Xuân Ba
TP - Đó là luật sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong ba luật sư (LS) của vụ án sơ thẩm Đinh La Thăng.
Tôi may mắn được LS Thiệp cho một cái hẹn, LS Thiệp là chỗ vừa quen vừa lạ.
Quen có lẽ do LS là anh ruột của cô bạn đồng nghiệp Nguyễn Thanh Chung từng cùng sở làm với tôi. Thân phụ của LS cùng Thanh Chung là luật gia Nguyễn Huy Thúc (đã mất). Cụ Thúc có một thân phận đặc biệt. Học trường Bưởi. Từng là Chánh Tòa tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1969 đến 1975 là Phó bí thư Đảng ủy kiêm Cố vấn pháp luật cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam bên cạnh cụ Huỳnh Tấn Phát. Sau khi tu nghiệp ở Nhật và Liên Xô (cũ), cụ từng làm Cố vấn pháp luật cho các đời Chủ tịch nước Trường Chinh, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương. Cụ cũng là Trưởng Đoàn chuyên gia cố vấn pháp luật giúp lãnh đạo Campuchia và Lào.
Cũng nói thêm, thân mẫu LS Thiệp từng làm ở Tòa án Tối cao nhiều năm. LS Thiệp có một người chú ruột, em trai cụ Thúc, cũng khá độc đáo. Đó là GSTS Thiếu tướng Phó Giám đốc Viện 108 Nguyễn Huy Phan. Năm 1946, đang học năm nhất trường Y của Pháp, Nguyễn Huy Phan xung vào Vệ quốc đoàn thì được BS Trần Hữu Nghiệp (BS riêng của chủ tịch Tôn Đức Thắng sau này) xin cho đi học tiếp Trường Y kháng chiến ở Chiêm Hóa và dần dà trưởng thành và trở thành một giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ tầm cỡ thế giới.
Lạ là cả một câu chuyện dài khi anh con trai Nguyễn Huy Thiệp của cụ Thúc tốt nghiệp trung học năm 1976 rồi trở thành người lính thuộc Quân đoàn 4 ở chiến trường Campuchia. Hai năm chiến đấu tại chiến trường, đơn vị phát hiện chàng trai Huy Thiệp có năng khiếu và chút chuyên môn luật đã rút anh về Tòa án Quân sự ở Phnompenh...
Khi ra khỏi Quân đội, đứng trước sự lựa chọn giữa việc vào công chức của ngành Tòa án hoặc ra làm LS, Thiệp đã lựa chọn theo nghề LS dù năm 1988, tổ chức LS còn khá nhỏ (cả Đoàn LS Hà Nội khi đó có khoảng 80 người). Người cha Nguyễn Huy Thiệp đã cảnh báo với con trai là làm LS không phải là “người nhà nước”, không có lương hưu. LS Thiệp đã dần dà vượt thoát bao trở ngại khẳng định được mình. Tên tuổi của ông thường xuyên được nhắc đến trong rất nhiều vụ án lớn, được dư luận quan tâm. Nhìn xa về quá khứ thì có lẽ là vụ tham gia bảo vệ bị hại trong vụ án giết người ở Nam Định vào năm 1996. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử và bản thân LS Thiệp bị tấn công, Đội đặc nhiệm của Công an tỉnh đã phải đưa xe, thiết bị, nhân lực sang để giải thoát. Sau đó là vụ Lã Thị Kim Oanh.
… Cuộc gặp của chúng tôi dẫu ở một nơi kín đáo nhưng liên tục bị ngắt quãng. Không phải người quấy mà là điện thoại. Ngạc nhiên, LS Thiệp chả giấu nội dung. Điện thoại ông mở loa ngoài. Tất tật là phóng viên của các báo, đài. Người thì xin hẹn làm việc, phỏng vấn. Báo thì muốn phỏng vấn sốt sột trên điện thoại. LS Thiệp kiên nhẫn nghe hết và nhã nhặn xin lỗi rằng có lẽ ngày mai sẽ gặp tại phiên tòa. Có cảm giác ông khá cởi mở. Như nhiều phóng viên hỏi về phiên tòa sơ thẩm ngày mai, lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam từ thời Pháp chẳng hạn không có cái vành móng ngựa bởi đây là phiên toà đầu tiên Hà Nội áp dụng thông tư mới của TAND Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1). Rằng các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục hoặc bàn. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo. Đặc biệt các LS ngồi ngang với đại diện Viện KS vv… Lại có nhà báo tiết lộ thêm rằng ông Trương Việt Toàn, Phó Tòa Hình sự Hà Nội vừa mới cởi mở với các nhà báo rằng tại tòa, các LS sẽ được thoải mái phát biểu hết ý kiến của mình… LS Thiệp nói luôn rằng đó là một bước tiến mới trong tiến trình đổi mới cải cách ngành tư pháp. Nhưng điều ông và các LS mong muốn hơn thời lượng và chất lượng của các cuộc tranh tụng sẽ diễn ra ra sao và như thế nào!
Tôi chưa kịp hỏi LS Thiệp lý do gì người nhà ông Đinh La Thăng đã chọn 3 LS trong đó có ông cùng thể thức ra sao. Nhưng chi tiết ông đã nhiều lần được chứng kiến các buổi dự cung của các nhà chức việc với bị cáo Đinh La Thăng và trực tiếp gặp bị cáo Đinh La Thăng khiến tôi không đừng đặng được sự tò mò…
Cung cách cởi mở nhưng có chừng mực của LS Thiệp cũng tạm hé ra đôi điều. Như LS bộc bạch rằng, nhận lời bào chữa cho Đinh La Thăng, mãi đến khi vào trại giam, LS Thiệp mới lần đầu tiên gặp nhân vật từng một thuở một thời khiến báo chí tổn kha khá giấy mực. Thủ tục làm quen cũng chóng vánh khi bị cáo Thăng hỏi tuổi LS cả hai cùng cảm thấy thoải mái với câu trả lời của LS Thiệp thiếu 3 ngày thì tôi hơn anh 1 tuổi.
LS nói luôn là cũng như nhiều vụ án khác và cũng như khi chạm trán với không ít những nhân vật tai tiếng, LS không cho phép mình bị mặc cảm, bị chi phối bởi vai trò vị thế xã hội từng có của bị cáo mà luôn xác định thân phận cũng như chức phận LS của mình. Ông cũng chú ý đến những chi tiết đời thường của họ. Như bị cáo Đinh La Thăng từng chót vót những đỉnh cao quyền lực này khác nhưng LS được biết ông đang được giam với 2 bị cáo khác không cùng tội danh như mình. Một buôn lậu ma túy. Một nữa trộm cắp tài sản. Chắc có người sẽ sợ ngay rằng, liệu như thế có xảy ra chuyện kiểu như “đầu gấu”, “đại bàng” này nọ? Nhưng LS Thiệp được các nhà chức việc cho phép nhắn cho người nhà ông Đinh La Thăng nguyện vọng của ông Thăng là gửi đồ tiếp tế dôi dôi ra một chút vì hai ông cùng buồng giam điều kiện kinh tế không được dư dật để họ được hưởng ké! Qua ông Thăng, LS Thiệp cũng biết được thêm là trong buồng giam chung ba nhân vật ấy là không có sự ganh ghét thù nghịch nào cả. Lần gặp mới đây nhất, chỉ còn có hai. Một bị can hình như đã chuyển đi?
Trả lời câu hỏi của tôi rằng LS có bị hạn chế, bị quấy phiền khi thực thi chức phận LS của mình? LS Thiệp cởi mở rằng, trong rất nhiều vụ án, LS đều được tạo điều kiện thuận lợi. Chả hạn như vụ ông Thăng, mỗi một lệnh (cữ) LS gặp bị cáo là 1 tiếng đồng hồ. Hết một lệnh là dừng lại để xin lệnh mới. Nhưng có hôm để nối liền mạch và hứng làm việc, ông đề nghị và được nhà chức việc cấp luôn cho 2 – 3 lệnh.
Gì nữa? Trong câu chuyện LS Thiệp cũng đề cập đến một cái bóng điện nào đó của buồng giam mờ khiến khó đọc sách báo. Ông Thăng nhờ LS Thiệp đề đạt hộ. Lần sau vào gặp, bóng điện mờ ấy đã được thay.
Có một phút chia sẻ của LS Thiệp trong câu chuyện. Như bộc bạch của LS rằng, từng dự các vụ khá cộm cán như vụ bị cáo Nguyên (nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP), vụ Bầu Kiên, vụ Vinalines Dương Chí Dũng (LS Thiệp bào chữa cho bị cáo Phúc), rồi những Huyền Như, Phạm Công Danh… nhưng ông có ấn tượng đặc biệt bị cáo Thăng. “Tinh thần của ông Thăng tốt. Ông Thăng là người đàng hoàng, bản lĩnh, đúng tầm của ông ấy”.
Tôi thoáng nghĩ đến những bút lục tại phiên tòa ngày mai. Theo cơ quan tố tụng, trong thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN đã có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lí dự án căn cứ Hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Tôi hỏi LS Thiệp là trong chức phận của mình, LS đã trù liệu những gì với tội danh ấy của bị cáo Đinh La Thăng? LS Thiệp trầm ngâm… Từng hành nghề luật sư khoảng hơn 20 năm, tham gia hàng trăm vụ án hình sự mà trong đó có rất nhiều vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Cái cốt lõi bất biến trong vạn biến là làm sao đấu tranh hết mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, bảo vệ công lý. Trong vụ Đinh La Thăng, thời gian hạn hẹp, LS phải đọc, phải điều nghiên 64 tập hồ sơ với 20 ngàn bút lục, ở trường hợp một LS non tay nếu chỉ bằng kinh nghiệm và sự mẫn cán thì sẽ chìm lút trong mê cung của sự kiện và con số. Trong câu chuyện của LS, tôi thoáng đọc được sự khiêm nhường kín đáo của một thày cãi bản lĩnh. Rằng bây giờ, ngay lúc này đây thẳng đuột mọi điều có lẽ chưa nên nhưng LS Thiệp đã rút tỉa được điều bất biến để bảo vệ công lý và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Đâu như là ông sẽ tập trung vào việc làm rõ trong sự “thiếu trách nhiệm” của ông Đinh La Thăng có phải có sự “cố ý để gây hậu quả nghiêm trọng” hay không.
Chợt nhớ thêm LS Thiệp từng phát biểu với truyền thông trước đó, rằng ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Sai đến đâu, ông Thăng nói sẽ nhận trách nhiệm đến đấy, cái gì không sai thì cần xem xét cho ông ấy. Rồi dẫn LS lại lời của thân chủ mình: “Nếu được phép thì tôi xin tha cho những người đã thực hiện lệnh của tôi, mà lệnh đó là sai”. “Còn ai đã chiếm đoạt dù chỉ một đồng thì ông dứt khoát không xin cho họ”.
Đàng hoàng, bản lĩnh, đúng tầm… Tôi nhắc lại ấn tượng mà LS từng chia sẻ về bị cáo Thăng với băn khoăn liệu nhận xét ấy có hơi bị vội không? Có bao giờ LS trù liệu được chuyện vẫn thường xảy ra là sự phản cung, thay đổi này nọ? LS cười là chả ngại. “Dự hơn 200 vụ án lớn nhỏ nhưng chưa khi nào tôi bị leo cột mỡ!” - ông nói như vậy.
Cuộc gặp vội cũng bật mí một việc lạ mà LS Thiệp cho biết là ông chưa gặp ở vụ án nào trước đó. Là hàng chục tin nhắn toàn số máy lạ với nội dung nhắn nhủ ông!
Chia tay LS Thiệp, chiều Hà thành xầm xì giá buốt. Đài đang báo ngày mai mở đầu cho một đợt rét dữ nhất.
Đêm 7/1/2018
XUÂN BA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét