Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

TRẦM LUÂN NÀO CÓ RIÊNG AI


Dương Đức Quảng


TNc. Ngày 14-11 tại Tòa soạn báo Đại Đoàn Kết tại Hà Nội, báo Đại Đoàn Kết và các bạn bè thân hữu của anh Phan Duy Nhân đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Phan Duy Nhân-Thơ & Đời do Nhà xuất bản Đà Nẵng in và phát hành tháng 10-2015, TNc, xin giới thiệu bài viết "Trầm luân nào có chừa ai" của Dương Đức Quảng cùng tấm ảnh được in cùng bài viết trong cuốn sách. Bài này, ở phần Vĩ thanh tác giả có sửa chữa đôi chỗ so với bản đã in.
Bây giờ nhiều người gặp ông, một ông già về hưu, thường mặc bộ đồ thầy chùa, ra đường thường khoác một chiếc túi vải, lẫn trong hàng vạn, hàng triệu người dân thành phố, không biết ông từng là một nhân vật nổi tiếng trong những năm chiến tranh. Nhưng nhiều người tham gia phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, nhất là ở thành phố Đà Nẵng, đều biết tên ông. Bởi vì ông từng là “Chủ tịch lực lượng thanh niên, học sinh tranh đấu” thời chống Mỹ ở tỉnh Quảng Nam, một trong những người lãnh đạo phong trào đấu tranh đô thị làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm trong năm 1966, từng bị bắt và bị tù ở Côn Đảo. Sau giải phóng 1975, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, trước khi nghỉ hưu là một cán bộ cao cấp, nhiều năm giữ chức Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.
Ông là Phan Chánh Dinh, tức nhà thơ Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, một nhân vật mà cuộc đời “vinh quang chung không ít, trầm luân riêng cũng nhiều”.

Tôi gặp ông lần đầu tiên năm 1974 tại xã Xuyên Trà thuộc Đặc Khu Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy ông mới thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, bị đưa về đất liền giam ở nhà tù Tân Hiệp, sau Hiệp định Pa-ri 1973 về Việt Nam mới được phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trao trả cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại Lộc Ninh. Trở về Khu uỷ V, ông được điều về Ban Mặt trận Thành phố của Khu uỷ, được cử ra công tác tại Quảng Đà; còn tôi lúc đó là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường này. Sau năm 1975, tôi và ông còn có nhiều dịp gặp nhau, thậm chí có nhiều năm còn là hàng xóm của nhau, nhưng nhiều chuyện về ông những năm gần đây tôi mới biết cặn kẽ.
Cách đây hai năm, Tết Đinh Hợi 2007, tôi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, gặp lại ông sau gần chục năm ông rời Hà Nội vào Nam công tác và về hưu trong đó. Gặp nhau sau nhiều năm xa cách, lại trong ngày đầu xuân, dẫu lúc đầu không muốn nhưng rồi “nể lòng người cũ vâng lời một phen”, ông đã kể với tôi về cuộc đời của mình, trong đó có những điều trước đây tôi cứ tưởng là chuyện không có thật về ông.

Bị tù vì… một bài thơ
Phan Duy Nhân sinh năm 1941, quê tại tỉnh Quảng Trị, lúc nhỏ có tên là Phan Chánh Dinh. Vì cha làm việc trong ngành hoả xa, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đất nước bị chia cắt làm hai miền, ông làm công nhân tại trạm ba-ri-e đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng, nên từ nhỏ Dinh đã theo gia đình vào sống tại đây. Năm 14 tuổi Dinh đã biết cha mình là cơ sở hoạt động bí mật của Cách mạng tại nội thành Đà Nẵng, thường xuyên đón cán bộ về họp tại nhà. Trong số cán bộ đó có ông Hồ Vinh, một thầy giáo dạy Dinh, trong kháng chiến chống Pháp từng là phóng viên của báo Nhân Dân tại Khu V. Cũng chính qua cha và người thầy giáo này mà Dinh sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người liên lạc cho tổ chức Cách mạng hoạt động bí mật tại Đà Nẵng. Tháng 2-1957, vì một kẻ phản bội tố giác, thầy giáo Hồ Vinh bị địch bắt, bị tra tấn đến chết, nhiều cán bộ khác cũng bị bắt, tổ chức Cách mạng bí mật bị phá vỡ, cha con Dinh phải tạm ngừng hoạt động. Những năm tháng học trung học tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng sau đó, tuy bị mất liên lạc với tổ chức nhưng sẵn lòng yêu nước, Dinh vẫn nung nấu một ý chí Cách mạng, sẵn sàng “nổi loạn”, chống đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ. Năm 15 tuổi, Dinh viết bài thơ yêu nước đầu tiên gửi đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn, lấy tên là Phan Duy Nhân, nguyện là “một người con họ Phan vì nhân dân”.
Phan Duy Nhân bị địch bắt ba lần, lần đầu tiên bị bắt là vào năm 1959. Hôm ấy, Nhân cùng một người bạn đạp xe từ Đà Nẵng vào Hội An chơi. Dọc đường, ngang qua Non Nước, thấy đám đông dân chúng đang tụ họp để nghe Hà Như Chi, dân biểu Sài Gòn diễn thuyết “đả Thực, bài Phong, chống Cộng”, Nhân cùng người bạn ghé vào xem. Thấy vị dân biểu Sài gòn, vốn là cán bộ kháng chiến “dinh tê” về thành đang ba hoa về những điều chướng tai gai mắt, Nhân không thể chịu nổi. Khi Hà Như Chi kết thúc bài diễn thuyết, quay xuống hỏi đám đông dân chúng xem có ai hỏi gì không, Nhân dặn người bạn đi cùng nếu có bị bắt thì mang giúp chiếc xe đạp về cho cha mình, rồi giơ tay, nói lớn:
- Ông nói “đả Thực, bài Phong, chống Cộng”, tôi chỉ thấy ông chống Cộng mà thôi. Đả Thực gì mà ông bỏ kháng chiến chống thực dân Pháp để về thành theo gót thực dân? Bài Phong gì mà các ông khôi phục lại các hủ tục của chế độ phong kiến đã lỗi thời, lấy lại ruộng đất cách mạng chia cho nông dân để trả lại chủ cũ. Các ông chỉ có chống Cộng, như tôi thấy ở Quế Sơn các ông giết Cộng sản, chôn họ rồi còn dùng bừa bừa lên đầu họ, quá ác!..,
Hà Như Chi như chết đứng giữa đám đông người, còn Phan Duy Nhân bị bắt ngay sau đó. Sau ba tháng bị giam giữ và thẩm vấn tại Hoà Hải, không tìm được bằng chứng nào để buộc tội Phan Duy Nhân là Cộng sản, bọn địch phải thả anh.
Năm 1965, Phan Duy Nhân bị bắt lần thứ hai. Khi ấy, anh đang là giáo viên dạy văn tại trường Trung học Vĩnh Điện, là Chủ tịch lực lượng thanh niên học sinh tranh đấu ở tỉnh Quảng Nam, vận động thanh niên học sinh từ thị xã Hội An về nông thôn tham gia phong trào “diệt ác phá kìm” do cách mạng phát động, diễn ra sôi nổi sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ở khắp các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Lúc đó phong trào đấu tranh đô thị cũng diễn ra sôi nổi ở Huế, Đà Nẵng. Ở Huế, một số anh chị em học sinh, sinh viên ra tờ tập san Nhận Thức, đăng nhiều bài viết cổ vũ tinh thần đấu tranh của giới trẻ, kêu gọi mọi người tham gia phong trào yêu nước. Phan Duy Nhân học hàm thụ tại Đại học Văn khoa Huế, tham gia phong trào này. Từ Hội An, anh nhờ một người bạn đem một bài thơ ra Huế để gửi cho các bạn cùng phong trào đăng trên tờ Nhận Thức. Không hiểu vì lý do gì bài thơ của anh lại lọt vào tay An ninh quân đội Sài Gòn. Lập tức Phan Duy Nhân bị bắt.
Bài thơ ấy có đoạn:
“…Hãy đứng dậy tất cả
Đấu tranh không mất gì
Trừ cái gông trên cổ
Trừ cái xiềng trên tay
Hãy chiếm mỗi ngã tư
Trái tim làm khí giới
Xông lên triệu triệu đồng bào…!”
Viên Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật Quân đội Sài Gòn Tôn Thất Xứng yêu cầu viên tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đình Thiệp cho dẫn độ Phan Duy Nhân từ Hội An ra Đà Nẵng để Xứng trực tiếp gặp.
Xứng cầm bài thơ do chính tay Phan Duy Nhân viết đưa ra trước mặt anh, ngọt nhạt:
- Ai dạy cho anh Tuyên ngôn Cộng sản để anh biến thành thơ ca kêu gọi nổi loạn này?
Phan Duy Nhân nhìn thẳng Tôn Thất Xứng, đáp:
- Tôi làm bài thơ này là từ suy nghĩ và cảm xúc của tôi, nay mới nghe ông nói nó giống với Tuyên ngôn Cộng sản! Quả thật tôi có đọc Tuyên ngôn Cộng sản ở Thư viện Đại học Huế từ bản in bằng tiếng Pháp. Nó có một câu rất hay, đập vào tôi rất mạnh. Câu ấy kêu gọi người nô lệ đấu tranh không mất gì cả, có mất chăng chỉ là mất cái xiềng mà thôi. Còn trong bài thơ của tôi, cái gông là do tôi nghĩ ra!
Xứng sa sầm nét mặt, hỏi lại anh có đúng là tại Thư viện Đại học Huế có bản Tuyên ngôn Cộng sản không, rồi vẫn giữ cái giọng ngọt nhạt như trước:
- Anh nói vậy thì tôi biết vậy. Thôi được, anh là người có học, lại dạy văn, nên hôm nay tôi tạo điều kiện cho anh ở lại đây để anh có thời gian suy nghĩ viết cho tôi bài bình giảng về bài thơ của anh!
Thế là Phan Duy Nhân bị đưa về giam tại Trại giam số 11 của Quân đoàn 1, bị An ninh Quân đội Sài Gòn dùng đủ cực hình tra tấn cốt tìm ra đầu mối tổ chức cách mạng hoạt động bí mật tại Hội An và Đà Nẵng. Sau nửa năm bị giam giữ, không khai thác được gì ở anh, lại thấy dư luận bên ngoài bất lợi, chúng phải thả anh ra.
Sau đó, có dịp trở lại Thư viện Đại học Huế, Phan Duy Nhân thử tìm lại cuốn Tuyên ngôn Cộng sản mà anh đã đọc thì không còn. Chắc sau ngày bắt anh, viên Thiếu tướng Tôn Thất Xứng đã cho người vào lấy đi!
Bàn thờ người sống và ngày trở về
Năm 1966, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Thành uỷ, Phan Duy Nhân được cử tham gia hoạt động công khai trong phong trào đấu tranh của Phật giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Nẵng. Anh là Uỷ viên Thường vụ của Ban lãnh đạo “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, phụ trách kế hoạch tranh đấu: Uỷ viên liên lạc miền Vạn Hạnh của Phật giáo miền Trung, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đồng thời là cán bộ đấu tranh chính trị của Thành uỷ Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh nổi dậy làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm.
Cuộc đấu tranh nổi dậy làm chủ thành phố Đà Nẵng phát triển từ thấp lên cao, phất ngọn cờ “ Phật giáo vì dân tộc và đạo pháp”, tranh thủ lôi kéo Quân đoàn 1 với cả Bộ Tư lệnh cùng chỉ huy các đơn vị gồm trên 600 sĩ quan từ Thiếu uý đến Trung tướng, thành lập “Bộ Tư lệnh Quân đoàn ly khai Trần Hưng Đạo”, hình thành mặt trận nhân dân đại đoàn kết rộng lớn chống Mỹ-Thiệu-Kỳ, nổi dậy tiến chiếm Toà Thị chính, Đài phát thanh, Trung tâm Bưu chính- Viễn thông, Ty Thông tin và các cơ quan chính trị, kinh tế của chính quyền Sài Gòn, quản lý các khu phố, đường xá, chợ búa, ra lệnh rút toàn bộ nhân viên và kiều dân Mỹ ra khỏi Đà Nẵng. Lực lượng quần chúng đã thực sự làm chủ thành phố suốt 76 ngày đêm, sau đó bị địch huy động mọi lực lượng đàn áp.
Sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, Phan Duy Nhân bị lộ, phải thoát ly lên chiến khu. Tết Mậu thân 1968, anh được giao làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời Thành phố Đà Nẵng khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy chiến thắng. Sáng 1 Tết, anh cầm loa kêu gọi và dẫn đầu cuộc biểu tình, thị uy của hàng ngàn bà con phật tử và đồng bào thành phố Đà Nẵng từ trung tâm thành phố đi chiếm trụ sở chính quyền Sài Gòn. Đoàn biểu tình kéo từ Chùa Tỉnh hội Phật giáo ra đường Ông ích Khiêm thì bị địch đàn áp. Phan Duy Nhân bị bắn gãy chân và bị bắt đem về Ty cảnh sát Gia Long, sau đó bị giải qua Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình và Nhà lao Kho đạn Đà Nẵng.
Ngày 19 tháng 9 năm 1968, Phan Duy Nhân bị đầy đi Côn Đảo. Trong những năm ở nhà tù khét tiếng tàn bạo này, nhiều lần anh tham gia đấu tranh chống chào cờ , chống khổ sai…, bị nhốt riêng ở hầm đá. Cũng chính vì thế, năm 1970, khi một người bạn tù cùng bị giam với anh bị địch đánh đến chết, tin tức trong tù đưa ra làm nhiều người lầm tưởng anh đã hy sinh. Bạn anh, Hoàng Phủ Ngọc Phan, một sinh viên cùng hoạt động trong phong trào đấu tranh ở Huế, lúc đó đang công tác ở Chiến khu Trung ương Cục, đã viết một bài báo để tưởng nhớ anh, nhan đề: “ Phan Duy Nhân, một nhà thơ trẻ biết xung phong”. Bài báo ấy đã được in trên báo Văn nghệ giải phóng và được Đài phát thanh giải phóng phát đi. Tờ Đất nước của một nhóm trí thức và sinh viên yêu nước xuất bản nửa công khai hợp pháp ở Sài Gòn cũng đăng bài tưởng niệm anh. Sau này, Phan Duy Nhân còn biết, tại một quán cà phê trên đường Lê Lợi, Sài Gòn, một số bạn bè cùng học với anh ngày xưa, trong đó có cả P.N.N, một cây bút chống Cộng nhiều người biết, đã có một buổi gặp mặt để tưởng nhớ anh. P.N.N để một ly cà phê và một điếu thuốc lá trước một chiếc ghế trống dành cho anh!
Tin anh bị chết trong tù đến tai cha mẹ anh, khi ấy đã về sinh sống tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, làm ông bà bàng hoàng, như rụng rời chân tay. Sau khi người em trai của anh bị chết đuối, rồi người em trai khác tật nguyền lại bị bom Mỹ giết, mẹ anh đã khóc hết nước mắt, nay lại nghe tin dữ về anh- người con duy nhất còn lại bị chết trong tù, bà cụ phát bệnh, bị tâm thần rất nặng. Còn cha anh nghẹn ngào tìm tấm ảnh anh để lại, phóng to, lập bàn thờ để thờ người con trai duy nhất còn lại nay lại hy sinh, lấy ngày được bạn bè của con báo tin làm ngày giỗ anh.
Cuối tháng 3-1975, Đà Nẵng được giải phóng, Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, bất ngờ gặp lại một người em họ vừa “di tản” từ Huế vào Đà Nẵng. Biết tin cha mẹ còn sống, anh viết vội lá thư nhờ người em họ mang ra Phú Lộc báo tin cho cha mẹ biết anh đã trở về. Người em họ mang lá thư của anh về giữa lúc cha anh đang chuẩn bị cơm cúng vào đúng ngày giỗ anh. Ông vội vào Đà Nẵng, gặp anh trong nghẹn ngào nước mắt. Hôm sau trở lại Phú Lộc, ông dẹp bàn thờ đã 5 năm hương khói cho người con trai, nay người con ấy trở về, mừng mừng, tủi tủi.
Trâm luân nào có chừa ai
Sau ngày giải phóng, Nguyễn Chính lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau, nhiều năm là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc tỉnh, Phó ban rồi Quyền Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng …Đầu những năm 1990, ông được điều động ra Trung ương, làm Phó Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, một mình sống trong một căn hộ tập thể thuộc Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội, trở thành hàng xóm của gia đình tôi. Tiếp đó ông được giao làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ trong một thời gian khá dài. Khi nghe tin ông đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định bổ nhiệm làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ, tôi thật mừng cho ông. Nhưng rồi tôi thấy ông đột ngột chuyển về công tác tại Ban Dân vận Trung ương, làm chuyên viên cao cấp về Tôn giáo của Ban. Rồi năm 1998, tôi lại thấy ông trở lại làm Phó ban Tôn giáo của Chính phủ, phụ trách phía Nam. Ông chuyển vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2001, đúng 60 tuổi, gọi điện cho tôi, ông vui vẻ báo tin vừa được nghỉ hưu.
Trò chuyện cùng ông trong dịp Tết 2007 sau mấy năm xa cách, tôi mới biết, thời gian chuyển về Ban Dân vận Trung ương và trước đó trên 15 năm, ông đã gánh chịu một “kiếp nạn chết người”, mà trong một thời gian dài chính ông cũng không được biết. Ngay sau ngày giải phóng 1975 đã có người gửi đơn tố cáo Nguyễn Chính đầu hàng, khai báo và có hành động phản bội trong thời gian bị bắt và bị tù Côn Đảo. Đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề bạt ông làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ thì việc này lại được đưa ra. Sau thời gian ông chuyển về Ban Dân vận Trung ương, sự việc được điều tra, xác minh lại. Thì ra, có một người trùng tên Nguyễn Chính với ông, cũng bị bắt và bị tù Côn Đảo như ông, đã đầu hàng, phản bội. Song, điều khác hẳn là người đó nhiều tuổi hơn ông, bị bắt trước ông, ra tù cũng trước ông và khi ra tù đã trình báo với tổ chức tất cả những việc mình làm và đã bị xử lý kỷ luật, ở địa phương nhiều người đã biết. Ông Nguyễn Chính này vẫn còn sống và đã gặp những người được giao từ Trung ương vào để điều tra, xác minh sự việc. Thế là sự thật về việc Nguyễn Chính đầu hàng, phản bội được sáng tỏ.
Nguyễn Chính không chỉ gặp những chuyện buồn như thế trong công việc. Trong cuộc sống riêng tư, ông cũng không phải là người gặp may mắn. Năm 1979, trong khi đi công tác ở miền núi tỉnh Quảng Nam, ông được tin cha ốm, tự tìm vào bệnh viện rồi mất trong đó. Khi ấy thông tin, liên lạc nào có được nhanh chóng như bây giờ nên ông không kịp về bên cha khi người lâm chung. Sau cái chết của cha, mẹ ông càng buồn hơn và bệnh tâm thần càng nặng thêm. Ngoài 90 tuổi rồi, gặp ông, có lẽ trong tiềm thức vẫn biết là con mình, nhưng bà cụ lại gọi Nguyễn Chính là ông, như gặp một người khách lạ. Còn chuyện gia đình riêng của Nguyễn Chính, cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Cưới vợ được một thời gian ngắn, hoạt động bí mật bị lộ, ông phải rời thành phố lên núi khi vợ mới có thai đứa con đầu lòng được vài tháng. Khi vợ sinh con, ông không biết mặt, sau đó lại bị bắt và bị đầy đi Côn Đảo 6 năm, sau giải phóng, con gần 10 tuổi ông mới gặp. Sau ngày vợ chồng sum họp, vợ ông sinh thêm một cháu gái út; khi cháu 19 tuổi, đang học đại học thì chẳng may gặp tai nạn, bị bỏng gần như toàn thân. Vợ chồng ông phải dồn hết công sức và tiền bạc chạy chữa cho cháu; cũng may đến nay cháu đã có gia đình riêng và đã có con. Và còn bao nhiêu chuyện buồn khác mà Nguyễn Chính dấu kín trong lòng, không muốn tôi viết ra, như một câu thơ ông đã viết cho riêng mình: “Những nỗi đau âm thầm/Khối tình chôn giữa ngực.”
Tôi từng biết nhiều câu chuyện người thân gặp lại nhau sau chiến tranh thật lạ lùng, cảm động, nhưng câu chuyện về cuộc gặp của Nguyễn Chính với một kẻ thù cũ sau chiến tranh cũng lạ lùng và cảm động không kém .
Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Chính bị địch bắn gãy chân và bị bắt. Viên sĩ quan cảnh sát dã chiến Sài Gòn N.T, cầm cẳng chân bị bắn gãy của Nguyễn Chính, cứ xoay qua xoay lại rồi hỏi:
- Mày tên họ là gì?
Nguyễn Chính nghiến răng chịu đau, trả lời:
- Họ Việt, tên Nam!
- Mày làm nghề gì?
- Chống Mỹ cứu nước!
Cứ như thế, câu hỏi được lặp đi lặp lại, hắn tra hỏi Nguyễn Chính đến khi
anh ngất đi không còn biết gì nữa.
Sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, N.T ra trình diện cách mạng. Gặp lại Nguyễn Chính đúng hôm có mặt trình diện tại Quận I Đà Nẵng, viên sĩ quan cảnh sát dã chiến Sài Gòn N.T quá sợ, không dám nhìn anh. Hôm ấy Nguyễn Chính ghé Uỷ ban Quân quản Quận I có chút việc, nhìn thấy N.T, anh lại gần, nhẹ nhàng hỏi thăm. Anh kéo đứa con gái N.T khoảng 10 tuổi theo cha đi trình diện vào lòng, ôn tồn nói với N.T:
- Anh hãy quên chuyện cũ, thành tâm cải tạo cho tốt để sớm được về với cháu.
Mười năm sau đó, trong một chuyến đi công tác qua Ninh Thuận, Nguyễn Chính cùng một cán bộ trong cơ quan đến thăm gia đình một người bà con của anh cán bộ này thì bất ngờ gặp lại N.T. N.T chính là người bà con của anh cán bộ đi cùng. Sau mấy năm đi cải tạo, N.T được trở về nhà, đưa cả gia đình rời thành phố Đà Nẵng vào Ninh Thuận làm ăn, sinh sống. Nguyễn Chính ngạc nhiên khi thấy trong nhà của N.T, viên sĩ quan cảnh sát dã chiến Sài Gòn năm xưa có treo một tấm ảnh ông mà N.T cắt ra từ một tờ báo nào đó, chụp lại và phóng to hơn! Nguyễn Chính và N.T ôm nhau nghẹn ngào…
Nghe tôi bảo, cuộc đời của ông kể cũng lắm chuyện lạ, nhưng không tránh khỏi nhiều lúc cũng trầm luân, Nguyễn Chính cười, nói luôn:
- Đâu phải chỉ có tôi, “trầm luân nào có chừa ai”. Nhưng tôi thấy mình còn may mắn lắm. Bao nhiêu đồng chí, đồng đội và cả người thân của mình không còn, nói chi đến chuyện trầm luân! Mình còn sống được sau bao nhiêu năm chiến tranh, tù đầy là còn hạnh phúc và may mắn lắm so với biết bao người. Vì thế tôi luôn tự nhủ lòng mình rằng, đừng có oán trách ai, hãy luôn luôn sống thanh thản, quên đi những chuyện buồn, những trắc trở trong cuộc đời để luôn vui, khoẻ và làm được điều gì có ích thì làm trong quãng đời còn lại của mình.
Vì thế, sau khi nghỉ hưu Nguyễn Chính vẫn nhận làm cộng tác viên nghiên cứu về tôn giáo cho một số cơ quan khoa học. Năm ngoái, khi ra Hà Nội dự một cuộc hội thảo khoa học về tôn giáo, “làm điều có ích trong quãng đời còn lại”, gặp tôi ông vui vẻ cho biết sau hàng chục năm không làm thơ, ông đã làm thơ trở lại và đã có mấy chùm thơ đăng báo.
Tết Kỷ Sửu vừa rồi tôi không vào được thành phố Hồ Chí Minh như đã hẹn để thăm ông và để được nghe ông đọc những bài thơ mới làm. Tháng trước, gọi điện thăm, ông nói đang ở Đà Nẵng với mẹ, nay đã yếu lắm rồi. Từ ngày chồng và các con, đứa chết, đứa bị bắt vào tù, cụ ngã bệnh, mất trí nhớ, không về ở với vợ chồng ông và các cháu mà vào chùa nương nhờ cửa Phật. Năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi, cái tuổi bất kỳ lúc nào cũng có thể về miền xa xăm, vô định. Tôi chợt nghĩ, nếu mất mẹ thì Nguyễn Chính đau đớn và cô đơn biết nhường nào!
Bất giác tôi nhớ tới bài thơ “Biển” Nguyễn Chính làm và chép tặng tôi trong lần ra Hà Nội năm trước, trong đó có mấy câu:
“Biển như vầng trán rộng
Thương đời triệu nếp nhăn
Người còn trong hữu hạn
Cứ nghĩ ngoài xa xăm…
Biển muôn đời dào dạt
Mà tĩnh lặng khôn cùng
Ra tới ngoài vô hạn
Biển chảy vào không trung.”
Hà Nội, 2009
D.Đ.Q

Vĩ Thanh
Tôi viết thêm những dòng này như để trải lòng mình trước một tin dữ về những căn bệnh hiểm nghèo không một ai mong đợi lại đang đến với một hai người bạn quý của mình. Đó là nhà thơ Phan Duy Nhân đang lâm trọng bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh và nhà văn Nguyễn Khắc Phục mang bệnh hiểm nghèo đang phải nằm điều trị tại bệnh viện ở Hà Nôi, Hai người bạn ấy là những người bạn tôi thân quý từ hơn bốn mươi năm trước.
Một ngày đầu tháng 7-2015, nhà báo Lê Đức Hùng từ Đà Nẵng ra Hà Nội điện mời tôi cùng ăn sáng để bàn việc in tập thơ của Phan Duy Nhân do anh và một số anh em thân hữu ở Đà Nẵng chủ trương. Tôi và Hùng quen biết nhau từ năm 1974, khi tôi là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà, còn Hùng đang học trung học ở trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ-Thiệu bị lộ phải ra căn cứ cùng một số bạn bè khác. Chúng tôi gặp nhau tại xã Xuyên Trà thuộc huyện Duy Xuyên trong lần tôi và Nguyễn Khắc Phục, một nhà văn trẻ từ Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V xuống Quảng Đà cùng về công tác tại Ban Măt trân Thành phố đang đóng tại đây. Hùng rất vui vì được gặp hai nhà văn, nhà báo mà Hùng biết tên qua bài thơ Thành phố Đà Nẵng, thành phố anh hùng, thành phố rôc-két của Nguyễn Khắc Phục và Gửi dòng sông thân yêu của tôi được Hùng chép từ cuốn tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ vào sổ tay của mình. Lần gặp nhau ấy có cả Phan Duy Nhân, một "thủ lĩnh" phong trào đấu tranh chống Mỹ-Thiệu của phật giáo và học sinh sinh viên Đà nẵng, là Ủy viên Thường vụ của Ban lãnh đạo "Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng" trong cuộc đấu tranh nổi dậy làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm năm 1966, một cựu tù nhân Côn Đảo mới được chính quyền Sài Gòn trao trả sau Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Ra Hà Nội lần này Hùng muốn mời tôi và Nguyễn Khắc Phục viết bài về Phan Duy Nhân và thơ của Phan Duy Nhân để in vào tập thơ dự kiến mang tên " Phan Duy Nhân -Thơ & Đời" chuẩn bị xuất bản. Đó như một món quà chứa đựng tình cảm của bạn bè thân hữu tặng anh Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ, hiện đang nằm một chỗ sau ba lần mổ tim và một lần xuất huyết não. Lê Đức Hùng hỏi tôi:
- Lâu nay anh có hay gặp anh Phục không? Bữa trước em mời anh Phục viết bài cho tập thơ của anh Phan Duy Nhân, anh Phục nhận lời, nhưng hôm qua gọi điện anh ấy nói đang nằm trong Viện 103, mệt lắm, chắc khó viết được.
Tôi hơi bất ngờ về tin Phục nằm viện, nhưng nghĩ chắc bệnh cũng không đến nỗi nguy kịch như mấy lần Phục vào viện kiểm tra bệnh trước đây. Tiện có Hùng ra Hà Nội, biết tin Phục nằm viên như thế nên tôi nói vợ tôi, một nữ phóng viên chiến trường Khu V năm xưa mà Nguyễn Khắc Phục rất quý mến cùng vào thăm Phục.
Nhớ lại những lần Phục nằm viện tôi không quên được câu nói của Phục mỗi khi có ai hỏi thăm về sức khỏe của mình: "Ba lần mặc váy hoa lên bàn mổ!". Ba lần ấy là hai lần Phục phải vào bệnh viên mổ mật và một lần mổ cắt một phần dạ dày. Lần nào gặp tôi, Phục cũng cười phớ lớ, nói: "May quá, chưa toi!". Tính Phục vẫn thế, bao giờ cũng coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng, kể cả cái chết cận kề trong chiến tranh. Lần này cũng vậy, Phục vẫn thanh thản như không.
Chiếc xe đưa chúng tôi vào cổng Viện quân y 103, hỏi thăm khu Phục nằm, giật mình khi biết khu đó dành riêng điều trị các bệnh nhân bị ung thư! Phục nằm điều trị ở Phòng tự nguyện Khu K.71, đang được truyền hóa chất, đầu cắt cua khác hẳn những lần cắt trọc hoặc để tóc dài phủ cả hai tai, nhưng khuôn mặt còn khá hồng hào. Nhìn thấy chúng tôi vào thăm, vẫn nụ cười tươi, Phục nói ngay với Lê Đức Hùng:
- Anh định viết bài Phan Duy Nhân, một nhà thơ tài hoa gửi cho em nhưng bây giờ chắc không viết nổi. Cách đây mấy ngày anh thấy khó thở và tức ngực nên vào đây khám. Chiếu chụp rồi xét nghiệm các kiểu bác sỹ kết luận anh bị ung thư phổi, dạng tế báo nhỏ, không mổ được!
Rồi Phục lại cười vui, hỏi chuyện vợ chồng tôi và hỏi thăm các cháu. Phục nhìn Đan Thanh, vợ mình, rồi quay sang nói với vợ tôi:
- Ạnh nói với Thanh, anh bây giờ mới thực sự trở thành một người đàn ông hoàn hảo! Anh có đủ tất cả những điều mà một người đàn ông nào cũng cần có: sự nghiệp, tình yêu, gia đình, bạn bè, con cái...
Phục nói Đan Thanh mở clip quay cảnh cháu Gạo, cậu con trai ba tuổi của Phục-Thanh, vừa hát vừa nhảy theo điệu nhạc cho chúng tôi xem, mặt rạng ngời hạnh phúc...
Các đây ít ngày, nhà báo Lê Đức Hùng lại ra Hà Nội. Tôi và Lê Đức Hùng lại vào thăm Nguyễn Khắc Phục. Chúng tôi đến phòng bệnh Nguyễn Khắc Phục nằm thì Phục đang được các bác sĩ đưa đi chiếu chụp trên một phương tiện kiểm tra hình ảnh hiện đại nhất của Viện quân y 103 để xem bệnh tình của Phục biến triển thế nào, từ đó tìm phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho Phục. Đan Thanh. vợ Phục dẫn chúng tôi đến phòng Phục đang nằm sau khi được các bác sĩ chăm sóc và tiến hành các công đoạn chuẩn bị cho việc chiếu chụp. Từ của phòng chúng tôi nhìn thấy Phục nằm bất động, mắt dường như đang nhìn thẳng lên trần nhà. Tôi và Đức Hùng khẽ gọi mong Phục quay ra nhìn chúng tôi, nhưng có lẽ Phục không nghe thấy, còn các bác sĩ yêu cầu chúng tôi để yên cho Phục nằm như vậy để một tiếng sau sẽ chiếu chụp, nếu không kết quả sẽ thiếu chính xác. Rồi cửa phòng khép lại. Đan Thanh tiễn chúng tôi ra cổng, nói với tôi:
- Anh Phục biết hết mọi chuyện sẽ đến với anh ấy. Anh ấy chỉ có một yêu cầu đối với em là em luôn luôn ở bên anh ấy, 24/24 h mỗi ngày và tối nào cũng phải đưa anh ấy về nhà với cháu Gạo trong những ngày anh ấy sắp đi xa này!
Tôi biết vì sao Phục lại có mong ước tưởng chừng giản dị như thế...
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Ôi, một ước mơ nho nhoi của một người bạn sắp đi xa!
Còn với anh Phan Duy Nhân, sau bài báo Trầm luân nào có chừa ai tôi viết về anh, chúng tôi còn có nhiều dịp gặp nhau mỗi khi tôi vào thành phố Hồ Chí Minh hoặc anh ra Hà Nội. Cách đây mấy năm, được tin anh phải mổ tim, tôi bay vào thăm lúc anh đang nằm điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất. Nằm trên giường bệnh anh còn tặng tôi cuốn tạp chí Hồn Việt mới xuất bản trong đó có bài viết của anh "Mãi mãi sáng ngời Ngọn lửa và trái tim Thích Quảng Đức" viết về Hòa thượng Thích Quảng Đức và vụ Hòa thượng tự thiêu năm 1963. Tháng 4 năm nay, Lê Đức Hùng gọi điện báo tin cho biết anh Phan Duy Nhân mới bị tai biến mạch máu não, nhớ nhớ, quên quên. Tôi lại đến thăm anh ở nhà riêng tại đường Vườn Lan, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Anh Phan Duy Nhân phải nằm liệt một chỗ, không còn nhận ra tôi. Phải một lúc, sau khi tôi tự giới thiệu tên anh mới nhận ra tôi, hai mắt ứa lệ. Anh phều phào hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi và hai cháu con tôi mà anh vẫn còn nhớ tên! Chúng tôi nói với nhau những chuyện không đầu không cuối vì anh lúc nhớ lúc quên, Tính ra cũng đã hơn bốn mươi năm kể từ những ngày gặp anh cùng Nguyễn Khắc Phục, Lê Đức Hùng ở Xuyên Trà năm 1974 rồi! Ra về, anh cầm tay tôi lắc nhẹ, thì thầm: "Nhớ giữ sức khỏe nhé!" mà mắt ạnh, mắt tôi đều ứa lệ.
Cứ nghĩ đến Phan Duy Nhân, Nguyễn Khắc Phục và biết bao người bạn thân quý khác đã đi xa hay còn đang mang bệnh hiểm nghèo mà tôi cứ nghèn nghẹn trong lòng! Ôi, những người bạn thân quý của một thời đạn bom, một thời hòa bình cứ bỏ dần mình đi xa!
Hà Nội, 22-7-2015
________________________________
(*) Dương Đức Quảng trước năm 1975 là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tạiQuảng Đà; sau năm 1975 là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí; Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ,
Ảnh: Nguyễn Khắc Phục, Dương Đức Quảng, Thanh Quế, Trần Vũ Mai (trái sang) thờ ở chiến trường khu 5

1 nhận xét: