thì đổ kiện luôn, tức là trắng án, sạch sanh mọi tội lỗi!
Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót còn đẻ ra cả Thần Mây, Thần Chớp. Đó là hai cái trứng ấp tới 140 ngày không nở, bố mẹ chúng tức giận đập dập ném lên trời mà sinh ra. Như vậy, Thần Mây và Thần Chớp sống và hoạt động trên trời vốn có nguồn gốc dưới đất và hai vị thần này nguyên là hai thực thể vật chất. Không có mây không thể có chớp, và mây lại do nước bốc hơi lên trời mà thành. Đó là một kiểu tư duy khoa học đầy hình tượng. Nếu như quan niệm người Việt có "ông Sấm, bà Sét" thì trong "Đẻ đất, đẻ nước" có Cun Sấm, Nàng Sét, một nam, một nữ, khác nào cách nói phải có điện âm và điện dương mới tạo thành sấm sét.
Tà-Cắm-Cọt là một vị thần lửa. Ông Lang-Cun-Cần sau khi tiêu diệt ác thú Rồng Vàng được dân mường gần, mường xa cử làm chúa tể, cần lửa "làm bạc", nước "làm quang", bèn sai Viếng-Ku-Linh đi tìm lửa, tìm nước. Viếng-Ku-Linh lên trời tìm vào nhà Tà-Cắm-Cọt. Vị thần này bằng lòng cho lửa, nhưng để giữ bí mật, bắt Viếng-Ku-Linh phải chui vào một cái trống kín mít. Rồi:
Tà-Cắm-Cọt cho mường kéo mang dây dang
Kéo vào trang, vào lóng nứa già
Bỗng khói bay ra ùn ùn
Khói đùn ra đen đen
Lửa phun lên đỏ đỏ...
Như vậy, Thần Lửa hóa ra chẳng có phép thần gì hết! Muốn tạo ra lửa, thần cũng phải có nguyên vật liệu, đó là lạt cây dang với lóng nứa già! Sự phát minh ra lửa, một phát minh cự kỳ quan trọng giúp con người trở thành NGƯỜI thật sự, được người xưa thần thánh hóa, nhưng với "Đẻ đất đẻ nước" thần lửa chỉ là một ông già biết cách làm ra lửa(1). Viếng-Ku-Linh mang lửa của thần Tà-Cắm-Cọt cho về gần đến nhà, chẳng may bị nước đổ vào, thế là mặc dù lửa thần, nó vẫn bị tắt ngấm! Viếng-Ku-Linh làm tắt lửa bị Lang-Cun-Cần bắt hóa kiếp làm bọ hung. Chi tiết này nói lên rằng, thời xa xưa, người nào làm tắt lửa sẽ bị trừng phạt ghê gớm và ngược lại, kẻ nào làm ra lửa phải được hưởng phần thưởng đặc biệt. Tun-Mun, Tun-Mòng, Tun-Mạch, những con muỗi, con lằng chuyên hút máu, người Mường giải thích là do có công học được cách kéo lửa của Tà-Cắm-Cọt.
Điểm nổi bật nhất và chung nhất của tất cả các thần trong "Đẻ đất đẻ nước" là không một vị thần nào có mặt mũi kỳ dị, thân hình đáng sợ như Thiên Lôi của Trung Quốc chẳng hạn. Thần Lúa là người con gái dịu hiền. Thần Chăn nuôi Lợn, thần chăn nuôi Gà, cũng là những phụ nữ nhân hậu. Một đặc điểm nữa trong "Đẻ đất đẻ nước": đa số thần là phụ nữ. Mụ-Da-Dần sinh ra người và dạy người dệt vải. Thần Lúa chắc phải xinh đẹp khi mang tên Tiến-Tiên-Mái-Lúa, thần Lợn, thần Gà là Mụ-La, Mụ-Húng. Làm công việc hái lượm cho nhà Lang là Mụ-Rấp, Mụ-Rưởi. Người được nhà Lang cử đi gặp các nữ thần để xin giống lúa, giống lợn, giống gà cũng là một phụ nữ: Nàng-Dặt-Cái-Dành, Lành-Con-Khôn-Cái-Khéo. Phụ nữ là mẹ của muôn loài!
"Đẻ đất đẻ nước" thực chất không phải chỉ là câu chuyện về vũ trụ quan của người Mường thông qua những hình tượng thần thoại, mà còn là câu chuyện đấu tranh giai cấp của xã hội Mường, khi thầm lặng, âm ỉ, lúc sôi nổi, quyết liệt. Hiện tượng Lang-Cun-Cần, nhân vật đứng đầu giai cấp thống trị chống lại những ràng buộc về luân lý đạo đức xã hội, lấy người em gái ruột của mình làm vợ, một mặt biểu thị tàn dư của chế độ tạp hôn, mặt khác nói lên rằng giai cấp thống trị bắt đầu manh nha ý thức muốn có một thứ luân lý đạo đức riêng cho giai cấp mình. Quần chúng kịch liệt phản đối nhưng Lang-Cun-Cần đâu có sợ. Họ phải nhờ đến lực lượng siêu hình, nhưng sự phẫn nộ của ông Trời cũng không thể làm cho Lang-Cun-Cần kinh hãi. Thế, bao nhiêu của cải nhà ông ta rủ nhau ùn ùn bỏ đi hết, ma quỷ thì hiện lên gây tai họa. Điều này nói lên buổi đầu xã hộ nô lệ, vẫn còn tồn tại những yếu tố dân chủ trong chừng mực nhất định. Lang-Cun-Cần đứng trước hai con đường: Quyền lợi giai cấp hay lạc thú cá nhân? Ông ta tỏ ra khôn ngoan đặt quyền lợi giai cấp lên trên hết. Có lẽ bởi ông ta đã ý thức được lạc thú cá nhân gắn liền với quyền lợi giai cấp; lạc thú cá nhân không thể tạo ra quyền lợi giai cấp, nhưng quyền lợi giai cấp sẽ có nhiều lạc thú cá nhân. Lang-Cun-Cần đành chịu mất Vạ-Hai-Chiếng, mất một người con gái đẹp, để rồi có nhiều con gái đẹp; mất một người vợ để muốn bao nhiêu vợ cũng có. Và xã hội, để vùi sâu vào quá khứ chế độ tạp hôn, đã phải công nhận chế độ hôn nhân mới-chế độ đa thê, một quan niệm đạo đức mới, mang tính giai cấp.
Dẫu sao giai cấp thống trị từ Lang-Cun-Cần đến Lang-Cun-Khương vẫn thống trị toàn bộ xã hội, thống trị tất cả loài vật. Trong "Đẻ đất đẻ nước" có đoạn kể chuyện săn cọp giải thích cọp vốn là Tậm-Tạch, vì đốt nhà Chu (quý tộc) nên bị Lang-Cun-Khương chém chết hóa thành. Cọp bị giết, miếng phổi của nó rơi ra, chó ăn phải hóa điên. Lang-Cun-Khương giết chết chó điên, ném xác xuống sông, con cá ăn phải cũng hóa điên. Lang-Cun-Khương giết chết cá điên, con quạ ăn phải cũng hóa điên. Quạ điên bị Lang-Cun-Khương giết nốt. Đó là bài học cho những ai muốn chống lại nhà Lang, sự trừng phạt còn đến năm đời, bốn kiếp.
Hiếm thấy một tác phẩm dân gian trong đó, tư duy biện chứng đậm nét như "Đẻ đất đẻ nước". Mặc dù màu sắc thần linh ma quái bao trùm tất thảy, nhưng nhân tố vật chất tạo ra và quyết định tất thảy vẫn hiện lên với sức mạnh vạn năng. Để đưa được cây thần về, Lang-Cun-Khương đã phải lấy xương ống chân Tậm-Tạch làm con lăn. Như vậy, Lang-Cun-Khương không thể dùng phép màu nào khác, ngoài ống xương chân người là một thực thể vật chất và cây thần dù ma thuật cao cường vẫn bị ống xương chân người-một thực thể vật chất-biện pháp con lăn-chinh phục. Lang dựng nhà phải nhờ Rùa Vàng chỉ bảo cách bắt chước dáng hình mình, nhà cửa mới trở nên vững vàng, đẹp đẽ. Điều đó nói lên người Mường xưa với tư duy biện chứng mang yếu tố duy vật thô sơ, biết tìm hiểu tự nhiên, bắt chước tự nhiên để chinh phục, cải tạo tự nhiên, xây dựng đời sống, phát triển xã hội.
Trong quá trình lưu truyền, "Đẻ đất đẻ nước" không thể tránh khỏi ảnh hưởng của một số dân tộc khác như chuyện bắn mặt trời, sự xuất hiện của ông Bụt, chi tiết cúng chín phương trời, mười phương phật,v.v...
Không chỉ là tác phẩm mang tính sử thi, "Đẻ đất đẻ nước" còn chứa đựng nhiều yếu tố tư tưởng triết học sơ khai với trình độ tư duy biện chứng khoa học của dân tộc Mường.
HTP (Trích từ "Trong mắt tôi"-NXB Văn hóa dân tộc-2000)
(+) Tư liệu tham khảo: Bản sưu tầm và dịch "Đẻ đất đẻ nước" của Vương Anh.
(1) Tà-Cắm-Cọt = chữ "Tà" tiếng Thái là ông già. Trong "Đẻ đất đẻ nước" nhiều đại từ nhân xưng mượn tiếng Thái. 
BÌNH LUẬN
Thầy mo Mường. Ảnh Lê Hoa Lam
"Đẻ đất đẻ nước" là tác phẩm văn học dân gian đặc sắc của dân tộc Mường, in đậm dấu ấn nền kinh tế nông nghiệp, trong đó, trồng trọt và chăn nuôi vào thời kỳ phát triển. Tuy là văn học, "Đẻ đất đẻ nước" lại lưu truyền như một cuốn sử ghi chép nguồn gốc, sự ra đời của vũ trụ, thế giới muôn loài vạn vật, và con người với quý trình tiến hóa kỳ diệu của nó. Tác phẩm mang tính sử thi này không ngừng được bổ sung, chính lý qua thời gian. Nó không thể không chịu ảnh hưởng qua lại, chồng chéo của nhiều luồng tư tưởng và văn hóa các dân tộc.
Trong những đêm cúng thi hài người chết còn lưu lại trong nhà, thầy mo đem "Đẻ đất đẻ nước" truyền thụ cho hồn ma những kiến giải về vũ trụ, nhân sinh...song thực chất, lời văn "Đẻ đất đẻ nước" lại chứng tỏ rằng để phục vụ người sống. Nhờ văn học nghệ thuật, tôn giáo hấp dẫn, lôi cuốn quần chúng; ngược lại, với tôn giáo, văn học nghệ thuật được bảo lưu, truyền bá.
Thần thoại các dân tộc phản ánh yếu tố duy vật thô sơ, biện chứng sơ khai của người xưa không phải là hiếm. Ở "Đẻ đất, đẻ nước" sự tạo lập nên trời đất, vũ trụ được giải thích bằng Ông-Thu-Tha, Bà-Thu-Thiên, như là chịu ảnh hưởng của thuyết "âm dương":
"Có một năm mưa dầm mưa dãi
Nước vượt khỏi bảy đồi U
Nước dâng qua chín đồi bái
Năm mươi ngày nước thẩy,
Bảy mươi ngày nước tha
Nước rút dọc có lối ra
Nước rút ngang có lối tránh
Mọc lên một cây xanh xanh
Cây xanh xanh có chín mươi cành
Cành chọc lên trời, lá xanh biết cựa
Thân trên mặt đất, thân cây biết rung"
Cái cây xanh xanh sinh ra sau trận đại hồng thủy, nước dâng ngập đồi, ngập núi và Ông-Thu-Tha, Bà-Thu-Thiên sinh ra từ cái cây xanh xanh đó, Như vậy, nguồn gốc thế giới được giải thích bằng một quan niệm duy vật, là do những yếu tố vật chất, nước kết hợp với đất tạo thành.
Trong quan niệm người xưa, cây hóa ra người, người hóa ra chim thú...là do buổi sơ khai, muôn loài chung sống lẫn lộn, chưa có sự phân biệt người với vật. Trong "Đẻ đất đẻ nước", Cây Di sinh ra Mụ-Da-Dần, Mụ-Da-Dần đẻ hai trăm trứng, nở ra Cun-Bướm-Bạc, Cun-Bướm-Bờ, lấy hai nàng tiên con vua trời. Hai cặp vợ chồng này đẻ ra mười trứng. Trứng thứ mười nở ra Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót. Trứng của Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót được các loài chim ấp nở ra các dân tộc sống trên đất Việt Nam (Như vậy, vua Trời là "cố ngoại" của người Mường và các dân tộc anh em). Hồn người sau khi chết sẽ làm một cuộc viễn du từ Mường-Trần-Gian, qua Mường-Trời-Tầng-Thấp, lên Mường-Trời-Tầng-Cao. Hồn đi đến rất nhiều nơi và được các thần: thần Săn, thần Lửa, thần Nuôi tằm Dệt vải, thần Sinh Người, thần coi việc Sống, thần coi việc Chết, thần Sinh Vạn vật, cuối cùng là vua Trời. Cảnh tượng Mường Trời, nếu gạt bỏ bức màn huyền bí sẽ thấy hiện thực trần gian hiện lên: sông ngòi, nhà cửa, hang động, có nơi mở hội vui chơi, có chợ búa trăm nghìn thức bán mua,v.v...Điểm đặc biệt là, dẫu khi còn sống, hồn gây nhiều tội ác đối với loài vật, bị chúng kiện lên tận trời, lúc chết, hồn có thể đổ tội xuống sông Ly, chỗ đầu cầu Liêm La, và qua sang bên kia cầu thì đổ kiện luôn, tức là trắng án, sạch sanh mọi tội lỗi!
Trống-Chim-Tùng, Mái-Chim-Tót còn đẻ ra cả Thần Mây, Thần Chớp. Đó là hai cái trứng ấp tới 140 ngày không nở, bố mẹ chúng tức giận đập dập ném lên trời mà sinh ra. Như vậy, Thần Mây và Thần Chớp sống và hoạt động trên trời vốn có nguồn gốc dưới đất và hai vị thần này nguyên là hai thực thể vật chất. Không có mây không thể có chớp, và mây lại do nước bốc hơi lên trời mà thành. Đó là một kiểu tư duy khoa học đầy hình tượng. Nếu như quan niệm người Việt có "ông Sấm, bà Sét" thì trong "Đẻ đất, đẻ nước" có Cun Sấm, Nàng Sét, một nam, một nữ, khác nào cách nói phải có điện âm và điện dương mới tạo thành sấm sét.
Tà-Cắm-Cọt là một vị thần lửa. Ông Lang-Cun-Cần sau khi tiêu diệt ác thú Rồng Vàng được dân mường gần, mường xa cử làm chúa tể, cần lửa "làm bạc", nước "làm quang", bèn sai Viếng-Ku-Linh đi tìm lửa, tìm nước. Viếng-Ku-Linh lên trời tìm vào nhà Tà-Cắm-Cọt. Vị thần này bằng lòng cho lửa, nhưng để giữ bí mật, bắt Viếng-Ku-Linh phải chui vào một cái trống kín mít. Rồi:
Tà-Cắm-Cọt cho mường kéo mang dây dang
Kéo vào trang, vào lóng nứa già
Bỗng khói bay ra ùn ùn
Khói đùn ra đen đen
Lửa phun lên đỏ đỏ...
Như vậy, Thần Lửa hóa ra chẳng có phép thần gì hết! Muốn tạo ra lửa, thần cũng phải có nguyên vật liệu, đó là lạt cây dang với lóng nứa già! Sự phát minh ra lửa, một phát minh cự kỳ quan trọng giúp con người trở thành NGƯỜI thật sự, được người xưa thần thánh hóa, nhưng với "Đẻ đất đẻ nước" thần lửa chỉ là một ông già biết cách làm ra lửa(1). Viếng-Ku-Linh mang lửa của thần Tà-Cắm-Cọt cho về gần đến nhà, chẳng may bị nước đổ vào, thế là mặc dù lửa thần, nó vẫn bị tắt ngấm! Viếng-Ku-Linh làm tắt lửa bị Lang-Cun-Cần bắt hóa kiếp làm bọ hung. Chi tiết này nói lên rằng, thời xa xưa, người nào làm tắt lửa sẽ bị trừng phạt ghê gớm và ngược lại, kẻ nào làm ra lửa phải được hưởng phần thưởng đặc biệt. Tun-Mun, Tun-Mòng, Tun-Mạch, những con muỗi, con lằng chuyên hút máu, người Mường giải thích là do có công học được cách kéo lửa của Tà-Cắm-Cọt.
Điểm nổi bật nhất và chung nhất của tất cả các thần trong "Đẻ đất đẻ nước" là không một vị thần nào có mặt mũi kỳ dị, thân hình đáng sợ như Thiên Lôi của Trung Quốc chẳng hạn. Thần Lúa là người con gái dịu hiền. Thần Chăn nuôi Lợn, thần chăn nuôi Gà, cũng là những phụ nữ nhân hậu. Một đặc điểm nữa trong "Đẻ đất đẻ nước": đa số thần là phụ nữ. Mụ-Da-Dần sinh ra người và dạy người dệt vải. Thần Lúa chắc phải xinh đẹp khi mang tên Tiến-Tiên-Mái-Lúa, thần Lợn, thần Gà là Mụ-La, Mụ-Húng. Làm công việc hái lượm cho nhà Lang là Mụ-Rấp, Mụ-Rưởi. Người được nhà Lang cử đi gặp các nữ thần để xin giống lúa, giống lợn, giống gà cũng là một phụ nữ: Nàng-Dặt-Cái-Dành, Lành-Con-Khôn-Cái-Khéo. Phụ nữ là mẹ của muôn loài!
"Đẻ đất đẻ nước" thực chất không phải chỉ là câu chuyện về vũ trụ quan của người Mường thông qua những hình tượng thần thoại, mà còn là câu chuyện đấu tranh giai cấp của xã hội Mường, khi thầm lặng, âm ỉ, lúc sôi nổi, quyết liệt. Hiện tượng Lang-Cun-Cần, nhân vật đứng đầu giai cấp thống trị chống lại những ràng buộc về luân lý đạo đức xã hội, lấy người em gái ruột của mình làm vợ, một mặt biểu thị tàn dư của chế độ tạp hôn, mặt khác nói lên rằng giai cấp thống trị bắt đầu manh nha ý thức muốn có một thứ luân lý đạo đức riêng cho giai cấp mình. Quần chúng kịch liệt phản đối nhưng Lang-Cun-Cần đâu có sợ. Họ phải nhờ đến lực lượng siêu hình, nhưng sự phẫn nộ của ông Trời cũng không thể làm cho Lang-Cun-Cần kinh hãi. Thế, bao nhiêu của cải nhà ông ta rủ nhau ùn ùn bỏ đi hết, ma quỷ thì hiện lên gây tai họa. Điều này nói lên buổi đầu xã hộ nô lệ, vẫn còn tồn tại những yếu tố dân chủ trong chừng mực nhất định. Lang-Cun-Cần đứng trước hai con đường: Quyền lợi giai cấp hay lạc thú cá nhân? Ông ta tỏ ra khôn ngoan đặt quyền lợi giai cấp lên trên hết. Có lẽ bởi ông ta đã ý thức được lạc thú cá nhân gắn liền với quyền lợi giai cấp; lạc thú cá nhân không thể tạo ra quyền lợi giai cấp, nhưng quyền lợi giai cấp sẽ có nhiều lạc thú cá nhân. Lang-Cun-Cần đành chịu mất Vạ-Hai-Chiếng, mất một người con gái đẹp, để rồi có nhiều con gái đẹp; mất một người vợ để muốn bao nhiêu vợ cũng có. Và xã hội, để vùi sâu vào quá khứ chế độ tạp hôn, đã phải công nhận chế độ hôn nhân mới-chế độ đa thê, một quan niệm đạo đức mới, mang tính giai cấp.
Dẫu sao giai cấp thống trị từ Lang-Cun-Cần đến Lang-Cun-Khương vẫn thống trị toàn bộ xã hội, thống trị tất cả loài vật. Trong "Đẻ đất đẻ nước" có đoạn kể chuyện săn cọp giải thích cọp vốn là Tậm-Tạch, vì đốt nhà Chu (quý tộc) nên bị Lang-Cun-Khương chém chết hóa thành. Cọp bị giết, miếng phổi của nó rơi ra, chó ăn phải hóa điên. Lang-Cun-Khương giết chết chó điên, ném xác xuống sông, con cá ăn phải cũng hóa điên. Lang-Cun-Khương giết chết cá điên, con quạ ăn phải cũng hóa điên. Quạ điên bị Lang-Cun-Khương giết nốt. Đó là bài học cho những ai muốn chống lại nhà Lang, sự trừng phạt còn đến năm đời, bốn kiếp.
Hiếm thấy một tác phẩm dân gian trong đó, tư duy biện chứng đậm nét như "Đẻ đất đẻ nước". Mặc dù màu sắc thần linh ma quái bao trùm tất thảy, nhưng nhân tố vật chất tạo ra và quyết định tất thảy vẫn hiện lên với sức mạnh vạn năng. Để đưa được cây thần về, Lang-Cun-Khương đã phải lấy xương ống chân Tậm-Tạch làm con lăn. Như vậy, Lang-Cun-Khương không thể dùng phép màu nào khác, ngoài ống xương chân người là một thực thể vật chất và cây thần dù ma thuật cao cường vẫn bị ống xương chân người-một thực thể vật chất-biện pháp con lăn-chinh phục. Lang dựng nhà phải nhờ Rùa Vàng chỉ bảo cách bắt chước dáng hình mình, nhà cửa mới trở nên vững vàng, đẹp đẽ. Điều đó nói lên người Mường xưa với tư duy biện chứng mang yếu tố duy vật thô sơ, biết tìm hiểu tự nhiên, bắt chước tự nhiên để chinh phục, cải tạo tự nhiên, xây dựng đời sống, phát triển xã hội.
Trong quá trình lưu truyền, "Đẻ đất đẻ nước" không thể tránh khỏi ảnh hưởng của một số dân tộc khác như chuyện bắn mặt trời, sự xuất hiện của ông Bụt, chi tiết cúng chín phương trời, mười phương phật,v.v...
Không chỉ là tác phẩm mang tính sử thi, "Đẻ đất đẻ nước" còn chứa đựng nhiều yếu tố tư tưởng triết học sơ khai với trình độ tư duy biện chứng khoa học của dân tộc Mường.
HTP (Trích từ "Trong mắt tôi"-NXB Văn hóa dân tộc-2000)
(+) Tư liệu tham khảo: Bản sưu tầm và dịch "Đẻ đất đẻ nước" của Vương Anh.
(1) Tà-Cắm-Cọt = chữ "Tà" tiếng Thái là ông già. Trong "Đẻ đất đẻ nước" nhiều đại từ nhân xưng mượn tiếng Thái.
Nguồn Tuấn cong thư phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét