Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ 4


Kinh Phu Tử (Đài Loan)

16. Chiếc giường xếp

*
Trong tiêu chuẩn đạo đức văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đền đáp công ơn, cảm tạ ân đức là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ đều truyền vào tâm linh con cái quan niệm đền ơn, để đời sau đền ơn cha mẹ, thầy giáo, cấp trên đã có công đề bạt, biết ơn Hoàng thượng không giết, công ơn lãnh tụ đã giải phóng. Quan niệm đền ơn là sự vận động một chiều, từ dưới lên trên, từ trẻ đến trưởng thành, từ dân đến quan, từ vua tôi đến quần thần. Người đền ơn không có quyền lợi, chỉ có dâng hiến. Điều vô cùng quái dị đó là, Hoàng đế nổi nóng, xuống chiếu đẩy những ai đó ra cửa Ngọ Môn chém đầu, ai đó trên pháp trường trước khi bị đao phủ chém đầu vẫn còn ngoảnh về phương Bắc, quì xuống, ba lần hô vạn tuế, tạ ơn Hoàng đế đã ban cho cái chết.
Quan niệm đền ơn ở tầng cao là hoàng ân dâng hiến. Tập tục cổ xưa này kế truyền cho đến những năm Năm mươi biến thành “trời cao đất rộng không bằng công ơn của Đảng, sông dài biển sâu không bằng ân tình của Mao Chủ tịch”. Trương Dục Phượng đến bên Mao, hàng ngày đối diện với công ơn lãnh tụ còn hơn cả “trời cao đẩt rộng”, “sông dài biển sâu”.
Văn phòng trung ương cho cô chức danh y tá trong tổ phục vụ sinh hoạt của Chủ tịch. Tổ phục vụ sinh hoạt có hơn hai mươi người, bao gồm bác sĩ, y tá, cần vụ, đầu bếp, lái xe. Không khí trong tổ rất nghiêm túc, kỉ luật rất nghiêm minh. Lúc mới đến, Văn phòng trung ương bảo với cô ba điều: thứ nhất, làm việc bên Chủ tịch, tất cả những gì trông thấy, nghe thấy, nghĩ đến, đều là những điều cơ mật tuyệt đối của Đảng và Nhà nước, không được tiết lộ dù chỉ một tị; thứ hai, hạn chế đến mức tối thiểu viết thư về nhà, cho bạn bè, nội dung thư chỉ thăm hỏi, phong bì chỉ đề hòm thư, không ghi địa chỉ; thứ ba, phải trung thành với lãnh tụ, phục tùng mệnh lệnh, mọi hành động đều phải nghe theo chỉ huy.



Để làm được ba điều này đối với Trương Dục Phượng không khó. Cô là một công nhân bình thường, được vào sống trong Trung Nam Hải, sinh hoạt và làm việc bên lãnh tụ vĩ đại, được thường xuyên trông thấy những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thấy trên mặt báo, trên phim ảnh, đúng là điều mà cô nằm mơ cũng không thấy. Cô được hưởng vận may lớn lao!
Điều mà Trương Dục Phượng lo lắng là, phải đối xử với chính thất của Mao là Giang Thanh. Cô vẫn chưa được gặp mặt Giang Thanh. Chủ tịch cũng không ở cùng bà ta. Nghe nói bà ta đi chữa bệnh ở Liên Xô mấy lần, phải mổ, không được làm chuyện kia với đàn ông. Nghe nói ba ta ít khi ở Bắc Kinh, mà dưỡng bệnh ở Tây Hồ, Hàng Châu. Nghe nói tính khí bà ta rất tai quái, đường nhân duyên không thuận. Mao không cho bà ta nhúng tay vào công việc của mình. Nghe nói, hồi còn ở Diên An – xin lỗi, lúc ấy Trương Dục Phượng chưa ra đời – Trung ương Đảng qui định một số điều đối với Giang Thanh, một nữ diễn viên điện ảnh cũ.
Không hiểu có phải cố ý xếp đặt hay cơ hội đến đúng lúc, tháng Tám năm ấy, Giang Thanh về Bắc Kinh, Chủ tịch lại đi Trịnh Châu tỉnh Hà Nam dự Hội nghị trung ương, quyết định thành lập công xã nhân dân nông thôn trong phạm vi cả nước, một sự kiện lớn. Công xã nhân dân nhằm nhất thể hóa đảng, chính quyền, xã hội và quân đội. Công xã là tổ chức chính quyền, cũng là tổ chức sản xuất, cũng là tổ chức quân sự do đảng lãnh đạo toàn diện.
Hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương họp trong một khu lâm viên ở ngoài thành phía Tây thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, gọi là Hội nghị Trịnh Châu. Dự Hội nghị có cả các vị thủ trưởng các ngành, bí thư đảng các tỉnh, khu, thành phố, tư lệnh các đại quân khu. Mọi người đều nghe theo Mao. Ngay cả các vị lãnh đạo trung ương như Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức cũng phải cung kính nghe theo. Tại hội nghị, Mao cười nói vui vẻ, đề xướng toàn Đảng giương cao “ba ngọn cờ”, thành lập công xã nhân dân nông thôn, công xã sẽ tổ chức bếp ăn tập thể, có thể xem xét thực thi chế độ cung cấp, bán cung cấp, ăn không phải trả tiền; đồng thời, mùa đông năm nay và mùa xuân năm tới, bí thư dẫn đầu, toàn đảng ra tay, toàn dân ra trận, kết hợp thủ công và hiện đại, triển khai phong trào toàn dân nấu thép, để đạt sản lượng một trăm lẻ bốn triệu tấn, trong vòng mười năm sẽ vượt Anh quốc, đuổi kịp Mĩ… Hội nghị trung ương chỉ còn biết vỗ tay trước chí khí lẫm liệt, ngôn từ đanh thép và giơ tay nhất trí thông qua kế hoạch đại nhảy vọt một ngày bằng hai mươi năm của Mao.
Trương Dục Phượng ngày đêm bên Mao. Điều khiến cô không quen đó là, chiếc giường xếp để ở chân tường phòng làm việc, ngay cửa phòng ngủ của Mao. Chiếc giường xếp là vị trí của cô. Nhưng Mao không cho cô ngủ ở cái giường ấy. Tối nào Mao cũng đòi ngủ cùng với cô. Mao có thói quen buổi tối làm việc, khoảng năm giờ sáng lên giường, một giờ chiều mới dậy. Ri-đô trên cửa sổ là nhung đen, một chút ánh sáng cũng không thể lọt qua. Tinh lực của Mao thật hơn người, hễ lên giường là làm chuyện kia. Thích để Trương Dục Phượng ở trên. Hơn nữa, lúc làm chuyện kia thích nói những câu như ông béo nặng nề, khiến người khác khó chịu. Mao tự an ủi mình. Chỉ sợ mệt mỏi, biếng nhác, Mao to béo. Mao muốn được thoải mái, mà cũng để Trương Dục Phượng được hồn xiêu phách lạc, đến phút chót, lật cô xuống dưới, nằm nghiêng. Có lúc, làm liền hai cái. Mao không như người dàn ông của cô ở Cáp Nhĩ Tân, xong việc toàn thân như bùn nhão. Mao thì mỗi lần xong việc còn ôm cô vuốt ve, sờ nắn, kể chuyện làm tình trong sách cổ cho cô nghe, nào là chuyện “Đăng Tử Đồ háo sắc”, “Đặng Dị chế nhạo Tề vương”… Trương Dục Phượng nửa hiểu nửa không, chỉ cảm thấy Mao học vấn uyên thâm, đang chế nhạo người khác Thân thể của Chủ tịch có liên quan đến hạnh phúc của nhân dân, có hẳn một ê-kíp bác sĩ, y tá chăm sóc, tất nhiên được uống những thứ thuốc bổ mà Trương Dục Phượng không biết tên gọi là gì. Hàng ngày có người lấy mẫu nước tiểu và phân của Mao đem đi xét nghiệm, phân tích thành phần, thật khoa học. Nếu không, một người hơn sáu mươi tuổi mà chuyện ấy khỏe như thanh niên hai mươi!
Cũng có một chuyện Trương Dục Phượng đã thấy. Có lúc trong phòng làm việc của Mao xuất hiện một nữ đồng chí xinh đẹp nào đấy, cô biết ý, xuống tổ y tế làm việc gì đó, mà cũng là để học tập nghiệp vụ. Trương Dục Phượng hiểu, chưa đến giờ ăn tối, chưa có chuông gọi thì chưa về. Tối hôm ấy thể nào Mao cũng tỏ ra mệt mỏi, bảo cô ngủ ở cái giường xếp kia. Ôi, Chủ tịch chẳng khác gì đám đàn ông bình thường, thích của lạ, thích gái đẹp. Mội vài lần Trương Dục Phượng lỡ lời, tỏ thái độ không vui. Mao biết ý.
- Hà hà, Giang Thanh là hũ dấm to, còn cô là chai dấm nhỏ. (1)
- Không phải, không phải, ấy là lo cho sức khỏe của Chủ tịch…
- Tôi? Lão già có tính điên của tuổi trẻ, hay lắm!
- Chỉ sợ người ta không sạch sẽ, đổ bệnh cho…
______________
(1) Trong tiếng Trung Quốc, dấm còn có nghĩa là ghen. ND
- Ái chà, chuyện ấy à, yên tâm đi, các đồng chí của chúng ta đều sạch sẽ.
- Cháu mới hai mươi, cùng với Chủ tịch, vậy mà chưa đủ sao?
Mao đựa một ngón tay lên miệng Trương Dục Phượng, bảo im đi. Nhưng sau đấy Chủ tịch lại nói, làm chuyện ấy với người khác xong, ông ta có thể bỏ, nhưng với cô thì không thể bỏ nổi. Điều ấy thỉ Trương Dục Phượng tin. Qua những ngày ấy, đúng là chỉ còn lại Trương Dục Phượng, người biết nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ, áo quần sạch sẽ tinh tươm, Mao rất thoải mái.
*
17. Sợ nhất Nguyên soái Bành Đức Hoài
*
Trương Dục Phượng vào ở Trung Nam Hải với Mao. Rất nhiều ngày sau, cô mới biết, nơi ở của Trung ương Đảng và Chính phủ vốn là vườn hoa của Đại Thanh Hoàng đế. Đây là một khu đất rất rộng, diện tích bằng cả Cố Cung, công viên Trung Sơn, cung văn hóa Lao động cộng lại. Khác chăng là, trong Trung Nam Hải một nửa diện tích là mặt nước. Tại sao gọi là Trung Nam Hải?
Nơi này và hồ công viên Bắc Hải thông nhau, là một chuỗi ba cái hồ. Hồ trong công viên Bắc Hải gọi là hồ Bắc Hải. Từ đây đi về phía Nam, qua cầu Kim Tử Ngọc Đới (ngày nay goi là cầu Bắc Hải) là hồ Trung Hải hình lưng con lợn; hồ Trung Hải đi tiếp về phía Nam là hồ Nam Hải hình bụng lợn. Bức tường bao quanh Trung Nam Hải cũng rất lạ. Tường phía Nam và phía Tây sơn màu đỏ; tường phía Bắc và phía Đông sơn màu xám. Phía Nam là cổng chính, cổng sơn son thiếp vàng thật rực rỡ, gọi là cổng Tân Hoa. Hai bên cổng là hai con sư tử bằng đá cẩm thạch trắng, uy phong lẫm liệt. Trước cổng là cột cờ. Đội danh dự đứng gác uy nghi, hùng dũng. Phía ngoài cổng Tân Hoa là đường Trường An Tây. Chếch bên kia đường là Đại lễ đường Nhân dân.. Đi dọc theo bức tường đỏ về phía Đông chừng hai chặng xe buýt là Thiên An Môn hùng vĩ và quảng trường Thiên An Môn rộng lớn. Cửa phía Tây của Trung Nam Hải gọi là Tây Hoa Môn, bên trong cổng là Văn phòng Chính phủ. Bên ngoài Tây Hoa Môn là phố Phủ Hữu trải dài theo hai hướng Nam Bắc. Cửa phía Bắc gọi là Cửa Bắc, bên trong là Văn phòng Trung ương Đảng. Bên ngoài cửa Bắc là phố Văn Tân, đối diện với phố Văn Tân là Thư viện Bắc Kinh. Bên ngoài tường phía Đông là phố Bắc Trường và phố Nam Trường. Đối diện với phố Bắc Trường là Viện Bảo tàng Cố Cung; đối diện với phố Nam Trường là công viên Trung Sơn.
Các vị lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kì, Bành Dức Hoài đều ở trong những khuôn viên riêng biệt bên bờ hồ Trung Hải và hồ Nam Hải. Nơi Mao ở goi là Phong Trạch viên, là một tòa tứ hợp viện (bốn toà nhà xây quanh một cái sân) tường xây, mái ngói xanh, cửa chính quay ra phía hồ Nam Hải sóng nước dập dờn, liễu xanh rủ bóng. Phía Tây Nam là bán đảo nhân tạo, gọi là Doanh Đài, nơi ngày xưa Từ Hi Thái Hậu giam Hoàng đế Quang Tự. Cách Phong Trạch viên về phía Tây Bắc không xa là điện Cần Chánh, Hoài Nhân đường, là nơi Trung ương Đảng hội họp, cũng là nơi các vị lãnh đạo tiếp khách nước ngoài. Con đường rợp bóng cây bên ngoài tường phía Tây của Phong Trạch viên đi về phía Bắc mấy phút, có thể bước vào một khu lâm viên có hòn giả sơn, có dòng suối nhỏ, có hoa cỏ và một tòa lâu đài màu đỏ, được gọi là Tĩnh viên, nguyên là nơi ở của Hoàng hậu Quang Tự, nay là nơi ở của Giang Thanh.
Mãi sau Trương Dục Phượng mới biết, Mao và Giang Thanh trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng, nhưng hai người không sống chung với nhau nữa. Nghe nói Giang Thanh bị bệnh phụ khoa, phải mổ, cắt bỏ bộ phận gì đó, tinh tình trở nên quái dị, chỉ vì một vài chuyện vặt vãnh cũng nổi nóng, khóc lóc, làm ầm ỹ vơi Mao Cuộc sống gia đình của Mao không êm ấm, hạnh phúc. Con trai lớn hi sinh ở Triều Tiên, con dâu đi lấy chồng khác; con trai thứ bị bệnh thần kinh, phải điều trị lâu dài ở Trường Sa; chỉ có hai cô con gái nhưng đều mang họ Lí, cũng không biết con của bà vợ nào, thường xuyên đến thăm Mao. Mao là lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước, suốt ngày cô đơn. Gia đình êm ấm hạnh phúc nhất là Lưu Thiếu Kì, vợ là bà Trương Quang Mĩ, có đến bảy người con, toàn gia kính già yêu trẻ, cùng vui vẻ. Nhà Lưu Thiếu Kì ở trong tòa “Phúc Lộc cư”, gần với Phong Trạch viên. Chiều chiều Mao thích dạo chơi bên bờ hồ Nam Hải, Lưu Thiếu Kì cũng thích dắt cô con gái út dạo chơi bên hồ mỗi chiều. Hai người vẫn gặp nhau trên con đường dạo bộ, ngồi trên ghế đá bàn chuyện quốc gia đại sự. Mỗi lần Lưu trông thấy Mao đều mỉm cười, những lúc cười mặt ông lại đấy nếp nhăn. Gia đình Tổng tư lệnh Chu Đức cũng ở cách đấy không xa. Chu Dức lớn tuổi nhất, con cháu đầy đàn, ông cười sảng khoái, một con người vui vẻ. Cuộc sống được mọi người mến mộ, kính trọng nhất là gia đình Chu Ân Lai và vợ là Đặng Dĩnh Siêu. Đó là đôi vợ chồng kết tóc xe tơ, không có con, nhưng lại nhận nuôi nhiều con cái của các liệt sĩ. Họ ở trong tòa nhà gọi là Tây Hoa sảnh. Mao gọi họ là đôi vợ chồng “nâng li ngang mày, tương kính như khách”.
Trương Dục Phượng được Chủ tịch mến yêu vào Trung Nam Hải đã sáu tháng mà vẫn chưa gặp mặt Giang Thanh.. Hình như Mao cũng biết, cô ta băn khoăn nhất là sẽ gặp Giang Thanh như thế nào. Máu ghen của đàn bà như lửa cháy, việc gì cũng có thể làm được.
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà Trương Dục Phượng được gặp, hình như đều biết quan hệ giữa cô vào Mao. Chỉ cần qua một chuyện nhỏ là có thể hiểu nhau. Các vị lãnh đạo này gặp cô ở phòng khách, phòng làm việc và cả trong phòng ngủ của Mao, họ chỉ gật đầu, mỉm cười rồi thôi. Cô cảm thấy Chu Ân Lai rất thân tình; các vị Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn đều rất kính nể đối với cô. Chỉ có Nguyên soái Bành Đức Hoài tính khí thẳng thắn, cô rất sợ. Nghe nói, trong những năm tháng chiến tranh Bành đã mấy lần cứu Mao thoát chết, tình tình Bành rất thô bạo, dám chửi mắng, là người duy nhất trong Trung ương dám cãi lại Mao.
Một hôm, Mao dự họp ở Hoài Nhân đường, Trương Dục Phượng về Phong Trạch Viên lấy khăn giấy để Mao lau miệng. Hai hàm răng của Mao là răng giả, cho nên nước dãi chảy dòng dòng. Dọc đường, cô bị Bành Đức Hoài gọi lại:
- Nhỏ kia, nhà ở đâu?
- Báo cáo Thủ trưởng, nhà cháu ở Hắc Long Giang ạ.
- Ở quê làm việc gì? Đã có chồng chưa?
- Báo cáo Thủ trưởng, cháu làm nhân viên phục vụ trên tàu từ năm mười lăm tuổi ạ. Cháu đã có chồng, vì yêu cầu công tác…
- Đây là cung cấm, ra vào rất bất tiện. Đã quen chưa?
- Báo cáo Thủ trưởng, được phục vụ lãnh tụ vĩ đại là hạnh phúc lớn nhất đời cháu ạ.
- Đúng thế không? Có nhớ cha mẹ không? Nhớ chồng không?
- Báo cáo Thủ trưởng, nhớ lắm ạ, có lúc muốn khóc. Nhưng cháu là con em giai cấp công nhân, tất cả đều do Đảng sắp xếp, phục tùng yêu cầu của cách mạng ạ!
- Vào Đảng chưa?
- Báo cáo Thủ trưởng, cháu vừa tuyên thề, do bác Uông Đông Hưng và bác Tiêu giới thiệu ạ!
Bành Đức Hoài cau mày, thở dài, dặn Trương Dục Phượng:
- Đã đến đây rồi thì phải làm việc cho thật tốt.
Đến tối, Trương Dục Phượng như con chim nhỏ khoanh tròn trong lòng Mao, kể lại chuyện gặp Nguyên soái Bành Đức Hoài.
- Mao nói, cô đã gặp ông Trương Phi nóng tính rồi, nhưng trong cái thô của ông ta có sự thân thiết.
Mao lơ đãng với tay lên cái tủ đầu giường để lấy cái gạt tàn, Trương Dục Phượng nhanh tay, đưa cho Mao điếu thuốc Vân Yên.
- Chủ tịch chỉ hút một loại thuốc Vân Yên này thôi ạ?
- Ừ! Thuốc là này ngon, sản xuất tại huyện Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam. Cũng giống như rượu Mao Đài tỉnh Quí Châu, rất êm, hút xong khoái lắm.. Vừa ròi cô nói tướng Bành Đức Hoài thế nào?
- Bác ấy nghiêm lắm, bảo cháu phải công tác thật tốt.
- Đừng sợ. Ông ấy rất trung thành, đứng đắn, có chuyện vui buồn gì đều hiện cả lên nét mặt và nói ra miệng. Công lao rất lớn, tư cách thì già, hay phạm thượng.
- Phạm thượng cơ à?
- Ừ! Thích có ý kiến. Văn ôn, võ luyện. Ông ấy bây giờ văn võ kiêm toàn. Giỏi lắm, giỏi lắm!
- Chủ tịch, phạm thượng có phải là cãi lại Hoàng thượng không ạ?
- Cô Phượng, cô bắt đầu học hỏi rồi đấy à? Có tiến bộ, có tiến bộ!
- Chủ tịch chưa trả lời câu hỏi của em.
- Con nhỏ này, coi tôi là Hoàng đế rồi đấy à? Là Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang hay Hán Vũ đế? Là Đường Thái Tông, hay là Chu Nguyên Chương? Tôi thích Chu Nguyên Chương… Đúng thế không? Nhưng tôi không giết công thần, cũng không có hậu cung, chỉ có Trương Dục Phượng thôi, đúng không nào?
- Không ạ. Chủ tịch là đại cứu tinh của nhân dân, không phải là Hoàng thượng, không phải là Hoàng thượng…
- Ái chà! Hoàng thượng hư hỏng thế cơ à? Sách “Đại học” chép rằng, người muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết tài năng và đức độ của mình là quang minh chính đại thì trước hết hãy trị vì đất nước yên vui. Muốn trị vì đất nước thì trước hết phải tề gia; muốn tề gia thì trước hết phải tu thân… Nào nào, cô Phượng, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cái quái gì, chúng ta hãy tu thân cái đã…
- Ứ ừ, Chủ tịch hư lắm, hư lắm, làm cho em ngứa ngáy khắp người rồi đây này!
- Cô Phượng, cô nghịch lắm. Cô có biết ưu điểm lớn nhất của cô là gì không?
- Ưu điển gì? Em làm lụng từ nhỏ, có cái may là da thịt săn chắc, xấu hổ lắm.
- Cô người bé nhỏ nhưng mạnh mẽ lắm, khiến người khác cực khoái… Đúng là tuyệt vời!
- Chủ tịch thích không? Vậy em làm thật mạnh nhé.
- Được được, tốt tốt, hãy nghỉ một lúc… Cô có biết dưới thời nhà Hán, ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên có người tên là Trác Văn Quân không? Để cứu nàng, Tư Mã Tương Như viết một bài thơ ca ngợi người đẹp, trong đêm vừa đàn vừa hát, làm cho Trác Văn Quân mê mẩn, hai người rủ nhau bỏ trốn, cùng đến một nơi mở quán rượu, rươu tự nấu tự bán, gọi là “rượu Văn Quân”. Vì Trác Văn Quân đẹp, thái độ phục vụ chu đáo, cho nên quán lúc nòa cũng đông khách… Cách đây ít lâu, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên đưa đến biếu tôi một thùng rượu Văn Quân.
Suy nghĩ của Mao rất thoáng, không lúc nào muốn ngơi nghỉ, có điều động tác thì nặng nề, không nhanh không chậm.
Trương Dục Phượng không hiểu câu chuyện nàng Trác Văn Quân chơi bời và chàng Tư Mã Tương Như lãng tử, cô chỉ biết chiều đàn ông. Chiều cho đến khi gân cốt nhão ra, du tiên du phật.
*
18. Bất ngờ Lư Sơn
*
Ngày Ba mươi tháng Sáu năm 1968, đoàn tàu riêng của Mao rời Trường Sa, chạy về hướng Đông, đến Nam Xương thì dừng lại, chạy tiếp về hướng Bắc, đến thẳng thành phố Cửu Giang. Sau đấy, Mao chuyển sang đi ô tô, lên Lư Sơn, vào ở trong biệt thự “Mĩ Lư” của Tưởng Giới Thạch. “Mĩ Lư” là tòa biệt thự hai tầng kiểu Tây, xây bên vách núi. Khuôn viên không lớn, nhưng có một con đường nhỏ để khách đi dạo bộ. Dưới một cây cổ thụ xanh tốt là một vách đá, trên vách đá khắc hai chữ lớn và ba chữ nhỏ: “Mĩ Lư – Trung chính đề”, thể hiện sự tôn kính của Tưởng Giới Thạch đối với phu nhân Tống Mĩ Linh. Ngày nay, “Mĩ Lư” đã đổi chủ, được sơn sửa lại, trải thàm mới, trên nóc nhà và chung quanh được dăng lưới điện. Nghe nói, theo yêu cầu của Mao, mọi đồ dùng trong nhà như giường ngủ, bàn ghế, bàn làm việc… không được thay đổi, dùng những thứ Tưởng Giới Thạch và Tống Mĩ Linh đã dùng. Trước đây, Tưởng Giới Thạch ở trên tầng hai, những đồ gỗ, bút mực, giấy viết trên bàn làm việc, và cả cặp ngà voi chạm khắc tinh tế dài chừng một mét, do đám quân nhân Vân Nam mừng thọ Tưởng hồi xưa, ngày nay là nơi ở của Mao, Mao ngồi trên cái ghế Tưởng đã từng ngồi, dùng những thứ Tưởng đã từng dùng, ngủ trên cái giường gỗ Tưởng đã từng ngủ để thỏa lòng kẻ bá quyền. Tầng dưới vốn là nơi ở của Tống Mĩ Linh, mọi đồ dùng trong nhà đều theo kiểu Tây, nay vẫn giữ nguyên, để đồng chí Giang Thanh đến ở. Giang Thanh vẫn dưỡng bệnh ở Hàng Châu. Bà ta không có chức tước gì trong Đảng (chỉ là cố vấn nghệ thuật điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, nhiều lắm chỉ là cấp phòng, bị đám Chu Dương, Trần Hoàng Môi, Viên Mục Chi coi khinh, bà ta tức lắm), các người mở hội thần tiên, bà đây không thèm đến ngắm phong cảnh. Tốt nhất vẫn ở bên bờ hồ Tây, ngày ngày bơi thuyền, tối đến xem Việt kịch, nghe côn khúc, bình đàn Triết Giang. Buồn thì gọi bạn bè ở Thượng Hải đến buôn chuyện.
Cái giường xếp của Trương Dục Phượng vẫn để ở cửa phòng ngủ của Mao.
Sau những ngày theo Mao về thăm quê ở Trường Sa, chịu nóng bức cực khổ, lên Lư Sơn suốt ngày cô mặc áo kép chống lạnh. Trước mắt là rừng cây xanh tươi, bên tai là tiếng chim hót líu lo, tiếng suối róc rách, cô như được lên tiên cảnh.
Mao thích bơi lội. Ở Lư Sơn có một cái hồ nhỏ, nước quá lạnh, Phương Chí Thuần, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây rất chu đáo, cho xây khuôn viên “Lư Lâm số Một” ở một nơi rộng rãi cách “Mĩ Lư” không xa, ở đây có bể bơi trong nhà ấm, chỉ để “lãnh tụ vĩ đại” nghỉ lại buổi trưa và buổi chiều bơi lội; buổi tối lại về biệt thự “Mĩ Lư”
Những lúc ngủ, Mao yêu cầu tất cả thư kí thường trực đều phải từ chối mọi cuộc gặp gỡ, xin ý kiến Mao, kể cả những nhân vật như Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai. Đặng Tiểu Bình người nhỏ con, đánh bóng bàn bị gãy chân, phải ở lại Bắc Kinh, không đến Lư Sơn. Khí hậu Lư Sơn đúng như nhà thơ Tô Đông Pha miêu tả: Trên cao không chịu nổi rét. Đóng cửa lại ngủ vẫn phải đắp cái chăn mỏng.
Chủ tịch, trên người Chủ tịch đầy rôm sẩy, để em thoa phấn cho Chủ tịch nhé.
- Cô Phượng nói thì phải nghe.
- Toàn thân đỏ cả rồi, Chủ tịch quá béo.
- Ừ, không tiện lắm, phải không?
- Chủ tịch mạnh như rồng, như hổ.
- Được lắm, cô nói mạnh như rồng như hổ đấy nhé… Mấy hôm nữa tôi cho gọi người lên đây.
- Ai cơ ạ?
- Nữ anh hùng hồng quân…, đồng chí Hạ Tử Trân.
Trương Dục Phượng hiểu ra, Mao muốn gặp vợ cũ là Hạ Tử Trân. Nghe nói, mỗi lần Giang Thanh nghe thấy ba tiếng “Hạ Tử Trân” liền khóc lóc, làm ầm ỹ, khiến tâm thần Mao không yên. Cho nên, từ năm 1949, sau khi ở Liên Xô về, Hạ Tử Trân không được đến Bắc Kinh, dành phải ở Thượng Hải chữa bệnh, chỉ gặp Mao đúng một lần. Trương Dục Phượng hiểu được nỗi khổ tâm của Mao. Mao nắm những việc lớn toàn quân, toàn quốc trong tay, nhưng lại không có uy tín để xử lí những việc trong gia đình. Trương Dục Phượng nằm gọn bên Mao, bàn tay mềm mại của cô truyền cho Mao những tín hiệu dịu dàng:
- Chủ tịch, cuộc sống của Chủ tịch thật không dễ dàng, em là đứa con gái bé bỏng đem đến cho Người sự ân cần, êm ái, em không mong muốn gì, chỉ mong thỏa mãn Người, chỉ cần cuộc sống của Người thanh thản, thoải mái một chút.
Mấy hôm sau, trước khi hội nghị Trung ương khai mạc, Mao bảo thư kí mời Phương Chí Thuần, Bí thư tỉnh ủy Giang Tây đến, nhờ ông ta một việc riêng, lưu ý: chuyện này không được nói ra ngoài. Nói xong, Mao trao cho Phương Chí Thuần một phong thư. Phương Chí Thuần lấy thư ra xem, hiểu ngay. Mao nhờ đưa Hạ Tử Trân lên Lư Sơn.
Giai đoạn đầu của Hội nghị Trung ương là chia tổ thảo luận, có sáu tổ, chia theo khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Đông, Trung Nam, Tây Nam. Các vị lãnh đạo trung ương cũng chia về các tổ, không khí thảo luận khá là cởi mở .Mao rất ít khi tham gia thảo luận ở các tổ. Có lúc, kể cả đại hội Mao cũng không dự, giao cho Lưu Thiếu Kì chủ trì.. Buổi sáng Mao lướt qua những báo cáo tóm tắt những ý kiến thảo luận ở các tổ, buổi trưa ngủ một giấc, buổi chiều đi bơi. Khiêu vũ đúng là tiết mục rèn luyện thân thể rất tốt. Lư Sơn là một địa chỉ tuyệt vời. Có nhiều gái đẹp, cô nào cũng tranh nhau khiêu vũ với “lãnh tụ vĩ đại”. Có một cô vóc dáng cao ráo, ghé vào tai Mao, thì thầm: được khiêu vũ với Chủ tịch, đúng là hạnh phúc của cả đời. Tất nhiên, sau khi khiêu vuc với người đẹp, Mao đưa cô ta về phòng riêng để tâm sự.
Trương Dục Phượng có ưu điểm là, không biết ghen. Cô cũng biết thân phận của mình là y tá riêng của Mao, không có tư cách tranh giành ghen tuông. Ít ngay sau đó, cô dần dần nhận ra, cứ mỗi buổi sáng Mao đều đọc qua những báo cáo thảo luận ở các tổ, mặt biến sắc, thậm chí tỏ ra tức giận. Ngày Mười bốn tháng Bảy, Mao nhận được một bức thư khá dày của Bành Đức Hoài. Mao tỏ ra không yên tâm. Có lần, Mao kéo Trương Dục Phượng đến gần.
- Cô Phượng, cô xem này, chư hầu các nơi đang muốn làm phản…
Đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân, thêm vào đó là toàn dân nấu thép, bếp ăn tập thể, làm cho khắp nơi loạn cả lên, đâu đâu cũng oán thán… Nông thôn đói chết người, thành phó thì thiếu thốn đủ thứ, phần tử trí thức thì xôn xao bất mãn, các đảng phái dân chủ không phục,
Trương Dục Phượng biết Mao đang gặp khó.
- Chủ tịch đừng sợ, đừng sợ, giai cấp công nhân, nông dân ủng hộ Chủ tịch, sẽ đi theo…
- Đúng vậy, tôi không tin chư hầu bốn phương có thể gây bão tố. Cô bảo với Điền Gia Anh báo cho Khang Sinh đến đây, tôi có chuyện muốn nói.
Trương Dục Phượng liền xuống tầng dưới gọi điện cho Điền Gia Anh. Cô rất kính trọng Phó Chủ nhiện văn phòng Trung ương Điền Gia Anh, người này vừa trẻ vừa đẹp trai, lại có học. Cô không thích Phó Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Dương Thượng Côn đầu vuông, sau cái cười hì hì hình như giấu giếm điều hung dữ như chó sói.
Trương Dục Phượng rất biết việc, mỗi khi Mao gọi ai đến làm việc, cô chuẩn bị trà thuốc xong, liền đi ra ngoài. Chuyện lớn cơ mật của Đảng và Nhà nước cô tự giác tránh xa. Cô phát hiện, những người làm việc bên Mao đều có sự tự giác đó.
Trong bụng Trương Dục Phượng rất ghét và rất sợ Khang Sinh. Trông ông ta như một gian thần. Ông ta có cái cằm nhọn, hàm én, mặt như trái mướp đắng, trán hói, đôi mắt cá vàng có thêm cặp kính dày cộp, bộ mặt dài hơn mặt người thường chừng một phần tư, trông khó đăm đăm. Mỗi lần đến báo cáo công việc với Mao, Khang Sinh thường đi lom khom, nở nụ cười nịnh nọt. Nhưng khi cười, đôi mắt ông ta hiện lên những nếp nhăn đuôi cá kéo dài đến tận mang tai.
Người không giống mặt. Nghe nói ông ta là bậc quyền uy về lí luận, là người duy nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc được gặp Lê-nin, người thầy của cách mạng vô sản. Mao rất coi trọng Khang Sinh, vẫn giao cho ông ta những công việc hệ trọng.
Hôm ấy Khang Sinh báo cáo công tác với Mao rất lâu. Bỗng có tiếng chuông, Trương Dục Phượng vào để tiếp thêm nước. Bên cạnh Mao là một tập tài liệu. Trên trang nhất của một tập tài liệu, Mao bút phê: “Ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài, in hai trăm bản, phát cho các đồng chí dự hội nghị - 16/7.”
Khang Sinh đang báo cáo, thấy Trương Dục Phượng vào, ông ta liền im lặng. Mao giục:
- Nói tiếp đi. Đây là cô Phượng của tôi. Ở đây không sợ tai vách mạch rừng.
Khang Sinh nhìn Trương Dục Phượng qua cặp kính dày cộp. Trương Dục Phượng chỉ chăm chú thêm nước vào ấm trà và đi đổ tàn thuốc. Hai người hút thật nhiều thuốc. Cô chỉ còn nghe thấy giọng nói Sơn Đông pha tiếng phổ thông của Khang Sinh:
- Những ngày gần đây, Chu Tiểu Đơn, Chu Lí, Đằng Đại Viễn, Gỉa Thạc Phu, Lí Nhuệ… thường đến nhà Bành Đức Hoài chuyện trò đến tận khuya. Trương Văn Thiên cũng tham gia một đôi lần. Hôm trước, đồng chí Tồng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành cũng đến nhà đồng chí Bành Đức Hoài bàn chuyện chính trị.
- Ừ, phải rồi, Hoàng Khắc Thành cũng đến đây, bố trí ông ta ở lại Bắc Kinh trông nhà, nhưng ông ta yêu cầu được đến hội nghị. Phải rồi, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư công nghiệp của tôi đều là người đồng hương Hồ Nam. Có thêm Trương Văn Thiên vào hội… Buổi tối họ đi khiêu vũ, rất nhiệt tình với câu lạc bộ quân nhân.
- Vâng. Chủ tịch đã thấy rõ chân tướng. Họ xây dưng câu lạc bộ quân nhân, văn võ hợp bích. Chủ tịch vừa nói, họa đến chân tường. Lí Nhuệ làm việc bên cạnh Chủ tịch, Cả những bậc tú tài như Kiều Mộc, Gia Anh, gần đây cũng cao giọng bàn luận…
Mao xua tay, tỏ ra sốt ruột.
Khang Sinh biết ý, liền im lặng.
- Đồng chí tham gia thảo luận ở tổ nào?
- Tôi tham gia thảo luận ở tổ Hoa Bắc.
- Đồng chí đến tổ Tây Bắc mấy hôm. Ở đấy nhiều ý kiến lắm, Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên đều ở tổ ấy. Nghe nói Trương Văn Thiên phát biểu liền ba tiếng đồng hồ, phát biểu còn nhiều hơn hồi ông ta làm Tổng bí thư ở Diên An. Mấy hôm nay tôi đau đầu lắm. Nghe nói chư hầu khắp nơi đền cao giọng bôi đen ba ngọn cờ hồng của đường lối chung, chửi bới ghê lắm. Nhưng mà, Lư Sơn không chìm đắm, trái đất còn quay tròn. Cảm ơn hệ thống tình báo của đồng chí đã vì Đảng làm việc. Hồi ở Diên An tôi đã nói với đồng chí, cần có một hệ thống tình báo nội bộ, quả nhiên có tác dụng.
Khang Sinh thôi không tươi cười nữa, ông ta nhìn Mao, nói với giọng trung thành:
- Từ khi tôi tiếp nhận Cục tình báo, tôi sẵn sàng hi sinh máu xương vì sự an toàn của Chủ tịch và của Đảng.
Mao nhìn Khang Sinh, tỏ ra tán thưởng và kì vọng:
- Tốt, tốt lắm! Trước khi giai cấp bị tiêu diệt, bộ máy nhà nước bị tiêu diệt, đành phải thế. Trong tay Staline có Beria. Staline chết, Khơ-rút-xốp lên, việc đầu tiên là đối phó với Beria. Yên tâm, chỉ cần tôi còn, quyết không cho phép Đảng Trung Quốc xuất hiện một Khơ-rút-xốp đi theo vết xe đổ của Liên Xô. Đồng chí xem, đằng sau Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên, Hoàng Khắc Thành, còn có nhân vật lớn đầu nào nữa không?
- Hãy tha lỗi cho tôi…, tôi không dám nói.
- Không nói không có tội, nhưng nói ra không sao cả.
- Không nói thì tốt hơn.
- Đồng chí Khang Sinh, đồng chí định hối lộ tôi đấy à?
- Tôi không dám nói. Nếu có thì đó là đồng chí Chủ tịch khác. Đồng chí ấy quyết định, trong lần Hội nghị này sẽ nói hết thành tích, sẽ nói hết các vấn đề. Chỉ là trực giác của tôi thôi. Tôi tham gia Đảng đã ba chục năm nay, tất nhiên không mong gì…
- Đồng chí ấy à? Tháng Năm vừa rồi đã cử đồng chí ấy giữ chức Chủ tịch Nước thay tôi. Cái “tư tưởng Mao Trạch Đông” là do đồng chí ấy nói ra từ lâu rồi. Tất nhiên tôi cũng chỉ định đồng chí làm Trưởng ban biên tập “Tuyển tập Lưu Thiếu Kì” đấy thôi. Liệu có phải là sự lựa chọn nhân sự đúng đắn hay không?
*
19. Hạ Tử Trân đến thăm kẻ bạc tình
*
Sáng hôm sau, Hạ Tử Trân, người đẹp hồng quân trên núi Tĩnh Cương năm xưa, tuổi chưa quá năm mươi mà đầu đã bạc trắng, chưa già đã ốm yếu, từ sau năm 1949 bị đưa vào “lãnh cung”, đến Lư Sơn, vào biệt thự “Mĩ Lư”, để thăm kẻ bạc tình.
Ở biệt thự “Mĩ Lư” người đàu tiên Hạ Tử Trân gặp là Trương Dục Phượng. Bà không biết Trương Dục Phượng. Trương Dục Phượng biết năm xưa bà là ai. Bà có phần bối rối, được Trương Dục Phượng mời vào phòng khách, cô pha trà mời khách. Một già một trẻ, ngồi đối diện không có chuyện gì để nói với nhau. Hạ Tử Trân đoi mắt vẫn sáng, hình như đã nhìn ra thân phận của cô gái này: giống như mình những năm trước đây, thê không phải thê, thiếp không phải thiếp, danh không chính, ngôn không thuận. Cô gái này chừng hai mươi tuổi đổ lại, hầu hạ Mao đã sáu mươi sáu tuổi. Đúng là giang sơn dễ đổi, nhưng không làm sao thay đổi được tính háo sắc của Mao.
Lúc này, trong phòng làm việc của Mao có tiếng cãi nhau. Tuy mấy chục năm không gặp mặt, nhưng vừa nghe, Hạ Tử Trân đã nhận ra giọng nói gay gắt của Nguyên soái Bành Đức Hoài.
Trương Dục Phượng lè lưỡi, rồi lắc đầu, nhìn Hạ Tử Trân rất cung kính. Hạ Tử Trân ngạc nhiên, quay người đi.
- Tôi đã đi điều tra, tôi có quyền phát ngôn. Tôi về làng Điểu Thạch ở Tương Đàm, tận mắt trông thấy cảnh nấu thép, ăn cơm ở bếp tập thể là như thế nào rồi, thật không thể hiểu nổi. Đúng là tính điên cuồng tiểu tư sản.
- Đồng chí Bành, theo cao kiến của đồng chí, vậy thì đường lối chung của Đảng sai rồi à? Ba ngọn cờ hồng sai tất cả à?
- Tại sao không dám thừa nhận? Tại sao không kiểm điểm?
- Đúng vậy, đồng chí sáng suốt, sáng suốt hơn tất cả chúng tôi. Ở Hội nghị Thành Đô năm ngoái tại sao đồng chí không nói? Hội nghị Bắc Đới Hà hồi tháng Tám chuyên nghiên cứu về công xã nhân dân, tại sao đồng chí không đề xuất?
- Chủ tịch, mấy năm nay Chủ tịch không chịu lắng nghe những ý kiến khác.
- Đồng chí Bành, đồng chí cố chấp quá, rất dễ phạm sai lầm, phạm sai lầm!
- Chủ tịch, tôi phạm sai lầm không chỉ một lần. Trong Đảng ta, có ai không phạm sai lầm? Nhất là sai lầm chủ quan, sai lầm hữu khuynh. Lần này tôi đã đi điều tra, ở nông thôn đang đói chết người đấy.
- Theo sự sáng suốt của đồng chí, chúng ta phải làm thế nào?
- Sự việc đã rõ, cần làm thế nào thì phải làm như thế.
- Một cái cây không tránh khỏi có một vài cái lá khô. Đòng chí đừng vì vài cái lá khô đó mà chặt bỏ cả cây. Xóa bỏ ba ngọn cờ hồng, phải nhìn toàn cục.
- Dù sao đi nữa, công tác nông thôn hiện tại không thể chấp nhận. Tôi phản đối. Bà con nông dân đang đói đấy, đói bụng. Có nơi đã có người chết vì đói. Tôi đã đi điều tra, không tin, Chủ tịch cứ người đi khảo sát thực tế. Chủ tịch, hiện tại có một số người đang thỏi phồng thành tích, nói những điều khoác lác vây quanh đồng chí Chủ tịch đấy.
Hạ Tử Trân và Trương Dục Phượng đang nghe Nguyên soái Bành Đức Hoài tranh luận căng thẳng với Mao. Sau đấy, cuộc tranh luận có phần dịu bớt. Mao khẽ ho, đang đi đi lại lại. Mao nhượng bộ rồi chăng? Tiếp nhận ý kiến của Bành Đức Hoài rồi chăng?
Bành Đức Hoài ra về. Mao không đưa tiễn. Xem ra hai người chia tay nhau không vui vẻ gì.. Mặt Bành Đức Hoài đỏ gay, vẫn đang kích động.
Hạ Tử Trân đứng dậy, đi tới, chào:
- Đồng chí Tổng tư lệnh…
Bành Đức Hoài ngớ ra, nhưng ông lập tức nhận ra Hạ Tử Trân, vội đưa hai bàn tay to lớn ra. Hai người nắm chặt tay nhau, không nói nên lời. Liệu ông còn biết nói gì? Toàn Đảng bây giờ chỉ phục tùng một con người. Không khéo ông sẽ giống như người bạn chiến đấu Hạ Tử Trân, bị đưa đến một nơi nào đấy, sống không ra sống, chết không ra chết.
Hạ Tử Trân nhận ra, Bành Đức Hoài vẫn là người đàn ông sắt đá, đôi mắt đang ướt nước.
Bành Đức Hoài nắm tay Hạ Tử Trân, không chịu buông, gật đầu xúc động, muốn nói điều gì đó nhưng có Trương Dục Phượng, ông lại thôi.
Bành Đức Hoài đi rồi, ông mang theo một tiếng thở dài nặng nề.
Hạ Tử Trân được Trương Dục Phượng đưa vào phòng trong. Đầu tiên bà trông thấy tấm lưng của Mao, Mao đang đi đi lại lại. Chợt Mao quay lại, troog thấy Hạ Tử Trân. Cả hai cùng sững sờ, tưởng như cùng gọi tên nhau:
- Nhuận Chi!
- Tự Trân!
Trương Dục Phượng biết ý, lùi ra ngoài.
Mao nén tình cảm, cố gằng bình tĩnh, nói:
- Tự Trân, mình đã đến… Chúng ta, chúng ta gặp nhau khó quá. Trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy… ngược đãi mình…
- Là tại tôi. Hồi xưa còn trẻ quá, tính tình ương bướng. Còn nhớ năm 1937 rời Diên An, ông định đưa tôi đi Thượng Hải chữa bệnh, nhưng tôi cứ đòi đi Liên Xô.
- Về sau người bạn Mĩ kia viết thư, bảo tôi đã đuổi mình và hai người phụ nữ kia đi khỏi Diên An, chỉ nói nhảm.
- Bây giờ thì tôi ở Thượng Hải lâu rồi.
- Thế nào, định đi nơi khác à?
- Không không, ở Thượng Hải quen rồi. Khuôn viên được lắm, có hoa cỏ… Quá khứ đã là quá khứ rồi. Chuyện giữa chúng ta, trong lòng chúng ta rõ hơn ai hết. Bây giờ tôi cũng đã hiểu, không trách gì ông. Đúng vậy, chỉ lo cho ông, những người bên ông có biết chăm sóc, lo toan cho ông không…
- Tự Trân! Tự Trân!
Đôi tình nhân, bạn chiến đấu, vợ chồng ba mươi năm trước, có biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau, có biết bao nhiêu việc để đề cập. Nhưng thời gian? Mỗi năm khó gặp nhau một lần. Coi như Mao vẫn nhớ đến người xưa, vất vả lắm mới xếp đặt được cuộc gặp gỡ hôm nay. Hạ Tử Trân là chiến hữu cũ, bà không quên trách nhiệm của mình. Trên đường đến đây bà định nói đến những việc hệ trọng, có liên quan đến vụ đói của nông dân nơi quê nhà. Đại nhảy vọt đã khuấy đảo cả nước. Cuối cùng, bà dứt khoát nói ra:
- Vừa rồi tôi có nghe bác Bành Đức Hoài nói, hình như bác ấy đau lòng lắm.
- Ông ấy là người thẳng thắn, nhưng không theo kịp thời cuộc. Ông ấy bảo tôi không khiêm tốn, phạm sai lầm, kiêu ngạo, bị bệnh thành tích. Khó lòng lắm ông ấy mới nói ra những điều ấy. Tôi nói, tôi vẫn là tôi, không phải là Lí Thế Dân, còn đồng chí có muốn làm Ngụy Vi không?
- Ông ơi, đất nước to lớn, người đông, khó lắm. Ông là lãnh tụ tối cao, phải lắng nghe những ý kiến bất đồng, tìm hiểu tình hình một cách toàn diện. Tục ngữ có câu, nghe những lời chua chát còn hơn nghe những lời xu nịnh. Sách xưa chép rằng, có Ngụy Vi, nhà Đường đi đến tận thế.
- Bà không ở Trung ương, không biết tình hình. Đám Bành Đức Hoài đều phản đối nói đến tư tưởng Mao Trạch Đông.
- Ông Nhuận Chi, sách cổ nói, dân vi trọng, quân vi khinh… Tôi muốn báo cáo với ông tình hình ở quê nhà.
- Hừm, đọc bao nhiêu sách rồi? Gần đây có khỏe không? Đời sống có khó khăn lắm không?
Mao cố ý né tránh câu chuyện của Hạ Tử Trân, tỏ ra quan tâm đến bệnh tình và những việc khác của bà.
Hai mươi hai năm không gặp mặt, Hạ Tử Trân cảm thấy tính tình Mao mỗi ngày một kì quái. Rất nhiều việc rõ ràng là sai trái nhưng không chịu nhận ra, không ai có thể xoay chuyển nổi đầu óc ông ta.
Hạ Tử Trân chỉ ở lại Lư Sơn đúng hai ngày. Bỗng có điện thoại của Giang Thanh từ Hàng Châu gọi đến, nói khí hậu Hàng Châu nóng bức lắm, bà ta đòi lên Lư Sơn nghỉ mát. Ai đã để lộ tin tức? Khang Sinh.
Không muốn có thêm chuyện phiền toái, Mao bảo Hạ Tử Trân vè và cho bà ít tiền.
Hôi nghị Lư Sơn bước vào hậu kì Giang Thanh mới đến. Bà ta và Mao vốn đã thỏa hiệp với nhau không trở mặt, không li hôn, vẫn giữ danh phận vợ chồng. Khoảng trung tuần tháng Bảy bà ta gọi điện cho Mao, đòi lên Lư Sơn nghỉ mát. Sau đáy bà ta biết Mao đón Hạ Tử Trân lên ở đấy một đêm, vạy là bà ta tức tốc lên ngay. Thật ra, bà ta ở Hàng Châu cũng vui thú chẳng kém.
Từ Hàng Châu lên Lư Sơn, bà ta đem theo một xe tải thiết bị chụp ảnh. Bà không được dự sinh hoạt chính trị của Trung ương Đảng, nhưng lại mê nhiếp ảnh mà Mao gọi là “chơi vật mất ý chí”. Lần này thì Mao không để Trương Dục Phượng tránh mặt Giang Thanh. Để thê và thiếp gặp mặt nhau.
- Ông giỏi lắm, bỏ mặc tôi ở Hàng Châu, lên đây vui thú…
- Đâu có, ấy là mình đòi đến Hàng Châu dưỡng bệnh đấy chứ!
- Ông Thủ tướng đã về chưa? Rất muốn nhảy Tăng-gô với ông ấy.
- Về rồi, ông ấy bận lắm, về Bắc Kinh rồi. Muốn khiêu vũ à? Tại sao không lên đây sớm?
- Tôi lên đây sớm để ông vướng tay vướng mắt à, vợ cũ, vợ mới, tất cả đều ở đây.
- Không hơi đâu cãi nhau với mình. Vấn đề của Bành Đức Hoài, Hoàng Vĩnh Thắng, Trương Văn Thiên… làm tôi đau cả đầu. Mình tưởng dễ chơi với họ đấy à? Nào nào, đến đây, tôi giới thiệu, đây là Trương Dục Phượng, còn đây là Giang Thanh, vợ tôi. Tuổi tôi gần đến xưa nay hiếm rồi, từ nay về sau bên tôi chỉ có mình với cô này, mong hai người hãy coi trọng đại cục, cùng hội cùng thuyền, sống hòa thuận với nhau.
Mao nghiêm túc nhìn Giang Thanh. Tất nhiên Giang Thanh cảm nhận được liều lượng trong câu nói đó của Mao. Còn Trương Dục Phượng thì đỏ mặt, đi tới vài bước. Giang Thanh hờ hững nhìn cô, không đưa tay ra bắt, mà chỉ đón ánh mắt Mao, ngẩng cao đầu.
- Thôi được, thôi được. Coi như ông thắng. Bà già này chịu rồi. Đây một người, nghe này, đây một người!
Mao nhìn Trương Dục Phượng đáng thương, lòng những thanh thản. Mao không thể vì chuyện tư tình vặt vãnh này mà để ảnh hưởng đến trách nhiệm nặng nề của một người lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy trong Hôi nghị Lư Sơn này đã quật ngã đối thủ, nhưng quyền lực của Mao đang bị thách thức nghiêm trọng.
Mao để Giang Thanh sống ở tầng dưới của biệt thự “Mĩ Lư” vốn là nơi ở của bà Tống Mĩ Linh, phu nhân Tưởng Giới Thạch. Trương Dục Phượng ban ngày đến làm việc, tối về biệt thự Lư Lâm số Một.
Để cảm ơn Giang Thanh mặc nhận Trương Dục Phượng, Mao đưa Giang Thanh đi thăm Động Tiên, hang Cẩm Tú, hồ Trời và chụp ảnh kỉ niệm với nhau. Mao thích nhất mấy tấm ảnh chụp ở Động Tiên, hứa sẽ đề thơ cho những tấm ảnh đó.
*
20. Mao tuần du Giang Nam
*
Ai cũng khen miền Giang Nam tuyệt vời, miền Giang Nam chỉ hợp với tuổi già.
Năm 1961, một năm Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị, Lí Phú Xuân… chủ trì công tác thường ngày của Trung ương, bận suốt cả năm nhắm cứu vớt nền kinh tế do Mao làm rối tung, đang sụp đổ. Họ liên tiếp triệu tập các hội nghị, lắng nghe ý kiến khác nhau, khởi thảo các văn bản, giải quyết mâu thuẫn, chấn chỉnh năm “ngọn gió” trong Đảng: khoe khoang, cộng sản, tham nhũng, ăn nhậu, hủ hóa. Lưu Thiếu Kì phụ trách chung, Chu Ân Lai, Trần Nghị xoa dịu giới trí thức, Trần Vân phụ trách điều chỉnh kinh tế, Đặng Tiểu Bình chiêu tập binh mã tổ chức điều tra – nghiên cứu, soạn thảo văn bản, điều lệ. Trong đó, chủ trọng chủ ý của Trần Vân, Lí Phú Xuân về kinh tế, cống hiến lớn nhất, quay vòng đồng vốn, phát hành tín phiếu, thắt chặt chi tiêu, cung cấp theo kế hoạch, kiềm chế lạm phát. Tất nhiên đã có kinh nghiệm thực tế, họ áp dụng những kinh nghiệm của Liên Xô gặp khó khăn về kinh tế hồi những năm 1920.
Năm ấy, người bận nhất có thể là Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình, con người nhỏ thó. Dưới sự lãnh đạo của Lưu Thiếu Kì, Đặng khởi thảo những văn kiện sửa chữa tả khuynh gồm: Điều lệ Công xã nhân dân nông thôn, Bảy điều trong công nghiệp, Sáu mươi điều đối với giáo dục đại học, về sau còn có thêm Mười điều của văn nghệ. Hồi ấy, tiểu tổ khởi thảo văn kiện của Ban Bí thư có một câu nói đùa: người ta ỉa, chúng ta dọn.
Ai cũng hiểu, “người ta” ám chỉ Mao thích thành tích lớn, lãnh đạo kinh tế giống như trò chơi con trẻ, giống như ỉa bậy khắp nơi. Theo ý Lưu Thiếu Kì, Đặng Tiểu Bình cần khởi thảo Điều lệ quản lí cán bộ, Điều lệ quản lí kinh tế - tài chính, Điều lệ nghiên cứu khoa học, vân vân, làm cho công tác lãnh đạo Nhà nước có qui củ, trách cho các vị lãnh đạo nóng đầu làm ẩu, tả khuynh, chỉ huy lung tung. Chỉ ít lâu sau, công tác này bị Mao nặng lời khiển trách:
- Soạn thảo những điều lệ đó là để trói tay, trói chân quần chúng nhân dân hay sao? Các người đang thực thi chủ nghĩa giáo điều mới hay sao? Đó là chuyên chính của giai cấp tư sản, tôi là người phản đối đầu tiên.
Trong Trung ương Đảng, Mao có thể phản đối tất cả, nhưng không một ai dám phản đối Mao Tuy Mao phải làm kiểm điểm, lùi về tuyến hai, nhưng vẫn nắm chặt hệ thống tình báo và quyền chỉ huy quân đội. Lưu Thiếu Kì, Đặng Tiểu Bình chỉ còn biết tự bảo vệ mình, cúi đầu cúp tai mà thôi.
Trung tuần tháng Giêng năm 1961, Lưu Thiếu Kì chủ trì Hội nghị lần thứ Chín Ban chấp hành Trung ương khóa Tám, đưa ra phương châm tám chữ “điều chỉnh, củng cố, bổ sung, nâng cao” nhằm chấn chỉnh lại nền kinh tế quốc dân, cấp tốc hãm lại chính sách kinh tế điên cuồng của Mao kể từ sau năm 1958. Mao không dự Hội nghị này, mà đưa Trương Dục Phượng đi Vũ Hán, miền Hoa Trung, nằm dưỡng bệnh ở khách sạn Đông Hồ, thưởng thức tài nghệ diễn xuất của bông hoa tạp kĩ Hồ Bắc là Hạ Cúc Lệ trong các tiết mục uốn dẻo, hái chè bắt bướm Hạ Cúc Lệ trẻ đẹp, xuất thân nghèo khổ, rất kinh yêu Mao Chủ tịch. Mao lại rất hứng thú với cơ thể mềm mại của cô, sờ nắn khắp người cô, hỏi:
- Cháu đã tập như thế nào?
Cúc Lệ khiêu vũ cũng giỏi. Đôi mắt long lanh ướt nước của cô cứ nhìn Mao. Khiêu vũ cũng là cách rèn luyện thân thể, làm cho người nóng lên. Hai người khiêu vũ cho đến toát mồ hôi, tình cảm nồng cháy, cùng vào bể bơi trong nhà. Cúc Lệ bơi cũng khá, cùng chơi trò đánh trận nước với lãnh tụ vĩ đại, sau đấy cùng nằm lên cái đệm khăn bông đã trải sẵn trên bờ bể bơi..
Mặt nước Đông Hồ rộng lớn, phong cảnh đẹp như tranh, còn hơn cả Tây Hồ, Hàng Châu. Ở Bắc Kinh Mao đã thề rằng, những ngày cực khổ không ăn thịt lợn, điều này không trở ngại Mao hàng ngày ăn cá Vũ Xương. Mà Mao cũng chưa bao giờ nói, ba năm kinh tế khó khăn không ăn cá. Cũng như chưa bao giờ từ chối những chuyện phiền hà, sáng nào Mao cũng say ngủ, tối tối khiêu vũ, ôm tấm thân ngọc ngà, ăn chơi chẳng kém Hàng Châu.
Mao ở lại bên bờ Đông Hồ, Vũ Hán nửa tháng, rồi tiếp tục đi về phía Nam. Mao không coi Đông Hồ là Trung Nam Hải. Đoàn tàu của Mao đi về phía Nam, ngoài toa chứa đầy sách cổ còn có thêm một toa vũ khí, một hệ thống chỉ huy quân đội. Trương Dục Phượng giật mình phát hiện, Mao chưa bao giờ đọc trước tác của Mác - Lênin. Những ngày ở Đông Hồ, Vũ Hán, Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Vương Nhiệm Trọng đến yết kiến, hai người say sưa đàm luận “Tư trị thông giám”. Mao khen Nhiệm Trọng đọc nhiều, tỏ ra tâm đắc. Trương Dục Phượng chưa học hết bậc trung học cơ sở, chỉ biết viết những lá thư đơn giản gửi về thăm gia đình, được Mao sửa những chữ cô viết sai. Cô đâu biết Tư Mã Quang là ai, “Tư trị thông giám” là gì, cô rất phục trình độ hiểu biết của Mao.
Trên đoàn tàu đi về phương Nam, bỗng Mao nổi máu, bảo cô đọc cuốn “Kinh tố nữ”. Mao cố ý để Trương Dục Phượng đọc cuốn “tạp thư” này. Rất nhiều “tạp thư” là sách cấm. Trong “tạp thư” có nhiều kiến thức. “Kim Bình Mai” rất nhiều kiến thức, nhưng không thể cho dân thường đọc. Nếu cho đọc thì cán bộ, công nhân, binh lính, đều làm chuyện quan hệ trai gái nhảm nhí, có nên cho đọc không? Nhưng Trương Dục Phượng đâu có thể đọc nổi sách in dọc, không ngắt câu, lại là văn ngôn, chữ phồn thể? Mao tay nắm tay Trương Dục Phượng, giải thích từng câu từng chữ.
Người Trung Quốc chúng ta vẫn tự xưng là con cháu Viêm Hoàng đó sao? Từ thời thượng cổ trước khi hình thành quốc gia Hoa Hạ, xã hội có ba bộ lạc. Một ở miền Bắc gọi là bộ lạc Hoàng Đế, ngoài ra còn có hai bộ lạc ở miền Nam, một gọi là Viêm Đế, tức là Thần Nông, chuyên nghề nông tang; một bộ lạc nữa gọi là Suy Vưu, là một yêu quái. Đầu tiên, Hoàng Đế và Viêm Đế liên kết với nhau, đánh thắng Suy Vưu. Về sau, Hoàng Đế lại đánh thắng Viêm Đế, miền Bắc thống nhất miền Nam, lần đầu tiên xây dựng quốc gia thống nhất.
Hoàng Đế theo Đạo Giáo, thích trinh nữ. Có một người tên gọi Bành Tổ, là một chuyên gia tình dục, truyền thụ cho Hoàng Đế ba mươi bảy thuật trai gái. Vậy là bản lĩnh của Hoàng Đế được nâng cao, cuối cùng đem theo mười một trinh nữ lên trời. Cũng có người nói, ông ta đem lên trời không chỉ mười một, mà là một trăm mười trinh nữ. Lai có người nói, ông ta đem theo một nghìn một trăm cô trinh nữ lên trời. Dù bao nhiêu đi nữa thì Hoàng Đế đối với gái đẹp tựa như Hàn Tín dụng binh, đa đa ích thiện, càng nhiều càng tốt!
Trước khi Hoàng Đế lên trời, ông ta truyền ngôi báu cho con trai là Chuyên Tụ, từ đấy bắt đầu một thời kì suy thoái, tối tăm.
Hậu duệ của Viêm Đế ở miền Nam gọi là Cộng Cộng, dấy binh khởi nghĩa, dánh nhau giành ngôi vua với Chuyên Tụ. Nhưng miền Nam đánh không lại miền Bắc, cuối cùng tức giận làm đổ cây cột chống trời, vậy là một mảng trời rơi xuống, đất nứt một hố lớn, nước lũ tuôn lên ào ào, trời thủng lỗ, phun lửa xuống đất. Nước và lửa thiêu cháy và nhận chìm mọi sinh vật. Về sau, xuất hiện một bậc nữ trung hào kiệt tên là Nữ Oa, ngày đêm luyện đá ngũ sắc, vá trời thủng, chém kình ngư ở biển, dựng lại cột chống trời. Cuối cùng, bà Nữ Oa dùng bùn đất nặn con người, chia ra nam nữ, Nữ Oa đại tài! Phụ nữ thật vĩ đại! Sau Nữ Oa, Trung Quốc xuất hiện ba vị Hoàng Đế tốt, đó là Nghiêu, Thuấn và Ngu
Trương Dục Phượng nghe rất chăm chú. Mỗi lần Mao kể cho cô nghe những loại chuyện này, cô đều tỏ ra rất phục Mao, cảm thấy mình là người may mắn nhất thế gian. Có điều, Mao chưa bao giờ giảng giải cho cô nghe những chuyện về ông Mác, Lênin, Xtalin, những chuyện đó Mao chỉ kể trong những hội nghị lớn, nhỏ.
- Chủ tịch, ba mươi bảy thuật trong “Kinh tố nữ”…
- Tức là ba mươi bảy thuật trai gái… Đáng tiếc, tuôi tôi đã lớn, chỉ còn biết dựa vào cô.
- Chủ tịch, dân thường có được đọc những sách này không?
- Đó là chuyện của ông Lục Định Nhất, Chu Dương. Dù sao thì chúng ta được đọc.
- Chủ tịch hư lắm… hư lắm! Nhẹ nhàng một chú đi, Chủ tịch. Ôi, hình như em lại có…
- Cái gì? Có gì? Tôi vẫn tốt đấy nhỉ? Cô không uống thuốc đúng lịch à?
- Vâng! Em muốn giúp Chủ tịch…
- Cô Phượng, nghe này, bây giờ không được, năm nay không được… Hiểu không? Năm nay nhiều chuyện phiền toái lắm. Để vài năm nữa, sẽ mời bác sĩ giỏi cho cô.
- Em sợ phải xa Chủ tịch. Em không xa Chủ tịch đâu.
- Tôi cũng vậy. Thôi, tất cả như mấy khói lướt qua. Chỉ một mình cô là ổn rồi. Cùng tôi đến già, được không?
Tháng 3 năm ấy, Mao đưa Trương Dục Phượng đến Quảng Châu, vào ở trong khu lâm viên nhỏ, nhân dịp dự Hội nghị công tác của Trung ương, chính thức thông qua “Sáu mươi điều trong nông nghiệp”, tất cả đều do Lưu Thiếu Kì tổng kết. Đặng Tiểu Bình thì không ra sao, làm rất nhiều việc lớn, ví dụ ra lệnh giải thể nhà ăn tập thể trong công xã nhân dân, ông ta không nói không, mà cũng không báo cáo, cứ vậy tự ý làm.
Mao buộc phải nói:
- Hoàng Đế nào quyết định?
Không điều tra không có quyền phát biểu. Sự thật là, Mao đã xa rời quần chúng. Trên đất Thần Châu có hàng chục triệu người đang giãy giụa trong nạn đói. Rất nhiều bếp tập thể của các công xã nhân dân, nếu Lưu Thiếu Kì hoặc Đặng Tiểu Bình không ra lệnh giải tán, thì cũng không còn hạt gạo nào, từ lâu bếp lửa đã tắt, không còn khói bếp.
Mao ở Quảng Châu chỉ vài ngày. Mao không thích Quảng Châu. Quảng Châu ngập tràn không khí buôn bán, tình hình phức tạp. Đào Chú, Bí thư Cục Trung Nam trở thành quân bài năng nổ của Lưu Thiếu Kì và Đặng Tiểu Bình. Mao cũng không thích Việt kịch giọng điệu ẻo lả. Chỉ có Hông Tuyến nữ là hay, cô này khiêu vũ cũng giỏi. Nhưng nghe nói, cô ta xuất thân và lớn lên ở Hồng Công, Hạ Cúc Lệ ở Hồ Bắc còn trong sạch hơn.
Từ Quảng Châu Mao đi Nam Ninh, vào ở biệt thự Minh Viên. Mao thích Nam Ninh, thích Minh Viên. Minh Viên có sơn có thủy, có hội trường nhỏ có thể xem hát. Nam Ninh còn có biệt thự Tây Viên ở bên bờ Ung giang trong xanh, nước sông ấm áp, mùa đông có thể bơi ở đấy. Vi Quốc Thanh “ông vua Quảng Tây” nói, từ nay về sau, đến mùa đông nên mời Chủ tịch về đây bơi, mời các nam nữ kiện tướng bơi lội bơi cùng Chủ tịch.
Người Quảng Tây thật thà. Cảnh sắc Tây Viên không giống Minh Viên. Múa hát của dân tộc Choang cũng rất hay, kịch hát “Chị Ba Lưu” nổi tiếng thiên hạ. Hoàng Uyển Thu, cô gái dân tộc Choang sắm vai chị Ba Lưu có giọng hát trong trẻo, tựa như người trời, rất chân tình. Cô này khiêu vũ với Mao, nhưng không giỏi. Nhưng hay cười, hay đỏ mặt, hay xấu hổ, nụ cười ngọt ngào, trong sáng, giống như một đóa sơn trà hàm tiếu.
Mao định từ Nam Ninh đi Côn Minh. Côn Minh bốn mùa đều là Xuân. Côn Minh có hồ Điền rộng năm trăm dặm, có thể bơi được không? Bên hồ Điền có lầu đại quan, trên lầu có một bức liễn dài nhất thiên hạ, tác phẩm của đời nhà Thanh,, rất đặc sắc. Trong cuộc đàm phán ở Trùng Khánh năm 1946, nghe Trương Trị Trung, Quánh Mạt Nhược giới thiệu, Mao cho đưa bức liễn này đến. Các vị lãnh đạo tỉnh Vân Nam đã lên tận Bắc Kinh mời Mao, nói biệt thự ở suối nước nóng Tây Sơn đã làm xong, nước nóng ở đây có thể trị bệnh phong thấp rất tốt.
Cán bộ của Văn phòng Trung ương và người phụ trách bảo vệ không đồng ý để Mao đi Côn Minh. Đi Côn Minh ngồi máy bay thì rất tiện, nhưng Mao đã quyết, suốt đời không đi máy bay. Mao huyết áp cao, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cũng phản đối. Hơn nữa, cách đây ít lâu, Đặng Chấn Đạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đi máy bay TU 104 xảy ra sự cố, rơi xuống vùng núi Pamia, chết không nhặt được xác. Ngồi tàu hỏa đi Côn Minh thì sao? Phải vòng lên Qúi Châu, núi cao vực sâu khó đi. Hơn nữa, thổ phỉ Quốc Dân đảng vẫn còn. Trong việc bảo vệ bản thân, Mao rất tôn trọng ý kiến của ngươi phụ trách đội bảo vệ. Mao nói:
- Cũng được. Khổng Tử tây hành không đến được nước Tần, Khổng Tử cũng không đến Côn Minh. Gia Cát Lượng thì đã dụng binh ở đấy. Lần này thì nghe theo thánh Khổng Tử, Côn Minh bốn mùa đều đẹp, để sau hãy đi.
Cả năm 1961, trên đất Thần Châu nạn đói diễn ra vô cùng khốc liệt, là năm người chết đói nhiều nhất, Mao có đến nửa năm tuần du thị sát, chỉ đạo các địa phương miền Nam, nói chuyện xưa chuyện nay. Các tỉnh, thành phố phải tăng tốc xây dựng hành cung, biệt thự cho Mao, để Mao có thể sớm đến lưu trú. Mao và Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai mỗi người một cách, Họ tự điều chỉnh chính sách, tình hình thế nào do họ ứng phó. Mao chỉ giữ quyền phán quyết cuối cùng. Toa xe vũ khí, tình báo sẵn sàng hành động. Bộ máy công an đường sắt đã có ái tướng Vương Chấn trấn giữ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Dọc đường, Mao vẫn đọc những báo cáo tóm tắt, nghe cán bộ các tỉnh, các địa phương báo cáo tình hình. Rất nhiều tỉnh, địa phương vẫn tiếp tục báo cáo tình hình tốt đẹp với Mao. Mao hỏi họ, sản xuất lương thực năm nay thế nào? Họ trả lời: lúa má rất tốt, có triển vọng được mùa! Hỏi: nông dân ăn có no không? Trả lời: không vấn đề gì, công xã nhân dân chống thiên tai, thứ nhất qui mô, thứ nhì trình độ công hữu đều tốt. Hỏi: quần chúng nhân dân có ủng hộ ba ngọn cờ đỏ không? Trả lời: ba ngọn cờ đỏ do lãnh tụ vĩ đại giương cao, ai dám hạ, mà hạ cũng không được. Hỏi: giải thể bếp ăn tập thể của công xã, nông dân có hoan nghênh hay không? Trả lời: quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng, chúng tôi kiên quyết chấp hành. Hỏi: ở nông thôn có ai minh oan cho Bành Đức Hoài hay không? Trả lời: đó là sự tấn công của địa chủ, phú nông, phản động, kẻ xấu, chúng tôi kiên quyết trấn áp. Hỏi: bây giờ Tưởng Giới Thạch phản công đại lục, nông dân sẽ theo ai? Trả lời: Chủ tịch hãy yên tâm, đảng viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ chung tôi sẽ dung cuốc xeng, dáo mác dọn sạch đám địa chủ, phú nông phản động, phần tử xấu!
Mao nửa tin nửa ngờ. Nhưng cán bộ tỉnh, các điạ phương đều nói nhưng lời đao to búa lớn, giả dối, trống rỗng, khiến Mao có thể cân bằng nội tâm. Mao vẫn nghi ngờ, tình hình có đến nỗi xấu như Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình báo cáo hay không? Trời có sụp đỏ hay không? Liệu Sơn Đông có xuất hiện nạn châu chấu, Thiểm Tây có xuất hiện Lí Tự Thành, Tứ Xuyên có xuất hiện Trương Hiến Trung, hồ Động Đình xuất hiện Dương Ma (1) hay không? Mao không tin. Đảng Cộng sản mới cần quyền hơn mười năm, bà con không đến nổi phải nổi dậy. Bà con ủng hộ “đại cứu tinh”. Có lúc Mao muốn nghe cấp dưới nói thật, không thể nghe những lời giả dối, trống rỗng, khoác lác. Nghe nhiều, ù cả đầu óc! Ở Bắc Kinh, lúc này liệu có bảo đảm không có ai âm mưu lật Mao? Mao đã tính toán, mấy nghìn năm lịch sử đã chứng tỏ, thiên tai nhân họa chính là cơ hôi tốt để lật đổ quyền lực, thay đổi triều đại, là thời cơ đẫm máu nhất.
Ơn tròi ơn đất, ở khu (2) Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Mao được nghe Kỉ Đăng Khuê, Bí thư khu ủy nói thật.
Chuyên khu có sáu huyện, chín mươi phần trăm số gia đình bị đứt bữa; bảy mươi phàn trăm lao động nam giới bỏ đi nơi khác, họ đến vùng Lưỡng Hồ, Quảng Đông, Quảng Tây để tránh đói, nhân khẩu giảm nhanh chóng, chuyên khu có hơn bốn triệu nhân khẩu, gỉam mất báy tám trăm nghìn…
Đoàn tàu riêng của Mao đậu ở một nhánh đường sắt gần thành phố Hứa Xương, báo cáo diễn ra trên đoàn tàu. “chết đói” Kỉ Đăng Khuê nói tránh đi, thành “giảm mất”. Mao tỏ ra thông hiểu. Bí thư tỉnh ủy Hà Nam đứng bên cạnh, toát mồ hôi hột, đưa mắt ra hiệu cho Kỉ Đăng Khuê đừng nói nữa. Mao nghiêm sắc mặt:
- Kỉ Đăng Khuê? Cái tên nghe hay đấy nhỉ. Nói thật rất tốt. Đảng viên Cộng sản không sợ chết, liệu có sợ nói thật không? Đồng chí Khuê, mong được gặp lại, sẽ nói chuyện thêm.
_____________
(1) Lí Tự Thành, Trương Hiến Trung, Dương Ma đều là những thủ lĩnh của các cuộc nông dân khởi nghĩa trong lịch sử Trung Quốc. ND
(2) Khu/ địa khu/ chuyên khu: đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, gồm một số huyện - ND
Xưa nay, Mao bảo một là một, hai là hai. Không lâu sau, Kỉ Đăng Khuê lên giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, chuyên trách nông nghiệp. Năm 1969, giữa về sau tôi và đồng chí là bạn tốt. Bây giờ phải đề xướng nói thật. toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đảng viên không sợ năm điều: thứ nhất không sợ mất chức, thứ nhì không sợ khai trừ, thứ ba không sợ li hôn, thứ tư không sợ ngồi tù, thứ năm không sợ chém đầu. Có năm điều không sợ ấy, bảo đảm đồng chí làm chủ thiên hạ. Đồng chí Khuê, tôi dừng lại ở Trinh Châu hai cuộc Đại cách mạng văn hóa, Mao điều ông này lên Trung ương, bổ sung vào Bộ Chính trị.
Năm ấy, Mao chú ý đến những báo cáo có liên quan đến hai vấn đề: Thứ nhất, báo cáo của Lâm Bưu đệ trình có liên quan đến việc học tập trước tác Mao Trạch Đông, ôn nghèo nhớ khổ, so sánh với cuộc sống tươi đẹp hôm nay, nâng cao giáo dục giai cấp, phấn đấu làm một chiến sĩ 5 tốt; thứ hai là các báo cáo mật của Khang Sinh, Tạ Phú Trị. Mao chỉ nắm vững hai vấn đề đó, còn nữa mặc cho Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai điều chỉnh chính sách, giải quyết mâu thuẫn, Đảng và Nhà nước vượt qua nạn đói coi như không có vấn đề gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...