Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

 

CHUYẾN LÊN CHỐT PHÁT HIỆN RA ĐIỀU KÌ LẠ

Ngọc Bái


Sau chuyến lên chốt, nhà thơ Ngọc Bái, nguyên Chủ nhiệm Văn hóa - Văn nghệ Quân khu II, đã phát hiện ra bộ đội ta và đối phương đều chán ghét cuộc chiến tranh…



Nhà thơ Ngọc Bái bên những tác phẩm của ông viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ảnh: Thái Sinh.>>>>

Từ Vị Xuyên trở về thấy binh lính hai bên mời nhau thuốc lá, bia và cá hộp qua ngôn ngữ âm thanh. Ông đề xuất bình thường hóa quan hệ Việt - Trung với lãnh đạo Quân khu II, ý kiến của ông được chấp thuận. Đó là người đầu tiên đề nghị chấm dứt chiến tranh, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc chấm dứt cuộc chiến tranh biên giới 10 năm đầy đau thương…

Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc vài lát cắt trong những chương hồi ức của nhà thơ Ngọc Bái.

Những lần thoát chết

Cuối năm 1985, tôi làm Chủ nhiệm Văn hóa Văn nghệ Quân khu 2. Là cán bộ thuộc phòng Tuyên huấn, tôi được phân công lên trực chiến ở tiền phương Hà Giang. Sống ở ngay bản doanh Quân khu 2 mới thấy nhiều chuyện khá phức tạp. Cán bộ tập hợp từ khắp nơi. Trình độ hiểu biết không đồng đều. Có người từ bộ đội địa phương tới, chưa va chạm với chính quy. Có người điều động từ Tổng cục Cục chính trị về…


Không có gì đáng nói nếu không được chứng kiến “chiến tranh” ngay trong giai đoạn đất nước đang hòa bình. Không nhiều người biết về cuộc chiến tranh ở Vị Xuyên (trừ những người lính thuộc Quân khu 2).

Trung Quốc đã tấn công cao điểm 1509 vốn là lãnh thổ Việt Nam từ 28/4/1984. Năm 1984 là năm lính Trung Quốc tấn công khắp các huyện biên giới Hoàng Xu Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang. Chúng chiếm một phần xã Thanh Thủy, thượng nguồn sông Lô. Rồi chúng bắn pháo thường xuyên vào huyện Vị Xuyên và nhiều nơi khác. Nghi chỗ nào có quân ta là chúng bắn!

Từ km số 4 trở về trung tâm thị xã Hà Giang “tương đối” thanh bình, vì có lần chúng bắn cả vào chân cầu Yên Biên. Vừa tới Hà Giang, tôi và anh Phạm Ngọc Đoàn đã có chuyến đi lên cao điểm 1.100, chứng kiến trận giữ chốt của một đại đội chống trả quân Trung Quốc tràn từ cao điểm 1.200 xuống. Lính ta có người bị thương, nhưng lính Trung Quốc một số chết nằm dưới hẻm núi Yên Ngựa. Đấy là trận giữ chốt tiêu biểu, dập tắt ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc.

Bộ đội mình thiếu thốn quá. Anh em phải chui vào hầm chốt để mót từng sái thuốc lào. Tôi đã viết bài ghi chép tại trận với tựa đề “Trên đỉnh cao nghìn mốt” in báo Quân đội Nhân dân ngày 27/2/1987. Tôi đã nhiều lần chứng kiến những tình huống thật sự bi thương cả lúc thường và cả lúc xảy ra chiến trận. Có lần, cùng anh Nguyễn Đác, Cục phó Chính trị và anh Phạm Ngọc Đoàn lên đồn biên giới Bạch Đích. Ô tô u-oát đi trong mù sương, mò mẫm giỏi lắm là 12 cây số một giờ. Chúng tôi nói với nhau: Nếu bị phục kích thì chắc chẳng ai thoát chết. Có lần, đi cùng phóng viên AFP của Pháp và phóng viên Asahi Shimbun của Nhật, đến làng Pinh, để họ tận mắt thấy cảnh đạn pháo của quân Trung Quốc bắn sang đất Việt Nam.

Có lần, chứng kiến cảnh tai nạn khủng khiếp, xe chở đạn làm sập cầu Gạc Đì, các lái xe đều chết trong buồng lái giữa sông, đúng chiều ngày 1 Tết năm 1987.

Có lần, lên chốt 812 cùng nhà báo Nguyễn Thắng Lợi, được Tiểu đoàn trưởng Thắng (người Nghệ An) chỉ dẫn cho từng vị trí quân Trung Quốc, đối mặt với cầu Thiên Bảo. Vậy mà nửa tiếng sau, Thắng bị một quả pháo bắn ép xác vào hào bê tông, chết ngay tại chỗ. Vợ con Thắng ở Nghệ An đâu có hay cảnh tượng ấy.

Nhà thơ Ngọc Bái ở tuổi 79, đang đọc báo NNVN Tết Nhâm Dần. Ảnh: Thái Sinh.

Nhưng hú vía nhất là chuyện tôi suýt bị đạn pháo ở Cầu Chéo, đi từ làng Pinh ra. Trời tối, lái xe Văn Hồng đưa tôi đi. Xe không được bật đèn pha, chợt lù lù trước mặt là chiếc xe Gát chạy ngược chiều của Trung đoàn 266 chở đấy ắp lính, cách khoảng 10m mới nhận ra nhau. Lái xe Văn Hồng theo phản xạ nháy đèn, thế là pháo của Trung Quốc bắn sang ngay tức khắc. Hồng lái xe liều mạng nhấn ga, về tới cây số 4 chắc an toàn mới dám bật đèn.

Những ngày ở tiền phương Vị Xuyên (Hà Giang), tôi không thể quên những buổi giao ban chỉ huy, khắp các đơn vị báo về những tổn thất, những sự cố khó lường, những tai ách mà người lính phải trải qua. Có lần lính ở hậu cứ ban đêm đang tập quân sự, nghe tiếng suối lũ đổ, chỉ huy vừa lệnh cho bộ đội ngừng tập thì lũ quét tràn tới, mấy chiến sĩ đi sau chưa kịp qua suối đã bị lũ cuốn mất tích mang theo cả súng đạn.

Có lần được thay quân, về hậu cứ sửa lại lán trại, phải trèo những cây cọ cao để lấy lá lợp lán trại, chẳng may có chiến sĩ ngã chết ngay tại gốc cây. Có lần xe chở thương bị lật… Chỉ người lính âm thầm biết những tình huống đau đớn ấy.

Thỏa thuận không bắn nhau

Có câu chuyện khó tin mà là sự thật: Ở giữa nơi chiến sự ác liệt, hai bên hở ra là bắn nhau chí tử, vậy mà ở chốt H1 và H3 lính ta và lính Trung Quốc “chơi” với nhau “hòa bình”.

H1 và H3… là mật danh quân sự chỉ lính ta mới biết. Lính Trung Quốc thường gửi cho lính ta thuốc lá, bia giải khát “Vạn Lực” và cả mì trứng nữa. Lính ta thì gửi cho lính Trung Quốc hộp cá nhãn hiệu Ô-đét-xa (Liên Xô cũ giúp). Lính Trung Quốc rất thích ăn loại cá này. Hai bên “chơi” với nhau thời gian hàng tháng thì chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn mới biết.

Lúc ấy, Đại tá Trần Văn Vững, Cục phó Chính trị đang trực ở tiền phương, bảo tôi phải nghiên cứu hiện tượng này. Tôi cùng thiếu úy Văn Thanh, người Phú Thọ, vừa tốt nghiệp khóa tiếng Trung, mới điều về làm trợ lý Tuyên truyền đặc biệt (địch vận). Chúng tôi lên Cốc Nghè, gặp Sư đoàn phó Nguyễn Đức Cam và anh Nguyễn Văn Được - Sư đoàn trưởng 356 (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Các anh hướng dẫn tôi và Thanh đến gặp Trung đoàn trưởng Hoàng Đình Năng (người Y Can ở Trấn Yên, Yên Bái) để cử người đến chốt H3.

Anh Năng cử trinh sát viên tên là Nguyễn Văn Hiền (quê Phú Thọ) hướng dẫn tôi lên chốt. Hiền bảo: Lính Trung Quốc rất ghét quân ta mặc áo chít gấu (loại áo sĩ quan hay mặc thời ấy) và quần áo rằn ri. Các chú phải mặc quần áo chiến sĩ nhem nhuốc như cháu, thì bọn chúng không bắn.

Tôi và Thanh mượn quần áo chiến sĩ và thực hiện đúng chỉ dẫn của Hiền. Khoảng 5 giờ chiều, qua “cửa tử”, rồi lội qua con suối lính đặt tên là “suối oan hồn”. Chúng tôi đi qua một dông núi, đến vùng núi đá lởm chởm, qua khúc quành, chúng tôi đến H5 là nơi chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng. Gặp một chiến sĩ gác ở cửa hang đá, tôi hỏi: “Tiểu đoàn trưởng chỗ nào?”. Anh chiến sĩ chỉ tay xuống cửa hang nhỏ, hướng dẫn tôi: “Chú dùng tay bấu vào phía trên mấu đá, co người lại, dùng chân dò đường, thấy ánh sáng đèn tù mù, Tiểu đoàn trưởng của cháu đang ở đó!”.

Vào hang, tôi gặp Tiểu đoàn trưởng xưng tên là Nguyễn Văn Hà, tóc dài đến vai, râu ngang ngực, trông thật dữ tướng. Tôi bảo: Sao râu tóc ghê thế?

Tiểu đoàn trưởng phân trần: “Mỗi ngày chúng em có 4 lít nước, lấy từ suối, lính leo dốc ngót chục cây số mới thồ được nước về. Vừa dùng làm nước nấu ăn, nước uống, vừa đánh răng rửa mặt, chả đủ nước tắm giặt, cho nên chờ mấy tháng nữa, xuống hậu cứ tắm gội, cắt tóc cạo râu cả thể”.

Tôi ở trên chốt ba ngày. Tại chốt, tôi được Hà nói cho biết: H1 vốn là đất của Việt Nam, Trung Quốc chiếm, chỉ cách H3 chừng 5m. Sáng đầu tiên, tôi bảo Hà cho tôi quan sát trực tiếp cảnh lính mình liên lạc với lính Trung Quốc.

Tiểu đoàn trưởng Hà hướng dẫn tôi nấp sau mỏm đá, nhìn rõ chốt H1 bọn Trung Quốc chiếm giữ. Tôi thấy khá rõ một lính (bên ta) vòng ra sau chốt H3, ném một viên đá lên chốt H1. Chỉ lát sau, hai tên lính Trung Quốc, đều mặc quần lót và cũng cởi trần nhem nhuốc như lính ta, nhô đầu lên.

Nhà thơ Ngọc Bái kể chuyện xuống hang của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hà. Ảnh: Thái Sinh.

Lính Tàu và lính ta ném thức ăn cho nhau. Tôi bảo Thanh viết cho lính Tàu mấy câu, nội dung là: “Chào các bạn! Hôm nay là ngày “bát nhất”. Bộ đội Việt Nam chúc ngày “kỷ niệm” của các bạn. Nhưng các bạn có biết rằng các bạn đang đóng chiếm trên đất Việt Nam không?”.

Lá thư được lính H3 gói vào viên đá, ném lên H1. Lúc sau, lính Tàu trả lời: “Chào các bạn! Cảm ơn các bạn chúc ngày “bát nhất” của chúng tôi. Chúng tôi biết đây là đất Việt Nam, nhưng...”.

Rất tình cờ, khi xuống làng Pinh, gặp ngay Thiếu tướng Văn Duy, Cục trưởng Cục Tuyên truyền đặc biệt, và Đại úy - dịch giả Vũ Công Hoan (người Thái Bình, Hội viên dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam sau này), các anh chăm chú nghe tôi kể về chuyện lên chốt. Tướng Văn Duy nói đại ý, chủ trương ta cần làm dịu tình hình ở mặt trận Hà Giang, làm sao bộ đội ta bớt đổ xương máu. Những điều tôi cung cấp rất kịp thời, để Cục Tuyên truyền đặc biệt có căn cứ báo cảo Tổng cục Chính trị cân nhắc.

Anh Vũ Công Hoan dịch cho tôi những bài thơ và truyện ngắn đăng ở tạp chí Côn Lôn và tạp chí Quân Giải phóng Trung Quốc của các tác giả Lưu Gia Khôi và Trần Đào, các bài viết mang giọng điệu phản chiến.

Tôi có phận sự báo cáo những thu hoạch khi đến H3. Tôi nói với Đại tá Vững và Thiếu tướng Lê Duy Mật, Phó Tư lệnh phụ trách Tiền phương rằng: “Không có chuyện chính trị gì ở trên chốt H3 đâu. Chốt H1 và H3 chỉ cách nhau gang tấc. Lính ta và lính Trung Quốc đều là con em lao động. Gần cái chết quá thì họ phải tìm cách tồn tại. Đấy là bản năng. Họ tấn công mình thì họ chết. Ngược lại cũng vậy…”.

Tôi nói với tướng Lê Duy Mật, nghiên cứu tâm lý lính Trung Quốc, họ cũng có bộ phận ghét chiến tranh, ta thử không thèm bắn họ, xem họ ứng xử thế nào. Quả nhiên, chốt nào ta không bắn họ, họ cũng không bắn ta. Dẫu sao vẫn phải đề phòng bản tính lá mặt lá trái. Cảnh giác không bao giờ thừa, đấy là điều thực tế đã chứng tỏ. Giữa năm 1988, tình hình mặt trận Vị Xuyên bớt căng thẳng. Cũng là dịp tôi trở về Yên Bái.

Khi xuống hậu cứ gần Vĩnh Tuy (Hà Giang) thay quân, gặp Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hà, đầu tóc gọn gàng, tôi thấy anh thật trẻ trung. Tôi hỏi lính chốt H3 vì sao lại liên lạc với lính Trung Quốc? Chiến sĩ H3 trả lời rằng: “Ở quê có người em trai bị bệnh vừa câm vừa điếc, làm gì đều phải ra hiệu. Hôm ra ngoài sửa công sự H3, gặp lính Trung Quốc, anh ra hiệu đừng bắn. Hắn gật, thế rồi hắn gửi cho mấy chai bia, thử không thấy độc. Vậy là cho nhau ăn. Không bắn nhau”…

Kết thúc đời lính của tôi, ngày 21/6/1988, tôi đã chọn về Hoàng Liên Sơn, sau khi đã tham khảo ý kiến của vợ. Tôi lang bang trong quân ngũ đủ rồi. Cũng phải về với quê hương, sau gần 24 năm làm lính. Trước khi ra quân, tôi viết bài thơ “Đôi điều về người lính”, nhạc sĩ Văn Dung phổ nhạc: “…Trên mọi yêu thương và mọi buồn lo/ Làm sao anh có thể vượt qua cái chết/ Tất bật và ung dung như một lần về phép/ Chen chúc ga tàu bình thản như không”.

Chiến tranh lâu dài nhiều người chết thảm, hao tiền tốn của, kiệt quệ tài chính, khủng hoảng tinh thần. Hậu quả chuốc thù gây oán, thói xấu nảy nở, tranh đoạt thành thói quen, con người không còn sợ máu đồng loại. Sau cuộc chiến càng rõ. Độc lập - Tự do mãi mãi là chuyện lớn lao.
Nguồn NongnghiepVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét