Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

VỀ “THĂNG LONG TỨ TRẤN”


Đỗ Tiến Bảng


Kết quả hình ảnh cho Tứ trấn thăng long



( Trao đổi với tác giả bài THĂNG LONG TỨ TRẤN- biên khảo Phùng Thành Chủng, đăng trên trên trannhuong.com, ngày 7,11.2016)


Bài báo của tác giả Phùng Thành Chủng (PTC) đặt vấn đề: “Cụm từ “Thăng Long tứ trấn” hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu: I. Đó là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn mặt kinh thành Thăng Long ( theo tín ngưỡng dân gian)…”; “II. Đó là bốn kinh trấn ( hay còn gọi nội trấn) bao quanh kinh thành Thăng Long, còn nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành từ vòng ngoài mỗi khi kinh thành trực tiếp bị đe dọa…” . Gần như toàn bộ bài viết là lấy từ WIKIPDIA, mục “Thăng Long tứ trấn”, kể cả phần ghi chú thích tài liệu “Tham khảo”.
Vấn đề tác giả đặt ra “hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu”, chưa thấy dẫn nguồn tài liệu để bàn luận, mà chỉ dựa vào trình bày trong mục ở “Từ điển mở’ này.
Khi đặt vấn đề tìm hiểu “nội hàm” cụm từ “Thăng Long tứ trấn”, cần đặt với cụm từ “Thăng Long tứ quán”. Còn “Tứ trấn” phải đặt trong quan hệ khác. Lại nữa, cần thiết phải xét từ “trấn”- Nôm hay Hán - Việt, mặt chữ ra sao; mới có cơ sở để luận giải.
Trước tiên, từ “tứ trấn”, ai cũng hiểu là “4 trấn”. Vậy chữ “trấn” được viết ra sao? Nguyên chữ “trấn” dù là chữ Hán hay Nôm đều viết 鎭 (bộ ‘kim”), từ Hán Việt này có tới 7 nghĩa; trong đó, 2 nghĩa liên quan tới vấn đề đang bàn, là : “yên”, “một khu đất đủ năm vạn người trở lên gọi là ‘trấn’”( Hán – Việt tự điển, Thiều Chửu; “Hán – Việt từ điển, Đào Duy Anh)



Về cụm từ “Thăng Long tứ quán” và “Thăng Long tứ trấn”, hai tác giả Tô Hoài- Nguyễn Vinh Phúc ( ‘Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long Hà Nội’, nxb Trẻ, 2000) mục “Thăng Long tứ trấn” nghĩa là gì?, viết : “Thăng Long tứ trấn” là 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ bốn hướng của kinh thành Thăng Long khi xưa. Đó là đền Quan Thánh… thờ Huyền Thiên Trấn Vũ…Đền Kim Liên…Trấn phía Đông là đề Bạch Mã…Trấn ở phía tây kinh thành là Linh Lang Đại vương được thờ ở đền Voi Phục…”( tr 60-64, s đ d); mục ‘Xin cho biết “Thăng Long tứ quán là gì?”, viết : “Đó là bốn quán của Đạo giáo ở thành Thăng Long xưa…”, “ Ở Thăng Long xưa có bốn quán Đạo giáo lớn : Trấn Vũ quán nay gọi là đền Quan Thánh ở phố Quan Thánh, Huyền Thiên quán nay còn ở phố Hàng Khoai, Đồng Thiên quán nay ở phố Đường Thành, Đế Thích quán ở phố Thịnh Yên…”( tập II, tr 42-43, s đ d). Phải viện dẫn dài dòng một chút vì : Đền Quan Thánh xuất hiện cả ở 2 cụm từ ( “Thăng Long tứ trấn” và “Thăng Long tứ quán”). Vậy từ “trấn” là “giữ, làm cho yên”( trấn an); “quán” ( 鸛 – bộ điểu ; “Thăng Long tứ quán”) là nhà Đạo sĩ .
Còn phần thứ hai bài viết, phải nói ngay: không có cụm từ “Thăng Long tứ trấn”, với nghĩa “trấn” là đơn vị hành chính. Tác giả PTC viết: “Tứ trấn ( 4 kinh trấn, hay nội trấn): Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước , gồm 13 xứ thừa tuyên (sau đổi là trấn). Đến đây mới xuất hiện tên gọi các trấn như : Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây”( lưu ý: đoạn này nguyên văn “từ điển mở” ,có chăng, chỉ đảo một số đoạn!);
Nếu đọc “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú sẽ biết tên hành chính “trấn” ra đời khi nào. “Đời Thuận Tông dời kinh đô đến động An tôn; đổi trấn Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, đổi trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, trấn Hà Giang làm trấn Thiên Hưng, trấn Nghệ An làm trấn Lâm An, trấn Trường An làm trấn Thiên Quan, trấn Lạng Giang làm trấn Lạng Sơn, trấn Diễn Châu làm trấn Vọng Giang, trấn Tân Bình làm trấn Tân Ninh”( tập I, nxb Sử học Hà Nội, 1959, tr 35). Tức là thời Trần Thuận Tông ( 1388- 1397) đã có tên “trấn”. Đào Duy Anh nói rõ hơn: “Năm Quang Thái thứ 10 (1397) Lê Quý Ly làm phụ chính thái sư, sửa đổi chế độ hành chính, đã đổi lộ phủ ra làm trấn…”( “Đất nước Việt nam qua các đời…”, in lần 2, nxb Thuận Hóa- Huế, 1996, tr 123). “Đến năm Quang Thuận thứ 7 ( 1466) , để tăng cường sự thống nhất hành chính, Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu”( cũng sách trên , tr169; tôi nhấn mạnh). Như thế ,không phải đợi đến năm 1490, mới có tên “trấn”(!). Đừng có tin ở WIKIPDIA ! Đó chỉ là “kênh” tham khảo. Cần nói thêm rằng, dấu tích tên “trấn” trong thơ văn cũng có. Đó là bài “Thiên Hưng trấn phú” của Nguyễn Bá Thông , tác giả đời Trần ( Thơ văn Lý - Trần, tập III, nxb KHXH Hà Nội, 1978, tr 499-503)
Nếu cần bàn về tên gọi “tứ trấn”, thì lấy xuất phát từ trường hợp biến âm “tứ chiếng”. Trong thành ngữ “Trai tứ chiếng, gái giang hồ”, “Tứ chiếng người khắp nơi, không thuần nhất về mặt thành phần với dân cư sở tại”( Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt nam, nxb Văn hóa, 1997, tr 724). Hai tác giả Thích Minh Châu – Minh Chi có kiến giải về cụm từ này ( thật ra chưa thật chuẩn xác): “tứ chiếng là từ ngữ dân gian đọc chệch trấn thành chiếng. Nguyên ngày xưa dưới thời phong kiến, nước ta chia làm 4 trấn ( tứ trấn ) là : 1) Kinh Bắc ( Bắc Ninh); 2) Hải Dương; 3) Sơn Nam ( một phần Sơn Tây và Hà Nam; 4) Sơn Tây ( gồm Hà Đông, Hà Nam (một phần), Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên ( Từ điển Phật học Việt Nam, nxb KHXH Hà Nội, 1991, tr 737) . Ở đây có thể có sự nhầm lẫn, hoặc in sai ở ‘Sơn Nam’ và ‘Sơn Tây’!?
Ai cũng biết, “Tứ trấn’ là chỉ 4 trấn quanh trung tâm kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ, là “phên giậu” của Kinh thành. Thời Nguyễn gọi Bắc Thành, gồm 11 trấn, có 5 nội trấn và 6 ngoại trấn. 5 nội trấn là: “Sơn Nam Thượng, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm Sơn Nam; Sơn Nam Hạ năm Minh Mệnh thứ 3 đổi làm Nam Định; Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây”( Đất nước Việt Nam qua các đời…s đ d, tr 207). Có thể từ lúc gọi Thăng Long – Kẻ Chợ, tức Thăng Long không chỉ là trung tâm hành chính, mà còn là trung tâm buôn bán ở thế kỷ 18-19, nên mới xuất hiện dân “tứ chiếng”( tứ trấn)
Những giải thích của tác giả PTC ( theo WIKIPDIA ) về tên gọi “trấn” này cũng bị giới hạn, vì chỉ kê tên các phủ, huyện của các trấn vào đầu thời Nguyễn (Gia Long).
Tôi xin có vài điều trao đổi với tác giả bài viết. Cũng chỉ là dẫn lại sách người trước là chính, có đôi ý bàn điểm vài chỗ. Có thể kiến văn, sách đọc còn hạn hẹp, mong độc giả bổ khuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét