Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

NHÀ VĂN NHẬT TUẤN TỪ TRẦN !


TN



Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất ở Sài Gòn lúc 6 giờ chiều, ngày 6 Tháng Mười, 2015. Hưởng thọ 74 tuổi. Nhà văn Nhật Tuấn tên thật: Bùi Nhật Tuấn, sinh năm 1942, tại Hà Nội
Nhà văn Nhật Tuấn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in gần 20 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay có tên “Trang 17”, in năm 1978 đoạt Giải nhất Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978. Nhưng tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Nhật Tuấn là cuốn Đi Về Nơi Hoang Dã in năm 1988.

Trang trannhuong.com và gia đình Trần Nhương xin chia buồn tới gia đình Nhà văn Nhật Tuấn. Cầu mong anh linh bạn Nhật Tuấn mà đông đảo bạn bè yêu quý, về cõi thiên thu thanh thản !
Các tác phẩm:
Trang 17 (1978)
Con chim biết chọn hạt (1981)
Bận rộn (1985)
Mô hình và thực tế (1986)
Lửa lạnh (1987)
Biển bờ (1987)
Tín hiệu của con người (1987)
Đi về nơi hoang dã (1988)
Niềm vui trần thế (1989)
Những mảnh tình đã vỡ (1990)
Tặng phẩm cho em (1995)
Một cái chết thong thả (1995).
Giải thưởng văn chương:
Giải nhất Giải thưởng văn học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978 với truyện ngắn Trang 17.
Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1977 với truyện Ngôi nhà đang lên tầng.
Giới thiệu một tác phẩm:
Đi Về Nơi Hoang Dã
Tôi cố nhắm mắt mà không sao ngủ được. Lần này thì không phải cái đói hay cái rét mà là những ý nghĩ của chính tôi. Ông ta là người đã rủ rê tôi theo ông. Cậu đang còn trai trẻ, quẩn quanh phố phường làm gì cho hèn người. Làm thằng đàn ông phải lên rừng, xuống biển cho phỉ chí nam nhi... Tôi kính trọng và nghe theo ông cũng vì một thời trai tráng ông đã: vùng vẫy như thế. Mới ngoài năm chục tuổi, ông đã có trên hai mươi năm lăn lộn khắp các vùng rùng núi Tây Bắc, Việt Bắc khảo sát và thiết kế được biết bao nhiêu con đường quan trọng. Một con người cả đời đã được mưa rừng gió núi làm thoáng đãng tâm hồn, không lẽ lại làm cái việc nhỏ nhặt là giấu diếm một chút mì chính ăn riêng. Không, thằng học giả nói láo, sách vở chữ nghĩa làm méo mó đầu óc nó rồi. Ông toán trưởng thường bảo bọn trí thức là bọn đáng ngờ nhất, nếu không được giáo dục đến nơi đến chốn, bọn nó không đáng bằng cục cứt. May cho tôi không phải trí thức, tôi chỉ là thằng thanh niên lêu lổng, mới rời ghế nhà trường phổ thông, đầu óc chưa bị tiêm nhiễm nặng nề nọc độc của chủ nghĩa cá nhân tư sản, bởi thế như ông nói, tôi rất dễ phấn đấu vươn lên. Chao ôi, quả thực ông đã lầm lẫn khi chọn tôi làm nòng cốt để bồi dưỡng, đào tạo, tôi chẳng báo cáo được gì cho ông về những câu chuyện tào lao bọn nó vẫn đấu láo mỗi khi vắng mặt ông chẳng góp ý giúp đỡ được đứa nào mỗi khi khổ cực quá, chúng nổi khùng lên chửi cha cả cuộc đời. Tôi cũng không tha thiết lắm những điều ông vẫn hứa hẹn: lên lương, đi học, chức quyền... các cái đó với tôi, cũng xa xỉ và xa xôi hão huyền như những món ăn đặc sản thằng học giả thết chúng tôi buổi tối hôm nào vậy.
Bốn
Rừng mỗi lúc một ken đặc lại bởi các thứ dây nhợ lùng nhùng như một bức tường chắn ngang. Suốt từ sáng sớm, chúng tôi ra sức tung hoành, phát bở hơi tai mới nhúc nhích đươc quãng ngắn, ông toán trưởng bắt đầu sốt ruột, luôn miệng hỏi sắp ra tới đoạn rừng thưa chưa? Thằng hộ pháp xách dao luồn lên phía trước thăm dò, lát sau nó quay lại kêu toáng:
ối giời ơi,
Thôi chết, không khéo thằng này bị rắn xanh, cái thứ rắn quái ác, chỉ nhỏ bằng chiếc đũa, vẫn nằm cuộn trên cành cây, bổ một nhát vào cổ cũng nên. Tôi vội vàng nhào lên, hỏi cuống quít:
Sao thế? mày sao thế?
Nó nằm thẳng cẳng, nhắm mắt lại rền rĩ:.
ối giời ơi, ối giời ơi..
Tôi lay người nó:
Sao? Mày làm sao? Rắn cắn hả?
Nó mở mắt ra kêu to:
ối giời ơi, khỉ nó hiếp đít tôi...
Chao ôi, cho dù đôi mắt ông toán trưởng quắc lên lồi ra như tượng ông Ác, chúng tôi cũng không thể nào không phá lên cười:
Ha ha... ha ha... ha ha...
Câm ngay, câm ngay.
Chưa bao giờ tôi thấy cơn giận của ông toán trưởng nổ ra ghê gớm như thế, dễ thường bao nhiêu lời hay ý đẹp ông vẫn dậy dỗ chúng tôi bốc hơi đâu hết, ông chửi rủa sự vô giáo dục của thằng hộ pháp bằng những lời mà lúc đầu nó còn nhăn răng ra cười rồi sau mặt đỏ tía tai, nó đứng phắt dậy:
Ông là cái thớ đéo gì mà chửi bới cứ như là bố người ta thế?
Tôi nhảy vội vào giữa để can ngăn, lo sợ trận lôi đình của ông sẽ nổ ra khủng khiếp còn gấp mấy lần trước. Lạ thay, ông im bặt, tay chân run lẩy bẩy, hớp hớp mấy ngụm khí lạnh, rồi quay sang, khàn giọng nói với thằng học giả:
Đồng chí luồn lên phía trước thử nghe xem có tiếng thác nước không? Theo đúng bản đồ, chúng ta sắp tới đỉnh thác Bôrô.
Rất nhanh, ông trở lại những cử động quen thuộc: đặt địa bàn lên bản đồ, cộng các số trong sổ đo chiều dài, trán cau lại vì những suy nghĩ chẳng ai đoán nổi. Thằng hộ pháp quăng con dao vừa nãy có ý giơ lên dọa ông toán truởng lên tảng đá, rồi không nói không rằng, ngả ngay người trên thân cây đổ, nhắm mắt đánh một giấc cứ như trên đời này chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông toán trưởng lướt cái nhìn qua người nó, hướng về phía thằng học giả vừa luồn người biến mất sau bụi rậm. Cái vẻ nhẫn nhục của ông làm tôi thấy chợt thương. Thật khó mà hiểu nổi động lực nào đã thúc đẩy ông làm cái nghề quanh năm mò mẫm trong cái miền u tì, rừng xanh núi đỏ này. Nghe nói trước ông làm to cỡ trưởng, phó phòng gì cơ đấy, thế rồi trong một khóa học chính trị dài hạn, ông kèm cặp, bồi dưỡng văn hóa cho một bà cũng làm to như ông. Quả nhiên sau một thời gian, kiến thức của bà có được nâng cao nhưng không bằng cái bụng mỗi ngày một lùm lùm lên của bà. Biết làm sao được, bà mải mê hoạt động đến quá cái tuổi để lấy được chồng, còn ông, vợ lại ở quê xa lắc xa lơ, cả năm cũng khó gặp nhau. Thật bom nổ giữa cuộc họp còn chưa kinh khủng hơn khi cái chuyện tày đình ấy lộ ra. Bởi vậy bà đành phải giải quyết nó bằng một biện pháp tuyệt vọng là thắt lưng buộc bụng lại. Thế nhưng đúng như điều ông vẫn thường giảng cho bà: quy luật khách quan tồn tại bên ngoài ý muốn chủ quan của con người.... Một ngày kia chị lao công bỗng hét ầm lên trong chuồng tiêu khi nhìn thấy một bé hài nhi bị nhét trong thùng giấy loại. Người ta tông cửa phòng bà ra và nhìn thấy bà trong trạng thái một sản phụ.
Đứa bé được cứu sống và theo mẹ nó lên một công trường đá heo hút tận trong phía Nam, còn ông được đưa mãi lên rừng núi phía Bắc để thôi không làm lãnh đạo nữa, trở lại cái nghề thăm dò khảo sát đường thời trai trẻ ông đã từng làm. Tai họa càng làm da mặt ông khô quắt lại, tuy nhiên nó cũng chẳng làm mất đi vẻ uy quyền, mặc dù quyền lực của ông đã bị thu nhỏ lại đến độ chỉ còn sai khiến được bốn thằng bọn tôi. Tất nhiên, những chuyện bí mật nội bộ đó tôi chỉ được nghe đồn đại trong những lần cả toán trở về đơn vị để học tập, nghỉ ngơi, còn cứ cạy miệng, cũng chẳng bao giờ ông hở ra đôi chút gì đời riêng của ông. Ông chỉ nhiều lời khi giao công việc hoặc dạy dỗ chúng tôi thôi, ngoài ra, quanh năm ông câm lặng như một con cóc buồn rầu. Không bao giờ tôi thấy ông nhận được thư của ai hoặc viết cho ai. Những buổi tối nhìn mái đầu hói của ông cúi xuống tấm bản đồ và cái kính lúp trong góc rừng hoang vắng, đôi khi tôi tự hỏi có lúc nào ông nhớ người đàn bà bất hạnh và đứa con rơi của ông chăng? Cả người vợ nơi miền quê xa nữa? Thật cứ như ông đã chặt đứt hết những giây nhợ đó để sống duy nhất với con đường ông đang mò tìm trên tấm bản đồ vô tri giữa rừng núi hoang vu.
Thằng học giả đã quay trở lại và thật lạ, miệng nó cũng kêu trời như thằng hộ pháp làm tôi phát hoảng:
Gì thế? chuyện gì thế?
Núi lửa, ối trời ơi, núi lửa.
Ông toán trưởng nhét tấm bản đồ vào túi vải, sẵng giọng:
Anh điên hả? Núi lửa ở đâu ra? Đi đi, tất cả tới chỗ đó...
Tôi cuộn cái thước vải đo đường lại, thôi không đo, không phát cây nữa, lom khom theo thằng học giả chui luồn qua các bụi rậm đầy gai và rồi bất chợt trước mắt tôi sừng sững một vách đá dựng đứng, cao vút, xung quanh trắng xóa một vùng núi đá vôi trơ trọc không một ngọn cây xanh. Cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng, trời, cái vùng này chẳng khác gì hoang mạc trên mặt trăng. Thằng học giả đứng chênh vênh trên cành cây mọc chìa ra ngoài vách núi, chỉ tay:
Đó các ông coi có khác gì núi lửa không, chỉ thiếu điều nó phun dung nham nữa thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...