Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

NƯỚC PHÁP CÒN LÂU MỚI THEO ĐƯỢC TA

Phạm Quang LongChuyện của người nổ súng đầu tiên trong ngày 17/2/1979


Hồi còn đi làm ở trường, tôi có dịp được đi với vài GS Luật của đại học Toulouse sang giúp ta. Một lần, đi với một ông GS qua Cầu Giấy thấy có khẩu hiệu rất to “ Sống và làm việc theo pháp luật” ông này hỏi tôi: “ Này, hôm qua đi qua đây, tôi hỏi một vị cái ấy có nghĩa gì, vị ấy bảo đó là một khẩu hiệu hô hào mọi người sống và làm việc phải tuân thủ pháp luật, có đúng vậy không?”. Tôi đáp: “ Đúng thế đấy. Không sai chữ nào”. Ông ấy cười cười, bảo tôi:” Tôi có vài điều muốn nói với ông nhưng tôi đến lúc phải lên lớp rồi. Tôi sẽ tìm ông để trao đổi”. Tôi nói đại ý ông bận, tôi cũng không rảnh. Cho ông chọn ngày giờ trước, tôi sẽ nghe ông. Hai bên cùng OK nhau rồi chia tay.
Một hôm tôi đang ngồi trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Thì ra ông GS nọ và một người nữa. Ông bảo: “ Tôi sợ không gặp ông trước khi về Pháp nên nhân có ông bạn rảnh hôm nay, tôi phải nhờ ông bạn đến làm thông ngôn cho chúng ta, mong ông thông cảm không hẹn trước”.
Chủ khách phân vai xong, tôi ra khoá cửa lại. Ông ấy nhìn, có ý hỏi để làm gì? Tôi bảo để không ai quấy rầy chúng ta. Ông ấy khoái chí, đưa ngón tay lên, ra ý tán thưởng.
Ông vào cuộc ngay, nói dài nhưng chỉ gồm 2 ý: 1 là tại sao ở Việt Nam phải hô hào mọi người tuân thủ pháp luật mà không bắt buộc? Thứ 2 ở Việt Nam cơ quan nào và tầng lớp nào vi phạm luật nhiều nhất? Ông phiên dịch dịch cho tôi xong, nói thêm: ông này hỏi khó mà không biết để làm gì? Anh liệu trả lời kẻo hớ. Tôi cám ơn và bảo anh cứ dịch hết và thật sát cho tôi. Mọi chuyện để tôi lo. Ông GS hỏi: “các ông nói gì đấy? “. Tôi trả lời: “ông thông ngôn bảo cần nói gọn để dịch cho dễ và chỗ nào khó thì khất. Tôi bảo câu hỏi rất rõ, cả hai thắc mắc của ông tôi trả lời theo cách hiểu của tôi. Ông đừng cho tôi nói cái gì cũng đúng cả mà cần kiểm tra lại độ chính xác”. Ông ấy đồng ý ngay tắp lự.



Tôi bảo xứ tôi dân trí chưa cao nên cần vận động để mọi người tự giác tuân thủ pháp luật, bên cạnh việc bắt buộc. Ông ấy xen vào: “thế, tôi hiểu rồi. Bên tôi và thế giới làm khác. Mọi thứ đều có luật; mọi người bình đẳng trước pháp luật. Không có châm chước, không có linh động, không có người này luôn đúng, người khác sai. Đúng sai do toà quyết. Dân phải tự tìm hiểu luật mà thực hiện. Lĩnh vực này chỉ có tuân thủ, không cần thuyết phục. Ai vi phạm pháp luật trừng trị ngay, bất kỳ ai”. Tôi cười, nói đại ý: có đức trị và pháp trị, có vận động, thuyết phục... xã hội thế mới dân chủ. Ông ấy lại cười: “ông Lenin bảo dân chủ của các ông gấp triệu lần dân chủ của chúng tôi mà. Ông có tin không?”. Tôi đáp: “sách chúng tôi nói thế. Tôi đã đi khắp thế giới tư bản đâu và cũng đã đi hết các nước xhcn đâu mà biết. Với lại phải điều tra xã hội học cẩn thận lắm mới có kết luận chính xác được”, ông ấy cười vang: “nghe ông nói tôi giật mình. Trước đây tôi nghĩ ông ấy sai, giờ nghe ông nói mới biết mình chủ quan, ông ấy chưa chắc đã sai. Tôi cũng chưa đi nhiều, chưa điều tra xã hội học. Chắc lại phải thay đổi kết luận thôi”. Cả hai chúng tôi cùng cười lớn làm ông phiên dịch cứ ngẩn người ra, hỏi: em dịch sai à? Nghe xong cả hai lại cười với nhau lần nữa vì không thể không cười.
Đến câu thứ 2 tôi bảo: “tôi hỏi ông trước, ông nói ở nước ông ai hay làm trái luật nhất”. Ông bảo: “những người lưu manh”. Sợ tôi không rõ, ông giải thích: “nhà cầm quyền tuân thủ nghiêm nhất vì bị giám sát chặt nhất chứ không phải họ nắm luật pháp trong tay. Đó là nền tảng pháp trị. Chúng tôi là một xã hội giải quyết mọi việc trên nguyên tắc luật pháp tối thượng. Họ sai sẽ bị kiện, bị toà xử và mất sự nghiệp ngay. Dân buôn muốn trốn thuế nhất nhưng cũng sợ nên chỉ dám tìm cách lợi dụng hoặc lách luật. Còn... dân nhập cư phá luật nhất. Họ biết sai mà vẫn cứ vi phạm nên tôi gọi những người cố tình phạm luật là lưu manh. Họ tìm mọi cách để phạm luật. Bị bắt, bỏ tù, trục xuất đủ cả mà vẫn không sợ. Không phải dân nhập cư ai cũng thế nhưng tỉ lệ này ở họ cao nhất. Mà số từ Đông Âu sang cũng nhiều. Dân Pháp gốc giờ có tâm lý vừa sợ, vừa ngại dân nhập cư vì họ vi phạm nhiều quá, để lại cho chúng tôi nhiều hậu quả nhất. Giờ ông trả lời tôi đi”.
Tôi bảo: “chúng tôi có học các ông nhưng không theo các ông vì mục tiêu các ông nêu ra, chúng tôi đã làm được rồi. Các ông mong tự do, bình đẳng, bác ái thì chúng tôi đã có cả mà xã hội chúng tôi lại dân chủ gấp triệu lần của các ông thì việc gì phải phấn đấu nữa?”. Ông thông ngôn nhìn tôi ngần ngừ, tôi nói anh cứ dịch đi, dịch thật sát vào. Nghe dịch xong, lúc đầu ông GS nhìn tôi ngạc nhiên lắm, sau đó ông cười rũ rượi, cười đến phát ho. Rồi ông hỏi: “thế thì tôi hiểu vì sao có cái khẩu hiệu đó rồi. Ông có thể cho tôi một ví dụ nữa gần giống cái đó không?”
Tôi đáp: “sẵn lắm, mà hay hơn nữa cơ. Cái này giống câu ông đã biết về nội dung tuyên truyền pháp luật nhưng nó siêu hơn ở chỗ nó khái quát hơn”. Tôi quay sang ông phiên dịch dặn ông dịch thật sát, lột hết ý nghĩa của nó cho ông ấy nghe. Và tôi đọc: “tiến lên ta quyết tiến lên/ tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/ hàng đầu rồi biết đi đâu? Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”.
Nghe dịch xong, lúc đầu ông ấy hơi ngỡ ngàng rồi bật cười một trận như chưa bao giờ cười thế. Rồi vừa lau kính, vừa cười bảo tôi: “Chưa bao giờ tôi có chuyến thỉnh giảng thu hoạch nhiều đến thế. Tôi chịu rồi”.
Tôi nghĩ bụng: “Mịa, không chịu mà được à? Chỉ vài câu mà khái quát được những điều lớn lao thế thì mấy nơi có được? Cả xã hội chúng tôi chịu chứ ông thì ăn thua gì? Chả biết ông chịu cái gì nhưng rõ ràng các ông theo được chúng tôi còn mệt”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét