Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

VÌ SAO TÔI CHỌN THƠ TRẦN VÀNG SAO?


Nguyễn Khắc Phê



Kết quả hình ảnh cho trần vàNG SAO
(Xung quanh bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình”(*) )
Lời dẫn: Nhà thơ Trần Vàng Sao đã qua đời chiều 9/5. Báo "Tuổi trẻ" đã có bài của Minh Tự; Báo “Người Lao động” đã nhờ tôi viết bài và đã đăng sáng nay. Dưới đây, NKP đưa lại bài viết từ… 30 năm trước và vừa được in lại trong Tự truyện “Số phận không định trước”, như là một nén hương tiễn bạn lên cõi “vàng sao”…
… Trước hết, xin nói chuyện “bếp núc” trong toà soạn một chút. Vì Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ đi vắng, tôi là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa bài thơ ấy lên báo. (Nên chăng, trong mọi chuyện cần minh bạch như thế, chứ đại từ số nhiều “chúng tôi” rất dễ thành nơi ẩn nấp để trốn trách nhiệm.) Cần nói rõ việc này, vì có bạn cho là nhờ có người thân quen hợp “rơ” trong toà soạn, nên Trần Vàng Sao mới được “lăng-xê” như thế. Thoạt đầu, những trang ấy, Thư ký Toà soạn định bố trí đoạn trích “Trường ca Hoà Bình” của Ngô Kha. Tôi thấy không hợp, vì số 32 kỷ niệm 5 năm “Sông Hương”, tiến tới Đại hội Văn nghệ, cần chọn tác giả có bản sắc gắn với hai sự kiện ấy. Và tôi đề nghị chọn Trần Vàng Sao. Mặc dù tôi không thân anh, chưa ngồi uống với anh một ly cà phê hay một chén rượu nào. Cũng xin nói thật, nếu theo ý riêng, tôi không thật thích kiểu thơ của Trần Vàng Sao. Vậy mà tôi lại chọn thơ anh. Để giải thích cái nghịch lý ấy, xin đưa một việc để so sánh, tuy không khỏi khập khiễng: Tôi không thích ăn ớt và canh mướp đắng, nhưng mời bạn bè một bữa cơm tại Huế, vẫn muốn có hai thức ấy trên bàn.


Tình cờ dẫn ra món ăn cay và đắng, cái dư vị gần giống như khi đọc thơ Trần Vàng Sao. Tất nhiên bài thơ ấy không chỉ có dư vị cay đắng. Nó còn là một bức tranh sinh động, dân giã, rõ cả hình khối bên ngoài và nội tâm sâu lắng... Tôi không phải là người sành nghệ thuật thơ, xin được bàn qua ý nghĩa xã hội và chính trị của tác phẩm đó.
Bức tranh tác giả vẽ ra là thật hay bịa? Để trả lời, xin bạn chịu khó dạo quanh những xóm dân nghèo đang phải chạy gạo ăn từng bữa quanh thành phố sẽ rõ. Đoạn cuối lá thư của một bạn đọc hy vọng cảnh đời mà bài thơ miêu tả đã bị chôn vùi vào quá khứ (vì bài thơ viết năm 1984). Chưa đâu! Chắc bạn chưa quên tại kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, chị Ba Thi đã chất vấn và sau đó, Hội đồng Bộ trưởng đã tự phê bình để xẩy ra nạn đói ở nhiều tỉnh phía Bắc trong vụ giáp hạt năm 1988 này.
Ừ, thì công nhận tác giả không bịa, nhưng viết ra cảnh ấy có ích gì? Khéo mà chỉ có lợi cho địch! Sự nghèo khổ của chúng ta cả thế giới đều đã biết, kẻ địch cần gì những cảnh Trần Vàng Sao vẽ ra. Ngựơc lại, chính là chúng nó muốn chúng ta che giấu những cảnh đó và khéo vẽ vời ra những thành tích giả tạo (như có địa phương dân thiếu gạo mà vẫn chuyển lên trên để được khen là lãnh đạo kinh tế giỏi!) chúng càng muốn chúng ta quên những cảnh đời đó vì mải say sưa trong những bữa tiệc chiêu đãi hoặc nâng cốc trong các quán nhậu sau khi ký một hợp đồng. Đằng này tác giả khắc hoạ đến trần trụi, chi ly, làm chúng ta day dứt khôn nguôi. Chẳng lẽ điều ấy là vô ích hay sao?
Xin trở lại quả ớt và bát canh mướp đắng. Tôi dọn ra, nhưng có bạn không ưa hai vị cay đắng đó thì trên mâm đã có các vị ngọt và béo, xin mời! Không tin, các bạn lật giở tất cả các số “Sông Hương” mà coi. Nói điều này để xin được lưu ý: mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm thường chỉ viết về một cảnh đời, một số phận mà mình quen thuộc. Một tác phẩm không thể là toàn cảnh xã hội. Có bài thơ nói về cảnh thiếu đói và đã có bài tả nhà máy dệt Thuỷ Dương và vụ “khoán 10” bội thu. Có người viết những câu thơ êm ái, chữ nghĩa như được đánh bóng lên; có người làm thơ kiểu Trần Vàng Sao(*). Vì thế mà cả nước có đến hơn 400 nhà văn nhà thơ mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.
Vào thời điểm năm 1988 này, khi mà Nghị quyết của Bộ Chính trị về Văn hoá văn nghệ công bố đã tròn một năm, khi mà trên thế giới, đã từ lâu, nhà văn có quyền viết cả những điều không có thật, viết chuyện viễn tưởng, những điều tôi vừa nói ở trên quả là thô thiển. Chẳng qua là điều bất đắc dĩ, mong các bạn đọc hiểu biết thông cảm.
Điều cuối cùng cần phải nói là: một tác phẩm ra đời có người khen kẻ chê là chuyện bình thường, là điều đáng mừng nữa. Nó chứng tỏ công chúng quan tâm và coi trọng những giá trị tinh thần. Bạn có thể chê bài thơ ấy dở, chữ nghĩa không đẹp, cái nhìn của tác giả bi quan; (Ở chỗ này xin được nói thêm: có bộ phận quần chúng mang tâm trạng bi quan, chẳng lẽ văn nghệ không được phản ánh tâm trạng đó? chẳng lẽ có người buồn mà chúng ta cứ cười ha hả và hô “Hãy lạc quan lên!” mới là có lập trường ư?) Và bạn cũng có thể phê bình “Sông Hương” không nên đăng bài thơ loại ấy. Có điều, lối suy diễn quy chụp nặng nề cho là bài thơ ấy “công kích, nói xấu chế độ” và con số 43 tuổi là ám chỉ 43 năm cách mạng (1945-1988) thì nó thô bạo và...buồn cười nữa! Xin được lưu ý là bài thơ viết từ năm 1984. Lối phê bình ấy làm tôi nhớ lại “hồi xưa” có người viết con gà có mào đỏ liền được một “cây lập trường” quy ngay là ám chỉ đến Đảng! Kiểu phê bình ấy chắc chắn là trái với Nghị quyết của Bộ Chính trị về Văn hoá văn nghệ đã công bố và tạo nên không khí căng thẳng không đáng có trong phong trào văn nghệ. Vì thế, nếu không có lời nói lại thì quả thật “đáng sợ”; đáng sợ không phải cho riêng ai mà cho cả nền văn nghệ. Vì nếu để kiểu phê bình ấy lại một phen lấn lướt trên văn đàn thì dù Nghị quyết Bộ Chính trị đã ghi rành rành: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật” và “trân trọng nhân cách, tài năng và sự độc đáo của văn nghệ sĩ, chu đáo tế nhị chân tình trong quan hệ đối xử...”, công cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn nghệ cũng khó đem lại những kết quả mà nhân dân đang trông đợi.
Huế 12/11/1988
(Đã đăng Tạp chí “Sông Hương” số 34, tháng 10-11/1988)
Nguồn FB nguyen khac phe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét