Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

LÃO TRẦN HAM VUI


Nhà thơ Bùi Hoàng Tám




Trần Ham Vui là “pháp danh” trong cõi người của Nhà thơ, Họa sĩ, Nhà báo Trần Nhương, “Tổng biên tập” Web văn chương nổi tiếng trannhuong.com. Trước khi viết về cái thói ham vui của Lão Trần, xin liệt kê đôi nét về “thân thế, sự nghiệp” của lão.
Trần Nhương tuổi Tân Tị, quê làng Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Vì vướng vào cái “chủ nghĩa thành phần” nên học hành giang dở, năm 15 tuổi, lão lọ mọ lên Hà Nội làm thuê và tự mày mò chữ nghĩa. Nhờ cái bản mặt thật thà lại có kiến thức, năm 1962, lão nông dân Thạch Sơn được đào tạo ngắn hạn giáo viên và về dạy tại Trường cấp 2 Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1965, như mọi thanh niên thời đó, lão gia nhập quân ngũ rồi ở tịt quân đội tới 28 năm có lẻ.
Trong quân đội, lão lọ mọ tự học viết báo, làm thơ, viết văn nên trở thành Nhà văn Quân đội. Để chính thức hóa con đường chữ nghĩa theo “đúng quy trình”, năm 1979, lão theo học Trường Viết văn Nguyễn Du Khóa I để từ một người viết không chuyên, lão trở thành nhà văn chuyên nghiệp và đã có lúc làm tới chức Trưởng phòng Văn nghệ (một chức quan văn rất khủng) của NXB Quân đội Nhân dân.
Hơn mười năm làm biên tập viên rồi Trưởng phòng Văn nghệ (1983 - 1993), lão đã từng “đỡ đẻ” cho hàng vạn tác phẩm của các nhà văn trong và ngoài nước.
Đang yên, đang lành, hưởng lương Trung tá, nếu không có gì thay đổi, tức là không vi phạm kỉ luật, khi ra quân chắc chắn lão sẽ vác trên mình cái quân hàm 4 sao hai vạch (Đại tá) như nhiều bạn bè lão.


Thế nhưng năm 1993, nghe theo lời “dụ dỗ” của nàng thơ đa tình và õng ẹo, lão “đổ đốn” sang làm việc tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam với cái danh rất “oai phong lẫm liệt” nhưng lại đầy “phù phiếm”: Phó Giám đốc thường trực Quỹ Văn học đến năm 2002. Từ 2002 là Phó ban thường trực Ban quản lí dự án Bảo tàng văn học Việt Nam đến tháng 7/2008 nghỉ hưu...
Thật ra sau này nhìn lại, thấy rằng chả có ai dụ dỗ lão cả mà bởi cái tính ham vui của lão. Mà chốn hội hè, nhất là Hội Nhà văn giai đoạn đó thì vui, rất vui (chứ không ảm đạm như bây giờ).
Năm 2008, lão nghỉ hưu và hai năm sau (2010), lão về đầu quân cho cái tờ báo đúng với cái tuổi cao của lão: Báo Người cao tuổi với chức danh biên tập viên cao cấp.
Tuy nhiên hình như lão vẫn… ghen tức với nhan sắc, bức xúc với công danh nên năm 2006…., lão bỏ tiền túi “lập con Web văn chương” có tên là trannhuong.com. Sau rất nhiều lần lên bờ, xuống ruộng, tính đến thời điểm hiện tại (1/2018), trang Web của lão đã có khoảng 30 triệu view (lượt truy cập).
Cái húy danh Trần Ham Vui là do lão tự đặt khi đã “Cổ lai hi”, cái tuổi mà theo lão, mọi sự danh lợi ở đời rất chi là phù du, vớ vẩn. Người ta được sinh ra, được sống trên đời trước hết là bởi cái sự vui cho nên trên hết, phải lấy vui là chính. Có thế mới bớt tham lam. Có thế mới bớt u sầu và có thế mới an khang, trường thọ.
Giời sinh ra lão cái thần thái thường trực sự hơn hớn của gái già gặp giai lạ. Mặt mày luôn rạng rỡ, cặp mắt hóm hỉnh luôn hấp háy, cái miệng rộng luôn toe toét cười. Gặp ai cũng vui, chơi với ai cũng quý, rủ đi đâu cũng ok, tuổi U80 mà lão thường xuyên có mặt những khi có hội thảo, gặp gỡ… Lạy giời, lão mà là đàn bà thì sự chính chuyên là xa xỉ và mỗi tháng đến bệnh viện phụ sản một lần là cái chắc.Kết quả hình ảnh cho tRẦN nHƯƠNG
Lão không chỉ sống vui mà viết cũng vui. Đọc những trang viết của lão, người ta luôn thấy sự hóm hỉnh, sâu sắc thấp thoáng đằng sau cái bản mặt luôn cười. Lão đã từng viết hẳn 2 tập sách về chân dung bè bạn với cái nhìn hài hước, vui nhộn mang tên “Khúc khích với văn nhân” và tiểu thuyết “Kim kổ kỳ koặc ký”.
Trong “Khúc khích với văn nhân”, với 200 nhân vật đều là bạn bè, lão không ngại nói cả về thói hư, tật xấu nhưng không ai giận mà còn quý lão bởi người ta nhận thấy cái nhìn nhân văn, sự yêu mến thực tâm của lão đối với họ. Không ít người chưa được lão “vẽ chân dung” bằng thơ còn cảm thấy như là sự thua thiệt vì chưa lọt vào mắt lão.
Trên cái Web của mình, lão có hẳn một chuyên mục “Khúc kha khúc khích” để phản ánh, phê phán về một thói hư, tật xấu của đời sống, xã hội. Thậm chí, dù chỉ là trang Web cá nhân nhưng lão không ngại đăng hoặc dẫn bài của bạn bè từ các báo về những bài viết nảy lửa khiến có người lầm tưởng trannhuong.com là trang “lề trái”. Một ông nhà thơ khá nổi tiếng không xếp “lề trái”, “lề phải” mà bảo lão “Nghênh ngang lão cứ giữa đường lão đi”.
Thật ra thì trannhuong.com có lề là lề của chính lão, một nhà văn, nhà báo, một cựu chiến binh yêu nước pha chút “hảo hán” kiểu “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Có lẽ vì thế, dù cũng không ít lần “lên bờ, xuống ruộng” nhưng mọi người đều hiểu và cũng vì thế, “con Web” của lão vẫn luôn được bạn bè yêu mến.
Ham vui trong đời sống, tếu táo với cuộc đời, song có hai nơi lão rất nghiêm túc. Đó là gia đình và văn chương nghệ thuật.
Hết lòng thương vợ, yêu con, mê cháu, trong gia đình, lão xứng đáng là “cặp ba – người chồng, người cha và người ông – hoàn hảo”. Nhớ lần kỉ niệm 10 năm trang trannhuong.com tại Hội trường của Hội Nhà văn Việt Nam, lão dắt bà vợ già của lão lên sân khấu để nói với vợ những lời yêu thương và đầy biết ơn khiến những bạn bè đến dự không khỏi cảm động.
Lão cũng là người sống giàu tình nghĩa với bè bạn. Những cuộc hiếu hỉ (nhất là việc hiếu), lão luôn có mặt. Khi ốm vào thăm, khi mất tang lễ. Năm 2007 khi Phạm Tiến Duật ốm nặng, Lão và Nguyễn Khắc Phục, Vũ Cao Phan hặm hụi làm Tuyển tập thơ và trường ca của Phạm Tiến Duật để Duật nhìn thấy tác phẩm của mình, trong 10 ngày sách xong, Duật ôm sách vào ngực và ứa nước mắt... Trên trang Web của lão, anh em văn chương biết được khá nhiều thông tin về nhau như ai ốm, ai đau, ai còn, ai mất, ai có vụ việc gì… Thậm chí, không ít các nhà báo coi đó là nơi cũng cấp thông tin ái ố hỉ nộ của làng văn xứ Việt.
Với văn chương nghệ thuật, lão càng nghiêm túc. Cho đến thời điểm hiện tại, lão đã xuất bản 20 cuốn sách các thể loại. Năm 2017 vừa qua, lão vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học Mê Kông (gồm 6 quốc gia: Việt Nam, Lào, Căm pu chia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc) do đích thân Phó Thủ tướng Thái Lan trao tặng.
Là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nhưng có đầy đủ tố chất của người làm báo, đó là chính xác, trung thực, cần mẫn và đúng hẹn chứ không hề “tơ lơ mơ” kiểu “tâm hồn treo ngược ở cành cây”. Vì thế, Ban biên tập tờ báo “cổ thụ” Người cao tuổi rất quý mến và trân trọng lão. Còn độc giả, nhất là với các cụ làm thơ thì lão chu đáo, tỉ mẩn biên tập, tiếp đón ân cần. Có người ái ngại lo cho lão cứ bơi trong cái biển thơ các cụ rồi lão tịt cả văn chương…
Tuy nhiên, nói về lão mà không nói về hội họa sẽ là một khiếm khuyết lớn. Nhiều lúc có cảm giác lão mê vẽ tranh hơn cả văn chương, báo chí. Không, có lẽ hình như những gì văn chương, báo chí chưa làm được, lão đem “trút” cả vào cho hội họa.
Trên trang Web của lão tràn ngập tác phẩm với ba chủ đề chính. Chân dung, hài hước và… phụ nữ khỏa thân.
Tuy không học hành trong trường sở (nói như bây giờ là lão không được “đào tạo đúng quy trình”) nhưng lão rất giỏi kí họa chân dung. Chỉ mấy nét loằng ngoằng tung tẩy, lão đã lột trần cái thần thái của con người ta. Có điều qua cái nhìn nhân văn của lão, ai cũng đẹp đến mức “Mỗi lúc ngắm tranh anh lại muốn… hôn mình” vì thấy mình đẹp quá.
Trong mắt bè bạn và nghe thiên hạ đồn, lão luôn được coi là người đứng đắn và nghiêm túc trong các mối quan hệ khác giới. Tuy nhiên, trong tranh thì “thôi rồi lượm ơi”, tràn ngập phụ nữ nude với đủ dáng hình, tư thế và màu sắc sặc sỡ, tưng bừng.
Năm 1998, Trần Nhương đã tổ chức triển lãm tranh cá nhân lần thứ nhất và lần thứ hai vào năm 2003. Năm nay (2018), theo dự kiến, khoảng tháng tư lão sẽ tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ ba./.

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

NGÀY XUÂN NHÀN ĐÀM VỀ DANH VÀ LỢI


Nhà văn Vũ Bình Lục




DANH và LỢI, rõ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, có vẻ như nó hoàn toàn đối lập nhau, nhưng thực ra, nó lại xoắn xuýt với nhau, rất khó tách rời. Thế nên, xưa nay, người ta nhiều khi cũng dùng nó như một phạm trù kép: DANH LỢI.
Ở thời phong kiến, các nhà Nho thường cố công gắng gỏi học hành, rồi lều chõng rộn ràng đua tranh thi cử, cốt cũng chỉ mong đạt được cái danh, nhưng phải là chính danh. Quan niệm “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến thì làm quan, đạt thì làm thầy), trước là “vinh thân” (giành lấy vinh quang cho chính mình), rồi thì theo đó là “phì gia” (làm cho gia đình mình giàu sang phú quý), nghĩ cũng chẳng có gì sai. Cái DANH ông Nghè (Tiến sĩ), ông Cống (Cử nhân) được ghi vào bia đá bảng vàng, “vinh quy bái tổ”, mãi mãi đi vào sử sách, chẳng phải cũng là vinh hiển lắm hay sao ? Chẳng phải cũng là khát vọng của biết bao kẻ sĩ mọi thời đấy ư ? Nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương) người đất Vị Xuyên (Nam Định) sống ở thời mạt vận của chữ Nho, từng nói rằng chính ông cũng đã cố gắng phấn đấu hết mình để đạt được cái danh, nghĩa là ông cũng rắp ranh “bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ” đấy thôi. Vậy mà không dưới tám lần lều chõng rủng rỉnh lặn lội đi thi, mà vị hàn Nho long đong vất vả đường công danh này cũng chỉ mới đỗ được cái Tú tài, đúng hơn là hai lần đỗ Tú tài (Tú kép), mà vẫn còn phải đứng cuối bảng ghi danh. Thật là cười ra nước mắt ! Có cụ cắm cúi đi thi cả đời, tới ba lần đỗ Tú tài, nhưng rốt cuộc cũng không làm sao chiếm được học vị Cử nhân, nên đành phải cầm lòng mà ôm cái danh be bé là cụ Tú Mền. Tú Mền, nghĩa là mấy lần Tú tài đắp lên nhau như đắp chăn đắp mền ấy. Không đỗ được Cử nhân thì chả ai cho làm quan chính ngạch, cuối cùng thì vẫn phải ngậm ngùi ngồi nhà làm thầy đồ gõ đầu trẻ, hoặc chỉ biết ngồi “ăn lương vợ” như thi sĩ trào phúng bậc nhất Tú Xương, lại phải nhẫn nhịn ngồi chờ đợi đến kỳ thi tiếp theo, sau ít nhất là ba năm nữa, thế thôi !