Ngay cả những người thân thiết nhất khi gặp nhà thơ Hoàng Cát vào những ngày này cũng đều hết sức ngạc nhiên. Ba năm trước gia đình và bạn bè đã tưởng phải chia tay vĩnh viễn tác giả “ Cây Táo ông Lành “ vì anh dính vào một trong tứ chứng nam y, ung thư hạch. Vậy mà bây giờ, ba năm trôi qua, anh vẫn khoẻ mạnh, như có phép mầu. Mới mờ sáng, ngay cả khi đang vào những ngày cuối thu sang đông tiết trời se lạnh và sương mù còn bảng lảng thì đã thấy Hoàng Cát trên xe máy phóng như bay khắp đường phố Hà Nội, phơi phới như một kẻ si tình vừa nhận được lời hẹn hò. Không thấy bất cứ biểu hiện gì của một người bệnh
Thời kì sức khoẻ tồi tệ nhất của Hoàng Cát trọng lượng cơ thể của anh chỉ có đúng 42 kg. Không phải những ngày anh lên đường tham gia quân ngũ vào chiến trường mà là những ngày hoạn nạn đang cùng vợ yếu, con dại tất tả bươn chải đủ 17 nghề để phơi mặt kiếm sống trên hè phố. Bây giờ ngược lại, Hoàng Cát là một ông già tuổi đã ngoài thất thập, tóc trắng như cước, da dẻ lúc nào cũng đỏ au như người không biết uống rượu bị ép vài chén cho vui, và cơ thể cân nặng đúng 68 kg. Chính người viết bài này đã từng rất nhiều lần bị đánh thức đột ngột lúc sáng sớm ( Chả là tôi có thói quen thức khuya, dậy muộn)- “Hello, dạy đi, Hoàng Cát đang chờ dưới nhà, xuống ngay nhé.”
Từ nhà Hoàng Cát đến chỗ tôi ít ra phải chục cây số, mãi cuối Trương Định lên Núi Trúc. Tức là anh đã trở dậy từ lúc 4, 5 giờ sáng. Sau đó chính anh đèo tôi, nói trời đẹp đến nao lòng như thế này mà nằm ngủ được thì thật uổng phí vô cùng. Những lần đi chơi sớm như thế anh thường đèo tôi đi quanh một vòng Hồ Tây. Cũng có khi hai người vào khu đầm sen giữa hồ ngồi trà lá suốt buổi. Có lần sang tận Nội Bài, đấy là cớ để vượt qua cầu Nhật Tân mới khánh thành. Anh thường xuyên nói với bạn bè, già cả rồi nên cần phải tranh thủ mà tận hưởng không sẽ hối tiếc. Tận hưởng, theo quan niệm của anh là sống thật hết với thiên nhiên, cảnh vật , cuộc sống và nhất là con người…Chẳng thế anh từng có bài thơ : “ Cảm tạ đất trời cho ta sống vui …” đầy lạc quan, hào sảng.
Nhiều người quen biết lúc này thường nẩy hoài nghi, hay Hoàng Cát không phải ung thư, hay bệnh viện xét nghiệm sai ? Chứ ung thư gì mà đã mấy năm rồi sao cứ phây phây ra thế ? Nếu không là người biết rõ thì hẳn tôi cũng cùng suy nghĩ. Tôi là người đã trực tiếp cùng Hoàng Cát đi tới nhiều bệnh viện để xét nghiệm cách đây 3 năm. Đang khoẻ mạnh bình thường thì tự nhiên Hoàng Cát cảm thấy trong người khang khác, sụt cân, ho nhiều, cổ to dần, ăn uống khó khăn. Con người luôn xê dịch vậy mà giờ chỉ muốn nằm nhà. Đi hết bệnh viên Thanh Nhàn đến bệnh viện K, rồi Bạch Mai…lại cả trung tâm ứng dụng tiến bộ y học nằm trên đường Trần Phú- Điện Biên Phủ. Tất cả đều cùng một kết luận, nhiễm K. Nghe vậy người yếu chịu đựng dễ sụp đổ nhưng ở Hoàng Cát thì khác. Tôi nhớ, sáng hôm đến trung tâm ứng dụng tiến bộ y tế, vào phòng xét nghiệm, sau khi cẩn thận thử sinh tiết đến hai lần do chính vị giáo sư, bác sĩ quân đội có tên là Lai trực tiếp xử lí. Khi người bác sĩ già có khuôn mặt phúc hậu từ phòng xét nghiệm bước ra , ông ngồi xuống cạnh Cát nhưng chưa trả lời ngay mà mãi sau mới chậm rãi: ” Đúng là bác có vấn đề thật rồi”. Thực ra thì Hoàng Cát đã biết bệnh, đến đây là chỉ muốn kiểm tra thêm một lần cho chắc chắn. Anh đứng lên bắt tay bác sĩ, nói lời cảm ơn rồi cùng tôi xuống nhà. Ra đến cửa Cát bảo, gì thì gì ta hãy đi làm bát phở , uống cốc cà phê đã chứ. Từ sáng ăn uống gì đâu. Tôi im lặng, cảm giác không biết Cát lúc này nghĩ gì nhưng xem ra anh có vẻ khá bình tĩnh. Cuối cùng, anh quyết định nhập viện, chữa trị trong bệnh viện Bạch Mai, khoa huyết học.
Chắc chắn, cho dù là người có thần kinh cứng cáp, lạc quan đến thế nào nhưng một khi biết mình đang mắc ung thư thì hẳn không thể như bình thường. Nhưng với Cát, sau khi yên vị trong viện thì anh chỉ bảo : “ Có bệnh thì phải chữa thôi “
Sự bình tĩnh của Hoàng Cát có lí do. Đây không phải lần đầu anh đối diện với tử thần. Đến bản thân anh cũng không nhớ nổi mình đã bao lần vào viện. Đầu tiên cách đây 40 năm, ngày anh chiến đấu trong vùng địch hậu Huế - Thừa Thiên. Bị thương nặng buộc phải cưa đi mất một chân. Rồi một lần cùng Trần Hoài Dương xe máy từ Sài Gòn về miền Tây, đến Vĩnh Long, để tránh chiếc xe tải ngược chiều hiện ra đột ngột, xe anh lao xuống ổ gà hất tung cả người và xe cao tới mấy mét. Nghĩ, thế là thôi rồi nhưng vaò bệnh viện Chợ Rẫy mất hơn tháng trời, ra viện chỉ còn xây xát chút ít ở mặt. Về Hà Nội vợ hỏi, anh nói lảng, va chạm nhỏ thôi mà. Lần vào mổ tại bệnh viện đại học Y do thoát vị ổ bụng mấy ngày không có gì đáng nói nhưng khi hai lần Hoàng Cát bị đột quị phải cấp cứu nhập viện Bạch Mai năm 2003 và 2005 thì cả hai lần đã tưởng mười mươi không qua nổi. Vậy mà sau khi ra viện Hoàng Cát lại tưng tửng như không có vấn đề gì.
Nhưng lần này thì khác. Một án tử hình nhưng tạm chưa thi hành án. Cát hiểu rõ điều đó. Cách đây hơn mười năm, Hoàng Cát từng viết :’ Sáu mươi hơn, sáu mươi kém cả rồi / Mũi đã ngửi thấy mùi bùn đất / Không sợ nữa, ngọt êm như mật./ Thì sống mà yêu thương lấy nhau…Nên anh vẫn bảo, giờ mình hơn bẩy mươi rồi, thế là đã lãi hơn một chục năm còn gì. Giờ làm được gì thì cố làm vậy thôi.
Tức là Hoàng Cát đã rất ý thức về luật trời đất, sinh, lão, bệnh, tử.. Nhớ lại những ngày đầu năm 2013 sau nhiều lần truyền hoá chất, đầu Cát đã rụng hết tóc, da dẻ sạm xấu vậy mà những bệnh nhân cùng phòng thường kể lại, bác Cát lúc nào cũng vui, không làm thơ thì đọc thơ, nói chuyện vui cho chúng em. Thái độ lạc quan của Cát đã lây truyền sang cho các bệnh nhân cùng phòng.
Những ngày trong viện quả thật Hoàng Cát đã làm được rất nhiều thơ. Anh bảo, thì còn biết làm gì khác là đọc sách báo và làm thơ. Đầu năm 2015 anh cho xuất bản một tập thơ mới gồm 133 bài. Trong đó hơn 100 bài được anh làm trong thời gian mấy tháng tại bệnh viện Bạch Mai. Đọc thơ Cát không ai nghĩ là nhà thơ đang lâm trọng bệnh. Cả trăm bài mà bài nào cũng phơi phới, lạc quan đến kì lạ. Anh viết : “ Tự dặn lòng mình” trong giữa đêm 23-1-2013: …Xin để lại tình ta sâu nặng mãi/ Tình gia đình. Tình bè bạn gần xa/ Xin được thứ tha những điều ta chưa phải/ Cuộc đời ơi…Ta yêu mãi …/ Thiết tha
Người thi sĩ thường có tâm hồn lãng mạn. Hoàng Cát không ngoại lệ. Nhưng ngay cả cận kề cái chết thì Hoàng Cát vẫn vô cùng lãng mạn: “ Ta muốn hét, muốn gào lên thật lớn /-Cuộc sống mến yêu, Người đẹp quá chừng / Có phải thế chăng ta rồi đây vĩnh biệt / Nên nhìn đâu cũng thấy đẹp rưng rưng…( Lãng mạn ) hoặc; …Đêm bệnh viện dài hơn đêm Trung cổ /Tự lòng ta sáng tỏ mọi nỗi đời. / Khi cái chết cận kề- tâm hồn ta bừng mở / Cuộc đời ư ? Chỉ là Cuộc Dạo Chơi ! Dù đang trong hoàn cảnh bệnh tật nhưng bất chợt gặp một người con gái đẹp thì Hoàng Cát vẫn có thể viết lên :”Khi em cười- đá cũng nở thành hoa / Bão tan lặng / Đêm bình yên, trăng mọc / Cả vũ trụ lung linh dát ngọc / …Nếu cuộc đời không có nụ cười Em / Thì tất cả đều trở nên vô nghĩa / Và cả đều trở thành nhỏ bé / Em là vô biên- Trời đất tặng riêng anh…/( Khi em cười- đá cũng nở thành hoa )
Một điều rất đáng nói thêm ở Hoàng Cát. Trước cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, lẽ thường tình, con người dễ sinh ích kỉ, chỉ nghĩ về mình, cùng lắm về những người thân thích ruột thịt với mình. Nhưng chính trong những ngày chữa trị trong bệnh viện Bạch Mai thì anh còn phát hiện thêm những tốt đẹp nơi con người mà đôi khi bận rộn, lo toan mà ngưởi ta dễ trở nên vô tâm, vô tình . Nhưng với Hoàng Cát lại khác, đó là khi anh nhận thấy được một tấm lòng cảm thương sâu sắc từ một người nữ bác sĩ trước bệnh nhân mà người bác sĩ đó đã hết lòng nhưng đành bó tay. Mà đây chắc chắn phải là một con người thật, một việc thật. Không ai hư cấu càng không thể hư cấu khi ấy. Ngay đầu bài Cát đã viết “ Tặng nữ bác sĩ M “, với một sự trân trọng vô cùng từ trong anh “ …Nàng đứng đó, không phải trên hè phố / Không phải công viên- vườn bệnh viện im lìm /Nàng đẹp thiên thần ! Nàng là bác sĩ / Khóc một bệnh nhân vừa xấu số, ngừng tim…Người bệnh ấy do nàng chữa trị / Bệnh quá trầm kha / Nàng bất lực bó tay /… Ta giữ lại, nuôi tim mình ấm áp / Bức chân dung bất chợt Trời cho / Thượng đế đã sinh nàng thật đẹp / Một tâm hồn thầy thuốc ngát hoa …( Bức chân dung ).
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hoàng Cát đã đặt tựa đề cho tập thơ , mà anh nói sau hơn 10 tập thơ đã xuất bản, đây sẽ là tập thơ cuối cùng của mình với tên :” Cảm tạ cuộc đời” mà ngay trang đầu anh đã viết mấy vần : Anh mãi mãi yêu em / ( Anh nhắc lại ngàn lần ) Tình yêu ấy cho anh thành thi sĩ / Cảm tạ cuộc đời- Cảm ơn em biết mấy ?
Như những năm trước, những ngày này Hoàng Cát vẫn đang tìm mọi cách chữa chạy theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, theo mách bảo của bạn bè, của những người yêu thơ anh ở khắp mọi miền và chạy chữa theo kinh nghiệm qua báo chí. Nhưng anh là người có ý thức về bệnh tật, thuốc thang. Vừa áp dụng vừa thận trọng nghe ngóng. Bệnh tật trong người hiện đang có tiến triển tốt đẹp nên anh vẫn duy trì theo phác đồ. Nhưng Hoàng Cát cũng đủ hiểu rằng, ung thư hiện là căn bệnh mà y học thế giới còn chưa có phương thuốc chữa trị mà chỉ có thể kéo dài. Hoàng Cát luôn giữ cho mình luôn lạc quan, vẫn đùa, được sống vui, sống khoẻ thế này với mình là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng cũng có thể mình sẽ qua khỏi là do ông Trời thương. Có Trời hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn một điều, sự lạc quan, sống một cách sống có ý chí, nghị lực nên rất có thể Hoàng Cát đã phần nào thay trời giúp anh vẫn còn khoẻ mạnh vượt qua bệnh tật để sống vui bên gia đình, bên bạn bè và vẫn không ngừng làm thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét