Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

NGƯỜI LÀM HỎNG THƠ MÌNH


Vũ Quốc Túy

Tôi đang nằm khoèo ở quê, buồn chán vì lỡ mất một chuyến đi điền dã, may sao cái lão thi sĩ bụi quái dị Văn Thùy bỗng điện thoại bảo đến nhà chơi. Mình đã vạch đường chỉ lối rất tỷ mỉ mà lão vẫn đi lạc. Buộc lòng phải tặng cái lão Chủ nhiệm HỢP TÁC XÃ THƠ HỒN RƠM mà báo chí đã tốn không ít giây mực một câu thế này “Con đường chui ở miệng ra/ cứ gần chỗ ngoặt thì ta dọn mồm”. Đời này chả ai như lão, đi lang thang quanh đất nước, hết một vòng thì đến nhà mình. Gần tết nguyên đán, năm nào cũng có mặt ở phố ông đồ Văn Miếu Quốc tử giám cho chữ thư pháp, bán thơ viết tay xưng danh thơ sạch chế biến từ ca dao, “người lạ bán hai mươi ngàn/ người quen lèn chặt giá sàn gấp đôi”. Thế rồi cho không mà chả ai nỡ không móc túi biếu ông đồ nghèo vài đồng . Nhà lão mặt đường thị trấn mà im ỉm khóa quanh năm. Đến cái tiền điện lực hằng tháng nhà đèn không thu nổi, phải rình mò chờ lão về mà tóm cổ, rồi dọa phạt vì chậm nộp. Có đời thưở nhà ai đi đường phạm luật bị cảnh sát giao thông ách lại kiểm tra giấy tờ thì chả thấy có thứ gì ngoài cái hóa đơn thu tiền điện tháng hiện tại. Cãi chầy cãi cối, chả có văn bản nào xác minh nhân thân, cái sự giàu nghèo, chỗ ở hiện tại chính xác bằng cái hóa đơn tiền tiện, rồi công an cũng cho qua vì đã nhìn thấy lão trên ti vi. Tôi sống một mình, có thêm lão, nhà vui hẳn. Hai lão rủ nhau đi chợ mua sắm thức ăn, về nhà hì hụi đâm đầu vào bếp nấu nướng. Đi chợ mua đồ, rồi vào bếp, lòng tự kiêu về cái tài nội trợ của tôi bỗng xẹp như quả bóng xì hơi, bởi lão quá ranh ma trong việc chọn mua hàng, vừa rẻ lại vừa ngon và sạch. Mua ớt, mua cà muối…phải đưa lên mồm nhấm thử, ngửi mùi! Sắm đồ ăn toàn thứ dân dã, đạm bạc, ngon lành… rồi cố ăn cho hết.

 Đúng là cách sinh hoạt hiện đại của người nghèo (nhà lão thuộc hộ nghèo thật). Cứ làm thơ rồi phiêu lãng…như thế mà không nghèo mới là chuyện lạ, và có lẽ cũng chả viết nổi cái câu “Nhà thơ tiến tới nhà nghèo/ ba mươi tết vịnh nồi niêu cởi truồng”. Báo chí cứ chê lão dung tục, nên lão sửa “cởi truồng” thành “tồng ngồng”làm câu thơ mất hay. Tục đấy mà thanh đấy. Nồi niêu khi nóng người ta phải dùng cái rế để lót đít mà bê, còn đã cởi truồng thì đúng là nguội ngắt, úp ở chạn, chổng trôn lên giời, chả có gì để nấu, không gọi là cởi truồng thì gọi là gì? Lại còn cái câu để đời trong nghiệp làm thơ của lão cũng bị lão phá hỏng. “Bóng ta đổ dưới chân ta/ CẢ ĐỜI không bước nổi qua bóng mình” cũng bị lão sửa thành “NÀO AI ĐÃ bước nổi qua bóng mình”. Câu thơ này đắt ở chữ “CẢ ĐỜI”. Nó đúng với tính cách tác giả. Ấy là con người luôn giãy giụa quyết liệt muốn thoát ra khỏi cái khuôn khổ tạo hóa sinh ra, là cá tính, số phận, định mệnh mà không sao thoát ra được, đúng như câu ngạn ngữ Pháp “đuổi tính tự nhiên đi, nó lại phóng tới”. Hồn cốt của câu thơ, cái thần diệu của câu thơ là ở đó, còn chữ “nào ai đã” thì chỉ nói đến một cái quy luật mà thôi. Mình góp ý, lão ngồi nghe im thin thít, không cãi, chả rõ có ưng hay không.
Cái con người đi hoang sương gió như lão được giời phú cho sức khỏe đáng nể. 75 tuổi vẫn phi xe máy 60-70km/ giờ đường cao tốc vắng. Nằm đâu cũng ngủ được. Giọng hát vẫn ngon không khác gì tài tử Ngọc Bảo. Có võ vung tay kêu đôm đốp, rồi “bút vung quá trán viết lời phù vân” .Chủ nhà dành cho khách phòng ngủ rõ ngon trên gác, giãy nẩy không thèm, còn đe đêm ngủ nằm mơ sẽ nhảy lầu. Thế là đành chiều khách cho ngủ đất. Đúng là giời đày.
Con người coi chuyện ngủ nghê, chả mấy quan trọng. Nửa đêm vùng dậy hút thuốc lào sòng sọc, rồi ghi ghi chép chép…sửa thơ. Rồi cắt dán, phô tô. Đôi khi lợn lành thành lợn què, bởi quá chỉn chu đẽo gọt. Có phải đấy là dấu hiệu của tuổi già chăng? Nói đi nói lại thì phải khẳng định thơ Văn Thùy khá nét, mặc dù bài toàn bích còn quá ít, như đồng nghiệp từng nhận xét. Rồi đây rất có thể sẽ xuất hiện một dòng thơ gọi là “thơ Văn Thùy”, cũng giống như dòng thơ “Bút Tre” do nhà thơ Đặng Văn Đăng quê Vĩnh Phú sáng lập ra. Mong là sẽ như vậy.
25-10-2016
V Q T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét