Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO VĂN NGHỆ

Lương Ngọc An thực hiện
Cái giá để Cái giá để làm nên hình hài Tổ quốc, cha ông ta phải trả, tức dân tộc ta phải trả qua các thế hệ, thì cái từ gọi là núi xương, sông máu cũng chưa nói lên hết tầm vóc đâu.Vậy tại sao con cháu chúng ta không được biết điều đó.Ai có quyền tước bỏ? (HQH)

Vấn đề dạy sử, học sử trong trường phổ thông ở ta lâu nay đang bộc lộ khá nhiều những bất cập, khiến cho Bộ Giáo dục & Đào tạo đã từng có đự định “loại” môn Lịch sử ra khỏi chương trình đào tạo dưới hình thức tích hợp nó vào với những bộ môn khác. Chủ trương này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận xã hội và gần đây nhất tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa rồi đã chính thức bác bỏ đề xuất này. Quyết định của Quốc hội đã phần nào đem lại sự an tâm cho đồng bào cử tri và nhân dân,trong đó rất nhiều người thực sự tâm huyết với đất nước,với lịch sử dân tộc và với sự nghiệp giáo dục.Tuy nhiên,từ sự phủ quyết của Quốc hội đến việc thay đổi một tư duy và một phương pháp giáo dục lịch sử trong chương trình đào tạo ở bậc phổ thông vẫn còn cả một chặng đường dài cần rất nhiều tâm huyết,trí tuệ và thiện tâm của nhiều người,nhièu tầng lớp xã hội.Tại diễn đàn này(báo Văn Nghệ)nhiều nhà văn,nhà thơ,nhà giáo,nhà nghiên cứu đã lên tiếng bầy tỏ thái độ và quan điểm cuẩ mình đối với vấn đề lịch sử nói chung cũng như việc giảng dậy lịch sử nói riêng.Cuộc trò chuyện dưới đây của phóng viên báo Văn Nghệ với nhà văn Hoàng Quốc Hải,một nhà văn đã dành cả cuộc đời để gắn bó với đề tài lịh sử và luôn quan tâm đến các vấn đề cả lịch sử,cũng không nằm ngoài mục đích góp thêm một tiếng nói của những người cầm bút về một thái độ ứng xử đối với lịch sử cũng như thực trạng giảng dạy môn lịch sử hiện nay.

Câu hỏi đầu tiên về qan điểm của nhà văn trước những vấn đề nằm trong mối quan hệ mang tính hệ thống giữa Lịch sử-Dân tộc và Giáo dục.
Nhà văn trả lời:


-Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Chúng ta hẳn biết trước khi bước vào môn học lịch sử của dân tộc mình, trong chương trình giáo khoa, nước nào cũng cho trẻ em học lịch sử loài người. Từ khi họ sống bầy đàn, qua tiến hóa hàng vạn năm mới có nhân tố Người. Lại trải qua thời Đồ Đá, Đồ Đồng, Đồ Sắt v.v… mới tiến tới đẳng cấp Người có trí tuệ như ngày nay. Vậy là khoa nhân chủng học giúp cho nhân loại nhận biết quá khứ của chính mình. Đó cũng là chỗ phân biệt đẳng cấp của loài người với các loài khác.
Khoa lịch sử ra đời, nhằm ghi chép lại quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Quá khứ của mỗi dân tộc chính là lịch sử của dân tộc đó. Cho nên, nước nào cũng rất coi trọng môn lịch sử trong hệ thống giáo dục học đường. Trong các cấp học phổ thông, bao giờ lịch sử cũng được thiết định là môn học chính thống, môn học bắt buộc chứ không có chuyện để cho học sinh tự chọn, trừ trường hợp ở cấp cao có phân ban, thì vẫn có chuyên ngành lịch sử.
Nếu nước nào bỏ môn lịch sử trong các cấp học cũng đồng nghĩa với nước đó, dân tộc đó từ bỏ quá khứ của mình. Một dân tộc không có quá khứ, tựa như họ sống lại kiểu bầy đàn thời tiền sử. Nhà văn hóa Fernand Braudel từng nói: “Khi lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”.
Một nền giáo dục coi nhẹ giáo dục lịch sử hoặc đặt môn lịch sử ra rìa, phải xem đó là nền giáo dục mang đậm tố chất vô luân; phải xem đó là một thông điệp xấu báo trước con đường hủy diệt ý thức dân tộc. Cho nên ta dễ nhận biết khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi cái ý “tích hợp” đã bị dư luận xã hội phẫn nộ, và Quốc hội chính thức bác bỏ đề xuất này.
Dạ, thưa nhà báo, những điều tôi vừa trình bày chính là điều tôi quan tâm, và cũng là điều tôi chia xẻ nỗi bức xúc của công chúng, và đương nhiên tôi đồng tình với quyết định kịp thời của Quốc hội.
Chỉ có điều đáng tiếc là Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội, không có sự giám sát nghiêm khắc sự nghiệp giáo dục về phương diện quốc gia, để có cảnh báo từ trước.
Về bản chất, lịch sử là một bộ môn khoa học. Và vì là khoa học nên có tính khách quan của nó. Lịch sử mang tính xã hội và bản chất văn hóa của một dân tộc. Người Việt Nam luôn tự hào về lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của mình. Tuy nhiên nghiên cứu lịch sử là một chuyện, còn giáo dục lịch sử lại là chuyện khác. Ông đánh giá thế nào về phương pháp giảng dạy lịch sử của ta trong thời gian vừa qua?
Tôi đồng ý với nhà báo, “Về bản chất, lịch sử là một môn khoa học”. Vì vậy ta phải khảo sát nó ở góc độ tương đối toàn diện chứ không chỉ xem xét nó ở góc độ giảng dạy.Giảng dạy là khâu cuối của bộ môn này.
Trước hết, ta phải xem xét về ý thức của những người làm sách giáo khoa về bộ môn lịch sử học đường, từ sau 1954 tới nay. Không hiểu từ đâu, mà dường như họ đặc biệt coi trọng giai đoạn lịch sử cận hiện đại. Rồi đặc biệt nữa là giai đoạn hiện đại, tức là từ khi có Đảng ( cộng sản ) lãnh đạo. Phần lịch sử cổ đại và trung đại chỉ thoáng qua, khiến hệ thống kiến thức của học sinh ( và các học sinh ấy sau này thành người lớn , người già… ) về các giai đoạn lịch sử đó rất mơ hồ. Nếu không tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho kiểm tra kiến thức lịch sử các cán bộ trong Bộ,và hệ thống giáo viên dạy chính bộ môn lịch sử trong các trường, sẽ cho ngay kết quả cần tìm.
Như vậy, bản thân việc cấu tạo chương trình đã thiếu tính khách quan, khoa học.
Thứ nữa là nội dung cụ thể của từng giai đoạn lịch sử, từng tiết học xem ra cũng rối rắm, thiếu khoa học. Vấn đề khiến không chỉ học sinh chán học, mà các thầy cô giáo cũng chán dạy nằm ở phần này.
Đạo đức của môn lịch sử là chân thực, khách quan. Thế nhưng ngôn ngữ viết và lời bình trong các sách giáo khoa lịch sử, ta thấy lấp ló hình bóng người soạn sách và cả khuynh hướng của nó. Vì vậy tính khách quan lịch sử giảm thiểu, và khuynh hướng chính trị hóa lịch sử ngày một hiển lộ. Nặng nề nhất là bắt học sinh phải học thuộc diễn biến chiến dịch và các trận đánh, với các số liệu thống kê thiệt hại của địch và chi tiết đến từng ngày,tựa như các em học để làm cán bộ tác chiến,cán bộ thống kê mặt trận.
Mục đích giảng dạy môn lịch sử, nhằm truyền thụ cho các thế hệ sau những vinh quang và cay đắng của tổ tiên ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, qua những thành bại của tổ tiên, từ đó rút ra bài học tốt nhất để xây dựng đất nước trong hiện tại và định hướng cho tương lai. Trong quá trình học cũng tức là quá trình khảo sát lịch sử, phải giúp người học trở thành chủ thể tham gia vào tiến trình lịch sử, giải quyết việc tìm hiểu các sự kiện lịch sử cũng tức là giải mã lịch sử. Như vậy họ trở thành chủ thể của sự kiện. Nhưng cách dạy của chúng ta đã đẩy người khảo sát lịch sử vào thế bị động, áp đặt họ phải chấp nhận các sự kiện và những con số vô hồn vào trong bộ nhớ. Trong khi những thứ đó thì tra cứu quá dễ dàng với nhiều thứ công cụ tiện ích sẵn có.
Cách dạy và cách học đó không đem lại sự sáng tạo cho cả thầy và trò. Đó là mấu chốt của sự chán ngấy chẳng riêng môn lịch sử, nếu ta ngó qua môn văn, chắc cũng mang chung một hệ lụy.
Các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát và công bố kết quả, cứ sau 10 năm, chỉ số thông minh của trẻ em thế hệ sau đã tăng gấp đôi so với thế hệ trước.
Học sinh ngày nay vừa thông minh, vừa có ngoại ngữ, vừa có nhiều nguồn tư liệu, lại vừa có công cụ tìm kiếm vô cùng thuận lợi, họ ưa sáng tạo hơn là thụ động. Họ chán học hoặc không muốn học môn lịch sử là thái độ phản kháng do cấu tạo chương trình không khoa học và truyền thụ kiến thức, tức công nghệ giảng dạy và thao tác của thày cô lạc hậu như nửa đầu thế kỷ 20.
Bản thân môn lịch sử không có lỗi. Và lịch sử dân tộc chưa bao giờ kém hấp dẫn.Thật ra sự suy thoái của bộ môn lịch sử trong các cấp học phổ thông, không phải mới diễn ra một sớm một chiều,mà trải một quá trình lâu dài và bền bỉ.Nó không hề bí mật bởi nó được công khai kết quả trong các kỳ thi hết cấp học,hoặc thi vào Đại học hằng năm. Lỗi là ở Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài nhiều thế hệ Bộ trưởng. Họ không có chủ trương khắc phục từ khi hiện tượng này mới manh nha.Mặc dù báo chí đã cảnh báo từ rất sớm.Và kết quả thảm hại qua các kỳ thi môn lịch sử kéo dài trong nhiều năm ,vẫn không làm cho Bộ giáo dục động tâm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiêu tốn không biết cơ man nào là tiền dân đóng thuế chỉ riêng vào việc tái bản sách giáo khoa hằng năm.Việc làm tưởng như cập nhật với nền giáo dục hiện đại của thế giới ,hóa ra bất cập và tụt dốc.Trong khi đó Nhóm Cánh Buồm soạn sách giáo khoa cho cấp tiểu học khá tốt,các thành viên tự nguyện làm việc không có thù lao.Tuy họ có báo cáo,nhưng Bộ không hề quan tâm.
Lịch sử của một dân tộc là nền tảng văn hóa của chính dân tộc đó. Văn hóa không chỉ là linh hồn mà còn là tấm áo giáp vững chắc nhất, để chống giặc ngoại xâm và chống cả sự xâm lược văn hóa của kẻ thù. Nếu vô tình hoặc cố ý đánh rơi tấm áo giáp ấy, ( tựa như nàng Mỵ Châu vô tình trao chiếc lẫy nỏ thần cho kẻ thù) thử hỏi dân tộc ta lấy gì chống đỡ trước một thế giới đầy bất trắc, và kẻ thù thì quỉ quyệt và nham hiểm khó lường?

Theo ông, muốn tích hợp bộ môn lịch sử trong giáo dục phổ thông cụ thể phải làm thế nào?
Trong đời sống xã hội, vấn đề giáo dục lịch sử thông qua các phương tiện khác, như văn học, truyền thông, các hoạt động xã hội… có ý nghĩa như thế nào?
Tất cả những việc này ta đã làm được gì và chưa làm được gì?
Theo tôi, phải thiết định lịch sử là một môn học chính thống. Và lịch sử học hoàn toàn khác với chính trị học. Vì vậy không lịch sử hóa chính trị và cũng không chính trị hóa lịch sử. Do đó tích hợp lịch sử là điều không cần bàn nữa. Vả lại Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đã ra phán quyết chính thức bác bỏ đề xuất này. Vì vậy phải biến phán quyết của Quốc hội thành thiết chế luật.
Có một thực tế là trong đời sống xã hội hiện nay, lịch sử và văn hóa của một số nước ngoài, cụ thể như Trung Quốc, Hàn Quốc…, đang được người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận và tiếp thu nhiều hơn, sâu rộng hơn là văn hóa và lịch sử của chính bản thân đất nước mình thông qua các sản phẩm văn hóa, văn học. Điều này cần phải nhìn nhận như thế nào từ cả hai góc độ khác nhau: góc độ của ta và góc độ của các nước đang xuất khẩu văn hóa sang nước ta?
Phần cuối câu hỏi vừa rồi của nhà báo, chính là phần trả lời của câu hỏi đó. Tuy nhiên, tôi xin làm rõ thêm một vài ý.
Các hiện tượng nhà báo nêu trong câu hỏi trải một phạm vi khá rộng và sâu trên các bình diện lịch sử, văn chương, nghệ thuật. Bao trùm hết thẩy là văn hóa. Mà trong văn hóa thì lịch sử giữ vai trò chủ đạo.
Trong lịch sử nhân loại từ cổ đại tới tận ngày nay, việc trao đổi văn hóa giữa các dân tộc là chuyện đương nhiên. Vì có sự trao đổi văn hóa và cả kinh tế nền văn minh nhân loại mới phát triển được. Trong quá trình giao lưu trao đổi giữa các nền văn hóa thường có sự tiếp thu xen kẽ, nên gọi là giao thoa văn hóa.
Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng thì việc phim ảnh, sách báo của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v… tràn vào thị trường văn hóa nước ta là việc đương nhiên.
Tuy vậy có những việc không thể coi là đương nhiên nữa, ví như các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam, khiến văn hóa Việt Nam như nghẹt thở.
Hơn 60 đài phát hình trong nước, mở bất cứ giờ nào, ngày nào cũng thấy các loại phim ảnh Trung Quốc hò hét đến nhức óc, chóng mặt. Ra hiệu sách thì các loại sách Trung Quốc áp đảo sách Việt Nam. Từ triết học, văn học đến các loại văn chương rác rưởi của Trung Hoa, thậm chí các loại sách thần bí trước đây cấm ngặt, nay in thả cửa. Nhiều nhà sách cùng khai thác hết sức trơ trẽn cùng một tác phẩm tầm tầm nếu không muốn nói là rẻ tiền của Trung Hoa.
Chưa một tác giả cổ kim nào của trong nước được khai thác một cách triệt để và toàn diện như Quỳnh Dao và Mạc Ngôn của Trung Hoa. Hầu hết các tác phảm của Quỳnh Dao chỉ có giá trị giải trí, còn các tác phẩm của Mạc Ngôn không phải tất cả đều là siêu phẩm. Loại như “Báu vật của đời” , nước ta đã có loại tác phẩm tương ứng như vậy, nhưng ngay lập tức nó bị loại bỏ. Điều đó không có nghiã là hầu hết nhà văn Việt Nam đều bất tài. Vấn đề là ở cơ chế.
Thành thật mà nói, trên địa hạt văn hóa, bao gồm cả văn chương nghệ thuật, chúng ta đang bị thua trên sân nhà, đang bị dồn tới chân tường.Rõ ràng là chúng ta đang bị xâm lược về văn hóa. Đó là bởi sức đề kháng văn hóa của ta quá yếu. Nay bỏ môn lịch sử nữa, sẽ đồng nghĩa với việc ta buông hẳn vũ khí văn hóa. Và như vậy có khác gì ý thức dân tộc đã tiêu tan.
Dù đứng trên danh nghĩa gì, bọn người xu thời và vong bản cũng không thể biện minh được. Và họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Còn như các hiện tượng như linh vật ngoại, xây dựng lai căng v.v… là do ý thức dân tộc ở mỗi cá thể rất kém, kém nhất là con mắt bao quát của ngành văn hóa.
Thử nghiêm túc nhìn lại xem chúng ta,đặc biệt là ngành văn hóa đã làm được gì trên phương diện đối nội và đối ngoại.Liệu đã có bộ phim lịch sử nào trình chiếu mà vài ba năm sau chiếu lại vẫn có khán giả chịu đến rạp mua vé,hay phải để tình trạng miễn vé vào cửa từ khi mới đưa phim ra rạp.Tình cảnh này sao dám mơ ước đưa phim lịch sử ra thị trường điện ảnh thế giới.Trên lĩnh vực văn chương,cả cổ đại lẫn hiện đại,chúng ta không phải cường quốc văn chương.Nhưng chúng ta cũng không quá ít tác phẩm thơ,văn sánh ngang với bè bạn.Thế mà ngành văn hóa chưa tự mình đưa nổi một tác phẩm nào ra nước ngoài.Sách dịch tràn lan,bất kể hay dở cứ ùn ùn ra thị trường.Trong khi đó sách nội soi từng dòng,tỉa từng chữ.Đó là những biểu hiện thủ bại của ngành văn hóa đã phơi bầy,không ai không biết. Uỷ ban văn hóa - Giáo dục của Quốc hội có được báo cáo điều này?
Có ý kiến cho rằng nói gì thì nói, giảng dạy lịch sử cốt yếu có hai vấn đề. Thứ nhất, đó là kiến thức về lịch sử, và thứ hai, đó là ý thức, là thái độ đối với lịch sử. Lâu nay những chuyện “dở khóc dở cười” về giảng dạy môn sử trong nhà trường chủ yếu là những câu chuyện về kiến thức. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng phương pháp. Song còn vấn đề ý thức. Đây đang là câu chuyện vẫn bị coi là “nhạy cảm” nên dường như chưa có một diễn đàn chính thống nào đề cập một cách trực tiếp, đặc biệt là trên các diễn đàn liên quan đến giáo dục. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Nếu xâu chuỗi hàng loạt các vấn đề mang yếu tố văn hóa nổi lên trong đời sống xã hội thời gian vừa qua, ví dụ như trường hợp các “linh vật ngoại lai” tại các công trình tâm linh, hay nói rộng ra là cả những kiến trúc tại các công trình này cũng đang ngày càng thể hiện những yếu tố “ngoại lai” sau khi trùng tu, tôn tạo; rồi các xu hướng thẩm mỹ len lỏi trong đời sống của giới trẻ liên quan đến phim ảnh nước ngoài, như trò chơi game trên mạng, rồi những cơn “sốt” truyện ngôn tình Trung Quốc gần đây… thì chủ trương “tích hợp” môn lịch sử trong nhà trường như dự kiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa rồi có thể xem như một vấn đề về “ý thức lịch sử”, “ý thức văn hóa” của cơ quan Quản lý Nhà nước về giáo dục được không?
Liên quan đến nội dung này, có thể xem thái độ ứng xử của Bộ chủ quản đối với bộ môn Lịch sử trong nhà trường: Từ đang là một trong 4 môn thi bắt buộc trước đây, thành môn không bắt buộc, rồi môn tự chọn… rồi “tích hợp”… giống như một “lộ trình”, một “kịch bản” gì đó hay không? Và nếu như vậy thì nhu cầu cải tiến chương trình và hình thức giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường hiện nay liệu có thực sự khách quan? Theo ông, kết quả nào sẽ dẫn đến trong tương lai nếu chủ trương “tích hợp” môn lịch sử của Bộ Giáo dục & Đào tạo được triển khai?...
Tôi đồng ý với nhà báo là thao tác giảng dạy là điều dễ khắc phục. Điều quan trọng vẫn nằm trong ý thức tư tưởng. Tức là nhận thức đối với lịch sử dân tộc kia. Một khi cái ý thức ấy vì nhận thức chưa tới, hay vì ngạo mạn và toan tính một điều gì khó hiểu đã làm cho ý thức dân tộc dần bị mai một.
Thử hỏi cái gì làm nên lịch sử? Đó là trí tuệ và xương máu của cả cộng đồng xây đắp từ hơn 4000 năm nay. Thế kỷ thứ 13, một đất nước nhỏ bé với số dân chừng 4-5 triệu người, nhưng dân tộc ta đã phải chống đỡ tới 3 cuộc chiến tranh, trong đó có 2 cuộc mang tính hủy diệt do đế quốc Mông – Nguyên áp đặt.
Thắng giặc, đành rằng bằng trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc. Nhưng sự hy sinh tính mạng của cải đâu có ít. Chắc chắn số người hi sinh cho các cuộc chiến 1285-1288 để bảo vệ Tổ quốc, nếu không hơn cũng phải mất tới một phần mười dân số. Nên biết các nước khổng lồ như Trung Hoa, Nga cũng bị đế quốc Mông Cổ thống trị từ 100 đến 250 năm.
Việc thắng giặc Nguyên-Mông thế kỷ 13,là một chương lịch sử hào hùng nhất trong tiến trình giữ nước gian nan của dân tộc.Cùng thời đại,thử hỏi đã dân tộc nào cưỡng nổi cơn xoáy lốc kinh hoàng đó,ngoài Việt Nam? Vậy truyền thống ấy có đáng được lưu giữ?
Lại như cuộc kháng chiến chống Mỹ gần đây, với con số công bố, chắc còn xa sự thật, số người hy sinh vì Tổ quốc đã là hơn 3 triệu.Và cái chết vẫn đang rình rập dân ta hằng ngày,bởi hàng trăm triệu trái bom, mìn còn nằm sâu trong lòng đất.Bài học lịch sử vẫn còn hôi hổi nóng,thế mà có kẻ đã mau quên.
Cái giá để làm nên hình hài Tổ quốc, cha ông ta phải trả, tức dân tộc ta phải trả qua các thế hệ, thì cái từ gọi là núi xương, sông máu cũng chưa nói lên hết tầm vóc đâu.Vậy tại sao con cháu chúng ta không được biết điều đó.Ai có quyền tước bỏ?
Nhà báo hỏi diễn đàn bàn về vấn đề này. Theo tôi đã có, nhưng nó chỉ khuôn theo một số người gọi là chuyên môn trong ngành giáo dục, thành thử không có lối thoát. Muốn trở thành một diễn đàn thực sự thì phải trên cơ sở dân chủ, phải thảo luận công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trưng cầu dân ý. Nghĩa là nó phải thể hiện được ý chí của toàn dân. Một điều ai cũng biết, nếu nền giáo dục trệch hướng thì nó sẽ dẫn dắt con tầu dân tộc trật khỏi đường ray!
Như vậy có thể hình dung nếu xâu chuỗi hàng loạt các vấn đề mang yếu tố văn hóa nổi lên trong đời sống xã hội thời gian vừa qua,ví dụ như trường hợp các “linh vật ngoại lai” tại các công trình tâm linh,hay nói rộng ra là cả những kiến trúc tại các công trình này cũng đang ngày càng thể hiện những yếu tố “ngoại lai”sau khi trùng tu,tôn tạo;rồi các xu hướng thẩm mỹ len lỏi trong đời sống của giới trẻ liên quan đến phim ảnh nước ngoài,như trò chơi game trên mạng,rồi những cơn “sốt”truyện ngôn tình Trung Quốc gần đây-thì chủ trương “tích hợp”môn lịch sử trong nhà trường như dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rồi có thể xem như một vấn đề về “ý thức lịch sử”,”ý thức văn hóa” của cơ quan Nhà nước về giáo dục.Và đây rõ ràng là một câu chuyện rất “có vấn đề”cần phải được nhìn nhận từ gốc,chứ không phải chỉ là những giải pháp tình thế bắt đầu từ ngọn.Xin cám ơn nhà văn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thẳng thắn và tâm huyết này.
LƯƠNG NGỌC AN thực hiện
( Báo Văn Nghệ số 51 ngày 19/12/2015 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét