NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG TẠ THẾ
Thứ bẩy ngày 6 tháng 5 năm 2017 8:40 PMNhà thơ Việt Phương (tên khai sinh Trần Quang Huy) sinh ngày 6.12.1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã qua đời lúc 8h50 phút sáng ngày 6.5.2017 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Hưởng thọ 89 tuổi.
Năm 1944, ông tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Từ tháng 9.1945 đến năm 1947 là bộ đội Nam tiến kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1947-2000 là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi.
Theo ghi nhận của cổng thông tin Chính phủ, ông Trần Quang Huy về làm việc tại Văn phòng Chính phủ từ năm 1947, đó là những năm đầu tiên sau khi Văn phòng Chính phủ được thành lập (năm 1945).
Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời năm 2000, ông Việt Phương đã có 53 năm làm Thư ký cho đồng chí Phạm Văn Đồng trên các cương vị từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến bây giờ, ông cũng là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất.
Về sáng tác, sau tập Cửa mở (1970), Việt Phương có các tác phẩm: Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Nhặt nắng trong sương (2009), Cỏ dọc đường trần (2010), Cát dưới chân người (2011), Sống (2012), Lan (2013,Nắng (2013).
Trang Trannhuong.net xin chia buồn cùng gia quyến. Cầu mong linh hồn nhà thơ Việt Phương thanh thản về Trời !
Nhà thơ Việt Phương: Thơ làm chết người như bỡn…
Nhà thơ Ý Nhi
Tôi quen Xuân Quỳnh và Phan Thị Thanh Nhàn vào khoảng 1969, 1970 khi tôi vừa ra trường và còn làm việc tại Viện Văn học. Lúc này, hai bạn đã là những nhà thơ trẻ có tiếng tăm và thường chơi thân với Bằng Việt, Vũ Quần Phương, cũng đang là những gương mặt nổi bật của làng thơ. Những năm tháng đó, dù đang chiến tranh, cuộc sống vất vả, cực nhọc, có rất nhiều người trẻ làm thơ và coi việc làm thơ là lẽ sống, là một điều thiêng liêng.
Các nhóm thơ hình thành từ nhiều địa phương. Nhóm Hải Phòng có Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Tường Vân… Nhóm Vĩnh Phú có Nguyễn Đình Ảnh, Hoàng Hữu, Vũ Đình Minh… nhóm Hà Bắc có Nguyễn Thanh Kim, Anh Vũ, Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang…Rồi Quảng Bình với Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật…Nghệ An có Thạch Quỳ, Quang Huy…Thanh Hóa có Mai Ngọc Thanh, Văn Đắc, Vương Anh…
Rồi Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ,Vương Trọng, Tô Hà, Mã Giang Lân,Nguyễn Đức Mậu, Bế Kiến Quốc, Phương Thúy, Thúy Bắc, Trần Thị Mỹ Hạnh, Hoàng Thị Minh Khanh, Nguyễn Thị Hồng Ngát…nhiều không sao kể xiết. Lúc này, nhà thơ Trinh Đường phụ trách phần tuyển chọn thơ cho tuần báo Văn nghệ. Ông yêu thích cái mới, luôn khuyến khích các nhà thơ trẻ. Ai in được thơ trên tuần báo Văn Nghệ coi như đã chớm đặt chân vào làng Văn- cái làng hồi ấy còn tinh tươm, sang trọng.
Tôi vừa ra trường, chưa viết lách gì nhiều nên khá dè dặt trước các bạn làm thơ. Chính Xuân Quỳnh và Thanh Nhàn đã “lôi kéo” tôi vào nhập làng. Nhóm 04 người của họ thân thiết với nhà thơ Việt Phương. Lần đầu tiên tôi gặp Việt Phương là lần đi cùng Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Thanh Nhàn. Tôi không nhớ hôm ấy có Vũ Quần Phương hay không. Việt Phương vui vẻ đón chúng tôi trong một căn hộ đơn sơ tại khu tập thể Giảng Võ. Bà Tú Lan, vợ ông đang ngồi đọc sách, đứng dậy: “Chào các bạn. Mời các bạn ngồi”.
Thấy chúng tôi đứng lơ ngơ vì chưa đủ ghế, Việt Phương quay sang vợ, giọng rất nhẹ nhàng: “Lan có cần dùng chiếc ghế này nữa không. Nếu không, cho anh mượn để mời các bạn”. Ông nhấc ghế đến ngồi chơi với chúng tôi một lúc. Mặc dù chúng tôi nhỏ hơn Việt Phương khá nhiều, không một câu hỏi nào của ông thiếu chữ “ạ”: Quỳnh có viết bài nào mới không ạ? Bằng Việt sắp tới có đi đâu không ạ? Ý Nhi đang làm việc ở đâu ạ?…
Khi chúng tôi chào ra về, Việt Phương chạy vào phòng rồi trở ra, dúi vào tay tôi một tập giấy báo. Ra ngoài, chúng tôi mới dám mở ra xem. Hóa ra là mấy bài thơ mới của ông. Tôi hơi ngỡ ngàng trước căn phòng quá nghèo nàn của một ông quan làm việc tại Phủ Thủ tướng, ngỡ ngàng hơn với giọng nói nhỏ nhẹ, lịch thiệp của con người từng viết những câu thơ đầy suy tưởng trong Cửa mở, với cách ông đưa thơ như đưa… tài liệu mật vậy.
Từ đó, thỉnh thoảng ông ghé chỗ tôi làm việc, thỉnh thoảng ghé nhà tôi ở Nguyễn Công Trứ, thỉnh thoảng gặp gỡ cùng các bạn chỗ Thanh Nhàn. Câu chuyện giữa chúng tôi thường chỉ xoay quanh thơ phú. Đôi lần ông cao hứng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ mới với giọng đọc run run xúc động nhưng cách phát âm, nhấn ý, chuyển câu lại rành mạch, cứng cỏi. Dù đã dần quen với một Việt Phương lịch sự, nhẹ nhàng, vô cùng yêu thơ, trân trọng những người làm thơ, tôi vẫn bị lấn cấn trong lòng.
Mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại một lần tự hỏi: Ông là người như thế nào. Một người làm chính trị có thể là một nhà thơ được chăng. Và ngược lại, một người làm thơ làm sao có thể sống trong môi trường chính trị. Câu nói: “Tôi là một con vật chính trị” của ông có ý nghĩa như thế nào…Có lẽ vì những lấn cấn này mà tôi không thân với ông như các bạn khác.
Lần nọ, khi ông đến chơi nhà, tôi đánh bạo nói với ông: “Em vẫn luôn tự hỏi, trong bản chất, anh là một người lý trí nhưng lại biểu hiện bên ngoài như một người tình cảm hay ngược lại, anh vốn là một người sống tình cảm nhưng lại kìm giữ để luôn chừng mực, tỉnh táo”. Ông im lặng. Sau này, sau rất nhiều năm tháng quen biết ông, tôi mới hiểu vì sao ông không trả lời câu hỏi của tôi.
Ông không thanh minh, không giải thích những “nghi vấn” kiểu như vậy. Ông tin rằng rồi ra người sẽ hiểu. Mà nếu có ai không hiểu hoặc hiểu theo cách của họ thì cũng không sao. Với ông thì: “Gieo trăm gặt một thế cũng là/ Được bao nhiêu cũng là được cả”.
Tôi gặp và quen biết Việt Phương sau Cửa mở, sau những ồn ào bình giá, sau những phê phán quy kết. Việt Phương vẫn làm thơ. Trừ cái cách ông đưa thơ cho chúng tôi “(có lẽ không muốn bà phải lo lắng, dẫu ông biết rằng từ đầu bà luôn đánh giá thơ ông là thơ hay và luôn ủng hộ, bảo vệ thơ ông)”, tôi không nghe thấy một lời than phiền, không nhận ra một nét mệt mỏi, chán nản nào nơi ông.
Tôi không nghĩ Việt Phương không bị tổn thương nhưng ông biết mình đúng, tin rằng mình đúng, rằng những gì mình viết ra là chân thật, là trong sáng. Đó là cái cách dung hòa giữa lý trí và tình cảm rất đặc biệt ở Việt Phương. Càng về sau tôi càng nhận ra điều này và tôi đã có thể tự trả lời cho câu hỏi của mình. Trạng thái tinh thần đó giúp ông thanh thỏa với mình, khoan hậu với người.
Lúc tập thơ ra đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông đang là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Là một nhà thơ, Hoàng Trung Thông vui vẻ đón nhận tập thơ. Ông hứa sẽ viết bài giới thiệu Cửa mở với bạn đọc. Thế nhưng, trong vai trò một Vụ trưởng, ông không những không viết bài khen mà còn phải ký tên vào như tác giả của một bài do người khác dự thảo. Hoàng Trung Thông nói với Việt Phương rằng mình đã cố sửa dự thảo ấy để sự phê phán nhẹ nhàng thôi. Hoàng Trung Thông rất buồn nhưng Việt Phương hiểu. Hai người vẫn là hai người bạn của nhau, không có điều gì cấn cá.
Có lần Việt Phương khoe với tôi ông có nhiều thơ tình yêu và sẽ gửi cho tôi đọc vài chục bài. Tôi chợt nhớ đến nhận xét của Xuân Quỳnh về thơ tình của Việt Phương, đại ý: Thơ tình của Việt Phương dành tặng cho những cô tôi đã yêu, những cô tôi đang yêu, những cô tôi sẽ yêu và những cô tôi chưa kịp yêu. Một tình yêu không có địa chỉ chăng. “Đâu cũng em mà em chả là ai” thật sao. Không. Tôi nghĩ, có địa chỉ đấy, có ‘là ai’ đấy nhưng ông chỉ đứng trước căn nhà đó thôi.
Có thể, có vài lần Việt Phương đã đưa tay bấm chuông nhưng chủ nhà chưa kịp mở cửa thì ông đã rời xa. Có đôi khi ông đã vào nhà nhưng chỉ ngồi ở phòng khách, uống một ngụm trà rồi cáo từ. Việt Phương là con người có thể “nhận tất cả tình yêu của em không có anh trong ấy”, có thể ở nơi nào đó “Thì thầm nói chuyện cùng em/ Em cứ ngủ bình yên trong thành phố”, và có thể “ yêu em một tình yêu tự đủ”.
Chẳng làm gì nên tội mà Việt Phương đã áy náy: “Nhưng anh đã gây đủ cái phần gây đau khổ trên đời”.Việt Phương là như vậy. Một cách tự nhiên, từ trong bản chất. Ông không thể khiến bất cứ ai đau khổ, tổn thương. Gần đây tôi có đọc bài Phỏng vấn nhà chính trị, nhà thơ Trần Việt Phương của nhà báo Tạ Thị Ngọc Thảo ( Tạp chí Văn hóa Phật giáo). Nhà báo này nhận xét: Ông không tự nhận mình theo đạo Phật nhưng tất cả những gì toát ra từ ông, rất Phật. Một Trần Việt Phương bàng bạc Phật tính một cách tự nhiên. Quả là một nhận xét tinh tế, sâu sắc.
Rất lâu sau Cửa mở (1970 ) Việt Phương mới in Cửa đã mở (2008). Và sau đó, hầu như năm nào ông cũng cho ra lò những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013)và Nắng (2013). Chắc không ít người làm thơ cảm thấy ngợp trước một sức sáng tạo dồi dào, mạnh mẽ đến vậy.
Năm 2009, khi chuẩn bị xuất bản Bơ vơ đông đảo, Việt Phương gửi bản thảo cho tôi. Khi đọc, tôi có một ít nhận xét và đã được ông đưa vào làm Lời bạt cho tập thơ với tựa đề Thêm một lần đọc Việt Phương. Có thể đây là góc nhìn tốt nhất mà tôi chọn lựa để có thể phác họa chân dung Việt Phương chăng- cái góc của một người làm thơ nhìn một nhà thơ.
Việt Phương là một trong số ít nhà thơ Việt Nam đặt ra những câu hỏi về thơ trong thơ mình. Thơ, với Việt Phương là một cõi riêng, đẹp và thiêng liêng. Đã không ít lần Việt Phương đem thơ đặt bên tình yêu, bên người phụ nữ của mình. Những câu thơ: “Anh là một chuyện như đùa/ Em là trăng dọi vào thơ dịu dàng”, “Đôi mắt em thấp thoáng bài thơ” hay: “Anh tặng em bài thơ anh không viết…”, “Anh dâng em/ Bài thơ anh mà em là/ Tác giả” đã phần nào nói lên nhận xét này.
Thế nhưng, thơ là gì, thơ ở đâu, thơ có thể làm nên điều gì vẫn luôn là day dứt của Việt Phương. Nhiều lần ta bắt gặp trong thơ ông những câu hỏi:
Có lẽ nào thơ vô tận
Có ai tìm đường bằng thơ
…Có lẽ nào thơ vạn năng
mọi chuyện lấy thơ làm bằng
…Thơ là gì có thật thơ là thơ
…Có cái gì dường như là thơ
Lượn chông chênh ở bên bờ vực thẳm
Và rồi, câu trả lời của Việt Phương nghe chừng cũng mơ hồ, cũng không thể lường định, không thể đến cùng, như chính thơ vậy:
Ta chưa biết rằng ta chưa biết
Không thơ là siêu thơ
Có lúc, ông tìm cách so sánh việc làm lý luận và làm thơ hầu để tim ra một điều gì xác thực:
Làm lý luận như tìm gặp lời thề
Ham mê vô độ
Làm thơ như người nghèo đi chợ
nhiều thèm thuồng ít mua.
Rồi chính con người coi việc làm lý luận là nghề, là ham mê vô độ ấy đã hơn một lần “Vứt nốt cảm giác và suy tưởng/ Tay trắng một mình với thơ”.
Quả thật, khó có thể hình dung một Việt Phương không có thơ. Cũng khó có thể hình dung nền thơ ca Việt Nam đương đại thiếu vắng Việt Phương.
Tập thơ Cửa mở của Việt Phương ra đời năm 1970 là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học và cũng là một hiện tượng đời sống, một sự kiện xã hội. Chọn dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu…là sự lựa chọn có ý thức của Việt Phương. Những bài thơ thành công của Cửa mở đã mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt bấy giờ.
Được nhìn từ một góc khác, một dạng sáng khác, cuộc sống trong Cửa mở nhiều sắc độ hơn, nhiều cung bậc hơn, sinh động hơn, gay gắt hơn và vì thế, thực hơn. Những câu hỏi, những định nghĩa, những lý giải trong nhiều bài thơ khiến Cửa mở có được một giọng riêng- điều vô cùng cần thiết cho mỗi người làm thơ.
Người đọc lập tức bị lôi cuốn bởi những câu thơ mới mẻ, tinh khôi:
Ơ hôm nay ta bỗng nhìn thấy màu của tiếng
trẻ nhỏ tiếng màu xanh xe điện tiếng màu vàng
nhịp guốc đi đỏ màu mận chín
còi ô tô đen nhánh màu than
hoặc:
Sự sống như một chàng trai vạm vỡ
áo cộc mùa hè chật quá bục trên vai
hoặc:
Buổi sang tháng tư sống tươi như cá quẫy
Hay:
Cây đầu hè quen đến mất màu xanh.
Người đọc lập tức bị lôi cuốn bởi thể thơ tự do được mở rộng đến gần như không còn giới hạn của những bài thơ: Nỗi đau trái đất, Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi, Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc, Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương.
Nhưng, điều khiến cho Cửa mở thực sự chấn động tâm thức người đọc chính là sức nghĩ, cách nghĩ nhiều phần táo bạo, khác lạ của nhà thơ trong dòng xuôi chảy của thơ Việt- vốn thiên về tình cảm- của những năm bảy mươi thế kỷ trước. Việt Phương là một con sóng lạ, một nhịp đập không thường.
Người đọc hẳn đã bất ngờ với những đêm: “Ta mơ tưởng đến những vùng cách đây mấy ngàn năm ánh sáng/ những thế giới thiên hà không ngừng nở giãn tách xa nhau”của Việt Phương. Người đọc bấy giờ hẳn đã bàng hoàng bởi: “Tâm tư ta vùng vẫy giữa không gian và thời gian không đầu không cuối/ Ta phá tan định kiến sai lầm chiều dọc với chiều ngang…Ta bay đến những phản thế giới nơi mọi quá trình đều lộn ngược/ Thời gian đảo dòng, sau là quá khứ mà trước là tương lai…Ta bay đến những miền hạt cơ bản thưa như chân lạc đà giữa sa mạc vắng/ Không gian đen không có tiếng người để nói lên chất vũ trụ của màu đen…
Nhưng bất ngờ hơn cả, bàng hoàng hơn cả có lẽ là những câu thơ đặt lại chính những vấn đề trong tư tưởng, trong nhận thức, trong tình cảm của người Việt Nam những năm tháng đó chứ không phải của một nhân loại nào đó ở một hành tinh nào đó.
Những câu thơ như: “Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa/ Trong hang ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương/ Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa/ Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường”. Hay “Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp/ Nào phải đâu chỉ là rắn phục giữa vườn hoa/ Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách/ Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta” có ý nghĩa như một sự đánh thức ý thức của người đương thời- những con người từng “Vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin”.
Những câu thơ như:”Cái sức mạnh diệu kỳ trong giọt lệ/ Sự chùn gân che bằng vẻ ra oai/ Lối chiêng trống để phô trương ầm ĩ/ Sự bình yên thủ thỉ biết đêm dài/ Kiểu vỗ ngực nói những trời những bể/ Cách khiêm nhường lặng lẽ gánh hai vai”. Hay “ Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người” là một quan niệm sống, một quan niệm thẩm mỹ mà Cửa mở đem lại cho người đọc.
Việt Phương đã đi trước một bước. Cái bước này đã đem lại cho nhà thơ tất cả những gì mà một người đi trước có thể nhận, phải nhận. Năm 1989, Cửa mở tái bản. Năm 2008, tập Cửa đã mở ra mắt bạn đọc. Đầu năm 2009, Việt Phương đã chuẩn bị xong cho tập thơ thứ 03: Bơ vơ đông đảo. Việt Phương từng viết: “Mong sao viết được bài thơ một âm thanh hàm mọi chuyện”. Việt Phương chưa làm được bài thơ đó, nhưng ông đã có một gia tài thơ đáng trân trọng.
Vốn định hình từ rất sớm, qua mấy mươi năm, thơ Việt Phương vẫn giữ được giá trị của một vẻ đẹp từng được xác nhận. Khi Việt Phương viết: “ “Thơ làm chết người như bỡn/ Thơ làm sống người được chăng” có lẽ ông đã có câu trả lời, ít nhất, là cho chính mình. Nếu không, hẳn Việt Phương chẳng làm thơ đến tận hôm nay.
Con người “Miệt mài trong lý luận/Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm”; con người “Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo/ Thế mà khờ khạo như bóng mây”. Con người “Tóc đã bạc đầu ta vẫn như đứa bé lên ba”. Con người có lúc thú nhận: “Tâm hồn anh làm bằng khổ đau/ Trái tim anh làm bằng tình yêu”. Có lúc cầu ước: “Cho dầu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/ Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong”, chắc chắn đã nhận được sự cứu rỗi từ thơ, để cuối cùng, có thể nói với người phụ nữ yêu dấu của mình: “Còn chút dại khờ làm lộc mừng em”.
Nhưng Việt Phương là một người làm lý luận, một người có sự tỉnh táo, cần sự tỉnh táo. Nhân một lần nhắc đến hai câu thơ của P.Eluard: “Tất cả vấn đề là nói hết mà tôi thiếu ngôn từ /Và tôi thiếu thời gian và tôi thiếu lòng dũng cảm”, Việt Phương viết cho tôi:
“Thời ấy tôi thích 02 câu ấy và nghĩ thêm rằng sứ mệnh của thơ, khả năng của thơ không chỉ là nói hết mà còn là nói trước. Vài chục năm sau thì tôi biết là P. Eluard sai, còn tôi thì càng sai do tuổi trẻ tự huyễn hoặc mình bằng ảo tưởng. Thơ đẹp đẽ, cao cả, huyền diệu, thánh thiện đến đâu cũng được nhưng thơ không nói hết và nói trước được. Có chăng thì thơ chỉ có thể nói hết và nói trước bằng cách của thơ, không biết mà biết, không trước mà trước”. Quả là một sự “tỉnh” cần thiết không chỉ cho người làm thơ.
Gần đây, trong các thư điện tử gửi cho bạn bè, Việt Phương thường nói đến Sự sống- Sự người. Ông giải thích khái niệm này một cách cặn kẽ trong bài Sống mà tôi chỉ xin trích vài ý chính: “Sự người( từng người, từng cộng đồng người, cả loài người) là một thành tố quan trọng của sự sống nhưng không duy nhất, không chủ yếu mà phải bình đẳng, tương ái tương thân với các thành tố khác phi người. Mỗi thành tố đều chủ động góp phần tạo nên sự sống… Một tội tổ tông của tư duy người ở phương Tây nặng hơn và tàn phá hơn phương Đông, là tư duy con người trung tâm, thậm chí con người tạo hóa…
Có một trực giác triết học chừng một vạn năm trước ở phương Đông đã gặp khoa học vật lý đương đại ở phương Tây trong một nhận thức người về sự sống. Tất cả là Không có gì và Không có gì là Tất cả. Có thể sống nhận thức ấy như một quan điểm triết học, một hiểu biết khoa học, một tư thế đạo đức, một phương pháp tiếp cận, một cách ứng xử hàng ngày trong quan hệ của mình với bản thân mình, trong quan hệ của mình với con người và các thành tố phi người của sự sống”.
Có lẽ đây là những gì được đúc kết từ sự đọc không ngừng nghỉ của Việt Phương về triết hoc, về Phật giáo, về khoa học vũ trụ, về lịch sử…Mà cũng có thể đây chính là những điều được rút ra từ thực tiễn cuộc sống của một con người từng xả mình trong hai lĩnh vực rất khác nhau là Chính trị và Thơ ca ở một đất nước đầy biến động, từng sống hơn tám mươi năm trên cõi người “bơ vơ đông đảo” này.
Có lần Việt Phương kể với tôi, các bạn cũ của ông từng bảo: “Mày biết tất cả những gì không cần biết, mày không biết tất cả những gì cần biết để sống ở đời”. Trong lời nhận xét có nhiều phần xót thương này hàm chứa một sự thật. Nhưng với Việt Phương, cái “không cần biết” của người khác lại chính là điều ông muốn biết và cái cần biết để sống ở đời lại là điều ông không mấy bận lòng. Ông chẳng từng ao ước: “Mong sao được là một người mê muội/ Lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời” đó sao.
Việt Phương vẫn đang đi tìm và chờ đợi, không ngừng đi tìm, không ngừng chờ đợi: “Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá/ mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm/ mọi ngọn cỏ
được tôn trọng là cỏ/
mọi con người được tôn trọng là người.
Thật gần gũi. Thật xa vời. Thật Việt Phương.
————-
Nguồn: Tiền Phong chủ nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét