Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

CHÙM THƠ CỦA ĐƯỜNG VĂN



1. NGHĨ VỀ MẸ



Rồi cũng sẽ tới ngày mẹ phải ra đi!...
Con biết làm chi đây để níu Người ở lại?!
Bởi cuộc đời có ai hiện tồn mãi mãi?
Ai cũng một lần trăm tuổi… mà thôi!

Ngày ấy, xa hay gần? Chỉ có Trời mới tỏ!
Hãy biết giờ đây, mẹ đang cười móm mém,
Khi chợt nhận ra thằng bố Tạo!
Sờ cánh tay mẹ ấm; nhưng con nói to, mẹ lại chẳng nghe gì!
Cứ ngẩn ngơ nhìn đăm đắm phía trời xa…

Con mừng: mỗi bữa mẹ vẫn cố ăn được lưng lưng xới,
Bát cơm chan vỏng canh chua, giòn đậm miếng cà.
Sáng sáng thích điểm tâm đồng bánh chưng con, hoặc tô cháo mì rẻ tiền, giản dị,
Bàn tay nhăn nheo, nham nhám đồi mồi,
run run đẩy đưa trên đầu gối phồng da!


Tiếng mẹ ngáy vẫn đều đều, tuy hơi khò khè một chút!
Người cao tuổi thức, ngủ như chim, mắt mỏi hay him him;
Bỗng choàng tỉnh: - Nào! Cho u đi đái!
Mau, mau lên! Không kịp…, chết bây giờ!

- Mai, ấm trời, các chú nhớ đưa cụ về làng thăm con, cháu, chắt!
Mắt bạc phờ, chợt ánh nheo tia lấp lánh,
Như thấy trước cảnh đàn chắt nội: Tễu, Pháo, Su, San, Na… con hai cháu Giang, Nguyên:
-                     Chúng cháu chào cụ nội ạ!
Râm ran!… Cụ bỗng ngỡ ngàng!

Nhưng mới chỉ một lúc thôi, lại quầy quậy đòi xuống đồng. Vừa đến cổng, đã reo to, đột ngột:
- A! tới nhà mình rồi đó!
Còn nhà mình ở đây từ hồi xửa xừa xưa, thuở mẹ mới về làm dâu họ Nguyễn,
Sao bao năm Người chẳng mấy luyến lưu?
Chẳng thương ba gốc hồng xiêm ngóng mong cụ chủ… sớm chiều?!

               ***
Cái ngày mẹ phải… đi xa!...
Con thầm mong:
kéo dài ra mãi mãi…
Cầu mẹ qua 95,
rồi sẽ tròn trăm năm – bách tuế.
Cả đời mẹ khổ,
ắt Trời thương, ban: đại thọ!

Cho con chậm phải mồ côi,
khi chưa bạc trắng đầu!

Chiều 1 – 4 – 2015. ĐV



2. SÔNG ĐÀO,

BÈO DẠT VỀ ĐÂU?!...

Tặng LD – TN


Chảy qua đầu nhà, sông Con ngắc ngoải,
Ngày xưa trong xanh, bây giờ tanh thối!
Chiều chiều, chăn bò, cắt cỏ rệ sông,
Vó bè kẽo kẹt…
                         - Cậu còn nhớ không?

Sáng xuân mưa phùn, ngó mông cửa cống,
Nhái giọng Phong châu, ngâm sổng*: Bầm ơi!*

Mưa phùn ướt áo tứ thân,
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Mưa sũng chân trâu bẻ ngọn thầu dầu,
Trệu trạo nhai nhai, cỏ hầu trụi húi,
Tha thẩn trên lưng, kìa con sáo sậu
tìm mòng, ve lẩn núp dưới chòm lông.

Sông Đào bình yên, ru tuổi êm đềm,
Chơi trò nú tìm vườn thông reo, gió lộng,
Sẫm chiều, nghễu nghện
cưỡi thanh ngưu đủng đỉnh qua cầu,
Cống 5 ô vừa mở cửa:
bọt, sóng cuộn tung ngầu.

Trâu hư, phá vườn lang,
bị bắt, cọc góc lò Chum Chĩnh,
Hớt hải bổ tìm, mặt xanh đít nhái,
Kiếm cái mo dầy, áp sẵn vào mông,
tối chịu trận no đòn,
Nhất quỷ, nhì ma,
thứ ba, chính thị mục đồng!

Hiu hiu dòng sông,
đuỗn đuồn, bơ thờ, ngơ ngác,
Laị từ cống 2, ngó lên  cống 1:*
Liên Mạc – Cầu Sông, lén cắt cỏ bốt, hãi ông Bàn!*
Tắm trưa, nhảy cầu, đùa nhảm, oang oang!...

Mùa nước cạn,
chui vào lòng cống bắt chạch, trai,
Có con ngạnh hoẻn xiên bắp tay, nhói máu,
Hòa phù sa ngấn nâu cằm, mát lạnh,
Chang chang, bóng gạo đổ chân cầu!

Nơi ấy: một sáng xuân nao,
tình cờ gặp cô em lung liếng mắt bồ câu, le te gánh mạ,
- Chào bác Đô đủng đỉnh dong bò cày bừa tận xứ Đồng Vườn, Cửa Trẹm,*
Lối qua cầu, nay ngàn ngạt ô tô, xe máy,
Cát bụi bay lầm như khói bom…

Ngã ba sông Nhuệ - sông Hồng, ta từng phụ thợ lặn,
Tháng bẩy nước cường, hì hụp, thông trưa…
Ngả ngốn nằm ngơi, dưới bóng rừng phi lao rười rượi,
Mơ về em, vời vợi mảnh yêu đầu!...

Ơi khúc sông quê âm thầm, uể oải,
Phạc phờ, xám đen, hom hem, hấp hối!...
Còn trí – hồn ta:
lay lứt cánh bèo,
Biết dập dềnh, trôi nổi,
Dạt về đâu?!...

           
            * Sông Đào, sông Con được các nhà thầu Pháp khởi công thi công năm 1924, nối sông Hồng với sông Nhuệ. * Bầm ơi! (Tố Hữu, 1947), ngâm sổng: một lối ngâm thơ trong các vở chèo. * Đồng Vườn, Cửa Trẹm: tên những cánh đồng làng Trèm. * Cống 5 ô: cống Liên Mạc – Cầu Sông (cống 1): cống có 5 ô; 1 ô lớn (âu thuyền) còn gọi là cống cái, rộng đủ để thuyền, bè đi qua. 4 cống con. Các cống đều có cánh sắt nặng, mở, đóng bằng tời quay tay và chạy điện. Cống được xây dựng từ năm 1924.   Nữ KTS người Pháp thiết kế. Cống 2: Cống Thụy Phương, được xây dựng khoảng hai chục năm trước đây, cách cống 1 khoảng 700m về phía hạ lưu để chia sẻ lưu lượng nước từ cống 1. * Ông Nguyễn Văn Bàn (đã qua đời), một trong những công nhân trông nom, bảo vệ Cầu Sông – cống Liên Mạc (1)


Chiều mát, đêm 2 – 4 – 2015. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...