Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

CHUYỆN BỐ CON ÔNG VUA CHÓ LÀM THƠ


Phạm Ngọc Tiến



Kết quả hình ảnh cho Nhà thơ Bảo Sinh


(Bảo Sinh là vua chó. Nói thế ông không hề giận mà còn thích. Nhưng nói thật, thích hay không chả quan trọng với nhà thơ dân gian này. Thơ Bảo Sinh mới quan trọng. Quan trọng cho tất cả những ai đã “trót” đọc phải Bảo Sinh dù thích hay không thích.).
Dạo này có cái mốt, các nhà văn giữ chuyên mục ở báo hay mời nhau viết bài. Âu cũng là cách hay để thi thoảng luyện bút, vuốt chữ. Thì đây, một bài chừng hai ngàn từ. Về cái gì? Gì cũng được, đề tài mở nhưng tốt nhất là một cái gì đó gắn với đô thị, về những tiếng rao phố, những chuyện vỉa hè chẳng hạn. Trời ạ, đô thị thì ti tỉ thứ viết nhất là vào đúng thời kỳ người ta mang nhập làng vào phố, Hà Nội bây giờ là đô thị lớn vào hàng nhất nhì thế giới, tiếng rao đã thành hoài niệm kia phỏng nước non gì mà viết với chả lách. Cái làm nên Hà Nội xưa và nay phải là chủ nhân của chúng, người Hà Nội. Nghĩ đại như thế bỗng thấy phấn chấn. Bảo Sinh, phải rồi, một người Hà Nội chẳng giống ai. Bố của Bảo Sinh nữa. Thì viết. Chuyện hai cha con Bảo Sinh làm thơ có vô khối thứ để kể.



Thực sự tôi biết đến Bảo Sinh là nhờ đọc Nguyễn Huy Thiệp viết về thơ Bảo Sinh. Hơn thế, trong truyện ngắn của nhà văn tài danh này luôn trích dẫn những câu thơ dí dỏm đậm chất dân gian, có chút thiền, có chút đời, có chút đạo, có chút tình, có chút tục, có chút dâm, có chút ngang chút ngạnh, nửa thơ, nửa vè của cái ông Bảo Sinh nổi danh vì nuôi chó nuôi mèo kia. Trời đất phải sinh ra ta/Nếu không sao được gọi là hóa công/Vào ra trời đất mênh mông/Thân ta là chỗ hóa công ở nhờ. Không riêng gì tôi, nhiều người yêu thích thơ Bảo Sinh đã lọ mọ mò đến cái hotel chó mèo ở số 30 ngõ 167 Trương Định làm quen với chủ nhân. Thơ khác người đã đành, cái cách dựng nghiệp, dưỡng nghiệp của ông càng khác. Bảo Sinh nuôi chó mèo, chữa bệnh cho chó mèo, làm quản trang cho chó mèo. Khuôn viên 5000m2 đất ở Trương Định thời đất đai đắt đỏ hơn vàng này được làm khách sạn kiêm nghĩa trang cho chó mèo quả thật là một điều đáng kinh ngạc. Giầu trí tưởng tượng đến mấy tôi cũng không tài nào hình dung ra nổi cơ ngơi của ông lại phong phú, lại độc đáo đến vậy. Chuồng trại nuôi đã đành, những ngôi mộ chó mèo có bia mộ hẳn hoi đã đành, thơ phú được khắc, được chạm trên bia trên đá như bày binh bố trận khắp đường đi lối lại, góc vườn, tường nhà…cũng đã đành. Sự độc đáo ở chỗ ông cho xây một cái hồ, trong hồ có đủ rong rêu cua cá, trên mặt hồ dựng cơ man nào là tượng. Tượng Bồ tát, Tiên đồng, Ngọc nữ, tượng Đường Tăng thỉnh kinh thì nhiều người làm rồi, đằng này Bảo Sinh tự tay đắp chính tượng…mình chắp tay A-di-đà nhập vào dàn tượng kia mới thật là độc đáo và bội phần ngông ngạo. Ông còn xây cả Cửu trùng đài, đắp tượng 18 vị La hán xếp thành hàng bên tường rào, trước mỗi vị là một bát hương. Sự bài trí hài hòa giữa người-vật, thơ-họa, sinh-tử…khiến cơ ngơi của ông nói không ngoa như một cuộc trình diễn của hội họa sắp đặt vừa mang tính hiện đại vừa trĩu nặng tâm linh.
Bảo Sinh là ai?
Khi tập tọe lập blog theo đuôi blog đang hot của nhà văn Nguyễn Quang Lập, tôi rất hay treo thơ Bảo Sinh trên blast của mình.
– Cuối cùng tất cả chúng ta/Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân.
– Lạc trong đời đạo dắt ra/Lạc trong đạo sẽ có ma dắt vào.
– Suốt đời chỉ yêu một người/Bệnh ấy còn nặng gấp mười ung thư…
Thơ Bảo Sinh là thế, đơn giản như một câu nói có vần điệu bỗng dưng buột ra. Đơn giản, cực kỳ đơn giản không cần ngẫm cũng đã thấy lồ lộ cái gọi là chân lý vì ý tứ đúng một cách không thể đúng hơn. Rất nhiều blogger nắc nỏm khen thơ Bảo Sinh mà lơ béng đi cái phần lẽ ra họ vào blog để đọc là những truyện ngắn tôi post lên trong các entry. Kỳ lạ thay cho sức sống của những vần thơ dân giã. Cho đến hôm rồi, vừa mới đây, một blogger thân quen vốn là một nữ tiến sĩ khảo cổ gặp tôi trong quán nhậu cứ tủm tỉm cười nhạo về sự chậm trễ của tôi trong việc biết thương hiệu Bảo Sinh: “Thấy anh treo thơ Bảo Sinh mà tức cười. Dân blog đã quá quen thuộc với món đó rồi. Anh thật lạc hậu.”. Món Bảo Sinh? Chao ôi cái sự đời, một người làm thơ được coi là “món” ví như một vị nhắm thử hỏi có vinh dự nào hơn. Mà cái người làm thơ này chẳng phải hội viên hội nghề nghiệp nào, cũng chẳng in báo in sách, thơ chỉ được phát tán bằng truyền khẩu, giờ thì được lưu thông bằng blog, bằng bản phô tô, thậm chí còn bị tam sao thất bản nhầm lẫn lung tung cả. Lạ là kể cả những dị bản này vẫn đúng, vẫn hay.
Bảo Sinh là ai? Biệt danh vua chó bắt nguồn từ ngày ông khởi nghiệp nuôi chó cách nay đã lâu vẫn đeo đẳng ông đến tận bây giờ. Nhưng ông bảo nghiệp “chó” vận vào ông từ nhỏ. Bằng chứng là trên mặt Bảo Sinh vẫn còn dấu tích hai vết sẹo của một vố bị chó đẻ tớp cho một nhát khi ông còn là một chú bé con chui vào gầm giường định cho chó ăn. “Nói về chó thì vô hồi kỳ trận, tôi có thể kể triền miên qua ngày.”. Bảo Sinh cười cười phô chiếc răng cửa sứt khiến khuôn mặt ông rất trẻ rất duyên bảo vậy. Đã có nhiều bài báo viết về cái sự nuôi chó, “nghiệp chó” của Bảo Sinh, ông giầu lên là nhờ chính vào những chú cẩu ở cả phương diện nuôi, chữa bệnh và mai táng chúng nhưng có lẽ ít người biết từ nuôi chó, làm thơ đến vẽ vời đắp tượng với Bảo Sinh đều là có nòi, nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà đích thực là gia truyền.
Bảo Sinh kể:
  • Tôi sinh năm 1940, là con thứ 3, con duy nhất thừa hưởng thú mê thơ kỳ lạ từ cha tôi…
Kể về người cha mới khuất núi được 3 năm, ông già sắp chạm đến ngưỡng thất thập cổ lai hy Bảo Sinh không giấu được niềm kiêu hãnh và tự hào. Cụ Nguyễn Hữu Mão ( cụ đặt bút danh là Xuân Phong vì thần tượng Hồ Xuân Hương) sinh năm 1911 mất năm 2006. Cụ có nghề thú y, vẽ truyền thần nhưng đặc biệt là người mê thơ có thể liệt vào bậc kỳ lạ xưa nay hiếm. Nghề thú y của cụ thôi không bàn vì chí ít ông con trai đã thừa hưởng xuất sắc bằng cái nghiệp nuôi dưỡng chó mèo. Bảo Sinh cùng anh trai Nguyễn Bảo Nguyên là cặp bài trùng về truyền thần có hạng của Hà Nội. Hiện ông vẫn còn ‘suất” ở cửa hàng truyền thần nổi tiếng 51 Hàng Đào. Tiếng thế nhưng không thể sánh được với cụ Mão. Nội chỉ bức chân dung “Nàng tiên nữ” cụ vẽ người yêu treo ở trong nhà suốt cuộc đời đã khiến mọi người vì nể. Năm 17 tuổi, cụ Mão sống cùng ông chú làm tuần phủ Lạng Sơn. Mối tình đầu của cụ với cô Sơn nữ thật say đắm và thê thảm. Cô Sơn nữ bị một thanh niên cùng bản ghen và đẩy xuống vực thẳm mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Quá đau đớn cụ truyền thần bức chân dung cô Sơn nữ và làm bài thơ khóc mối tình đầu: “…Thôi đành ôm giấc tàn mơ/Ôm thiên trường hận để chờ kiếp sau…”. Hàng ngày cụ ngâm nga bài thơ từ sáng đến tối khiến tất cả người ghét thơ trong nhà đều phải thuộc lòng. Mà nhà Bảo Sinh thì chỉ có ông là mê thơ giống cha còn thì tất tần tật đều…ghét cay ghét đắng.
Cụ Mão có thói quen hàng tuần sáng tác thơ rồi gửi bưu điện từ nơi cụ ở số 7 Ô Quan Chưởng về quê gốc Tương Mai cho Bảo Sinh. Tôi đã không giấu được sự xúc động thán phục khi được đọc những bức thư thơ này. Có một chuyện thật mà như bịa. Anh trai thứ hai của Bảo Sinh đến nhà em chơi thấy trên bàn để mấy bài thơ liếc qua và cười nhếch mép:
  • Xuân Phong là thằng cha nào mà làm thơ thối như cứt thế?
Bảo Sinh vội đỡ lời:
  • Đấy là thơ của bố đấy.
Anh kia nghệt mặt ra không thốt nổi một lời. Cũng hàng tuần cụ đến thăm Bảo Sinh tha thiết yêu cầu được tâm sự chia sẻ cảm hứng thi ca. Một lần cụ ốm nặng gần đất xa trời bèn gọi Bảo Sinh tới bên giường hỏi như trăng trối:
  • Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?
Bảo Sinh cầm tay bố:
  • Thơ bố hay hơn là cái chắc!
Cụ bật dậy cầm tay con:
  • Thế là anh đã báo hiếu cho tôi rồi, từ nay mọi sai lầm của anh tôi cho qua hết.
Sau đó cụ khỏi bệnh. Ngoài 90 tuổi, cụ vẫn thường ra Bờ Hồ tập trung những bà thích thơ rồi đọc cho nghe những sáng tác mới nhất. Số người này rất quý cụ, biết tin cụ ốm, họ đến tận nhà để thăm và nghe thơ cụ. Như thường lệ đọc xong cụ lại rút tiền thưởng cho mọi người gọi là tiền nhuận tai. Lúc này cả nhà mới biết vì sao cụ không có nhu cầu gì mà lại tiêu khá nhiều tiền xưa nay. Đến khi cụ mất, gia đình tìm thấy một cuốn sổ ghi tiền chi trả nhuận tai đến mấy trăm triệu đồng. Trước khi mất, cụ làm hai câu thơ tặng vợ: “Bẩy ba năm có là gì/Coi như giấc mộng xuân thì mà thôi.”
Đó là cụ tặng 73 năm chung sống với cụ bà. Lúc đó cụ không cầm bút được nữa chỉ thều thào đọc cho con cháu chép. Đọc xong hoàn chỉnh hai câu thơ thì cụ nhắm mắt ra đi.
Bảo Sinh nói:
  • Tôi được thừa kế độc quyền toàn bộ thơ của cha, tài sản tâm linh này nhà tôi chẳng có ai tranh chấp.
Rút cục thì tôi cũng đã viết gần hết số chữ quy định của khuôn khổ một bài báo mà vẫn chưa nói rõ được Bảo Sinh là ai. Hai lần nhập ngũ với gần chục năm phục vụ Quân đội dạo sau hòa bình và chiến tranh chống Mỹ, từng học sư phạm văn, nuôi chó, vẽ truyền thần, làm thơ, từng mở cả lò dạy võ. Nhiều, nhiều lắm vẫn chỉ là một Bảo Sinh cần cù trong hotel và nghĩa trang chó mèo của mình.
Biết tôi viết về Bảo Sinh, một bạn lính của tôi giờ công tác cựu chiến binh phường chép miệng than thở:
  • Bảo Sinh à, gay quá, ông ấy làm thơ hay lắm nhưng bảo mấy lần vẫn chưa tìm đủ giấy tờ xác nhận để làm chế độ chính sách quân ngũ. Rõ là thiệt!
Tôi không bình luận chỉ đọc cho bạn tôi nghe mấy câu thơ của Bảo Sinh: “Cùng chung một chuyến đò ngang/Kẻ thì sang bến người đang trở về/Lái đò lái mãi thành mê/Sang về chẳng biết mình về hay sang.”
Hà Nội 2009
PNT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...