Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ - KỲ KUẶC MÀ THÚ VỊ

Trần Ngọc Sơn


TNc: Bạn trẻ Trần Ngọc Sơn từ làng Hà Thạch trên Phú Thọ, sau khi đọc Kim kổ kỳ kuặc ký đã viết bài này gửi cho tác giả. Xin giới thiệu cảm nhận của Trần Ngọc Sơn với "cậu bé" tinh thần của Trần Nhương...Cám ơn người đồng hương đất Tổ !


Với văn chương, tôi là người ngoại đạo. Và, với tiểu thuyết hiện đại thì từ lâu, tôi cũng chỉ đọc cuốn Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường, mặc dù tôi rất thích đọc sách. Nhưng với tiểu thuyếtKim kổ kỳ kuặc ký của nhà văn Trần Nhương (do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành quý I năm 2016) thì lại có một sức hút kỳ lạ đối với tôi.
Có thể là thể loại tiểu thuyết “hoạt kê” (như tác giải tự nhận) nó rất hợp tạng với một kẻ thích hài hước như tôi. Có thể là do nội dung câu chuyện hấp dẫn và cả cách viết “kỳ quặc” của tác giả đã lôi cuốn tôi vào cuộc bôn tẩu của nhân vật chính Mao Tôn Úc với bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố trên cuộc hành trình nhiều ngả rẽ bất ngờ của ông ta.
Chính vì vậy, tôi đã đọc liền một mạch cuốn sách 234 trang (trừ phần phụ lục Bầu bạn cổ phần, vì phần này tôi đã đọc trên Trannhuong.com) từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm.


Tiểu thuyết này thú vị và kỳ quặc. Nó kỳ quặc từ tên gọi với 4 chữ K (vượt qua cả nguyên tắc chính tả) mà có người gọi là tiểu thuyết 5K, kiểu như TV 4K là TV cao cấp nhất hiện nay, hay như mục 4K (Khúc kha khúc khích) trên trang Trannhuong.com rất nổi tiếng của chính tác giả.
Nó kỳ quặc bởi nó xen lẫn chuyện xưa và nay (cổ và kim), xen lẫn những chuyện có thể có ở đâu đó và những chuyện hoàn toàn là “bịa tạc” (từ dùng của tác giả). Đúng vậy những chuyện sông Tô Lịch nước đen, sâm Ngọc Linh giá cao, hòm công đức chùa nào cũng có,...đến chuyện người ta chuộng vàng mã một cách thái quá, rồi chuyện một ông trùm phê bình theo lối chỉ điểm, chuyện nhà vănbị làm khó, bị theo dõi, bị treo bút...ai dám bảo là không có thật.
Còn nó thú vị ở chỗ câu chuyện nó diễn ra với không gian đa dạng từ trên rừng, dưới sông, trong chùa, ngoài đồng, nơi tửu điếm văn chương, chốn “tổ quỷ” nhầy nhụa... Nội dung của nó cũng đa dạng không kém nào là chuyện văn chương, chuyện thế sự, nhân tình thế thái, chuyện tu hành, chuyện bằng hữu,.. nào là chuyện yêu đương, chuyện vợ chồng, chuyện sex.
Nó còn thú vị ở giọng văn hài hước, giễu nhại, xen lẫn các từ ngữ, các bài thơ cả cổ, cả kim làm cho người đọc như đang ngồi trước một nồi lẩu “kỳ quặc” đang nóng hổi mà không thể cưỡng lại được sự ham muốn thưởng thức ngay tắp lự.
Rồi cả những chi tiết “bịa tạc” cũng rất thú vị theo phong cách tiếu lâm dã sử đã góp phần không nhỏ làm cho thiên tiểu thuyết này trở nên “kỳ quặc” như chính tên gọi của nó. Đó là chi tiết vị Trưởng Thượng đáng kính bị Mao xỏ xiên, rằng thơ ông ta chỉ như cái“chi phụ” (ngày nay gọi là chân phụ hay chân giữa). Đó là chi tiết Mao Tôn Úc khát quá phải bú sữa của cô gái đi cùng (Mao bậm môi vào đầu vú ấm nồng, ngài hút mạnh- không khác gì cụ cố trong Tắt đèn). Đó là chi tiết Mao bị chuột cắn sứt môi, được cô gái nhổ mấy“sợi thuốc lào chỗ kín” đắp cho thì “quả nhiên như thuốc tiên, cầm máu ngay tắp lự”. Và, khi được Mao hỏi rằng: “Thuốc lào gì mà hay thế, sợi nó cưng cứng và xoăn tít ?” thì cô gái không dám nói ra mà dùng một câu nói nổi tiếng để trả lời: “Mèo đen, mèo trắng miễn là bắt được chuột”. Đây là câu trả lời rất ý tứ, nó không thô như câu: “Thầy hỏi để làm gì, thuốc lào hay lông gì không quan trọng, cốt là cầm được máu miệng”. Rồi chi tiết Mao lọt vào “tổ quỷ”, bị bọn gái điếm thay nhau hành hạ (không có hành và có lạc) theo kiểu “cối chày” (khác kiểu “chày cối”) cũng khiến cho người đọc dở khóc, dở cười thương hại cho số kiếp Mao.
Đối với người đọc ít quan tâm đến các diễn biến của đời sống xã hội, đời sống văn chương thì tiểu thuyết hài hước này đã đem lại những tiếng cười sảng khoái, thú vị để “nhận thức cuộc sống, để yêu thêm cuộc đời” ( như cảm nhận của nhà văn Ma Văn Kháng) giống như được xem một xê ri phim sitcom đặc sắc mà mỗi chương là một tập phim, cũng như chính tác giả đã khiêm tốn viết ở Mấy lời đầu truyện rằng “cốt lấy vui làm chính”.
Còn đối với độc giả hay theo dõi thời cuộc và văn chương (tạm gọi là “trí thức ít ngủ”- kẻ viết bài này bắt chước Trần Lão Gia dùng từ theo phong cách “kỳ kuặc”) thì tiểu thuyết này không chỉ là hài hước, “vui là chính” mà còn thấy ẩn chứa đâu đó sau lớp ngôn từ là cả một tâm sự của một nhà văn luôn đau đáu với “đời” và “nghiệp”.
Phải chăng vì vậy mà nhân vật nhà văn được tác giả đặt tên là Nhương Tác Nghiệp, bạn tâm giao của người đồng nghiệp Phục  Bạch Đầu ? Ông đâu có làm việc gì khác biệt để cho lũ “đầu trâu mặt ngựa” theo dõi, gây gổ. Ông chỉ tác nghiệp với thiên chức của một nhà văn, một “thảo dân” trước cuộc đời và nghệ thuật.
Một tửu điếm văn chương để làm “chốn đi về” của giới tài tử, văn nhân vừa giống lại vừa khác với con web Trannhuong.com của “mấy nhà” (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo,“nhà họa”) này.
Vị Trưởng Thượng thiếu chi phụ nhưng thừa chi chính có nét giống ngài Tư Vuôngtrong Thời của thánh thần. Họ đều là ông trùm văn nghệ chỉ điểm cũng giỏi mà “điểm chỉ” cũng tài, không muốn cho các nhà văn được “mở miệng” . Vì vậy mà không ít văn sĩ tưởng đã “Mở hầm”, “Phá vây” để được tự do sáng tác nào ngờ “Phá vây xong lại chết mòn trong vây” (thơ Xuân Sách). Họ viết văn không có gì “táo tợn” thậm chí rất “ông lành” nhưng lại bị treo bút đến vài chục năm như nhà văn trót viết tác phẩm “Cây cau nhà vườn La” trong Kim kổ kỳ kuặc ký.
Chuyện chuộng vàng mã có phần giống như văn chương xu phụ thì được giải này, giải nọ còn văn chương đích thực thì bị cấm đoán, phải vượt biên xuất bản. Đúng là “giấy lộn có giá hơn giấy trắng” nên Kim Thánh Phán (hậu duệ của Kim Thánh Thán) đành phải“bôi bẩn”giấy để kiếm tiền và viết thuê “Kiếp luân hồi” cho Chu Lin để sống.
Chuyện cánh đồng hóa sân gôn ngày nay nào khác chi “thương hải biến vi tang điền”ngày xưa.
Và cả cái ông Nhương Tác Nghiệp nữa, cứ “tác nghiệp” nhiều quá ở “cơ sở hai” coi chừng hở sườn sẽ bị “cơ sở một” “câu lưu”dài dài cả chi chính lẫn chi phụ.
Đấy là nói vui thế thôi chứ cái ông Nhương Tác Nghiệp rất khác với văn sĩ Trần Nhương của chúng ta. Nhà văn chỉ có một “cơ sở chính” còn cái “cơ sở phụ” kia chính là trang web Trannhuong.com của ông. Ở đó, ông có rất nhiều “chân dài” ngồn ngộn xuân thì qua các video clip và các tranh nude. Nhiều văn nghệ sĩ cũng “được hưởng” cái đẹp từng xăng-ti-mét này qua các chân (gì) dung hí họa hoặc phôto shop của ông “Trần Ham Vui” (tạm luận là “ham vui thú trần”) này.
Viết đến đây, người viết bỗng thấy mình “kuá kỳ kuặc” đành dừng phím, chỉ mong người đọc bỏ qua vì đã mất thời gian vàng ngọc để đọc những dòng “dông dài, vô bổ này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét