Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

HÀO SẢNG TRONG VỎ TRỨNG


Quả phụ Dạ Ngân



NHÂN GIỖ ĐẦU NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN, 7-2 ÂM LỊCH
Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Quang Thân



(viết riêng cho Quán Văn số tháng 3/2018)
Có một khung trời xám. Bãi nhỏ, cát vàng, hoa sứ đục. Cả Chúa, cả Phật và không ít những oan khuất dạt từ biển về, xác được mang đi nhưng có thể hồn sẽ vật vờ ở lại. Hoang liêu một cách lý tưởng nhưng bức bối oán hờn, những con người nhạy cảm bước đi, không trào lộng thì trầm cảm và chết sao?
Thiếu phụ bước ra từ “Người đàn bà có con chó nhỏ” của Chekhov. Ba mươi tuổi, mảnh dẻ tóc nâu, hay tha thẩn mà không có con chó nhỏ. Gurov bốn mươi bảy tuổi tia ngay vẻ buồn buồn riêng tư của nàng. Tiếng sét thực sự giáng xuống khi mục sở thị thiếu phụ ân cần giúp cấp dưỡng chia cơm cho các mâm, một người, chao ơi một phẩm chất đàn bà sinh ra để làm vợ chứ không để làm người tình!
“Cô em mi-nhon miệt vườn đã viết những gì ta?” “Còn ông anh Bắc kỳ thì đã viết gì?” Lãng tử rách rưới bất cần sự rách rưới của mình, tặc lưỡi: “Chưa đọc nhau nhưng cần gì đọc nhau. Đi bơi đi, đọc nhau thích hơn đọc văn nhau chứ!”. Ai đó đùa góp: “Đúng, chỉ mỗi quần bơi thì dễ đọc nhau hơn!” Nhưng cô em miệt vườn mù bơi, vậy là leo núi, trèo hải đăng, ra tượng Chúa và dắt xe đạp bách bộ Bãi Dâu cho nhiều thời giờ tâm sự. “Sao ở Bắc người ngồi sau xe đạp phải chạy phóng theo còn ở trong Nam thì cả hai lên xe chậm rãi, đàng hoàng?” Bắt đầu chuyện gì cũng Bắc khác Nam khác, anh em mình chung trận tuyến mà như hai thế giới vậy kìa? “Không phải hai thế giới mà là hai nước em ơi!” Một con người sục sôi, mỗi giờ, mỗi ngày, nghĩ ngợi, phát ngôn, vẫy vùng, khám phá.



Yêu và sống hết mình cho khoảnh khắc này đi! “Em mệt quá, em không muốn một phép thử, em có hai con và em có danh dự”. “Đường rải nắng, đang thơm, người cùng ta đi giữa đường thơm”. Không, cũng chính ông ấy đã viết “Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu!” Thời gian chập chờn, không gian đồng lõa nhưng hai người hai ngàn cây số dựng đứng. Thiếu phụ về lại với đống đổ nát của mình, lãng tử Gurov nhận ra không là chuyện đùa, không có đùa cợt ở đây, chỉ có nhớ nhung sôi sục và sôi sục.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân thành danh năm tôi mới 3 tuổi. Ba tuổi của em thì thế nào nhỉ? Anh cưới vợ lúc tôi mới 8 tuổi. Khi đó anh thế nào nhỉ? Chúng tôi có nhau trong tâm tưởng và có văn chương và cả các con còn nhỏ để tiếp tục chờ đợi. “Anh thách em lấy chồng, em lấy ai rồi em cũng phải ngoại tình với anh!” Tôi sợ chàng Roméo giỏi leo trèo của mình và 11 năm trôi vèo qua. Cũng như khi viết, không ai nghĩ tác phẩm này sẽ để đời, chúng tôi cũng đâu có nghĩ hai cái tên của mình là một thiên tình sử đậm hương.
Sau Vũng Tàu anh có thêm 10 đầu sách và 2 kịch bản văn học cho điện ảnh. Được về với nhau, anh sôi sục nhưng là sôi sục năng lượng sống và viết trong cái không gian bé tí vợ chồng ở Hà Nội. Chúng tôi tự sánh mình như hai con hải ly ngày đông giá, cần mẫn từng que củi, từng khúc cây cho cái tổ của mình, lặn ngụp, giỏi giang. Từng ngày chật ních, viết văn viết báo, đóng bàn đóng tủ, trồng rau chữa xe, tiếp khách nói trạng, ngủ có và ngủ không (từ chúng tôi lóng riêng với nhau)…Anh lục tuần, rồi thất tuần, chao ơi, thời gian nghiệt ngã không ưi ái ai cả.
Sài Gòn thong dong. Sau “Hội Thề” anh thả lỏng mình, không tâm huyết với văn chương trừ những tờ báo tin yêu anh, đặt hàng. Sao một người tài hoa và trí tuệ như vậy mà không có tiểu thuyết đỉnh cao? Anh bảo anh không đánh đổi như Bùi Ngọc Tấn, anh cũng không ưa làm đầu lĩnh như Nguyên Ngọc và cũng đã qua rồi cái thời ngồi dán lưng vào tường như Trần Dần. Anh có cuộc sống mẹ cho, anh có một gia đình để vui, viết đã nhiều mà nếm mùi truyền thông, dư luận, bạn bè cũng đã thấm, anh chả cần gì nữa cả.
Nhưng chân dung của một nhà văn đâu chỉ có một phía mặt. Bức xúc, căm hờn, khao khát, hy vọng, chán nản.. Nhưng tuổi tám mươi đã chụp xuống. Anh ví chúng tôi như hai con hươu sao thanh cảnh, hãy vui thú với cây với lá đi em. “Nhưng hươu cái đâu có viết văn còn em thì phải viết”. Anh ngao du với nhiều nhóm trang lứa: bạn trung học Phan Đình Phùng, bạn Thiếu sinh quân, bạn nghề Thủy lợi; sau “Hội Thề” anh có thêm các bạn sách Phú Nhuận, bạn Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường và bạn hữu Quán Văn; thắm thiết nhất là bạn thuyền trên một con tàu hăm hở cùng với Hoàng Hưng, Hoàng Dũng, Ngô Thị Kim Cúc, Ý Nhi… Mỗi nơi anh mang đến một nét chân dung, bạn già của thời thiếu niên và thanh niên tươi sáng, bạn vui với người yêu sách Sài Gòn, chỗ Phạm Thế Cường là nơi anh góp sức và Quán Văn, anh góp một gương mặt an nhiên, lão thực, nghe các bạn phát biếu, đàn hát và ngắm anh Nguyên Minh “nhỏ người mà không nhỏ lửa” - từ của anh.
Một con hươu la cà, anh chỉ thực là anh khi bò ra đọc cả ngàn trang tiểu thuyết cho giải Văn Việt. “Em viết xong chưa?”, đôi khi anh lảng đi để cho “hươu cái” viết văn và không quên vấn an hươu vợ. Anh rửa tay gác kiếm, cũng được đi, tôi mới sáu mươi lăm, tôi đang thời kỳ sung sức nhất của anh hồi đó. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày hươu chồng bay vút đi không trở lại, không ai nghĩ người như anh cũng sẽ chết, tôi càng không chuẩn bị gì cả cho người đi kẻ ở vào cái quãng anh và em viên mãn nhất.
Một người như anh thì để lại cho vợ những gì? Tất cả!. Anh tài có người tài hơn, anh trí tuệ có người trí tuệ hơn, anh khỏe mạnh có người còn khỏe mạnh hơn. Nhưng anh cho tôi cả một tấm tình, đúng như anh nói “cam đoan trên đời này không ai yêu em hơn anh”. Và tôi đã tận hiến cho anh, từng ngày sống của mình, suốt 11 năm chờ đợi và 24 năm vợ chồng.
Yêu và thương biết mấy cho vừa. Tôi đang hạnh phúc đây thôi. Các bạn nữu của chúng tôi, đừng buồn cho tôi và cũng đừng nhiều thương tiếc. Anh đã sống như anh mưu cầu, mạnh khỏe và hạnh phúc. Còn mong muốn nào hơn? Anh còn thiếu những gì, anh nợ văn chương một đỉnh cao nhưng cuộc đời có nợ anh không? Anh biết sự hữu hạn của thế thời và đời người, vì vậy mà anh sống bằng hết từng ngày anh có được. Tôi định nghĩa đó là sự hào sảng, sự hào sảng bản năng, bẩm sinh, trong không gian tự do nhỏ xíu và mong manh mà nhà văn như anh chiếm lấy, gói ghém được, thu mình được suốt cả cuộc đời.
Đó là tự do trong một quả trứng, không hơn.
Trong căn nhà một mình ở Thanh Đa đầu năm 2018

* Tranh Nguyễn Quang Thân do TN phác họa ngày Thân đi xa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét